Không thể nào hiểu được.
Từ xưa, ở cả Ta, Tàu, Tây, một tử tù ngay cả khi đã bị đưa ra pháp trường và kê đầu vào máy chém nhưng nếu đột ngột phát hiện ra người ấy bị oan thì lập tức phải dừng hành hình và được cứu sống. Đó là cái lẽ thường mà hễ cứ là con người thì tất yếu làm thế.
Nay một người là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp mà khẳng định: “Vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng hết đường kháng nghị”, không thể hiểu nổi trên đời lại có thứ luật như thế.
Mà xin nói, không phải chỉ đối với người đang bị đưa ra pháp trường đâu, ngay cả người đã chết oan rồi nhưng sau đó mới phát hiện ra “sai sót” thì triều đại sau, chính quyền sau vẫn sẽ phải chuộc lỗi mà thực hiện sự minh oan cho họ kia mà? Ai còn nhớ Nguyễn Trãi với cái chết tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên sau đó được vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết? Ai còn nhớ Phan Thanh Giản? Năm 1868, triều đình Huế đã xử trảm ông (nhưng vì cụ đã chết nên không cần thi hành nữa), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Năm 1886, tức là 18 năm sau khi chết, ông được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ.
Chết rồi mà còn thế, huống chi là người còn sống nhưng phát hiện “sai sót”, mà lại vẫn để cho chết?
Tư duy pháp luật của ông Nguyễn Văn Hiện hay của nền tư pháp nói chung, thú thật, nó vượt ra khỏi sự hiểu biết, lương tri và cái lẽ thường tình mà không đâu trên trái đất này có thể hiểu được. Tôi xin được bày tỏ lòng kinh ngạc tột độ với các vị.
Luật sai thì phải sửa luật chứ, chứ sao lại "hết đường"? Biết sai mà vẫn làm thì có khác gì cố ý giết người?
*** Nhà giáo Thái Hạo