Vài tuần trước đây trong một dịp lái xe chở mẹ đi công việc, cậu con trai út của tôi đã hỏi: “Nếu có dịp quay trở về quá khứ, mẹ nghĩ gì về những tháng ngày cũ lúc nào cũng bận rộn đấu tranh cho đất nước Việt Nam? Mẹ có khi nào hối tiếc vì đã đánh mất năm tháng của mẹ trong tổ chức đấu tranh Kháng chiến? có khi nào mẹ nghĩ về chúng con, và rằng ít nhiều mẹ đã đánh mất thời gian cho chúng con trong những ngày tháng đó?” Trong nỗi cảm xúc khi dõi tìm về suy nghĩ của những ngày tháng cũ, tôi nhớ tôi đã nói với cậu út rằng: “Những gì mẹ đã làm trong quá khứ cũng như hiện tại là lý tưởng của mẹ, và mẹ không hối tiếc về những điều đã làm. Có đáng trách hay không, là vào thời điểm 23 năm trước trong quá khứ đó, mẹ đã không biết cân bằng giữa thời gian làm việc cho lý tưởng với tình yêu dành cho các con. Nhưng cũng chính vì vậy mà sau thời gian 23 năm đam mê trong lý tưởng đấu tranh kháng chiến, sau khi tổ chức MTQGTNGPVN giải thể, và sau sự chia tay với một số chiến hữu trong tổ chức vì bất đồng quan điểm trong phương thức đấu tranh cho đất nước vào năm 2005, mẹ đã nhìn lại quãng đường đã đi, đã cùng bác sĩ Trần Xuân Ninh, luật sư Hoàng Cơ Long và một số các chiến hữu khác tách sang con đường đấu tranh căn bản cốt lõi của Mặt Trận cho dân tộc. Cũng từ đó mẹ đã biết cân bằng giữa thời gian đấu tranh và gia đình. Với trái tim người mẹ, mẹ đã đền bù những gì mẹ đã thiếu sót, để các con trở nên những người hữu dụng cho xã hội như ngày nay.” Cậu con nhìn sang tôi mỉm cười. Cậu nói: “Con hỏi chỉ để biết mẹ nghĩ gì về kháng chiến ngày xưa và đấu tranh hiện tại. Con không trách cứ, mẹ lúc nào cũng là mẹ, con yêu mẹ, hễ mẹ vui là con vui.”
Cậu con trai út của tôi năm nay 34 tuổi nhưng lúc nào cậu cũng thế, vui vẻ, hào phóng và tình cảm. Chẳng thế mà nhóm bạn Việt Nam mà cậu chơi, ai cũng quý mến và thân thiết với cậu. Cậu cần gì, ai cũng có mặt và hỗ trợ cậu nhiệt tình. Cậu con trai tôi và các bạn cậu đều là những thanh niên Việt Nam có trình độ, có tay nghề, có công việc vững chắc, ổn định tại các hãng xưởng lớn tại Hoa Kỳ. Đa số các cậu đều sinh trưởng tại Mỹ, nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt, nhưng tất cả đều rất ngoan và lễ độ. Các cậu đều trong độ tuổi 30 tới 35. Có một lần có một cậu bạn con tôi đã gõ cửa phòng tôi và bảo: “con thấy cô luôn ở trong phòng. Nếu cô cần gì, muốn ăn gì thì cô cho con biết, con sẽ gọi đem đến cho cô nhé.” Tôi đã bật cười, cám ơn cậu và thầm nghĩ bạn của con tôi sao dễ thương quá.”
Trong cuộc đời đấu tranh, tôi rất gần gũi và yêu thương tuổi trẻ. Ngày xưa khi hoạt động đấu tranh cách mạng trong cộng đồng, tôi đã từng hướng dẫn cho Đoàn Thanh Niên Việt Nam Tự Do (ĐTNVNTD) với các thanh niên trẻ trong lứa tuổi từ 15 đến 18 về tinh thần dân tộc. Ngày đó rất vui, ĐTNVNTD đi đến đâu cũng nhận được cảm tình và sự hỗ trợ từ phụ huynh trong cộng đồng Việt Nam ở Houston. Nhờ đó mà Bản Đặc San của ĐTNVNTD đã luôn có số dương trong quỹ để thực hiện việc in ấn và phát hành bản tin mỗi tháng. Cạnh đó, ĐTNVNTD cũng có thể tổ chức được những buổi sinh hoạt thể thao, văn nghệ giữa các bạn trẻ cũng như sinh hoạt văn nghệ mang đến tình tự quê hương tại các trường Đại Học.
Hình ảnh tuổi trẻ trong tôi đến từ sự trong sáng, hướng thượng của những sinh viên Việt Nam trong đội ngũ của Ban đại diện Sinh Viên, Phân Khoa Quản Trị Kinh Doanh và Kinh Tế Gia Vụ (Học Viện Regina Pacis) trước năm 1975. Thập niên 70s, đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh, rất là khó khăn cho chúng tôi những người còn trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm hoạt động để có được danh sách Ban đại diện sinh viên được chính quyền phê nhận, nhưng chúng tôi cuối cùng cũng đã tranh đấu được, để có thể tổ chức một buổi Đại Nhạc Hội kết hợp giữa Cứu Trợ Bão Lụt Miền Trung với sự ra mắt của Ban Đại Diện Sinh Viên Trường Regina Pacis với các Đại Học khác tại Sài Gòn lúc bấy giờ, thay vì chỉ được nhìn thấy như là trường Bà Sơ.
Hình ảnh của tuổi trẻ trong tôi đã được thấy qua hình ảnh của những người trẻ hải ngoại Việt Nam trên toàn thế giới. Những thanh niên sinh viên Việt Nam tại hải ngoại mà đã đứng lên cùng nhau tham gia các phong trào đấu tranh chính trị và cách mạng cho đất nước vào các thập niên 1980s, 1990s. Họ là những người trẻ với hào khí tiền nhân, mang tâm trạng “Làm Ngơ Không Đành” trước những thảm trạng của các thuyền nhân vượt biển, của đồng bào Việt Nam tại nước nhà đang sống đau thương dưới ách thống trị của Cộng Sản Việt Nam.
Hình ảnh của tuổi trẻ trong tôi là những thanh niên Việt Nam tại hải ngoại đang phát triển trong các vai trò lãnh đạo tại các cấp, trong các hãng xưởng, trong chính quyền liên bang, tiểu bang tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng những người trẻ này một mai khi đất nước có tự do dân chủ có tam quyền lập pháp, họ sẽ là một trong những nhân tố chính đem kiến năng và tài trí về góp một bàn tay kiến tạo lại đất nước, qua những chương trình hướng dẫn, huấn luyện tay nghề, chuyển giao kiến thức cho những người trẻ ở quê nhà. Tôi đã có lần hỏi thử, nếu một mai Việt Nam có tự do dân chủ, các cậu có thể dùng những tuần lễ nghĩ của mình để trở về Việt Nam, cùng huấn luyện tay nghề và chuyển giao kiến thức cho các bạn trẻ trong nước hay không? Các cậu đều cười và trả lời “tại sao lại không!”
Hình ảnh của tuổi trẻ trong tôi là những người trẻ tại nước nhà, đã và đang tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ của dân tộc từ những thập niên 80s cho đến nay, 2023. Những người trẻ này, giai đoạn nào cũng xuất hiện cho dù đã có bạn phải vào tù, nhưng rồi sau đó lại có người khác đi lên. Những người trẻ này với sự thôi thúc bởi lý tưởng dân tộc cho nên đã không biết sợ hãi và đã không ngừng tiến tới đối đầu cùng bạo lực. Họ là những con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, của Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, vân vân.
Việt Nam là một dân tộc với lịch sử đấu tranh không ngừng nghỉ, cho hạnh phúc, sự độc lập và phú cường của đất nước. Đấu tranh cho dân tộc không phải là bổn phận của riêng ai. Nó thuộc về toàn dân Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể nào độc quyền lãnh đạo đất nước mãi mãi nhân danh vai trò lịch sử đảng, Cái gọi là vai trò lịch sử này không thể kéo dài mãi mãi khi mà đảng không thể chu toàn nhiệm vụ làm cho dân giầu nước mạnh. Ngày nay, tuy đảng nắm quyền nhờ sức mạnh trấn áp dựa vào phương tiện ngoại bang qua những biện pháp buôn dân bán nước, nhưng đảng đã phải biến thái để giải quyết những bất cập hầu cố gắng bám lấy quyền lực. Trong thời toàn trị đụng vào đảng viên cán bộ các cấp là đụng vào đảng và sẽ bị trừng trị không khoan nhượng. Nhưng trong biện pháp chạy chữa bằng biến thái ngày nay, đảng viên và cán bộ các cấp không còn là đồng nghĩa với đảng. Do đó người ta đã thấy những truy tố thanh lọc các cấp chức quyền, bất kể cao hay thấp, dưới các tội danh khác nhau như tham nhũng, lạm quyền… vân vân tùy trường hợp. Hiểu rõ bản chất của thực tế đất nước là như vậy, người dân sẽ không còn đơn giản nghĩ giải quyết vấn đề đất nước là giải quyết tham nhũng. Cũng sẽ không còn mơ hồ hoang tưởng về một lật đổ nhanh chóng toàn diện hệ thống quyền lực, nhưng sẽ hiểu rằng đấu tranh phải diễn ra kiên trì ở từng người, từng địa bàn liên hệ. Nhỏ thì trong cuộc sống hàng ngày phản đối những lạm dụng, trấn áp cá nhân trong sinh hoạt đời thường, với tinh thần “mỗi người là một pháo đài, mỗi nhà là một chiến khu”. Vừa vừa thì như vụ Đồng Tâm ngoài Bắc, vụ Formosa ở Hà Tĩnh. Lớn thì như chúng ta đã thấy trong nhiều miền đất nước khi lãnh đạo đảng CSVN chủ trương thiết lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú quốc bán nước 99 năm cho Tầu.
Tuệ Vân
(Tháng tám 2023 hướng về Đông Tiến)