May 27, 2022
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang chuyển theo một hướng mới, theo nội dung bài phát biểu được chờ đợi từ lâu của ông Antony Blinken, ngoại trưởng, tại đại học George Washington University hôm Thứ Năm, 26 Tháng Năm.
Ông Antony Blinken, ngoại trưởng, phát biểu tại đại học George Washington University hôm Thứ Năm, 26 Tháng Năm, rằng để đối phó có hiệu quả với cuộc cạnh tranh từ Trung Quốc, Mỹ phải tập trung đầu tư nâng cao năng lực của chính nước Mỹ, mở rộng liên kết quốc tế, và từ đó cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc trong công cuộc bảo vệ trật tự thế giới.
Chính quyền Biden, ngay từ những ngày đầu, đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ và đề ra chính sách quan hệ với Trung Quốc tóm tắt trong ba chữ “C”: Cooperation (Hợp tác), Competition (Cạnh tranh), và/hoặc Conflict (Xung đột).
Chính sách này cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân; cạnh tranh với nhau trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ, và không loại trừ xung đột với nhau ở các điểm nóng địa chính trị như Biển Đông hoặc Đài Loan.
Môi trường chiến lược mới
Nhưng đến nay quan niệm đó dường như đã thay đổi. Trong bài phát biểu khá dài của mình, Ngoại Trưởng Blinken trình bày một phương hướng mới mà ông tóm tắt trong ba chữ: invest (đầu tư), align (liên kết) và compete (cạnh tranh). Theo quan điểm mới này, để đối phó có hiệu quả với cuộc cạnh tranh từ Trung Quốc, Hoa Kỳ phải tập trung đầu tư nâng cao năng lực của chính nước Mỹ, mở rộng liên kết quốc tế, đặc biệt là các liên minh về an ninh và đối tác về kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và từ đó cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc trong công cuộc bảo vệ trật tự thế giới.
Mở đầu sự thay đổi này, ông Blinken nói rằng Trung Quốc “là thách thức lâu dài và trầm trọng nhất đối với trật tự thế giới” chứ không chỉ là một đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ. Nỗ lực bảo vệ vị trí lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ dường như đồng nghĩa với việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, duy trì các giá trị phổ quát đã góp phần thúc đẩy tiến bộ của thế giới trong hơn 75 năm qua và hiện đang bị Trung Quốc xói mòn hoặc thay đổi cho phù hợp với lợi ích riêng của họ. “Trung Quốc là quốc gia duy nhất vừa có ý đồ định hình lại trật tự thế giới – và ngày càng có sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thực hiện ý đồ đó,” ông Blinken nói.
Đồng thời với việc đánh giá thực lực và tham vọng của Trung Quốc, ông Blinken thừa nhận nhiều thập niên gắn bó trực tiếp về kinh tế và ngoại giao với Bắc Kinh với kỳ vọng đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ cải cách dân chủ, đi theo các luật lệ, hiệp ước và định chế do Hoa Kỳ dẫn đầu, về căn bản đã thất bại. Càng phát triển, Trung Quốc càng đi xa trên con đường độc tài chuyên chế, đàn áp ở trong nước và hung hăng chèn ép ở nước ngoài. Từ đó, ông đi tới một chính sách mới: Hoa Kỳ hiện nay không có ý định và không thể thay đổi Trung Quốc. “Chúng ta không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc… Chúng ta không tìm cách ngăn cản Trung Quốc đóng vai trò một cường quốc quan trọng – cũng không ngăn cản quốc gia nào khác – tăng trưởng kinh tế hoặc nâng cao lợi ích của nhân dân họ.”
Vậy thì Hoa Kỳ sẽ làm gì trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc? “Chúng ta sẽ bảo vệ và củng cố luật pháp quốc tế, các hiệp định, các nguyên tắc và các định chế có tác dụng duy trì hòa bình và an ninh, bảo vệ quyền của các cá nhân và các quốc gia có chủ quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi quốc gia – kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc – cùng tồn tại và hợp tác với nhau… Chúng ta không thể dựa vào việc Trung Quốc thay đổi đường lối của họ, Vì thế chúng ta sẽ định hình cái môi trường chiến lược chung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta về một hệ thống quốc tế rộng mở và bao trùm”, ông Blinken nói.
Ba cột trụ: Đầu tư – liên kết – và cạnh tranh
Môi trường chiến lược đó, theo ông Blinken, bắt đầu từ việc đầu tư vào các nền tảng tạo nên sức mạnh của Hoa Kỳ – chẳng hạn như đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo và thể chế dân chủ; cụ thể là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và nghiên cứu. Đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá $1,200 tỷ mà Quốc Hội thông qua vào cuối năm ngoái – phê chuẩn một kế hoạch xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường truyền Internet băng thông rộng và các cơ sở hạ tầng khác – là bước đầu của chính sách đầu tư này. Các dự luật khác, như dự luật Build Back Better thúc đẩy các chương trình y tế, giáo dục, gia đình và biến đổi khí hậu; dự luật về nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… vẫn đang được nghiên cứu ở Quốc Hội và có thể sẽ được thông qua trong thời gian tới.
Về sự thiếu đầu tư của Hoa Kỳ, ông Blinken nêu ra một ví dụ, cách đây 60 năm, tỷ lệ chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Hoa Kỳ so với quy mô nền kinh tế là cao hơn hai lần so với hiện nay. Đầu tư lớn vào nghiên cứu phát triển đã thúc đẩy mạnh sáng tạo của khu vực tư nhân, mang lại chiến thắng trong cuộc đua vào không gian vũ trụ, phát minh ra chất bán dẫn và lập ra mạng Internet. Tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu phát triển của Hoa Kỳ từng cao nhất thế giới, nhưng hiện nay chỉ xếp thứ chín, trong khi Trung Quốc đã vươn từ thứ tám lên vị trí thứ hai hiện nay.
Cột trụ thứ hai để định hình môi trường chiến lực quanh Trung Quốc của Mỹ là liên kết với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy một tầm nhìn chung về tương lai. Tầm nhìn đó là một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các luật lệ được xây dựng một cách minh bạch và áp dụng một cách công bằng, nơi các quốc gia được tự do đưa ra các quyết định thuộc chủ quyền của mình, nơi hàng hóa, ý tưởng và con người được lưu chuyển tự do trên mặt đất, trên bầu trời, trên mạng điện toán, trên đại dương và nơi các chính phủ phải đáp ứng yêu cầu của nhân dân mình.
Cùng với việc hồi sinh liên minh NATO ở Châu Âu để hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn sự phiêu lưu quân sự của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, Hoa Kỳ đang nỗ lực củng cố các khối liên minh về an ninh và thương mại ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng Thống Biden mới đây đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với khối ASEAN tại Washington. Trong chuyến công du Đông Á tuần trước, ông Biden đã họp thượng đỉnh lần thứ hai với các nhà lãnh đạo khối Đối Thoại An Ninh Bộ Tứ (QUAD), đã củng cố sự hợp tác về phòng thủ với Nhật và Nam Hàn, đồng thời gửi tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo dân chủ này bị tấn công bằng vũ lực.
Cũng trong chuyến công du Đông Á, Tổng Thống Biden đã chủ trì sự kiện công bố sáng kiến Khung Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng, viết tắt là IPEF. Đây không phải là một hiệp định tự do thương mại theo kiểu truyền thống mà là một khuôn khổ pháp lý quy tụ 13 nền kinh tế với tổng sản lượng chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, hợp tác với nhau để định ra những tiêu chuẩn chung về thương mại, kinh tế số, chuỗi cung ứng hàng hóa, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng; không chỉ áp dụng trong các nền kinh tế thành viên mà còn có tác động đến toàn cầu. Nếu được thực hiện, IPEF sẽ “giúp tất cả các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và công bằng hơn” như hứa hẹn của ông Biden khi công bố sáng kiến IPEF tại Tokyo.
Đầu tư nội địa và liên kết quốc tế, theo ông Blinken, sẽ giúp Hoa Kỳ giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Trong các cuộc hội nghị ở Đông Á, trong hội nghị Mỹ-ASEAN cũng như trong sáng kiến IPEF vừa công bố tuy không tuyên bố công khai nhưng thể hiện khá rõ chiến lược của Hoa Kỳ là ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. “Tất cả những hành động này đều nhắm bảo vệ, và khi cần thiết, cải tổ cái trật tự dựa trên luật lệ có lợi cho mọi quốc gia,” ông Blinken nói. Nếu Trung Quốc đã nỗ lực “hợp tung,” lôi kéo Nga, Bắc Hàn, một số nước Đông Nam Á và cả các đảo quốc nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương vào vùng ảnh hưởng của Bắc Kinh nhằm đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực thì chính quyền Biden cũng đang cố gắng thiết lập một vành đai “liên hoành” để “bao vây” Trung Quốc cả về an ninh chính trị lẫn kinh tế thương mại.
Tuy vậy, ông Blinken thừa nhận thực tế rằng nhiều quốc gia trong khu vực có cái nhìn về Trung Quốc không giống với Hoa Kỳ, nhiều nước có những mối liên hệ thiết yếu với Trung Quốc, nhất là về kinh tế, mà họ muốn duy trì. Vì thế, chính sách liên kết của Hoa Kỳ không buộc các nước khác phải “chọn phe” mà chỉ trình ra những lựa chọn khác nhau và tôn trọng quyền quyết định của từng nước, hoặc chọn trật tự và luật pháp quốc tế hoặc chọn nguồn vốn đầu tư mập mờ, dẫn đất nước tới nợ nần, kích thích tham nhũng, tàn phá môi sinh, không mang lại công việc làm và tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời gây thiệt hại đến chủ quyền của các quốc gia nhận đầu tư.
Về cạnh tranh chính trị, ông Blinken thừa nhận chế độ dân chủ Hoa Kỳ còn nhiều khiếm khuyết nhưng người Mỹ đang cố hết sức để trở thành một “liên bang hoàn hảo” – theo ngôn ngữ của Hiến Pháp Mỹ – dù tiến trình đó có thể khó khăn, chậm chạp, thậm chí xấu xí. Ngược lại, Bắc Kinh tin rằng hệ thống đảng trị, trung ương tập quyền thì hiệu quả hơn, ưu việt hơn. “Nhiệm vụ của chúng ta là chứng tỏ một lần nữa rằng chế độ dân chủ có thể đáp ứng những thách thức khẩn cấp, tạo ra cơ hội, nâng cao phẩm giá con người, rằng tương lai thuộc về những ai tin ở tự do và tất cả các quốc gia phải được tự do lựa chọn đường đi của mình không bị cưỡng ép,” ông Blinken nói.
Nói hơn làm?
Sau khi ông Blinken trình bày chính sách mới của Mỹ với Trung Quốc, trên báo The Wall Street Journal một số chuyên gia đã phê phán ông không đưa ra được những biện pháp chính sách cụ thể. Chuyên gia Derek Scissors của American Enterprise Institute nhận xét: “[Bài diễn văn] làm rõ rằng chính quyền Biden thích nói hơn hành động… Giống như các chính phủ tiền nhiệm, chính quyền Biden muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc nhưng không muốn làm việc gì khó khăn.”
Ông Craig Allen, chủ tịch Hội Đồng Kinh Doanh Mỹ-Trung Quốc, phê phán Mỹ thiếu “sự hỗ tương” trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. “Một chiến lược Mỹ cần phải bao hàm những cuộc đối thoại có thực chất và hướng tới kết quả giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Quốc, kể cả những cuộc đối thoại để xử lý các chính sách bóp méo thị trường ở Trung Quốc hiện nay,” ông Allen nói.
Tuy vậy, trong bài phát biểu, ông Blinken đã đề cập khá rõ tới những thủ đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để giành thế thượng phong trong phát triển kinh tế, thương mại và cả quân sự. Ví dụ, Bắc Kinh muốn gia tăng sự phụ thuộc về công nghệ của các nước khác rồi sử dụng sự phụ thuộc đó để áp đặt các yêu sách về chính sách ngoại giao… Bắc Kinh lợi dụng tính chất cởi mở của nền kinh tế chúng ta để thực hiện gián điệp, tin tặc, ăn cắp công nghệ và bí quyết để thúc đẩy sáng tạo về quân sự cũng như củng cố nhà nước cảnh sát của họ.”
Về thương mại, ông Blinken thừa nhận tình trạng “thiếu sự hỗ tương là không thể chấp nhận được, không bền vững được.” Ông than phiền việc các công ty Mỹ không có quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng rãi như các công ty Trung Quốc tại Mỹ; công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ trong khi công ty Trung Quốc tại Mỹ được luật pháp bảo vệ và nhiều công ty Trung Quốc thường xuyên kiện chính phủ Mỹ ra tòa – chuyện mà các công ty nước ngoài không bao giờ làm được ở Trung Quốc. Những chính sách bóp méo thị trường của Trung Quốc – trong lĩnh vực sản xuất thép, tấm pin mặt trời, bình điện cho xe hơi điện, dược phẩm… đã làm hàng triệu người Mỹ mất việc làm.
Nhưng không chỉ than phiền, ông Blinken cho biết chính phủ Mỹ đã và đang có những biện pháp – kết hợp với các quốc gia khác – siết chặt chính sách kiểm soát đầu tư của Trung Quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp xuất khẩu của chính phủ… ủng hộ một sự cạnh tranh công bằng và sòng phẳng.
Ông Blinken tiết lộ rằng để ứng phó với thách thức của Trung Quốc, Bộ Ngoại Giao của ông đã thành lập một đơn vị mới, có tên là “China House” để phối hợp hành động chính sách của các cơ quan trong bộ, với các bộ ngành khác và làm việc với Quốc Hội Hoa Kỳ.
Riêng về vấn đề Biển Đông Việt Nam, Ngoại Trưởng Blinken khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các hành động xâm lấn và bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Gần sáu năm trước, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có căn cứ trong luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các quốc gia ven biển giữ vững các quyền hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để duy trì tự do hải hành, tự do bay qua, là điều đã góp phần vào sự thịnh vượng của khu vực nhiều thập niên qua. Và chúng tôi sẽ tiếp tục bay qua, đi thuyền tới bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.”
Lời tuyên bố như vậy, cùng với chiến lược mới của Hoa Kỳ mà Ngoại Trưởng Blinken trình bày, chắc chắn không làm Trung Quốc hài lòng nhưng cho tới nay chưa thấy Bắc Kinh có phản ứng cụ thể như thế nào ngoài những lời phản đối chung chung do phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc đưa ra. [qd]