Những người lính VNCH ngày xưa chẳng bao giờ có thể quên một hình ảnh gắn bó với cuộc đời lính tráng của mình nhất là trong đợt hành quân trong ngày tháng mưa dầm tầm tã: chiếc poncho.
Ngoài vũ khí cá nhân, trong số các loại quân trang, quân dụng được cấp phát, xếp trên cùng chiếc ba-lô người lính còn có một chiếc poncho là một tấm áo mưa trùm đầu theo kiểu vải khoác của người Nam Mỹ.
Ngoài chiến trường, chiếc poncho lại còn có một “công dụng” chẳng người lính nào thích sử dụng đến nó – Chiếc poncho sẽ được dùng để khâm liệm thân xác của người lính khi bị tử trận…
Trong ca khúc “Kỷ vật cho em” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương, một nhà thơ quân đội, có mấy câu rất “buồn thê thảm” cho thân phận người lính chết trận.
“…Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh …
Anh trở về bờ tóc em xanh..."
Chiếc áo mưa lính hay poncho này có nguồn gốc từ Mỹ từ năm 1850, lấy ý tưởng từ những tấm vải che mưa của thổ dân Bắc Mỹ thời ấy.
Quân đội Mỹ đã nghiên cứu và thấy những tiện dụng của kiểu áo mưa này nên họ đã sản xuất và trang bị cho quân đội Mỹ và các nước đồng minh.
Thời kỳ đầu quân đội Mỹ cũng như quân đội VNCH được cấp phát loại poncho có màu ô-liu, dày và nặng cũng như rất bền. Thời gian sau này được trang bị poncho light nhẹ hơn và có thiết kế “rằn ri” để dễ ngụy trang khi hành quân.
Chiếc poncho có thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả hơn áo mưa khác, chỉ là một tấm vải phủ nhựa rất bền, có hình dạng chữ nhật, giữa có khoét lỗ và may thêm mũ che đầu, xung quanh tấm poncho là những hàng lỗ bằng vòng kim loại và những hàng nút bấm để bấm cho gọn lại trong phạm vi một chiếc poncho cũng như nối nhiều tấm poncho lại với nhau khi muốn kết thành một lều trại.
Poncho ngoài chức năng chính là che mưa cho người lính nhưng trên thực tế, được sử dụng khá nhiều những “công dụng” khác như hứng nước mưa ngoài chiến trường, dùng cuốn các quân trang quân dụng khác, áo quần thành một gói rồi túm chặt lại bốn góc để trở thành một chiếc phao dã chiến khi hành quân vượt sông, dùng nhiều tấm kết nối với nhau trở thành một chiếc lều dã chiến ngoài mặt trận, người lính có thể quấn poncho quanh mình để làm túi ngủ ngoài rừng, có lưới che mặt để chống muỗi, dùng làm băng ca để di chuyển thương binh và đồng đội còn sống sẽ dùng ngay chiếc poncho của lính tử trận để “liệm kín hồn anh”…
Thời gian mấy năm ở Việt Nam, các nhà thiết kế áo mưa dân dụng đã lấy “cảm hứng” từ chiếc poncho thời chiến tranh Việt Nam để làm ra những chiếc áo mưa gọi là áo “cánh dơi”, tuy nhiên vật liệu cũng như độ bền sử dụng không thể nào sánh với chiếc poncho của người lính ngày xưa được …
Hoài Nguyễn