Nghe chó sủa khuya, thấy não nề
Nhắc đời đất khách kéo lê thê
Ta vì thảm họa miền Nam mất
Sống chẳng còn quê, thác chẳng về
(Trần Xuân Dũng)
Trong làng văn chương ở hải ngoại. Độc giả, những người yêu thích văn chương, đặc biệt là độc giả Úc Châu, ít nhiều gì cũng đã nghe biết đến, hoặc đã đọc những tác phẩm của tác giả bác sĩ - nhà văn Trần Xuân Dũng.
Bác sĩ Trần Xuân Dũng, ngoài đời sống thường nhật là một bác sĩ đa khoa ra, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, một nhiếp ảnh gia, với một niềm đam mê đặc biệt giành riêng cho môn nghệ thuật này. Phải chăng bốn yếu tố trên trong con người đa tài của ông, đã góp phần tạo nên những tác phẩm nổi cộm của nhà văn Trần Xuân Dũng?
Ông Trần Xuân Dũng viết không có nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của ông đều để lại trong lòng độc giả những ấn tượng khó quên của từng mốc thời gian, của từng bối cảnh, từng sự kiện đặc biệt, đã được ông trình bày trong tác phẩm của mình. Sống Chẳng Còn Quê, là tác phẩm sau cùng của ông được xuất bản vào năm 2018. Đối với nhiều độc giả thì, Sống Chẳng Còn Quê có thể được coi như là một cuốn hồi ký của chính tác giả. Điều này không sai, nhưng hơn thế nữa, Sống Chẳng Còn Quê là một tác phẩm được viết rất đặc biệt, nhà văn Trần Xuân Dũng đã lấy chính cuộc đời mình, gia đình mình, trải dài theo từng năm tháng, theo dòng lịch sử của đất nước, để hình thành nên một tác phẩm hồi ký - lịch sử, được hiểu đúng nghĩa theo dạng “ Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử “ lịch sử Việt Nam cận đại đã được nhà văn Trần Xuân Dũng thể hiện lại qua hồi ký - Sống Chẳng Còn Quê.
Quy luật tuần hoàn của tạo hoá - Sinh - Lão - Bệnh - Tử không chừa một ai. Sau một thời gian dài mang bệnh phổi, bác sĩ - nhà văn Trần Xuân Dũng đã mất vào ngày 30/5/ 2023 tại Melbourne hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ sẽ được cử hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 13 tháng 6 năm 2023 tại Le Pine - White Lady Funerals - Kew East 741 High Street - Kew East Vic 3012. Ông mất đi, nhưng ông đã để lại một lập trường rất rõ ràng, dứt khoát: “ Sống Chẳng Còn Quê, Thác Chẳng Về “. Sống mà chẳng còn quê, sống mà chẳng còn đất nước ( bị cộng sản cai trị ) thì có chết cũng không quay về. Xin mượn bài viết này để thắp lên nén hương tưởng niệm ông, kính cầu nguyện cho linh hồn ông sớm về cõi Phật. Vĩnh biệt ông bác sĩ - nhà văn Trần Xuân Dũng.
Vạn vật trên đời đều mang chữ duyên mà ra cả, qua biến cố mất mát của gia đình bác sĩ - nhà văn Trần Xuân Dũng, chúng tôi lại có duyên may gặp lại bác sĩ Trần Xuân Ninh, bào huynh của bác sĩ Trần Xuân Dũng. Được tin bào đệ của mình qua đời, bác sĩ Trần Xuân Ninh đã từ Mỹ bay sang để cùng gia đình tham dự tang lễ bác sĩ Trần Xuân Dũng. Nhận được tin này, các đồng nghiệp của ông từ Brisbane đã cố gắng thu xếp để ông có thể từ Melbourne bay lên Brisbane để gặp lại bạn hữu năm xưa, chỉ trong vòng ngày thứ Bảy 10/6, rồi lại phải bay về Melbourne cùng gia đình. Tôi đã gặp lại ông trong cái duyên hội ngộ này.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh với tôi ngoài là người chiến hữu, người lãnh đạo ra, và hơn hết ông là một người thầy, người đã chỉ dẫn cho tôi, là động lực cho tôi (nhập giòng). Ở nơi ông, tôi tìm thấy một nhân cách lớn, một trí thức yêu nước, không màng đến danh lợi, mặc dù ông là một chuyên gia giải phẫu đại tài và nếu ông muốn, ông có thể sống cuộc đời an nhàn, sung túc, của một bác sĩ chuyên gia. Ông đã bỏ qua tất cả, chỉ mang theo mình tấm lòng yêu nước, ông đã (nhập giòng) ngay từ những ngày đầu rời xa tổ quốc, ông đã đi khắp nơi để rao giảng chính nghĩa quốc gia, mưu cầu đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc. Đối với ông, chỉ có Quốc Đạo, đạo tổ quốc là trên hết.
Vẫn với cái ôm chặt nồng ấm như mọi lần khác trước đây, gặp lại nhau trong tình thân như người trong gia đình, ông vỗ lưng tôi hỏi thăm bịnh tình có tiến triển tốt hơn hay không? Những cử chỉ ân cần của ông tạo nơi tôi niềm cảm xúc rạt rào. Nhận xét đầu tiên của tôi về ông so với lần gặp nhau cách đây bốn năm thì ông vẫn vậy, tuy dáng vẻ có hơi chậm lại đôi chút, giọng nói có hơi yếu đi, nhưng thần thái thì vẫn đỉnh đạc, vẫn với cái nhìn, nhận định xuyên suốt. Tôi thầm mừng cho ông, người ở vào cái tuổi 87 như ông.
Giữa những thân hữu và bạn bè của ông, tôi đã không kềm hãm được cảm xúc của mình, tôi đã bật khóc khi nghĩ rằng, đây có thể là lần cuối cùng cá nhân tôi, và bạn bè, thân hữu của ông được gặp lại ông, sợ rằng sẽ khó có cơ hội được gặp lại ông. Ông cũng đã cảm động rơi nước mắt, cho biết rằng. Hãy đến với nhau bằng chân tình, bằng tấm lòng, rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau. Ngụ ý rằng, chúng ta sẽ gặp nhau ở một điểm trước trước mặt, đó là tổ quốc Việt Nam, cho dù chúng ta có ở nơi đâu. Không khí trong phòng như chùng xuống sau lời của ông.
Chúng tôi đã dùng cơm trưa thân mật với nhau, sau đó từ giã bác sĩ Trần Xuân Ninh, để ông còn bay về lại Melbourne cho việc tang chế trong gia đình. Ôm chặt lấy ông, tôi chúc ông thượng lộ bình an, lòng thầm cầu mong ơn trên gìn giữ ông, ban cho ông thêm sức khỏe.