Trong bài viết trước, tôi đã giới thiệu với bạn ta bài viết “Độc Hành Tìm Xác Bạn” của Lê Thiệp, khi cậu và bạn cùng theo đoàn quân vào chiến địa An Lộc. Cậu đã gặp và trải qua những hiểm nguy, trong tình trạng sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Lần này, cũng thế, cậu cũng cùng theo đoàn quân và gặp một việc khá “trúc trắc” khiến cậu khó xử: “Tù Binh”.
….
Theo bác Google thì
“Đạo luật về tù binh khác nhau ở từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, dưới đây là những quy định cơ bản về đối xử với tù binh theo Luật Quốc tế nhân đạo (Geneva Convention) và Luật Quốc tế về quyền con người:
1. Tù binh phải được đối xử một cách nhân đạo, không bị tra tấn, hành hình, hay bắt buộc làm việc khổ sai.
2. Tù binh phải được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe và có điều kiện vệ sinh sạch sẽ.
3. Tù binh không thể bị giết hại, tra tấn, hay bị đối xử một cách tàn bạo.
4. Tù binh có quyền được trao đổi với nhau và liên lạc với gia đình bên ngoài.
5. Tù binh phải được tôn trọng tôn giáo và tín ngưỡng của mình.
Các quy định này được áp dụng cho tất cả các tù binh, bao gồm cả những người bị bắt giữ trong các cuộc xung đột và chiến tranh.
Nếu có bất kỳ hành vi xâm phạm đến quyền lợi của tù binh, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự”.
….
Cậu Thiệp gặp “trúc trắc” và cách giải quyết của Tư Lệnh Chiến Trường thế nào, xin bạn ta đọc hết bài dưới đây thì sẽ rõ.
Vũ Đăng Khuê
————————
Tù Binh
Lê Thiệp
Đại úy Đại Đội Trưởng trải tấm bản đồ hành quân trên chiếc bàn gỗ xộc xệch ở sân ngôi chùa đã xập một mái, đưa cây bút mỡ khoanh tròn nói:
- Tụi tôi đang ở đây. Chỗ này là Cổ Thành Quảng Trị, cách đây hơn mười cây số. Ông thấy đây là quốc lộ 1 chứ gì. Thủy Quân Lục Chiến đánh dọc bờ biển phía bên Hải Lăng. Tụi tôi thì ở phía Tây quốc lộ, men theo dãy Trường Sơn.
Tôi gật đầu nhìn tấm bản đồ bọc ni lông đầy vạch xanh vạch đỏ ngang dọc bằng bút mỡ. Viên đại úy hỏi:
- Ông là nhà báo đầu tiên đi xuống tận đại dội tôi và đã lặn lội với tụi tôi mấy ngày rồi, may là chưa đụng lớn chỉ ăn pháo lai rai. Nhưng ông là dân chơi thì cứ ráng chờ vài ngày khi đến gần Cổ Thành là biết nhau ngay. Tôi thấy mấy ông nhà báo khôn thấy mẹ không chịu đi sát xuống mặt trận, chỉ toàn ở bộ tư lệnh hay ngon lắm là xuống đến tiểu đoàn.
Tôi mỉm cười trước lời phát biểu. Thật ra đi xuống các đơn vị xung kích cỡ cấp đại đội để hành quân thường chỉ để thỏa mãn tính tò mò hoặc nói theo ngôn ngữ báo bổ thì chỉ để thỏa mãn “thú tính” vì chỉ ở bộ tư lệnh mới nhìn được toàn bộ tình hình chiến trường và nhất là có nhiều nguồn tin để khai thác. Xuống sâu hơn chỉ thích hợp với các ông phóng viên săn hình về bán cho báo Mỹ. Tôi gặp ông đại úy này ở bộ tư lệnh và nhận bà con vì cùng học Nguyễn Trãi với nhau, chỉ có điều ông học sau tôi ba bốn lớp gì đó. Ông rủ và tôi cũng muốn thử nên đã lặn lội với đại đội bốn hôm, hi vọng có gì để viết chăng. Đúng lúc đó một trung sĩ tới cho hay vừa bắt được một tù binh. Vừa nghe báo cáo, người đại úy văng tục:
- Đù mẹ, lại một thằng nhóc nữa phải không? A, dẫn nó tới cho ông nhà báo phỏng vấn đi. Ông viết một bài phỏng vấn tù binh tại mặt trận thì hết xẩy, bõ công đi với tụi tôi nhá.
Tôi cười và ngay sau đó đã thấy tù binh. Người lính chính qui Bắc Việt quần áo bèo nhèo ướt sũng, nhiều vệt bùn bết trên hai ống quần. Anh ta đi chân không, dáng thiểu não giữa hai người lính giày saut áo ngụy trang, một cảnh tượng tương phản đến khó chịu. Đại úy chỉ chiếc ghế đẩu bảo:
- Ngồi xuống đi cho ông nhà báo hỏi chuyện — và ông quay sang tôi nói — Ông muốn hỏi gì thì hỏi nhưng nhớ viết rõ là tù binh bắt được dẫn ngay đến cho ông quay, không hề có chuyện dàn cảnh trước đâu nha.
Tôi đã có nhiều dịp nói chuyện với người lính bên kia, già có trẻ có. Kinh nghiệm cho thấy rất khó khai thác, vì họ chẳng có gì để nói ngoài một lập trường cứng nhắc rất phổ quát và chẳng có chút kiến thức nào ngoài những điều đã được học tập dạy dỗ, mười người như một tất cả một giọng như nhau. Quả nhiên như dự đoán, tù binh Trần Văn Ngọc đang học lớp mười, chưa quá 17 tuổi thì được gọi đi nghĩa vụ quân sự, được học bắn AK hơn hai tuần, sau đó được điều vào bổ sung cho chiến trường Quang Trị. Anh ta gọi tôi bằng ông xưng con. Tôi không muốn anh ta mất tự nhiên nên cứ để anh ta xưng ông con cho thoải mái. Hôm anh lên đường đi B, nhà anh được phát hai ký đường Cuba, một cân thịt lợn và hai mươi cân gạo. Khi nghe giọng, tôi nhận ra anh là người Sơn Tây nên hỏi:
- Thế anh là người Hà Tây phải không?
- Con ở làng Nủa huyện Quốc Oai. Sao ông biết con người Hà Tây? Hẳn nào trông quen quen.
Mấy người lính đứng xung quanh cười ồ cả lên.
Đại úy chửi thề:
- Mẹ, cái thằng láu cá, thấy người sang bắt quàng làm họ. Ông nhà báo hỏi kỹ có khi nó là cháu chắt của ông thật cũng nên.
Trần Văn Ngọc đi lạc đơn vị, lóng ngóng sao đó bị lính tuần thám của đại đội chộp được, khẩu AK hình như chưa bắn phát nào. Cuộc phỏng vấn nhạt thếch.
Người đại úy vẫy tay bảo thuộc hạ:
- Dẫn nó đi xuống cho ăn uống tử tế. Mấy hôm nay chắc đếch có gì vào bụng, mặt mũi vêu vao, trông đói kém thấy rõ.
Bỗng đại úy quay sang tôi giọng đổi hẳn:
- May quá có ông ở đây thật là tiện. Ông cũng biết là theo qui ước Helsinki thì không được giết tù binh. Nhưng miền Nam đâu có tuyên chiến với ai. Cuộc chiến này là phi qui ước. Ông cũng biết chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp vận. Lính tôi bị ốm, bị đau, bị thương và cả những đứa sáu bảy tháng hành quân chưa được một ngày phép. Họ vẫn cắn răng chịu đựng vì thiếu phương tiện vận chuyển. Tôi lo cho họ chưa xuể thì có lý do gì tôi phải cưu mang tù binh. Ông đồng ý không ?
Tất nhiên là tôi đồng ý. Đã từng lặn lội với anh em lính tráng ở nhiều nơi nhiều chỗ, tôi hiểu điều này rất rõ. Chỉ có điều nếu vị đại úy này không chịu “cưu mang” tù binh thì ông phải giải quyết cách nào? Tôi im lặng chờ.
- Tôi nói thật ông đừng giận. Tôi thù các ông, tôi ghét các ông lắm, nhất là mấy thằng cha nhà báo Mỹ. Tụi nó cứ như bố người ta. Đôi khi cầm tờ báo, chỉ nhìn mấy cái tít lớn là đủ điên lên. Tụi tôi ở đầu hòn tên mũi đạn, sống nay chết mai, các ông có bao giờ thèm để ý đến đâu. Vậy mà hễ có tí biểu tình dấm dớ của mấy cái thứ Ủy Ban Đòi Cải Thiện Chế Độ Lao Tù hay Phụ Nữ Đòi Quyền Sống Quyền Chết gì đó là các ông chạy trang nhất. Còn cái bà ni bà sư gì đó, Huỳnh Liên phải không? Thế các ông có biết tụi Cộng Sản nó đối xử với tù binh ra sao không? Tại sao các ông không tìm hiểu và đăng báo cho dân chúng miền Nam biết ngoài Bắc họ sống thế nào đi? Mẹ, tụi nó đem những thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, dạy bóp cò vài ngày, nhét vào đầu toàn là chống Mỹ cứu nước, sinh Bắc tử Nam và chủ nghĩa Cộng Sản bách chiến bách thắng, Hồ Chí Minh là vĩ nhân. Tôi cũng bị động viên giống như thằng nhóc bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng tôi ý thức rõ những gì tôi làm, nhất là không ai bắt tôi phải đông cứng trong suy nghĩ cũng như hành động. Ông nên nhớ tôi là lính trừ bị, không phải lính nhà nghề nhưng tôi biết chắc tôi khác với lính Bắc Việt. Tụi nó chưa mở môi đã biết nó nói gì. Cá mè một lứa. Thôi tiện có ông ở đây, tôi hỏi ông xem tôi phải đối xử với tù binh Ngọc sao đây?
Tôi chăm chú nghe ông từ đầu và không hiểu tại sao tôi có mặt ở đây lại “tiện” cho ông? Tôi im lặng không trả lời. Đại úy thở dài:
- Ông có nhớ tụi báo ngoại quốc khai thác ầm ĩ vụ Chuồng Cọp không? Tù binh Cộng Sản ở Côn Sơn, Phú Quốc còn sướng gấp vạn lần lính tôi. Ông ơi, tụi nó coi chuyện bị tù là thời kỳ an dưỡng, ngày có cơm ăn, lại theo đúng khẩu phần có thịt có cá, nhưng tối tối là tụi nó lo học tập chính trị, lo rèn cán chỉnh quân. Bởi vậy tôi nhất định không đưa tù binh Ngọc về hậu cứ. Tôi có cách giải quyết không ông nhà báo nào Ta cũng như Mỹ bắt bẻ khai thác được vì nó đúng luật.
Bỗng nhiên tôi là cái bung xung cho ông sĩ quan này dồn hết bực dọc ra. Ông nhìn tôi đăm đăm mặt đầy vẻ nghiêm trọng nói:
- Tôi là sĩ quan cao cấp nhất ở đây. Như thế có nghĩa là tôi có thẩm quyền về cả hình lẫn hộ, cả dân sự lẫn quân sự. Nước ta đang có chiến tranh mà. Do đó tôi quyết định lập Tòa Án Quân Sự Mặt Trận để xử tù binh Trần Văn Ngọc. Tôi sẽ là chánh thẩm, bồi thẩm đoàn là các sĩ quan có mặt ở đây, công tố viện là thượng sĩ Lê Thành Quyết. Để cho đúng luật, đương sự phải có luật sư bào chữa. Nhưng hoàn cảnh hiện nay giữa mặt trận tôi không tìm được luật sư. Trong số người ở đây tôi phải chọn ai là người hiểu luật pháp hơn cả, nhất là người không liên hệ gì đến đơn vị tôi. Xem đi xem lại, ông là người thích hợp nhất. Ít ra, ông cũng là nhà báo, có kiến thức về nhiều phương diện hơn hẳn lính tráng tụi tôi cũng như những người dân quê quanh đây. Nhân danh Tư Lệnh Chiến Trường, tôi chỉ định ông là công dân biết luật đứng ra bào chữa cho bị cáo Trần Văn Ngọc.
Đời làm báo của tôi đã lâm nhiều hoàn cảnh trớ trêu nhưng lần này quả là hi hữu. Tôi thấy mình cũng như bị cáo Ngọc, không có lối thoát. Tôi giở võ câu giờ tìm cách đối phó:
- Thèm thuốc quá, đại úy có cho xin một điếu.
Vị đại úy móc túi ra một bao Lucky nhàu lôi ra hai điếu thuốc không đầu lọc nhăn nheo. Ông cẩn thận vuốt lại cho thẳng thớm. Hai điếu thuốc cuối cùng, dúi cho tôi một và gắn lên môi ông một. Ông lôi cái bật lửa Ronson ra quay tít rồi như ma thuật tung lên bật ngón tay cái và ngọn lửa xòe ra. Ông tự châm cho mình trước rồi chìa cho tôi. Tôi rít một hơi thật sâu. Lucky không đầu lọc nặng ơi là nặng. Tôi hơi choáng váng. Rặng Trường Sơn ở phía Tây nên mặt trời lặn sớm nhưng vẫn còn những tia nắng chiếu xéo trên đỉnh núi. Xung quanh ngôi chùa đổ nát là những thửa ruộng xâm xấp nước. Không khí tuy có mưa lất phất tối qua và sáng nay nhưng hâm hấp oi nồng khó chịu. Người tôi nhơm nhớp mồ hôi. Tôi chậm rãi nói:
- Đại úy biết tôi là nhà báo, tôi có nhiệm vụ của tôi và hơn nữa vì nghề nghiệp, tôi luôn luôn cố ở vị trí khách quan để quan sát.
Đại úy giơ tay lên trời chận tôi lại:
- Hết xẩy. Hết xẩy. Thế là nhất. Vị trí khách quan có nghĩa là ông không ở phe tôi. Hơn thế nữa, bị cáo còn nhận ông là người quen. Như vậy ông có đủ lý do để đứng ra bào chữa cho tù binh Ngọc. Đây là nhiệm vụ có tính cách bắt buộc, tiếng Mỹ nó gọi la civic duty phải không? Ngoài ra, ông lại có dịp viết một bài báo hết sức giật gân về một phiên tòa tại mặt trận. Tôi nói trước để ông biết công tố viên Lê Thành Quyết là Đại Việt, cả nhà ông ta bị Cộng Sản giết nên thù Cộng Sản đến tận xương tận tủy. Ông ráng mà cãi sao cho hay để cứu mạng tù binh Ngọc thì cãi. Phiên tòa sẽ bắt đầu sáng sớm mai. Nếu ông từ chối phiên tòa sẽ vẫn cử hành. Mạng sống của tù binh Ngọc nằm trong tay ông. Tôi xin nói trước để ông suy nghĩ. Tôi sẽ là chánh thẩm và tội của bị cáo là phá rối trị an, âm mưu lật đổ chínnh quyền, võ trang tụ tập bè đảng sát hai thường dân vô tội. Toàn những tội đáng tử hình. Nhưng ông là nhà báo thiếu gì cách để bào chữa. Như bị cáo không phải là chủ mưu, như bị cáo bị Cộng Sản lừa bịp rằng miền Nam bị Mỹ đô hộ, rằng bị cáo tin rằng vào miền Nam để giải phóng, để chống Mỹ cứu nước. Ông là nhà báo ông biết hết mà. Như vậy sáng sớm mai phiên tòa sẽ khai mạc với ông là công dân biết luật đứng ra biện hộ cho tù binh Ngọc. Để coi ngày mai ông ăn nói ra sao liệu có cứu được tù binh Ngọc hay không. Tôi nói trước để ông suy nghĩ. Nếu ông từ khước phiên tòa sẽ vẫn khai diễn và tôi sẽ lên án tử hình tên Ngọc, đồng thời tôi sẽ truy tố ông với đủ thứ tội danh như từ chối bổn phận công dân không thi hành nghĩa vụ pháp luật. Thôi, nói nhiều cũng thế thôi, mình đi ăn cơm nghỉ ngơi để mai còn làm việc sớm.
Những người lính vây quanh nhìn tôi với con mắt nửa giễu cợt nửa thương hại. Tôi lặng người đi. Bỗng nhiên mạng sống một con người đè nặng trên vai tôi. Tôi được những người lính sắp xếp chỗ ngủ trên chiếc phản gỗ ở góc chùa ngay nơi chính điện. Tiêu lệnh hành quân là không đèn lửa, cần lắm thì dùng đèn pin. Mùa hè Quảng Trị nóng, cái nóng khó chịu. Tôi cuộn chiếc poncho làm gối không cách gì chợp mắt được. Tôi hiểu suy nghĩ của đại úy Đại Đội Trưởng và cũng thầm đồng ý với nhận xét của ông. Nhưng tại sao ông ta lại trút các bực dọc lên đầu tôi? Kiểm lại chuyến đi tôi đã dự tính sẽ viết về một người lính với những oan trái của một người không có chọn lựa nào khác dù rất còn trẻ. Ở phía bên này cũng như phía bên kia. Như tù binh Trần Văn Ngọc. Như hạ sĩ nhất Vũ Thế Hòa, người lính Dù rất trẻ tôi có dịp gần gũi tâm sự suốt mấy ngày qua. Nhưng nay thì khác, vì tôi có thể sẽ về tòa soạn ở Sài Gòn với những dằn vặt khôn nguôi. Trần Văn Ngọc có thể chết vì bom, vì đạn M16, vì pháo 130 ly. Những cái chết như vậy nhan nhản quanh tôi. Một cách nào đó, tôi thấy mọi sự là dĩ nhiên vì đã chứng kiến quá nhiều, trên thực tế ngay giữa bom đạn hay trong các cuộc thuyết trình với con số bên ta hy sinh bao nhiêu, bên địch bị hạ bao nhiêu, thường dân tử thương bao nhiêu. Tất cả như những màn kịch câm khi tôi ngồi viết tin tường thuật. Nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh xử bắn, đặc biệt tôi lại là một cá nhân liên hệ đến quyết định giết một con người.
Ban đêm phía bên này dãy Trường Sơn coi vậy mà không tối đen như mực có lẽ vì sát biển. Tôi vẫn lờ mờ nhìn thấy pho tượng Phật Thích Ca chỉ còn nửa phía dưới. Ngôi chùa bị bên kia chiếm đi bên này chiếm lại. Phật Thích Ca trước khi bị phạt ngang có lẽ đã chứng kiến chúng sinh mê muội, chìm đắm trong tham sân si. Tôi tuy mang tiếng là Phật tử nhưng cả năm chưa đến chùa một lần và không thuộc một câu kinh. Nay giữa ngôi chùa đổ nát với pho tượng Phật chỉ còn một nửa, tôi bỗng thấy mình lẩm nhẩm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Không hiểu sao tôi không nghĩ đến chuyện từ chối vai trò luật sư. Tôi đâu có sợ gì chuyện ông đại úy “tư lệnh chiến trường” truy tố và nếu có thì sẽ là một loạt bài báo sôi nổi, có thể tôi và ông sẽ nổi tiếng như cồn. Đầu óc tôi chỉ nghĩ đến chuyện dù có hay không có tôi, phiên tòa vẫn cử hành. Nếu có tôi và tôi ăn nói hay ho, trổ tài hùng biện có khi tù binh Trần Văn Ngọc sẽ không bị hành quyết.
Khi tôi đang chập chờn thì có tiếng đá vào chân phản và tiếng người đại úy:
- Dậy đi, ra uống trà buổi sớm giữa chiến trường cho thêm phần lãng mạn, ông nhà báo ơi. Dậy đi, để còn làm luật sư biện hộ chứ. Xử bắn bao giờ cũng là vào sáng tinh sương mà.
Tôi lẽo đẽo đi sau người đại úy, hai mắt cay xè. Tuy trời chỉ mờ mờ sáng nhưng sinh hoạt xung quanh đã nhộn nhịp với những người lính đi đi lại lại. Trên chiếc bàn gỗ tôi thấy chiếc ấm giỏ bằng ni lông và hai chiếc bát. Đại úy cười cười:
- Ông hên lắm. Tụi nhỏ vớ được chiếc ấm tích. Chắc sư cụ trụ trì nghiện trà nên chiếc ấm còn quánh cốt trà.
Tôi chỉ biết mỉm cười, trong đầu vẫn bị ám ảnh cảnh tù binh Trần Văn Ngọc bị trói giật cánh khuỷu vào chiếc cọc, đầu ngoẹo sang một bên chờ phát súng ân huệ. Đại úy mở nắp chiếc ấm giỏ, nhắc chiếc ấm tích lên cao khiến nước trà khi rơi vào bát sủi đầy những bọt.
- Trà tươi buổi sáng uống phê lắm, ông coi chừng say lát nữa ăn nói quờ quạng ở phiên tòa mất vui. Ông biết không, trà bọt Huế phải uống bằng bát lớn miệng loe ra như hai bát này mới đúng điệu. Trà bọt đặc biệt miền Trung, phải là lá trà già mới nhiều tê-in. Một ông lính quê ở Xịa lui cui pha hãm sao đó công phu lắm để đãi ông nhà báo. Ông phải uống nóng mới đúng điệu.
Tôi bê chiếc bát bằng cả hai tay thổi bọt và hớp từng hớp nhỏ. Vị trà đắng chát đến tê cả lưỡi. Đại úy nói:
- Thiên hạ bảo uống sao cho bọt dính vào mép mới là dân sành. Ông thử coi có đúng không.
Giữa lúc đó có tiếng hô hoán ầm ĩ “Tù trốn”, “Tù trốn” và tiếng gõ ầm ĩ cùng nhiều tràng M16 nổ giòn. Tôi nhổm hẳn người dậy, nước trà sánh ra khỏi bát. Đại úy vẫn thản nhiên ung dung nhấp trà.
- Ông yên tâm, con kiến cũng không thoát được. Tứ bề đồng không mông quạnh làm gì có chỗ trốn. Nếu nó trốn bị lính tôi bắn chết thì khỏi lập phiên tòa, đỡ phiền cả ông lẫn tôi.
Một lúc sau, một trung sĩ đến báo cáo tù đã trốn thoát không bắt lại được. Nghe xong đại úy hỏi tôi:
- Ông mừng lắm phải không?
Tôi thật sự thấy nhẹ cả người nhưng im lặng nâng chiếc bát đã cạn queo cố giấu cảm xúc.
- Tôi biết ông mừng húm. Thế ông nghĩ là nó trốn thoát được thật hả? Trốn thế đếch nào được và nếu trốn thật thì lính tôi đòm chết tươi ngay lập tức. Tôi thả nó ông ạ…Tôi cho nó ăn cành hông, cho nó quần áo lính mình, dúi cho ít tiền Sài Gòn và hai bao Quân Tiếp Vụ.
Tôi bảo ông lính già xuống tỉ tê với nó cả đêm và còn viết một cái thư nhờ nó chuyển về Bắc cho người nhà của ông ta nữa. Rồi ông dẫn nó đi trốn, chỉ đường cho nó đi về phía bên kia. Tôi nói thật với ông và tin ông không đem chuyện này lên nhật trình.
Tôi im lặng một lúc lâu cố nuốt những gì người đại úy vừa kể rồi hỏi:
- Tại sao đại úy làm như vậy? Thằng Ngọc có thể sẽ trở lại với đồng đội của nó có phải phiền không ?
- Hừm. Tôi không thể chuyển nó về hậu cứ. Nhiều phiền toái lắm và có muốn cũng chưa chắc chuyển ngay được. Tôi không thể xử tử nó, vì tôi đâu có phải là sát nhân, là đứa khát máu, muốn bắn là bắn, muốn giết là giết. Còn chuyện nó vác AK đánh nhau thì đánh, tụi tôi đâu sợ mẹ gì ba cái thằng nhãi ranh. Hơn nữa nó trước sau gì cũng chỉ là nạn nhân. Vả lại tôi không nghĩ thằng Ngọc có cơ hội cầm AK vì nó khó mà sống sót giữa tụi nó với nhau. Tôi bảo đảm chỉ với mớ tiền Sài Gòn hai bao Quân Tiếp Vụ và lá thư dấm dớ gửi về Bắc là đời nó khốn nạn. Hi vọng là nó không bị xử tử ngay lập tức mà chỉ bị đuổi về Bắc để điều tra về đủ thứ tội như đầu hàng địch, làm tay sai, làm gián điệp cho địch. May ra như thế thì thằng bé mới còn sống. Cuộc chiến tàn khốc lắm, ông ơi. Thành thật xin lỗi ông về trò đùa công dân biết luật ngày hôm qua. Tôi xê cá nại mấy ông nhà báo và bỗng nghĩ đùa ông một quả để trả thù. Xí xóa nghe!
Tôi không biết nói gì, chỉ còn nước cười trừ. Đại úy rót thêm một bát nước trà nữa nâng ngang mày như mời mọc. Tôi tự rót một bát và cũng trịnh trọng nâng lên. Cả hai ngửa cổ làm một hơi. Đại úy giọng trầm hẳn đi:
- Lát nữa ông theo xe Dodge của tiểu đoàn về lại Huế đi. Cảm ơn ông bỏ công đi theo tụi tôi đến đây là đủ. Sắp tiến vào Cổ Thành và chắc chắn sẽ đụng lớn, sống chết như chơi. Mấy hôm nay, tôi lo ngay ngáy lỡ có gì xảy ra cho ông thì phiền to. Tôi phải cắt ba tên làm tà lọt cho ông nhưng sắp tới thì không thể phí phạm như vậy được. Không ai lo cho ai được nếu đụng lớn. Tôi nói thật ông đừng giận. Ông về đi cho tôi đỡ gánh nặng. Sau trận này nếu còn sống, tôi sẽ về Sài Gòn kiếm ông đi nhậu một phùa. Đồng ý?
Ông sĩ quan chìa tay ra.
Tôi đưa tay bắt, nói : “Đồng ý!”
Trích trong tập sách “Lững Thững Giữa Đời” (Lê Thiệp)