Uẩn chữ Hán Việt là sợi gai kết thành bó. Suy ra Ngũ uẩn là năm sự ràng buộc, theo Từ điển Phật học của Chân Nguyên & Nguyễn tường Bách. Trong Bát-Nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, ngay câu đầu viết: “Quán tự tại bồ tát hành thâm bát- nhã ba- la- mật- đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách”. Tại sao có năm sự ràng buộc? Năm là bởi vì người ta bị ràng buộc vào mọi sự ở đời là do ngũ quan tức là Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân (xúc giác)- mắt, tai, mũi, lưỡi, nếm, sờ. Mắt nhìn thấy cái đẹp mà mê; Tai nghe thấy lời hay mà khoái; Mũi ngửi thấy mùi thơm mà ham; lưỡi nếm được vị ngon mà thích; Tay sờ thấy sự êm ái mà say. Chữ Hán Viêt gọi chung là dục. Nói thì như vậy, nhưng không phải người ta chỉ thích mùi thơm, mà có khi còn thích mùi thối. Như có người thích fromage Roquefort hay blue cheese, mắm nêm, mắm tôm, mắm bò hóc vân vân... Ngoài ra sự thích hay ghét này còn thay đổi theo thời gian. Như nước ta thời tiền bán thế kỷ 20, hàm răng đều đặn đen nhánh là đẹp. Như trong bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư:
Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
Muốn cho có bộ răng đen nhánh thì các bà các cô thời đó phải dùng một thứ thuốc nhuộm răng gọi là “cánh kiến”. Khi bôi vào răng thì thuốc nhuộm này làm cho răng lợi môi miệng sưng phồng lên đau nhức, không ăn được mấy ngày. Tôi biết điều này từ năm lên 6, lên 7 tuổi, vì chính mẹ tôi nhuộm răng bằng cánh kiến. Tôi có một bà bệnh nhân đã 80 tuổi người Hà tĩnh, cũng có hàm răng đen đều đặn đen nhánh. Gần đây thì hết đều đặn, vì đã 86 tuổi có cái rụng cái lung lay. Tôi quý bà ấy lắm, vì gợi nhớ lại hình ảnh mẹ tôi chết đã 75 năm thời thiếu đói kháng chiến chống Pháp. Cũng như thuộc nằm lòng bài thơ Nắng mới của Luu Trọng Lư học trong giờ giảng văn lúc đệ thất đệ lục gì đó trường Chu văn An Hà nội mà tôi trích dẫn mấy câu ở trên.
Tra Wikipedia ngày nay thì biết rằng Sơn cánh kiến hay nhựa cánh kiến là một hóa chất bột do bọ cánh kiến đỏ Kerria lacca thuộc họ Kerriidae tiết ra. Bột này sống trên thân một số cây gỗ trong rừng ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Bột này hòa tan với cồn thì thành một thứ sơn mầu. Đem quét lên gỗ hay các vật dụng khác thì lúc khô thành một lớp sơn bóng quý hiếm nên thời xưa các bộ lạc người Thượng dùng để dâng các vua Chiêm Thành, Chân Lạp. Những vị vua này dùng làm cống phẩm cùng với ngà voi, sừng tê giác … mỗi ba năm dâng vua Việt Nam. Vắn tắt thì trước thế kỷ 20 đó là một thứ hàng quý hiếm mà ngay các nhà buôn Tây phương cùng săn lùng. Dần dần sau đó sơn cánh kiến được thay thế bằng các thứ bột sơn mầu tổng hợp.
Đến giữa thập niên 1950 di cư vào Nam thì thấy phụ nữ miền Nam toàn răng trắng. Răng đen ở miền Nam bị kể là quê kệch, cho nên nhiều người răng đen đã phải làm cho trắng ra. Có người không làm được hết đen cho nên bộ răng đẹp đẽ đen nhánh trở thành hàm “răng cải mả” (như răng người chết lúc cải mả) trông thật tội.
Ở trên ta đã nói đến năm cái dục, cái say, cái thích, cái ràng buộc (uẩn) do ngũ quan đem tới, gồm nhãn dục, nhĩ dục, tỉ dục, thiệt dục, thân dục. Nhưng kinh sách Phật lại nói tới lục dục- 6 cái muốn- mà cái dục thứ 6 là ý dục – cái muốn của ý - là tại sao?
Lý do là vì diễn trình vận hành của hệ thần kinh con người. Nói cho rõ thì những tác động từ môi trường chung quanh lên năm giác quan tạo ra những ấn tượng, tức là những luồng thần kinh được truyền đi bởi các giây thần kinh mà vào tới óc tức là hệ thần kinh trung ương. Sự dẫn truyền này phải qua bốn bước như sau: 1/thọ 2/tưởng 3/hành 4/thức
Thọ; tức là tiếp nhận; Tưởng, tức là suy nghĩ phân tích, nhận định; Hành tức là làm; Thức, tức là biết.
Lấy một thí dụ cụ thể là quả mít ở trên cây.
Nhờ mắt mà nhìn thấy một cái quả hình tròn mầu xanh vàng, có gai; nhờ mũi (tỉ) mà biết quả đó có mùi thơm; nhờ lưỡi (thiệt) mà biết múi mít có vị ngọt; nhờ tay (thân/xúc) mà biết nhựa mít dính khó rửa. Kết luận là quả mít.
Và đem ra ăn (tức là hành). Sau cùng thì biết rõ quả mít như thế nào (tức là thức).
Đi vào mô tả chi tiết hơn các loại cảm tính của con người thì nói đến thất tình gồm 7 loại: hỉ, nộ, ai, lạc, ái ố, dục (chữ Hán Việt).
Hỉ là vui sướng,
Nộ, là giận
Ai là buồn,
Lạc là vui, mức độ thấp hơn hỉ,
Ái là vui,
Ố là ghét, dục là muốn
Đến đây thì có thể hiểu được rằng qua năm giác quan mà người ta có ngũ uẩn (5 sự ràng buộc, lôi kéo) và do đó chìm đắm không tránh được trong thất tình lục dục. Cũng đến đây thì có thể phần nào hiểu được tại sao mà Quán tự tại bồ tát lại nói bỏ ngũ uẩn đi thì tránh mọi khổ não ở đời ngay trong câu mở đầu bài Bát Nhã ba-la-mật-đa tâm kinh.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 29 tháng 7 năm 2022)