May 2, 2022
SANTA ANA, California (NV) – Với chủ đề “Chứng Tích Quá Khứ, Di Sản Tương Lai,” Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM) có buổi triển lãm lần đầu tiên những hiện vật, và công bố các dự án ra mắt công chúng, đồng thời trình chiếu bộ phim “Bóng Quá Khứ” của đạo diễn Thanh Tâm, tại Viện Bảo Tàng Bowers, Santa Ana, hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Năm, với đông đảo người tham dự.
Những hiện vật trong những chuyến vượt biển tìm tự do, hình ảnh các trại tị nạn thuyền nhân, hiện vật, giấy tờ của những người tù cải tạo của Cộng Sản, những vật dụng cần thiết của những người được định cư theo chương trình O.D.P., H.O., và đặc biệt nhất là những thuyền nhân năm xưa cùng gia đình trở về thăm viện bảo tàng đã tạo nên nhiều cảm xúc và những giọt nước mắt tiếc thương.
Ông Châu Thụy, người khởi xướng cho dự án viện bảo tàng VHM cho biết sáu dự án của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt gồm có: 1) Dự Án về Lịch Sử Qua Những Chứng Tích. 2) Dự Án về Lịch Sử Qua Chuyện Kể. 3) Dự Án về Người Việt Thành Công. 4) Bức Tường Tưởng Niệm (4A. Dự Án về Bức Tường Tưởng Niệm Thuyền Nhân. 4B. Dự Án về Bức Tường Tưởng Niệm Nạn Nhân Của Cộng Sản trong các trại tù “cải tạo”). 5) Dự Án về Sưu Tập Văn Học và Bảo Tồn Ngôn Ngữ Việt. 6) Dự Án về Văn Khố Điện Tử và Trung Tâm Nghiên Cứu về Người Việt Tị Nạn.
VHM còn nhiều chương trình chú tâm đến sự giáo dục giới trẻ hiện nay. Các em đã thấu hiểu được tinh thần quật cường của VNCH và thấu hiểu sự kiên cường sống sót của người tị nạn, từ đó các em trân trọng sự hy sinh và cống hiến của tiền nhân, để tự hào về ông bà cha mẹ của chính mình, về bản sắc dân tộc Việt, tự hào là người Việt Nam.
Chủ trương của VHM là nhằm truyền lại di sản của người Việt tị nạn cho thế hệ mai sau. Với hy vọng rằng các em sẽ biết và luôn ghi nhớ rằng tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam là bài học vô giá cho các em noi theo.
Chương trình có sự tham dự của o6ng Frank Snepp, cựu trưởng tình báo CIA của Hoa Kỳ, người đã tặng lá cờ VNCH cho Việt Bảo Tàng Di Sản Người Việt năm 2019 mà ông giữ gìn cẩn thận từ năm 1969.
Tại trung tâm khu vực triển lãm là mô hình chiếc thuyền vượt biển màu trắng tượng trưng cho những linh hồn các thuyền nhân kém may mắn, tôn quý và thuần khiết. Trên cánh buồm được phóng lên những hình ảnh người vượt biển được giải cứu.
Đây là một phần toàn cảnh những biến cố của thuyền nhân trên bước đường đi tìm tự do. Chung quanh là một làn sóng biển màu xanh, bênh cạnh có một bãi cát và một thùng dầu chìm sâu trong cát, gợi nhớ chôn dầu vượt biển trong đêm, bên cạnh là con thuyền nhỏ lênh đênh giữa đại dương.
Những thùng nhôm là biểu tượng cho hành trình của người tị nạn theo chương trình H.O. và O.D.P., nguồn ánh sáng phát ra trong mỗi thùng biểu tượng cho đời sống mới và sự vươn lên của người tị nạn Việt Nam.
Đặc biệt nhất trong phần triển lãm các hiện vật là một nắm đất của quê hương, được một thuyền nhân đem theo từ năm 1978, để nếu có chết thì ôm nắm đất trong lòng. Người thuyền nhân này đã gìn giữ nắm đất trong suốt 44 năm qua như một báu vật, và bây giờ trở thành một chứng tích vô giá cho viện bảo tàng.
Và cũng có những nhân chứng sống, những thuyền nhân đến dự triển lãm để thăm lại những hồi ức của chuyến vượt biển năm xưa. Và cũng tại triển lãm, nhiều người đã tặng những kỷ vật vô giá cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. Và còn nhiều nữa những chứng tích vô giá khác trong lịch sử của người Việt sau 30 Tháng Tư được lưu giữ.
Ông Đặng Trần Hoa, người lính truyền tin Sư Đoàn 18 Bộ Binh, cùng gia đình vượt biển năm lần bảy lượt, sau cùng được thuyền trưởng tàu Cap Anamur II, thuộc Hội Bác Sĩ Cấp Cứu Đức cứu vớt, và được đưa về trại Palawan, rồi về trại Bataan, nay định cư tại Westminster, Hoa Kỳ.
Hoặc trường hợp của ông Đoàn Văn Nguyên kể lại trên chuyến ghe vượt biển bị hải tặc cướp và hãm hiếp nữ thuyền nhân, tất cả liều chết kháng cự giết hải tặc, bị bắt tại hải phận Thái Lan đưa vào tù chờ xử án, may được vua và hoàng hậu Thái Lan sau khi cứu xét sự việc, đã tha bổng toàn bộ 19 thanh niên trên chuyến ghe vượt biển bi thảm ấy!
Cô Ngọc Lan, một cô bé thuyền nhân năm xưa, nói cô không kể lại chuyến đi vượt biển ấy, mà chỉ kể lại trí nhớ của mình trong chuyến đi, khi nằm dưới hầm chiếc ghe ngộp thở, người ói mửa, tiêu tiểu chung quanh, bão tố nhiều ngày.
Cô Ngọc Lan, nay là một nữ luật sư, chia sẻ: “Hành trình đi tìm tự do không phải chỉ là ra khơi và sống chết trên biển, mà bắt đầu bằng lý do tại sao mình phải bỏ nước ra đi. Đối với tôi, đó là rất quan trọng vì mình biết trước sẽ gian khổ như thế nào chứ, nhưng bây giờ còn khốn khổ hơn khi đã là một người mẹ, tôi luôn nghĩ rằng tại sao mình phải bỏ hết cả gia đình, bỏ tiếng nói của chính mình, bỏ cả quê hương mình để ra đi! Một lý do luôn dằn vặt trong lòng. Vì sao?”
Sứ mạng của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt là sưu tầm, thu góp, và bảo tồn những chuyện kể, những tài liệu và những hiện vật ghi dấu lịch sử của người Việt tị nạn kể từ biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Viện Bảo Tàng cũng phổ biến di sản này đến những ai quan tâm và theo đuổi các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa của người Việt kể từ cuộc di tản vĩ đại Tháng Tư, 1975.
Mọi chi tiết tìm hiểu về Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, xin liên lạc: (714) 757-2263, http://vietnamesemuseum.org/ [kn]