Hoàng là lái xe chở hàng hoá, hôm nay xe đang bon bon chạy thì bị hỏng. Hoàng vác hai hòn đá to chặn bánh xe và chui vào gầm để sửa.
Khi sửa xong, xe chuẩn bị đi tiếp thì một ông lão chạy đến nói : "này anh lái xe, anh đã đánh rơi đồ kìa ! vừa nói, ông vừa chỉ về phía sau xe".
Hoàng nghĩ ông nhắc đến hai hòn đá anh đã bỏ lại.
Anh cười nói quên mất, rồi cố ý nhấn ga phóng đi.
Ông lão đuổi theo quát to : "anh làm người thế à ? làm người phải có lương tâm chứ ! Anh bỏ lại hai hòn đó trên đường như vậy à ? "
Những lời trách cứ của ông lão bị bỏ lại cùng đám bụi phía sau xe.
Hoàng cười thầm trong bụng : "lương tâm giá bao nhiêu một cân ?"
Chạy được một trăm cây số thì gặp một trạm kiểm tra của Cảnh sát, Hoàng tìm giấy tờ để xuất trình nhưng tìm mãi không thấy, nghĩ lại thì có thể đánh rơi lúc sửa xe. Anh đành để xe ở trạm kiểm tra rồi quay lại tìm.
Đến nơi, Hoàng thấy hai hòn đá anh bỏ lại đã được khuân sang vệ đường trên đó có dán mảnh giấy với dòng chữ xiêu vẹo : "muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá nầy lên trên đồi".
Hoàng kêu to lên : "đừng bắt ép người ta như thế ! cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi".
Khi vác hòn đá đến chân đồi, Hoàng thấy một cái mũ trên đó có kẹp một tờ giấy viết : "đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi ". Cứ như thế, theo sự chỉ dẩn trên giấy tờ, Hoàng vác hòn đá qua mấy quả đồi liền, mệt tưởng chết. Cuối cùng Hoàng mới thấy cái ví của mình đặt trên một nấm mộ trơ trọi. Giấy tờ, tiền bạc đầy đủ cả không thiếu một xu.
Dưới cái ví tiền, còn một tờ giấy viết : "cái ví nầy là do tôi nhặt được, bây giờ nó đã trở về với chủ cũ. Anh có biết vì sao tôi lại bắt anh vác hòn đá nầy đến trước phần mộ nầy không ?
Đây là mộ của con trai tôi, một đêm hai năm trước, nó đi xe máy về nhà, vì vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ trên đường nên nó đã bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mộ con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý: "lương tâm là vô giá. Làm người có thể mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm."
LeVanQuy sưu tầm