Mời ôn lại một chút lịch sử nước Nam.
SÔNG BẠCH ĐẰNG
Bạch Đằng Giang thuộc thôn Tràng Kênh, xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng. Nơi đây cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20km về hướng Đông Bắc và cách Hà Nội khoảng 124km.
Sông Bạch Đằng nằm giữa thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Con sông có chiều dài 32km với hệ thống sông ngòi dày đặc cùng với địa hình núi non hiểm trở rất thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ Quốc gia.
Di tích lịch sử Bạch Đằng gồm:
Cọc Yên Giang
Bãi cọc này được phát hiện vào năm 1953, nằm ở cửa sông Chanh (một nhánh của sông Bạch Đằng), có hình chữ nhật dài khoảng 120 m, chiều rộng khoảng 20 m. Các đợt khai quật vào các năm 1958, 1969, 1976, 1984, 1988 cho thấy cọc ở đây đề là gỗ lim, còn nguyên vỏ, dài 2,6–2,8 m, đường kính 20–30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn để cắm xuống lòng sông dài 0,5–1 m, khoảng cách trung bình giữa các cọc là 1 m.
Cọc đồng Vạn Muối
Bãi cọc này nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên được nhân dân Quảng Yên phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao. Quá trình khảo sát và khai quật năm 2005 cho thấy những cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7–10 cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25–30 cm. Tuy nhiên, mật độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40–60 cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10–30 cm[4]. Một số cọc đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Hải Phòng. Hiện nay, bãi cọc nằm trong khu vực đầm nuôi thủy sản và ruộng canh tác của phường Nam Hòa.
Cọc đồng Mã Ngựa
Đây là bãi cọc thứ ba tại thị xã Quảng Yên, nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng nam thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa. Bãi cọc có chiều dài 70 m, rộng 30 m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6–22 cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành.
Cọc Cao Quỳ
Cọc Cao Quỳ gồm 27 cọc gỗ có niên đại từ thời nhà Trần được người dân phát hiện tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Các cọc có nhiều kích thước, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, có cọc đường kính từ 37-40cm; đều làm bằng gỗ sến nhựa và lim.
Bãi cọc này nhằm ngăn chặn chiến thuyền quân Nguyên Mông đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, buộc quân Nguyên Mông đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc ngầm được bố trí sẵn khiến cho các chiến thuyền của giặc bị nhấn chìm.
Sự kiện này chấm dứt cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.
Như vậy, bãi cọc có liên quan đến 3 trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử: năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán; năm 981 Lê Đại Hành đại thắng quân Tống và năm 1288 Trần Hưng Đạo đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công hào hùng của dân tộc Việt Nam:
Trận thủy chiến sông Bạch Đằng của Ngô Quyền vào năm 938 dẹp yên quân xâm lược Nam Hán.
Trận thủy chiến sông Bạch Đằng của vua Lê Đại Hành vào năm 981 đánh thắng quân Tống.
Trận thủy chiến sông Bạch Đằng do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo vào năm 1288 đánh tan quân Nguyên.
Ngô Quyền
Trận Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh giữa quân dân nước Việt do Ngô Quyền lãnh đạo đánh với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Kết quả là người Việt giành thắng lợi lớn nhờ kế sách cắm cọc nhọn dưới lòng sông Bạch Đằng của Ngô Quyền. Trước sự chiến đấu dũng mãnh của người Việt, quá nửa quân Nam Hán chết đuối, Hoàng tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo cũng tử trận. Đây là một trận đánh quan trọng trong lịch sử Việt Nam, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Sau chiến thắng này, Ngô Quyền lên ngôi vua, tái lập đất nước. Ông được xem là một vị "vua của các vua" trong lịch sử Việt Nam. Đại thắng trên sông Bạch Đằng đã khắc họa mưu lược và khả năng đánh trận của ông.
Lê Đại Hành
Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) sinh năm 941 tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Vốn là người trí dũng, Lê Hoàn được Đinh Tiên Hoàng giao cho cai quản hàng ngàn quân sĩ. Năm 971, ông được thăng lên chức võ quan cao nhất là Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ của triều Đinh, ông cho xây thành Bình Lỗ, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông dựa vào địa thế hiểm trở của sông Bạch Đằng.
Mùa xuân năm 981, bốn vạn quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thuỷ đánh chiếm nước ta. Đứng trước vận mệnh nguy nan của đất nước, triều đình suy tôn Lê Hoàn làm vua, lập nhà Tiền Lê năm 980. Lê Đại Hành thân chinh làm tướng cầm quân, cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân địch, Hầu Nhân Bảo trúng kế đuổi theo,lọt vào trận địa mai phục, Hầu Nhân Bảo bị giết chết, quân Tống bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta. Đại thắng Bạch Đằng năm 981 khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của Lê Đại Hành, xuống nước công nhận ông là vua của Đại Cồ Việt.
Trần Hưng Đạo
Trần Hưng Đạo (1228 – 1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời nhà Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam đã áp dụng thành công chiến thuật của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân Nguyên Mông do các tướng Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi chỉ huy trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Đền thờ Trần Hưng Đạo tọa lạc trên một doi đất cổ bên sông Bạch Đằng. Đền gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo và một số hiện vật khác.