Dư luận Việt Nam trong hai ngày qua đã xôn xao trước những lời kêu gọi Chủ Tịch Nước Việt Nam Võ Văn Thưởng ra lệnh ngưng tử hình tử tù Nguyễn Văn Chưởng, người mà theo dự kiến sẽ bị tử hình vào những ngày sắp tới. Trong những lời kêu gọi đó có lời kêu gọi của Luật Sư Lê Văn Hòa, người mà vào năm 2013 đã được Trưởng ban Nội chính Trung Ương Đảng giao kiểm tra lại các vụ án có kêu oan, cùng dân biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH khóa 14, và nhà báo Nguyễn Đức- Biên tập viên Báo Pháp Luật TP.HCM. Được biết rằng luật sư Lê Văn Hòa sau khi được giao trách nhiệm kiểm tra những vụ án xét xử oan, ông đã có văn bản gửi cho các cơ quan TW khẳng định rằng tử tù Nguyễn Văn Chưởng vô tội.
Xem bản Huyết thơ và hình ảnh cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chương cùng với gia đình của ông khẩn tốc kêu oan và xin lãnh đạo cộng sản Việt Nam cho ngưng thi hành bản án tử hình để có thời gian xem xét lại bản án dành cho ông Chưởng, người đọc đã không thể không xúc động.
Cuộc đời này có lẽ không ai hiểu con mình hơn là cha mẹ, cũng như người vô tội sẽ không thể chấp nhận cho bản thân trở thành kẻ có tội. Do đó khi cả người bị kết án cùng với cha mẹ mình một mực đi kêu oan trong suốt 16 năm qua, tức là đâu đó tự thân bản án đã có vấn đề. Bản án cần phải được xem xét lại. Trong trường hợp tòa án tại Việt Nam thì vấn đề lại càng trở nên nghiêm trọng khi hệ thống xét xử tại Việt Nam đã đang được giao vào tay những kẻ “hồng hơn chuyên”, không có kiến thức, thiếu lương tâm. Trước những sự ép cung của công an và sự xét xử thiên vị, thiếu khoa học của những quan tòa phong bì, đầu óc một chiều và thiển cận, thì xác xuất xét xử vô trách nhiệm đã có nhiều phần đã xẩy ra như trong trường hợp vụ án Cầu Voi của tử tù Hồ Duy Hải.
Câu nói “Luật pháp trong miệng tao” của một anh công an nói với nhà đối kháng Lê Chí Quang trong quá khứ vừa sỗ sàng vừa thiếu văn minh vừa đáng buồn, nhưng nó lại là thực tế của một chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam trên đất nước. Nhớ đến những ngày ngay sau năm 1975, một tên cộng sản vì thích bạn gái của anh tôi nên đã bắt anh tôi đi mất tích mà không để một dấu vết nào để chỉ ra anh tôi đã bị giam ở đâu. Ngoài ra tên này còn cho công an đến cầy xới nhà mẹ tôi lên để truy tìm bằng chứng là anh tôi đã đi ăn cướp. Chúng đã lấy đi từ nhà mẹ tôi một vài bằng chứng như đôi dép nhật của anh tôi dính bùn vì đi mưa cũng như bàn đánh máy chữ và những vải vóc mẹ tôi đã mua để cho họ hàng ngoài Bắc. Em trai của mẹ tôi là Bí thư một Quận cũng không thể truy ra anh tôi bị giam ở đâu. Cho đến khi mẹ tôi nhờ đến một ông trong BCT cộng sản giúp tìm hộ thì ông ấy đã trả lời: “Chị sinh con nhưng chị không sinh lòng của cháu. Cháu có thật sự ăn cướp thì chị cũng không biết được.” Mẹ tôi khi đó đã nói với ông ấy rằng mẹ tôi sinh anh tôi và hiểu được tâm tính của anh tôi như thế nào. Bà sau đó đã mời ông ấy ra khỏi nhà mẹ tôi. Và lạ kỳ, chỉ trong vài tiếng sau, công an phường đã qua nhà yêu cầu mẹ tôi đi theo họ để đón anh tôi về. Câu chuyện nhỏ nhoi này tuy nhiên đã khởi đầu trong sự làm thay đổi cái nhìn của tôi về chế độ toàn trị và sự nguy hiểm của việc dùng người “hồng hơn chuyên” trong hệ thống cộng sản. (Tôi trước đây là một con người ngây ngô đã từng tin tưởng nơi lý thuyết “cao đẹp” của thiên đường cộng sản rằng đất nước Việt Nam ta đang đi tới một xã hội công bình không có giai cấp và sẽ không có người nghèo, mọi người đều bình đẳng trong sự yêu thương. Người già, người khuyết tật và phụ nữ đông con sẽ được xã hội giúp đỡ, đùm bọc...)
Kết luận, tôi không biết rõ về vụ ông Nguyễn Văn Chưởng, nhưng với sự kêu oan liên tục suốt 16 năm qua của ông Chưởng và cha mẹ của ông đã cho tôi tin rằng đã có sự sai xót trong vấn đề tuyên án. Tôi đồng ý với lời kêu gọi lãnh đạo Việt nam hãy cho ngưng việc thi hành bản án và cho xét xử lại, trước khi lấy đi tính mạng một con người trong sự oan ức thấu trời xanh.
Tuệ Vân
Ngày 6 tháng 8, 2023