Phóng viên chiến trường Lê Thiệp:
Để hội đủ điều kiện thành một phóng viên chiến trường, bạn ta cần phải có:
1/ Khả năng hiểu biết về các chiến lược quân sự, vũ khí, thiết bị, địa lý và các khía cạnh khác liên quan đến các hoạt động chiến tranh.
2/ Tinh thần can đảm: vì phải hoạt động trong môi trường nguy hiểm và phải luôn cảnh giác với hiểm nguy. Họ cũng phải có thể đối phó ngay các tình huống khẩn cấp và thích ứng với những điều bất ngờ có thể xảy ra trong gang tấc..
3/ Kỹ năng giao tiếp và viết báo: truyền tải thông tin một cách chính xác và nhanh chóng. để giúp công chúng hiểu rõ hơn về các sự kiện và tình hình chiến sự.
4/ Khả năng hoạt động độc lập và có thể phải làm việc trong môi trường khó khăn và căng thẳng. Tuy nhiên, họ cũng cần phải làm việc trong nhóm và phối hợp với các nhân viên khác để đảm bảo thông tin được truyền tải một cách chính xác và đầy đủ.
5/ Khả năng thích ứng với môi trường vì phải hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt như thời tiết xấu, thiếu điện, thiếu nước, v.v. để có thể “săn tin”.
Mấy điều này thì cậu Thiệp đều có đủ hoặc ….dư
----------------------
Tôi đã giới thiệu với bạn ta nhiều về cậu Thiệp, nhưng hình như chưa có bài viết nào của cậu viết về chiến sự, dù cậu là Phóng Viên Chiến Trường thứ thiệt đã từng bao lần lăn xả vào ngay những nơi có những cuộc giao tranh đẫm máu và căng thẳng.
Trong bối cảnh cuộc chiến của “mùa hè đỏ lửa” 1972, ở An Lộc, Việt Nam, nhớ đời với bốn câu thơ:
An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích.
Biệt kích dù vị quốc vong thân
Lê Thiệp đã kể về cuộc hành trình của một nhóm phóng viên, trong đó có nhân vật chính là Mỹ Voi và tác giả, trang bị đầy đủ các thiết bị quay phim và máy ảnh. Xin mở ngoặc chút xíu, (Ký giả Phan Bá Thuần Hậu cũng là người “nhảy” xuống chiến trường An Lộc sớm nhất).
Để đến được An Lộc, họ phải đi “ké” trực thăng của các đơn vị chiến đấu. Mặc dù An Lộc bị cô lập và trực thăng là phương tiện duy nhất để đi vào, nhưng việc quá giang là rất khó khăn và phải thực hiện nhanh chóng vì nguy cơ bị tấn công từ phía quân địch. Khi đến An Lộc, nhóm phải nhảy xuống ngay khi trực thăng cất cánh để tránh bị tấn công từ địch. Khi đang di chuyển, trực thăng chở Mỹ Voi (tên của người đi chung với LT) và tác giả bị pháo khiến cả hai đều rơi xuống đất và….
Xin mời bạn ta đọc đến cuối bài sẽ hiểu ngay…vấn đề.
Vũ Đăng Khuê
-------------
Độc Hành Tìm Xác Bạn
Lê Thiệp
Mỹ Voi trang bị đến tận răng. Ngoài chiếc máy quay phim và hai ba chiếc máy ảnh quanh người còn một băng vải dầy với những cục pin và những cuộn phim. Trong đám lính tráng đứng lố nhố chờ trực thăng, Mỹ Voi to vượt hẳn lên. An Lộc vẫn bị cô lập và phương tiện ra vào duy nhất là trực thăng. Bọn nhà báo chúng tôi nếu muốn vào, chỉ có nước cứ chờ và may lắm thì có thể quá giang các phi cơ chở binh sĩ tăng cường hoặc chở đồ tiếp liệu. Ưu tiên hạn chế đó khiến bon chen để quá giang rất khó khăn. An Lộc cần lính, cần đồ tiếp liệu và không có ai rảnh rang để chiều những tên nhà báo. Đôi khi có được một hai chỗ, chúng tôi phải bắt thăm. Khi viên phi công gật đầu thì Mỹ Voi đẩy tôi lên trước và nhanh như cắt nhảy lên theo. Từ bãi trực thăng dã chiến vào An Lộc có lẽ chỉ chưa đến nửa giờ, nhưng viên phi công đã dặn khi vào đến An Lộc máy bay chỉ xà xuống và mọi người phải nhảy ngay để trực thăng sẽ cất cánh trở ra lập tức. Phải như vậy vì đề lô cũng như pháo địch đều nhăm nhăm vào trực thăng, một mục tiêu rất hấp dẫn.
Đúng như dự trù, khi chiếc trực thăng xà xuống cách mặt đất chừng hơn một thước và tôi thấy cái biển đề Đồn Điền Xa Cát thì những người lính nhanh như chớp nhảy xuống. Tôi còn dụ dự, Mỹ Voi vừa hét “nhảy đi” vừa đẩy tôi xuống. Đúng lúc hai đứa tôi đang chúi người chạy về phía trước thì một tiếng nổ inh trời. Cho tới sau này, tôi vẫn không biết đó là hỏa tiễn 122 ly hay súng cối. Trong chớp nhoáng chỉ thấy bụi mù và Mỹ Voi lộn vòng vòng trên mặt đất như con quay, máy một nơi người một nẻo. Tôi chồm theo, thấy anh lăn lộn miệng thì lảm nhảm “Kỳ này chết thật.”
Thú thật tôi sợ thấu trời xanh, cố đè anh xuống. Chỉ một thoáng sau, anh như tỉnh, bảo “Đau quá chắc què rồi.” Tôi không có nhiều kinh nghiệm nhưng lanh trí bảo “Nằm im, để xem bị ở đâu đã.” Tôi không thấy vết thương và cũng không thấy máu chảy nên hỏi “Ông đau ở đâu?” Mỹ Voi nhăn nhó, cố quặt tay ra sau sờ vào mông. Tôi bảo “Duỗi chân ra co chân vào thử xem.” Hai đứa nằm dúi ở bên lề dưới cái mương đã khô, pháo của Bắc Việt nã thêm vài ba trái và chiếc trực thăng mất hút trên trời. Mọi sự có vẻ yên, Mỹ Voi cố ngồi dậy được nhưng vẫn nhăn nhó vì đau. Khi đi hẳn vào chỗ an toàn và thấy anh đã đi lại được, tôi mới đủ bình tĩnh để đùa “Chưa bể gáo đâu, ông ơi!” Tôi thấy phía hông chiếc quần của Mỹ Voi thủng một lỗ cỡ đồng xu nên thò tay vào túi quần sau của anh cố lôi chiếc bóp ra. Chiếc bóp khá dày và xem xét thì thấy một mảnh đạn to chỉ cỡ hột ngô xuyên qua lớp lớp đủ thứ thẻ bọc plastic, thẻ quân nhân, thẻ MACV, thẻ nhà báo, thẻ căn cước và dăm ba cái thẻ cùng một sổ dày chi chít số điện thoại. Mảnh pháo kích văng trúng Mỹ Voi nhưng nhờ có chiếc bóp dày cộm đó mà anh thoát.
Khó tưởng tượng một mảnh nhỏ như vậy mà có thể đẩy một người to như Mỹ Voi lộn đi năm bảy vòng. Thật ra, đây không phải lần đầu, tôi chia xẻ cái chết trong đường tơ kẽ tóc với Mỹ Voi. Trước đó mấy ngày, chúng tôi đã cố vào An Lộc và khi biết một chi đoàn thiết giáp đang có mặt gần đó chúng tôi đã mò mẫm tính tháp tùng. Viên đại úy chỉ huy vui vẻ tiếp đón và buổi tối trước hôm hành quân lên đường, đại úy Đức Tài ân cần đãi tụi tôi nhậu đế với đồ nhậu rất dã chiến trong đó có ration C của Mỹ. Khi khởi hành, Đức Tài rủ tụi tôi ngồi trên thiết vận xa M116 chỉ huy. M116 trang bị nhiều máy móc truyền tin và đủ thứ máy móc điện tử khác, nhưng Mỹ Voi nhất định lái chiếc jeep đi theo vì có thể tụi tôi sẽ phải quay về bất cứ lúc nào.
Trước khi khởi hành, cả đám tụi tôi năm sáu đứa được đại úy Đức Tài thuyết trình về lộ trình và cảnh cáo tụi tôi phải cẩn thận, vì đoàn xe phải băng qua một quãng trống không có chướng ngại vật che và như vậy rất dễ cho pháo địch. Nghe để mà nghe vậy, nhưng nhìn đoàn những chiến xa hùng hậu với pháo tháp như những khối thép, chả đứa nào trong tụi tôi bận tâm cả. Khi từ quốc lộ vừa băng ngang một cái trảng lớn thì pháo địch bắt đầu nổ tứ tung. Những tiếng réo và sau đó là tiếng nổ nghe đến rợn người khiến Mỹ Voi rúm lại và chiếc xe jeep chúi vào một lùm cây. Cả bọn nhào xuống nằm bẹp dưới đất. Thú thật, tôi không rõ có phải pháo của thiết giáp hoặc pháo yểm trợ từ xa trả đũa hay không nhưng chỉ nghe đạn nổ cùng tiếng rít trên không. Mọi sự diễn ra nhanh quá và không lâu sau đó tất cả bỗng im như tờ.
Tôi nhỏm người đứng lên. Trận An Lộc kéo dài cả tháng rồi và các đám cây bị chặt cụt cháy nham nhở giơ những cành còn lại như những bộ xương khô. Từ phía trước có tiếng la inh ỏi “Đại úy bị rồi”, “Đại úy bị rồi.” Chiếc thiết vận xa chỉ huy của Đức Tài trúng pháo và ông bị thiêu trong lòng xe. Khó mà nghĩ chỉ mới tối qua chúng tôi còn ngồi trong ánh nến lung linh nhậu đế và nói chuyện văn thơ. Đức Tài thuộc nhiều thơ và tôi còn nhớ ông cao hứng đọc thơ Đinh Hùng:
Hôm nay có phải là thu.
Mây năm xưa đã phiêu du trở về.
Cảm từ em bước chân đi.
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Khi thấy chiếc poncho gói xác tạm quàn, chờ đưa ông về hậu cứ, chúng tôi đến nghiêng mình, mắt rớm lệ. Chuyện chết sống trong một nước chiến tranh không làm ai ngạc nhiên nhưng khi đối diện với thần chết là một chuyện khác. Tôi nhớ vào thời kỳ Mùa Hè Đỏ Lửa, chúng tôi bị kẹt tại Kontum nhiều ngày không cách gì thoát được vì phương tiện duy nhất rời khỏi nơi đây là đường hàng không. May mắn, khi máy bay riêng của tướng John Paul Vance ghé trong cuộc thị sát chiến trường có hai chỗ dư cho chúng tôi và khi bốc thăm thì tôi và Nguyễn Thế Tuấn Hải của đài Tiếng Nói Tự Do VOF được quyền vù đi trước. Ông bạn này có bí danh là Hải Lùn nhưng ăn to nói lớn và nhậu như hũ chìm. Phi cơ từ Kontum về Pleiku phải bay qua vùng Chư Pao nơi có một hẻm núi và chính nơi đó Cộng Sản Bắc Việt bố trí một hệ thống phòng không vô cùng dữ dội.
Trước khi leo lên phi cơ, viên phi công dặn dò rất kỹ và chúng tôi đều cài dây an toàn. Hai đứa tôi là người Việt duy nhất trên phi cơ ngồi lọt thỏm giữa những người lính Mỹ dềnh dàng trông còn to hơn với nón sắt, áo giáp và đủ thứ trang bị lỉnh kỉnh khác. Hình như mọi người ngồi trên trực thăng đều căng thẳng vì biết Chư Pao.
Quả nhiên khi bay giữa hai mỏm núi thì phi cơ trúng đạn, dù bay ở cao độ khá cao. Tôi không biết chuyện gì xẩy ra, chỉ thấy đột nhiên trực thăng chao đi, đảo vòng và mọi người nằm rạp xuống. Hải Lùn chúi trước mặt tôi và tôi thì hồn bất phụ thể. Phi cơ cứ thế tiếp tục chao đi chao lại giữa hai mỏm núi. Hải Lùn la chói lói “Thiệp ơi, tao chết rồi.” Phi cơ cứ chúi xuống. Tôi nhìn thấy cây cối xanh rờn dưới đất nghiêng đi, nghiêng đi và cũng nghĩ thế này là đi đứt. Hải Lùn chúi xuống trước mặt tôi, một tay ôm lấy mắt. Nói thì lâu nhưng mọi sự diễn ra nhanh đến độ tôi không định thần được.
Khi phi cơ đã lấy được thăng bằng, Hải Lùn tiếp tục la “Tao mù rồi. Tao mù rồi.” Tôi cố đẩy anh ngồi dựng lại, lôi tay anh ra xem có bị thương không. Một vệt máu chảy ra nơi khóe mắt, tôi đưa tay chùi. Hải Lùn bỗng như tỉnh lại, hỏi “Kính tao đâu.” May quá, tôi vớ ngay được cặp kính cận dầy cộm tròng vào mắt anh. Chuyện lạ nhất tới mãi sau này tôi vẫn tự hỏi là điều gì khiến trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh đó, Hải Lùn vẫn khư khư ôm chiếc máy chụp hình. Ngay khi phi cơ bình phi, viên phi công Mỹ quay xuống hỏi có ai bị thương không. Tôi ngồi xoay lưng về phía người phi công nên không rõ, nhưng Hải Lùn nhanh như chớp đưa máy lên bấm lia lịa. Chiếc trực thăng trúng đạn, kính vỡ văng mảnh tứ tung và viên phi công lãnh đủ, mặt đầy máu. Tấm hình một phi công Mỹ mặt máu me vẫn lái phi cơ an toàn về căn cứ Holloway ở Pleiku hôm sau được đăng tải khắp thế giới. Tôi nhớ là khi trực thăng đáp xuống thì xe cứu thương, xe cứu hỏa túa ra và những người bị thương trong đó có Hải Lùn được băng bó săn sóc chu đáo. Tối hôm đó, hai đứa tôi được anh em lính tráng đãi nhậu ở Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng. Tôi và Hải Lùn nhậu say mờ người và khi bước chân ra ngoài, hai đứa ôm nhau khóc tức tưởi. Tại sao khóc và làm sao có thể khóc được vẫn là một câu hỏi của hai đứa tôi khi ôn lại chuyện mấy chục năm trước.
Trong một hoàn cảnh khác và cũng vào lúc mấp mé tử sinh, Hải Lùn đã chụp một loạt hình nổi tiếng. Khi bốn trực thăng bay vào An Lộc, chiếc đầu có Bình Rỗ, chiếc thứ nhì có Hải Lùn và Dương Phục của Đài Quân Đội, Nguyễn Mạnh Tiến của Đài Sài Gòn. Khi vừa đến không phận đồn điền Xa Cam thì phi cơ Bình Rỗ trúng đạn bốc cháy và phi cơ thứ nhì xà xuống nhưng pháo và AK dữ quá khiến không xuống được phải bốc lên cao trở lại. Chính lúc đó, phi cơ trúng đạn và rơi xuống một bãi cỏ. Ai nấy chạy túa ra nấp vào những bụi cây. Rất may hai gunship có mặt liền tại chỗ bắn bảo vệ và ngay sau đó một trực thăng tới câu mọi người lên. Trong cảnh thập tử nhất sinh đó, Nguyễn Mạnh Tiến vẫn mở máy thu và nói như lạc giọng vào máy ghi âm tường trình sự việc xảy ra trong đó có lời nhắn nhủ “Đây là bản tường trình cuối cùng của đời phóng viên.”
Bản tường trình này may quá không phải là cuối cùng của đời phóng viên của anh nhưng đã được phát thanh với âm thanh thực của súng đạn cùng tiếng phi cơ cũng như tiếng la hét làm nền tạo một xúc động lớn cho thính giả. Tấm hình Hải Lùn chụp chiếc trực thăng câu người giữa chiến địa được tung ra khắp thế giới. Khi thấy tấm hình chạy trên trang nhất tờ Stars And Stripes, tôi hỏi và Hải Lùn cười khà khà bảo “Một xín.” Một xín là một ngàn đô la đủ cho cả nhà Hải Lùn sống vài tháng nhưng cái chua chát là không hề có tên Nguyễn Thế Tuấn Hải chua phía dưới như tác giả của tấm hình mà chỉ thấy mấy chữ UPI.
Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt và danh từ “leo thang” chỉ là thuật ngữ của báo chí Mỹ không thể phản ánh hết cái khốc liệt đang diễn ra từng giây phút trên mảnh đất này. Tin tức về Việt Nam ngày nào cũng được chạy tít lớn trên báo chí thế giới và những bản tin teletype từng giây từng phút đánh đi đủ thứ tin về Việt Nam. Nhưng tin còn chậm vì phải chờ báo và không ăn khách bằng hình ảnh, nhất là hình ảnh sống động trên truyền hình. Đạo quân săn phim săn hình của ngoại quốc đông như kiến. Rất nhiều người đã nổi tiếng vì tường trình về chiến tranh và cũng có nhiều người bỏ mạng trong lúc săn hình. Đáng nhớ nhất là bốn nhiếp ảnh viên trong đó có hai người nổi tiếng — Larry Burrows của Life và Henri Huet của AP — đã chết khi trực thăng bị bắn rơi trên chuyến bay từ Lào về Việt Nam. Nhưng ký giả cừ khôi nhất phải là Bernard Fall, tác giả hai cuốn sách trứ danh Hell in a Very Small Place và Street Without Joy. Nếu tính theo tỷ lệ thương vong thì số binh sĩ Mỹ chết ở Việt Nam rất thấp so với số ký giả hy sinh trong cuộc chiến. Hai người nữa cũng thường được nhắc tới là Francois Sully tử nạn cùng với tướng Đỗ Cao Trí và con của tài tử Errol Flynn là Sean Flynn bị Khờ Me Đỏ chặt đầu.
Không hẳn những bức hình được truyền bá khắp thế giới là do nhân viên chính thức của các báo hay các hãng thông tấn. Khi một bức hình được công bố bên dưới bao giờ cũng ký tên tác giả, nhưng rất nhiều hình chỉ ghi UPI hay Reuter thì phải hiểu thế nào? Trước hết, bản quyền là của các hãng này và người chụp không là nhân viên chính thức. Cuộc cạnh tranh săn tin, săn hình chiến tranh Việt Nam vô cùng gay go và các cơ quan ngoại quốc sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất cứ tin tức, tài liệu hay phim hình nào có giá trị. Riêng về phim ảnh, họ mua của ai, đâu là nguồn cung cấp?
Chúng tôi vẫn đùa với nhau là đạo quân thứ năm hay mỉa mai hơn những “Kẻ Bán Gáo.” Gáo là cái đầu và quả thật lang thang giữa súng đạn thì vỡ đầu bể gáo không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là khi không được võ trang hay trang bị mũ sắt áo giáp. Khí giới của họ là máy quay phim, chụp hình.
Phóng viên Việt Nam đặc biệt là người thuộc các đơn vị của Tâm Lý Chiến, Chiến Tranh Chính Trị hay các báo quân đội vì công tác và nhiệm vụ là những người phải xông xáo nhất đi xuống sâu nhất. Phải ghi nhận họ là những người vững tay nghề cầm máy không thua bất cứ ông Tây ông Mỹ nào nhưng lương bổng vô cùng hạn hẹp vì đa số là hạ sĩ quan đồng hóa.
Đáng nhớ nhất và đóng góp nhiều nhất phải nói tới những người đã tốt nghiệp khóa Phóng Viên Tiền Tuyến. Tổng cộng có 25 khóa sinh theo học lớp này. Họ được học quay phim, chụp hình với các huấn luyện viên người Mỹ như các ông Carter và Water, được huấn luyện về kỹ thuật săn tin, viết tin với các tên tuổi như Văn Quang, Phạm Huấn, Nguyễn Đạt Thịnh là những sĩ quan hoạt động lâu năm trong ngành báo chí. Trong số 25 người trở thành phóng viên quân đội đã có tám người hy sinh. Tỷ lệ cứ ba thì chết một. Xin ghi tên của những anh em này vì thật sự chưa có một nén hương nào cho họ:
- Ngô Minh Dũng tử thương tại Đức Cơ, 1962
- Nguyễn Thanh Liêm, Đông Hà, 1971
- Trần Văn Nghĩa, Mỹ Chánh, 1972
- Vũ Tiêu Giang, Quân Khu 2, 1972
- Trần Văn Hiệt, Thừa Thiên, 1972
- Nguyễn Ngọc Bình, An Lộc, 1972
- Nguyễn Văn Hiếu, An Lộc, 1972
- Lao Quấn, An Lộc, 1972
Danh sách này chưa kể đến hơn chục phóng viên khác bị thương như Nguyễn Cầu bị thương tới sáu lần. Đóng góp của những phóng viên này chưa được ai ghi nhận trong khi bất cứ phóng viên ngoại quốc nào chết hoặc bị thương đều được cả thế giới biết đến. Có cầu thì có cung và đói bụng thì đầu gối phải bò. Khi đi công tác chính thức cho cơ quan thì thủ thêm một máy phụ. Những thứ phụ này đôi khi là nguồn lợi chính để nuôi vợ nuôi con. Khi quay hay chụp được một pha nào, một cảnh nào hấp dẫn, các hãng ngoại quốc sẵn sàng mua ngay và chỉ cần một tấm hình được xử dụng, thù lao có khi bằng cả tháng lương. Đám phóng viên này lặng lẽ ít huênh hoang nên công chúng bên ngoài nghề ít biết đến họ và ngay cả những hình chụp nổi tiếng trên thế giới do chính họ cầm máy cũng không được ký “by line” như tấm hình chụp cảnh binh sĩ đu tòng teng trên trực thăng tải thương khỏi An Lộc hay tấm hình rất sống động của Thái Khắc Chương chụp cảnh một sĩ quan Mỹ dang thẳng cánh đấm vào mặt một ông già Việt Nam khi ông cụ cố leo lên xe GMC để thoát khỏi vòng lửa đạn.
Khi lật những hình ảnh được ghi lại trên sách báo Mỹ, chúng ta thường bị đập vào mắt hình tướng Loan hay hình Nick Út chụp em bé bị bom napaln trần truồng chạy ra khỏi làng. Tìm lại tấm hình của Chương vẫn là một ám ảnh của tôi. Tất nhiên nếu có tìm ra thì cũng không có tên Chương. Mỹ Voi to con nhưng tính hiền khô không hay nói nhưng lại đầy tình cảm và rất thân với Nguyễn Ngọc Bình tự Bình Rỗ. Một lần Mỹ Voi thủ thỉ “Tôi thương thằng Bình vì nó thực thà, không bon chen và tận tụy với nghề. Đối với nó, cơ quan đơn vị là chính còn tiện tay chụp được gì để bán hay không là phụ, nhất là lúc nào nó cũng đắn đo xem hình chụp có nguy hại gì cho phe mình hay không. Nó nghèo lắm lại đông con nữa.”
Bình Rỗ tử nạn trong chuyến bay vào An Lộc. Phải vài hôm sau, tin Bình chết mới được xác nhận nhưng trong báo cáo chính thức chỉ ghi là mất tích vì phóng viên quân đội xem ra khá tự do khi đi công tác không cần qua các thủ tục hành chánh nhiêu khê. Có phải vì vậy mà khi chết, các đơn vị gốc đôi khi chỉ báo cáo mất tích tại trận chăng? Thế thôi. Chiến trận đang càng ngày càng sôi động và chết chóc xẩy ra khắp nơi như cơm bữa không ai có thì giờ để lo chuyện tìm xác một hạ sĩ quan như Bình.
Tôi hiểu điều này, nhưng Mỹ Voi ấm ức lắm, nhất là khi thấy vợ người bạn thân tức tưởi “Anh Bình chết mất xác chẳng ai lo, chẳng ai hỏi han một lời.”
Khi An Lộc đã hoàn toàn giải tỏa, Mỹ Voi âm thầm một mình trở lại chiến trường quanh An Lộc. Giữa các khu rừng cao xu ngả nghiêng bật gốc, những xác xe tăng của cả hai phía, giữa những cái bầu ngập xình hay phủ toàn bèo, Mỹ Voi nhất quyết tìm cho được Bình Rỗ. Bom đạn mìn chưa nổ vẫn nhan nhản và xác ta, xác địch, cả xác thường dân nay không còn phân biệt nữa mà chỉ là những bộ xương khô, thịt đã rã hết.
Suốt ba ngày lủi thủi một mình trên chiến địa đã ngưng tiếng súng, Mỹ Voi đi nhìn từng xác một, cuối cùng cũng tìm ra được bạn nhờ chiếc máy quay phim Bell Howell 35 ly văng ở một gốc cao su. Bình Rỗ nằm dựa vào gốc cây có lẽ khi bị rớt chỉ bị thương cố lết lại đó nhưng cuối cùng kiệt lực và khi lật xác thì nhờ chiếc thẻ bài nên yên tâm không sợ nhầm.
Mỹ Voi gói ghém chút xương tàn của bạn đem về. Bài báo về chuyện Mỹ Voi đi trở lại chiến địa tìm xác Bình gây một chút phản ứng. Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Bình được truy thăng chuẩn úy và hôm đám tang anh có rất nhiều quan chức trong quân đội dự.
Bọn “Bán Gáo” chúng tôi đều nghĩ phải làm một cái gì đó để tương trợ lẫn nhau. Người anh cả lớn tuổi nhất, anh Phạm Huấn đứng ra thành lập Phân Bộ Ký Giả Chiến Trường thuộc nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam những mong thực hiện ước vọng này. Có điều chúng tôi chỉ biết gặp nhau, ăn nhậu và chia xẻ những ngọt ngào cay đắng nghề nghiệp còn chuyện tương trợ hoặc bảo vệ lẫn nhau thì quả thật không đi đến đâu.
Trích từ sách “Lững Thững Giữa Đời” của Lê Thiệp