Người lái xe trên xa lộ UT-25 băng ngang giữa lòng tiểu bang Utah sẽ đi qua một cánh rừng cây bạch dương (aspen) ở gần Fish Lake. Nhiều người lái xe đi chơi cuối tuần từ Salt Lake City theo hướng nam sẽ qua một khoảng rừng bach dương, mà họ không ngờ là đã chứng kiến một kỳ quan thế giới. Kỳ quan vì rằng đây không phải là một khoảng rừng mà chỉ là một cây bạch dương (Populus tremuloides), được gọi là Pando. Pando là cây to nhất thế giới, gồm 47,000 cây mọc trải ra trên một diện tích 107 acres. Nhìn thoáng qua thì đúng là một khoảng rừng, như bất cứ một cánh rừng nào. Nhưng xét về mặt cỗi rễ (DNA) thì từ năm 2008 các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng những cây bạch dương này chỉ có một mẫu di truyền độc nhất. Trong khi nhiều loại cây khác nói chung sinh sản bằng hạt hay phấn hoa, cây bạch dương không sinh sản qua giới tính đực cái như vậy, mà sinh sản phi giới tính
Nghĩa là mọc ra từ hệ thống rễ ngầm dưới đất. Nói theo lối các nhà khoa học thì mỗi cây bạch dương là một clone di truyền từ một cây nguyên thủy đã chết từ lâu. Tuy hiện tượng sinh sản phi dục tính của cây bạch dương người ta đã từng biết, nhưng một clone bạch dương phát triển thành một cánh rừng 107 acres (nghĩa là trải qua một thời gian dài không biết bao nhiêu ngàn năm) thì là điều đặc biệt hiếm có. Ghi lại chuyện này ở đây để quý vị độc giả nếu tình cờ có dịp qua cánh rừng này thì có thể dừng hay lái xe chậm lại để nghe tiếng lá cây Pando già vĩ đại run rẩy thì thầm trong gió, thì có lẽ cũng là điều thú vị.