🌐 Chiến tranh ở Ukraine đặt ra câu hỏi về nguyên tắc: Thụy Sĩ vẫn có thể giữ thái độ trung lập hay không?
Trung lập là một trong những trụ cột chính trị chủ yếu của Thụy Sĩ, từ hàng trăm năm nay. Nó còn được xem như một phần của đặc tính của người Thụy Sĩ và nó cho phép đất nước giàu có này tránh khỏi các cuộc xung đột.
Các chính trị gia trong Đảng Nhân dân cánh hữu Thụy Sĩ đặc biệt tôn vinh và đề cao sự trung lập như một đức tính cao quý mà về nguyên tắc, chỉ người Thụy Sĩ mới có khả năng làm được. “Thế giới cần một Thụy Sĩ trung lập,” nhà báo SVP và nghị sĩ Roger Köppel gần đây với tư cách là tác giả khách mời của tờ báo Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sĩ) đã viết. Köppel giải thích: “Tính trung lập đòi hỏi sức mạnh và sự vững chắc.”
Nhưng trước cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Nga tại Ukraine, trước tội ác và những vụ thảm sát của quân đội điện Kremlin, sự trung lập của Thụy Sĩ đang chao đảo. Vào cuối tháng 2, sau nhiều lần cân nhắc, Thượng viện Liên bang đã quyết định thông qua các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.
Nền chính trị hiện nay có nhiều đòi hỏi hơn về việc xem lại khái niệm của tính trung lập cứng ngắt, trong các cuộc xung đột. Trên hết, yêu cầu của nhà lãnh đạo đảng "Die Mitte", Gerhard Pfister, cung cấp đạn do Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine thông qua Đức, đã thổi bùng cuộc tranh luận.
°
◼️ Chính phủ Thụy Sĩ cấm vận chuyển đạn
Die Mitte là đảng đang cầm quyền, được hình thành vào đầu năm 2021 thông qua sự hợp nhất của Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo và Đảng Dân chủ Dân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Viola Amherd cũng là đảng viên của Die Mitte.
Chủ tịch đảng Die Mitte hiện yêu cầu Thụy Sĩ phải hỗ trợ Ukraine tự vệ. Do chính phủ Thụy Sĩ cấm vận chuyển đạn nên nước này phải chịu trách nhiệm về việc “từ chối giúp đỡ”. Pfister được sự hậu thuẫn từ chính đảng Die Mitte của ông, từ Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo trước đây và từ các phương tiện truyền thông.
Các tờ báo của tập đoàn CH-Media nói về người Thụy Sĩ và sự trung lập của họ: “Nó tạo cho chúng ta một thói quen, ngồi trên chiếc ghế sofa ấm áp trong phòng khách rồi khoái trá theo dõi sự việc.”
°
◼️ Các công ty quân bị Thụy Sĩ sản xuất hầu hết mọi thứ
Đặc biệt đạo đức giả khi từ chối Ukraine, mà phía sau đó lại cung cấp vũ khí cho các “sheikh ở Trung Đông”. Trên thực tế, các nhà sản xuất vũ khí của Thụy Sĩ cũng cung cấp sản phẩm của họ cho Saudi-Arabien (Ả Rập Xê-út), quốc gia đang tiến hành cuộc chiến giết chóc ở Yemen.
Thụy Sĩ có hầu hết mọi thứ mà Ukraine có thể cần trong cuộc chiến sinh tồn: xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không, máy bay có người lái - không người lái và động cơ tương ứng, bom, ngư lôi, hỏa tiễn, phi đạn, chất nổ quân sự, nhiên liệu cũng như các dụng cụ đặc biệt như máy đo khoảng cách, thiết bị nhìn ban đêm hoặc thiết bị bảo vệ.
Các loại vũ khí và phụ kiện “Made in Switzerland” được xem là đắt tiền. Nhưng chúng nổi tiếng về chất lượng cao và độ tin cậy cao - xét cho cùng, quốc gia nhỏ bé này đứng thứ 14 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí trên toàn thế giới vào năm 2020.
°
◼️ Quyết định của Đức khiến Thụy Sĩ chịu nhiều áp lực
Việc Đức quyết định cung cấp cho Ukraine các phương tiện phòng không Gepard đã châm ngòi nổ cho cuộc thảo luận của Thụy Sĩ về tính trung lập. Vì chính phủ liên bang Đức muốn cung cấp cả đạn cho người Ukraine nên Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về các vấn đề kinh tế (Seco) đã nhận được hai yêu cầu của Đức. Đó là về việc chuyển đạn cho Ukraine, số đạn mà trước đó Đức đã nhận từ Thụy Sĩ.
“Một yêu cầu liên quan đến đạn 35mm cho xe tăng phòng không Gepard. Yêu cầu khác thì không có gì đặc biệt,” Seco giải thích trên báo Thụy Sĩ. Seco đã trả lời cả hai câu hỏi một cách tiêu cực dựa trên tính trung lập của Thụy Sĩ và “các tiêu chí từ chối bắt buộc của đạo luật về vật liệu chiến tranh của Thụy Sĩ”.
Seco khẳng định: Nước tiếp nhận - trong trường hợp này là Đức - đã từng cam kết không chuyển vật liệu chiến tranh nhận được từ Thụy Sĩ cho nước khác, nếu không có sự đồng ý trước của Thụy Sĩ. Nói cách khác: Bern nắm quyền phủ quyết.
Theo báo Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sĩ), sự kiện này minh họa cho việc Thụy Sĩ gặp khó khăn như thế nào để có một thế đứng rõ ràng, khi đối diện với hành động xâm lược của Nga. “Ở xứ này, người ta thích chê bai chuyện người Đức dè dặt trong việc xuất khẩu vũ khí. Nhưng đồng thời, với lý do trung lập, người ta lại không muốn xuất khẩu bất kỳ vật liệu chiến tranh nào,” tờ báo Thụy Sĩ nói.
Bern trích dẫn Công ước La Hay (Den Haag) ngày 18 tháng 10 năm 1907, mà Thụy Sĩ đã ký kết, làm cơ sở pháp lý cho việc nói “Không” của họ. Nó liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các cường quốc trung lập như Thụy Sĩ trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên mặt đất.
°
◼️ Không được phép giao hàng cho một phía
Theo công ước này, một quốc gia trung lập phải đảm bảo đối xử bình đẳng với những kẻ tham chiến, trong việc xuất khẩu vũ khí. Theo đó, Thụy Sĩ không được đứng về một phía, chấp nhận việc chuyển giao đạn dược hoặc các thiết bị quân sự khác cho Ukraine. Thực vậy, theo thông tin của chính phủ, Thụy Sĩ đã không chấp thuận bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí nào sang Ukraine hoặc Nga trong bao nhiêu năm nay.
Vào tháng Ba, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã phải đối diện với công ước hiện hành La Hay. Trong chuyến thăm Warsaw của Casiss, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đề nghị mua vũ khí từ Thụy Sĩ, để gửi cho Ukraine.
Cassis lịch sự từ chối: “Vì tính trung lập, chúng tôi không thể chuyển giao vũ khí.” Tuy nhiên, suy cho cùng, Thượng viện Liên bang Thụy Sĩ vẫn có thể áp dụng “sự can thiệp pháp lý khẩn cấp” để gỡ bỏ quyền phủ quyết - nếu như họ muốn.
VTP-LTH dịch
Nguồn: https://www.tagesspiegel.de/.../ukraine.../28288080.html