04.05. 2016
Trẻ em học cách khóc lóc khi nhìn thấy lãnh tụ. Bác sĩ của nhà độc tài thực hiện thí nghiệm trên con người. Chế độ khủng bố xoay sở như thế nào để duy trì quyền lực?
*
🌟 Người đầu bếp
Fujimoto Kenji (tên giả), 69 tuổi, người Nhật Bản, từng là đầu bếp sushi cho Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) trong 12 năm. Fujimoto từng đi khắp thế giới để lùng mua những món ngon cho ông chủ: trứng cá muối Iran, cá ngừ Nhật Bản, xoài Thái Lan, bia Cộng hòa Séc, Big Mac Bắc Kinh. Năm 2001, vì lo sợ Kim Chính Nhật nghi ngờ hoạt động gián điệp, Fujimoto đã dùng mưu kế để trốn thoát. Ông giả vờ đi mua hải sâm ở Nhật Bản và rồi không quay lại. Người vợ Bắc Triều Tiên của ông và hai con của họ sau đó đã bị nhốt vào trại lao động suốt sáu năm. Trong một thời gian dài, Fujimoto sống trong nỗi sợ hãi về một biệt đội tử thần của Bắc Triều Tiên tại Nhật Bản. Sau này, Kim Chính Ân (Kim Jong Un) đã tha tội cho ông.
"Lần đầu tiên tôi gặp Kim Chính Ân, cậu ấy mới 7 tuổi. Chính Ân đang học lái chiếc Mercedes của riêng mình. Họ chế cho cậu một chiếc ghế đặc biệt để có thể đạp ga. Tôi là bạn chơi chung với cậu ấy trong suốt mười năm. Từ thuở nhỏ Chính Ân đã có tư chất thủ lĩnh, khi chơi với anh trai hoặc anh em họ hàng cậu ấy thường đóng vai trò chỉ đạo. Cha của cậu thường nói: “Thằng con lớn không xài được. Nó cứ như con gái. Thằng Ân thì giống tôi." Khi được 13 hoặc 14 tuổi, cậu được cha khuyến khích uống rượu. Một người đàn ông phải có tửu lượng, ông Chính Nhật nói. Nhưng hút thuốc thì Ân phải lén lút, vì cha của cậu đã cai thuốc từ năm 1989. Mỗi khi Ân muốn làm một hơi thuốc, cậu ấy đến chỗ tôi. Đó là bí mật của riêng hai đứa.
Gia đình họ sống trong 30 đến 50 biệt thự, bản thân tôi đã nhìn thấy 12 hoặc 13 trong số này. Đó là những công trình sang trọng siêu đẳng, lát đá cẩm thạch, trần nhà cao, có khu vực thể thao, rạp chiếu phim, vũ trường. Đại tướng Kim Chính Nhật đã đích thân chọn bạn cùng chơi với con trai mình, chúng nó là con cháu của các cán bộ cao cấp. Tôi vẫn còn nhớ, có lần Chính Ân nói, "Tôi trượt patin, tôi chơi bóng rổ và tôi đi trượt nước vào mùa hè. Đôi khi tôi tự hỏi, những người khác sống như thế nào."
Tôi tin rằng, cha của cậu ấy biết, người dân sống như thế nào. Ông ấy mê xe hơi, từng lái xe đi khắp đất nước, cho nên ông ấy có thể thấy người dân nghèo như thế nào. Tôi nghĩ, Chính Nhật phải biết rằng, có rất nhiều người chết đói trong những năm 1990. Vào ngày sinh nhật mẹ của ông ấy, đám tùy tùng thân cận luôn được tặng những món quà đắt tiền, vải vóc quý giá từ Anh hay Nhật. Tuy nhiên, tại thời điểm đói kém, ông ấy đã tặng họ những món quà từ Trung Quốc. Chẳng lẽ vì lo lắng cho người dân mà ông ấy uống rượu li bì? Sao mà biết được. Lúc nào ông ấy chẳng uống rất nhiều, bất kể người dân có ra sao đi nữa. Rượu cognac ngon nhất của Pháp. Rượu Hennessy. Trên những thùng gỗ giao hàng có ghi Kim Chính Nhật là khách hàng số một của hãng.
Tôi chưa bao giờ thấy cha hay con đọc sách báo. Vâng, đại tướng Kim Chính Nhật được cho là đã viết nhiều sách, tuy nhiên, tôi không nghĩ ông ta tự viết chúng. Nhưng họ mê phim. Cho dù hệ thống tuyên truyền có nói gì đi nữa, thì họ không hề chống lại Mỹ. Họ yêu thích văn hóa đại chúng của Mỹ. Đại tướng Kim Chính Nhật thường xem phim Bodyguard của Kevin Costner với đám bảo vệ. Rồi ông cứ nói đi nói lại: 'Bác rất muốn, các chú bảo vệ bác như vậy.'
Tôi vẫn còn nhớ ông ấy đã khoái chí như thế nào, khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lúc đó là Madeleine Albright trao cho ông ấy một bức thư của Bill Clinton, trong chuyến viếng thăm của bà. Kim Chính Nhật đã cho tổ chức một buổi tiệc ăn mừng. Thông thường trong các buổi liên hoan, ông ấy luôn để bên cạnh năm bó tiền đô la, mỗi bó có 10.000 đô la. Đây là tiền boa để phát cho mọi người. Đêm hôm đó, ông có đến mười bó tiền.
Thật khó để mà so sánh cha con nhà Kim với ai đó. Tôi từng gọi Kim Chính Nhật là tướng Oyabun, Bố Già. Theo phong tục của Yakuza (mafia Nhật Bản, ghi chú của biên tập viên), không ai dám chống lại Bố Già. Tất cả những gì tôi có thể nói là, Kim Chính Ân đang tiếp bước cha mình. Đại tướng Kim Chính Nhật rất quý mến tôi. Mặc dù tôi là người Nhật, nhưng ông ấy đối xử với tôi rất tốt. Ông ấy đã cho tôi có dịp đi đến 14 quốc gia."
Cả nước đang hướng về người lãnh đạo. Ông ấy phải là niềm mơ ước, sự thỏa mãn, niềm tự hào của dân tộc. Bắc Triều Tiên không chỉ là một trong những nỗ lực cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Mà còn là một trong những chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng.
🔻
🌟 Người thầy thuốc
Kim Hyeong Soo, 52 tuổi, làm việc tại “Viện Sức khỏe - Trường Thọ” của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật từ năm 1990 đến 1995, vượt biên đến Seoul năm 2009.
"Viện nghiên cứu của chúng tôi gồm có bác sĩ, nhà sinh học và chuyên gia dinh dưỡng. Chúng tôi bận rộn chăm lo sức khỏe của nhà cầm quyền. Loại ánh sáng nào, không khí nào, thức ăn nào tốt nhất cho lãnh đạo. Có 3 viện nghiên cứu với tổng cộng 2000 nhân viên làm nhiệm vụ này. Kim Chính Nhật bị bệnh tim, cholesterol cao và xơ vữa động mạch. Rõ ràng, lối sống của ông ta không lành mạnh, hút thuốc và uống rượu quá nhiều, ông ta còn bị căng thẳng, đặc biệt là khi nạn đói bắt đầu. Nhưng không phải ông ta quá quan tâm đến người dân, mà ông ta lo lắng về sự an nguy của chế độ. Liên bang Xô Viết và các quốc gia đàn em đã sụp đổ, ông ta sợ rằng đất nước của mình cũng sẽ sụp đổ. Kim Chính Nhật thích chơi bời với gái trẻ, vì vậy ông ta rất chú trọng về khả năng của mình. Nhân viên ngoại giao ở nước ngoài phải lùng mua thuốc men và cả dương vật của sư tử, ếch, sư tử biển. Bởi vì các giống vật này có nhiều bạn tình, nên người ta tin rằng khi ăn nó có thể tăng ham muốn.
Chúng tôi làm thí nghiệm trên động vật, nhưng cũng thí nghiệm trên những người có thể chất và sức khỏe tương tự như Kim Chính Nhật. Đại khái là dùng họ để thử thuốc. Thật không dễ để tìm được một người như ông Kim, vì hầu hết người Bắc Triều Tiên đều gầy ốm, loại người béo mập như Kim Chính Nhật chỉ có trong giới cán bộ cao cấp.
Tôi từng có mối quan hệ thân mật với giới thượng lưu, với các bộ trưởng và những cán bộ cao cấp khác. Họ biết những điều nghịch lý của chế độ, họ biết nó sẽ không tồn tại lâu dài và họ đang tìm cách tuồn tiền ra khỏi đất nước. Nhiều người chuẩn bị bỏ trốn. Những người này biết rằng Bắc Triều Tiên có một hệ thống tồi tệ, nhưng họ lo sợ cho vị trí của mình. Tôi mong rằng, cộng đồng quốc tế không chỉ phê phán tầng lớp cao cấp thôi, mà hãy chỉ dẫn cho họ một con đường để tự thay đổi."
Khi một nhà độc tài nhìn thấy lớp da của mình đang tuột ra, có thể sẽ dẫn đến việc: ông ta sẽ tiến hành bãi bỏ các tội ác của chính bản thân và của thuộc cấp, bảo vệ quyền lợi kinh tế và những người hưởng lợi, đồng thời khởi xướng các cuộc cải cách. Đó là điều mà giới tướng lãnh đã làm ở Myanmar. Kim Chính Ân cũng có thể xúc tiến cải cách – lâu nay người Trung Quốc đã thúc đẩy anh ta thực hiện điều này - nhưng anh ta sợ rằng mọi thứ có thể tuột khỏi tầm tay.
Bởi vì, phần phía nam là Hàn Quốc, họ giàu gấp 13, 14, 15 lần phần phía bắc. Nếu thống nhất, quyền cai trị của giới cao cấp Bắc Triều Tiên sẽ chấm dứt. Và ngay sau đó, các báo cáo về những vụ vi phạm nhân quyền kinh hoàng sẽ được công bố - như những câu chuyện trong các trại giam. Cho đến bây giờ, hình phạt tru di thân tộc vẫn còn phổ biến ở Bắc Triều Tiên. Kẻ nào phản đối chế độ đều có nguy cơ mang lại tai họa cho gia đình, người thân của họ sẽ bị kết án chung thân trong trại lao động. Hầu hết người dân Bắc Triều Tiên không biết gì về các trại giam này và những chuyện xảy ra ở đó. Họ chỉ có thể phỏng đoán, vì đôi khi những người hàng xóm biến mất vào ban đêm và không bao giờ quay trở lại.
🔻
🌟 Người quản giáo
Ahn Myeong Chul, 47 tuổi, đã làm việc ở 4 trại lao động khác nhau trong 8 năm, gồm cả công việc lái xe tại nhà tù Hoeryong số 8. Năm 1994, anh vượt biên đến Seoul.
“Chúng tôi, những cán bộ quản giáo thuộc tầng lớp ưu tú. Chúng tôi, những người có niềm tự hào cao cả và lý tưởng vững vàng.”
"Ở Bắc Triều Tiên có hai loại nhà tù chính trị. Loại nhà tù thứ nhất, được gọi là khu cách mạng, chỉ có tội phạm chính trị bị giam cầm, ở đây tù nhân có cơ hội được thả ra. Loại nhà tù thứ hai, khu cấm cố, chung thân, nơi giam những người bị tru di thân tộc. Họ không có bản án. Chỉ đơn giản là, một đêm nào đó, người ta đến bắt họ. Không ai được tha mạng từ những nhà tù kiểu này, trừ khi đích thân Kim Chính Ân ân xá.
Tôi đã từng làm việc trong những nhà tù như vậy. Chúng tôi nhận lệnh không bao giờ được nói chuyện với các tù nhân, và chúng tôi không được coi họ như những con người.
Lúc ban đầu, tôi chỉ bảo vệ khu vực bên ngoài trại giam và không tiếp xúc với trại viên. Nhưng khi tôi trở thành tài xế thì mọi chuyện khác đi. Tôi phải chở tù nhân đi đây đó, ra lệnh cho họ, đợi họ làm xong việc. Tôi không được phép nói chuyện với họ, nhưng đôi khi buồn chán quá, tôi lại vi phạm lệnh cấm. Khi ấy tôi mới nhận ra rằng, hầu hết những người này không hề biết tại vì sao họ bị bỏ tù. Có lẽ một người bà con xa của họ đã làm điều gì sai trái. Từ đó, tôi bắt đầu nghi ngờ.
Trong trại lao động có cả nhà tù để nhốt những người vi phạm quy tắc. Người ta treo ngược họ lên. Đánh họ bằng gậy. Đánh tàn nhẫn đến độ nhãn cầu của họ lồi ra. Mùa đông thì người ta đốt da họ bằng lò sưởi. Thỉnh thoảng, vào buổi chiều, tôi đi chơi và uống rượu với những người trong bộ phận thẩm vấn. Hôm nào giám đốc của họ vui vẻ thì ông ta nhẹ tay, hôm nào gây gổ với vợ thì ông ta sẽ hành hạ tù nhân không chút thương xót. Tuy là công việc, nhưng thực hiện như thế nào là tính cách của mỗi người. Một số thì tàn ác, một số khác thì cảm thông.
Tôi từng có cảm tình với một cô gái. Nàng tên là Han Jin Duk, 26 tuổi, rất là xinh.
Một ngày nọ, em bị tên cán bộ quản giáo cưỡng hiếp. Khi sự việc bại lộ, hắn ta bị sa thải và em phải vào tù. Bất kỳ phụ nữ nào bị bắt quả tang dan díu với nhân viên bảo vệ, đều sẽ bị trừng phạt, ngay cả khi họ bị cưỡng hiếp. Họ sẽ bị bắn chết hoặc bị tra tấn.
Một năm sau, tôi gặp lại Han Jin Duk ở trạm vận chuyển than. ›Làm cách nào mà em sống sót‹, tôi hỏi. Em cho tôi xem những vết phỏng dày đặc trên cơ thể. Rồi sáu tháng sau, tôi gặp lại em trong vựa bắp. Han Jin Duk làm công việc tách hạt bắp khỏi cùi. Trong nhà kho đó, em khó khăn lết đi với hai bàn tay chống trên cuộn rơm. Em không còn chân nữa. Một toa xe chở than đã cắt đứt đôi chân của em.
Lúc đó Han Jin Duk đã ở trong trại suốt 21 năm. Em vào trại khi mới 4 hoặc 5 tuổi vì người chú, một sĩ quan cao cấp, đã bị loại bỏ trong một cuộc thanh trừng. Mẹ và anh trai của em đã chết vì đói. Giờ đây, tôi nghĩ rằng, Han Jin Duk cũng vậy. Em không còn trên cõi đời này nữa.
Các ngọn đồi xung quanh trại đầy mồ chôn. Không có đám tang và không ai được phép khóc. Cán bộ quản giáo nói: ›Một tên phản cách mạng đã chết, không có lý do gì để khóc.‹
Tôi phải bỏ trốn vì cha tôi đã vô tình ăn nói hớ hênh. Ông là cán bộ Đảng Ủy tại một trung tâm phân phối lương thực, vào thời kỳ đói kém. Đầu tiên là cán bộ cấp cao và quân đội nhận khẩu phần ăn của họ, sau đó là công chức và binh lính, cuối cùng, đến phiên người dân thì không còn gì. Các đoàn thanh tra đã tìm cách đổ lỗi cho cha tôi. Một lần, trong khi say rượu, ông nói với họ rằng, đó là lỗi của hệ thống. Buổi sáng, khi thức dậy, ông nhận ra sai lầm của mình và tự sát ngay lập tức. Ngay sau đó, họ đến đưa mẹ tôi và các anh chị em tôi đi. Tôi biết mình sẽ là người tiếp theo và tôi bỏ trốn.
Khi tôi còn là một quản giáo, có mười hai nhà tù trong khu cấm cố. Tổng cộng 200.000 đến 250.000 người đã sống ở đó. Bây giờ chỉ có năm nhà tù, có nghĩa là còn khoảng 120.000 người. Nhưng trong các nhà tù khác vẫn còn nhiều tù nhân. Cho nên rất khó để nói có bao nhiêu người chết trong các trại lao động. Nhà tù nơi tôi làm việc lâu nhất có 50.000 tù nhân. Không có ai được thả ra, nhưng nhiều người mới đến. Khi nhà tù đóng cửa vào năm 2012, chỉ còn 20.000 tù nhân. Vì vậy, ít nhất 30.000 người đã chết."
Mặc dù có những trại lao động, Bắc Triều Tiên không còn là một quốc gia theo chế độ Stalin. Sự thay đổi không phải từ cấp lãnh đạo, mà là từ thảm họa tồi tệ. Khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990, họ đã ngừng hỗ trợ Triều Tiên và hệ thống phân phối lương thực của Triều Tiên sụp đổ. Không ai biết nổi, lúc đó có bao nhiêu người chết đói, 500.000, một triệu, có thể là nhiều hơn nữa.
🔻
🌟 Nhân viên kinh tế
Choi Jung Shil, 65 tuổi, kế toán cho một tập đoàn hóa chất ở thành phố Kanggye.
"Tôi làm kế toán ở xí nghiệp số 34, chịu trách nhiệm về hóa chất và xây dựng. Xí nghiệp có 30.000 công nhân. Khi Liên Xô ngừng giúp đỡ, đầu tiên là không có xăng dầu, sau đó không có vật liệu xây dựng. Rồi không còn phân bón nữa, dẫn đến mùa màng thất bát. Công nhân của chúng tôi không có gì để ăn, xí nghiệp cho họ về nhà.
Lúc đầu, người ta chờ nhà nước phát thức ăn. Rồi chết đói trong khi chờ. Xác chết ở khắp mọi nơi, cứ cách mười mét lại có một người nằm chết trên đường. Nhân viên bệnh viện ném họ lên thùng xe tải, rồi ném xuống cái ao phía sau bệnh viện. Tôi đã tận mắt chứng kiến họ lấy chân đá vào xác chết. Không ai còn sức lực để chôn người chết, đơn giản là vì có quá nhiều.
Sau năm 1996, mọi thứ trở nên tốt hơn. Con người ta đã tự mình nắm lấy vận mệnh của mình. Họ vào nhà máy, tháo các thành phần của máy móc và bán chúng trên thị trường chợ đen. Từng mảnh, từng bộ phận trong nhà máy của chúng tôi bị tháo gỡ.
Vào thời điểm đó, sự kiểm soát của chính phủ gần như bị tê liệt. Người dân không đi làm việc nữa, thay vào đó họ leo núi, hái thuốc để bán ở chợ đen. Tôi đã nhìn thấy nhiều chuyến tàu với những cái ghế bị tháo đi và những cánh cửa sổ bị gỡ mất. Mọi người đều cố gắng sống sót bằng cách nào đó. Khi ấy, việc bảo vệ biên giới Trung Quốc rất lỏng lẻo. Vì nạn đói nên công an biên phòng cho dân đi qua dễ dàng.
Từ năm 1995 thị trường chợ đen đã thực sự bắt đầu. Trước đây, thị trường tư nhân cũng không bị cấm, mà chỉ rất hạn chế. Bây giờ, nếu chính phủ cấm chợ đen, một lần nữa sẽ có thêm nhiều người chết đói.
Những người phụ nữ bắt đầu ra ngồi ngoài chợ và mời rao hàng hóa. Ở xứ chúng tôi, phụ nữ chỉ được lo việc nội trợ, đàn ông phải đi làm cho nhà nước. Nhưng bây giờ làm việc cho nhà nước thu nhập ít đến mức mà người ta gọi là "đốt đèn giữa ban ngày", bởi vì nó chẳng có nghĩa lý gì. Phụ nữ kiếm ra tiền, vì vậy họ có nhiều quyền lực hơn.
Hiện nay có rất nhiều cơ hội để kinh doanh ở Bắc Triều Tiên. Ví dụ, bằng cách mua các sản phẩm trong luồng với giá thấp và bán chúng ra thị trường chợ đen với giá cao hơn nhiều. Bây giờ xe Porsche chạy khắp Bình Nhưỡng, nhưng thành thật mà nói: muốn làm giàu thì phải có mối quan hệ tốt với chính phủ. Thường dân ở Triều Tiên không có hy vọng gì đâu. Nếu việc trốn sang Hàn Quốc dễ dàng hơn, người ta sẽ trốn hết. May ra được một phần mười còn tin tưởng vào chính phủ."
Không chỉ thị trường chợ đen thay đổi đất nước. Mà, trên hết, nạn buôn lậu đã làm thay đổi đất nước. 90% giao dịch thương mại thông qua biên giới Trung Quốc và rất nhiều thứ mà chính phủ không muốn chấp nhận: DVD và MP3 của Hàn Quốc, điện thoại di động của Trung Quốc, những thứ mà những người sống ở các khu vực gần biên giới có thể sử dụng liên lạc với người thân của họ ở nước ngoài nhờ vào mạng Trung Quốc. Trong một thời gian dài, người dân Triều Tiên bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bây giờ, điều đó đang thay đổi.
🔻
🌟 Tuyên truyền viên
Jang Jin Sung (tên giả), 45 tuổi, làm việc trong bộ phận chiến tranh tâm lý và là một nhà thơ. Kim Chính Nhật thích một trong những bài thơ của ông đến mức tuyên bố ông là "người được bình chọn". Jang chạy trốn sang Seoul vào năm 2004 và kể về những trải nghiệm của mình trong cuốn sách "Dear Leader".
"Tôi ước tính rằng 70% người Bắc Triều Tiên xem phim tập Hàn Quốc nhập lậu. Mọi người khóc khi xem phim, cũng như họ khóc khi nhìn thấy Kim Chính Ân. Nhưng nước mắt dành cho ngôi sao điện ảnh tràn đầy cảm xúc, còn nước mắt dành cho lãnh đạo thì có phần gượng ép. Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã được học rằng, đây là cách chúng tôi phải phản ứng khi gặp các nhà lãnh đạo. Và chúng tôi biết, những người khác quan sát chúng tôi. Sẽ thật kỳ cục nếu bạn là người duy nhất không khóc. Khi tôi nhìn thấy Kim Chính Nhật lần đầu tiên, tôi đã phải khóc thật. Nhưng tới lần thứ hai thì tôi cảm thấy nó không còn thật nữa, cảm xúc của chính bản thân trở nên xa lạ.
Chế độ độc tài Bắc Triều Tiên muốn kiểm soát người dân cả về mặt tình cảm. Họ định hình nét mặt của con người, quyết định khi nào người dân cần cười và khi nào cần khóc.
Những bộ phim tập của Hàn Quốc đã thay đổi công việc của các tuyên truyền viên. Bây giờ hệ thống tuyên truyền phải cố gắng làm cho các bộ phim của họ trở nên hấp dẫn hơn, nhiều cảm xúc hơn. Trong phim Triều Tiên trước đây, nam và nữ hầu như không nói chuyện trực tiếp với nhau, bây giờ họ thậm chí còn ôm nhau! Nhưng nội dung vẫn y vậy: lãnh tụ là thần thánh, ngay cả chứng béo phì của lãnh tụ cũng linh thiêng.
Tất nhiên, phim tập gây tác động rất nguy hiểm cho chế độ. Tôi không nghĩ rằng chế độ này sẽ còn ổn định lâu hơn vì phim lậu và thị trường chợ đen, có thể năm hoặc sáu năm nữa là nó sụp đổ. Thông tin từ bên ngoài sẽ mang lại sự thay đổi."
Thông tin trong luồng và thông tin ngoài luồng không thể khác nhau đến như vậy. Từ lâu, người dân miền Bắc được dạy dỗ rằng, người dân miền Nam nghèo hơn họ rất nhiều, nhưng giờ họ lại thấy những ngôi sao trong những bộ phim tập sống trong biệt thự và chạy xe hơi ào ào.
🔻
🌟 Nữ quân nhân
Nathalia (tên tiếng Anh của cô ấy), 34 tuổi, chạy trốn sang Seoul vào năm 2006
"Tôi từng là một người lính ở Sinuiju. Tôi tình nguyện vào quân đội vì tôi nhất quyết muốn trở thành một chính trị gia. Điều này thật không dễ dàng đối với phụ nữ Bắc Triều Tiên, nên tôi nghĩ rằng, bằng tốt nghiệp quân sự có thể giúp ích cho tôi. Tôi có tin vào hệ thống này không? Tin cái gì chứ! Khi thành một chính trị gia, chỉ đơn giản là bạn sẽ có nhiều tiền và nhiều thế lực. Mọi người phải hối lộ bạn. Tôi không muốn trở thành doanh nhân, cha tôi đã từng làm nghề kinh doanh, một lần ông bị người Trung Quốc lường gạt mà không cách gì đòi tiền lại được. Đó khi tôi hiểu ra rằng, người làm nghề buôn bán hoàn toàn bất lực. Nếu là một chính trị gia, điều này không thể xảy ra.
Tôi đã làm việc trong quân đội trong tám năm. Trong bộ phận truyền thông. Vì tôi phải tiếp xúc nhiều với những người bên ngoài nên đám lính tráng hỏi tôi, có thể tìm cho họ đĩa DVD và USB không. Phim tập Hàn Quốc, phim khiêu d. và những thứ tương tự. Đám lính rất thích phim khiêu d. Tất cả những thứ thông tin khác nhau này tạo nên những cảm giác rất mâu thuẫn trong lòng họ. Những người này không còn lòng tin vào lý tưởng nữa, tuy rằng vẫn muốn được chụp ảnh chung với lãnh đạo. Vì suy cho cùng, cả cuộc đời họ đã được dạy dỗ rằng, phải yêu kính lãnh đạo. Đôi khi trong lòng họ, những sự mâu thuẫn vật lộn với nhau.
Khi tôi đến Hàn Quốc, đó không phải là một cú sốc lớn đối với tôi. Tôi đã biết văn hóa tư bản từ các đĩa DVD từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tôi đã xem rất nhiều chương trình về tội phạm, Breaking Bad và những thứ tương tự như là mafia, ma túy và tranh giành quyền lực. Nếu so sánh với phim ảnh, thì cuộc sống bình thường của tôi rất vô hại."
Nhưng nếu nhìn từ bên ngoài, thì không thể chịu nổi. Đó là một chế độ nỗ lực trang bị vũ khí hạt nhân, hy sinh quyền sống của hai mươi triệu thần dân nhằm duy trì quyền lực - và người ta không thể làm gì để chống lại điều đó. Tấn công nó? Không cần bàn cãi, Triều Tiên có thể ném bom hủy diệt Seoul trong vòng vài giây. Cấm vận nó? Chỉ hữu hiệu nếu Trung Quốc cùng tham gia. Thay đổi? Một ý tưởng sáng giá, nhưng không sớm mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, một ngày nào đó, chiếc hộp đen này sẽ mở ra. Có thể sẽ mất nhiều năm, có thể nó sẽ diễn ra rất nhanh vào một thời điểm thích hợp nào đó. Một thời điểm mà người Bắc Triều Tiên bắt đầu mở miệng, họ sẽ kể cho thế giới nghe vô số những câu chuyện mới.
*
🔘 Đằng sau những câu chuyện này là các nhân chứng đáng tin cậy.
Ký giả của chúng tôi đã gặp năm người Bắc Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc. Tại đây có rất nhiều tổ chức phi chính phủ được thành lập và làm việc với những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Hầu hết những người tị nạn là phụ nữ, nhiều người đã kiếm được tiền để chạy trốn thông qua các giao dịch chợ đen hoặc nhận hỗ trợ từ những người thân đã từng bỏ trốn. Riêng đầu bếp sushi Fujimoto Kenji, ký giả đã gặp ông ở Hakone, Nhật Bản. Ông có thể đưa ra những bức ảnh chụp với Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân làm bằng chứng.
*
VTP-LTH dịch
Nguồn: https://www.zeit.de/.../nordkorea-ueberlauefer-berichte...