💥 Bạo lực đối với thường dân - Vì sao binh lính trở thành tội phạm chiến tranh
Tác giả Nils Metzger và Ole Apitius
4/8/2022
Binh lính Nga tra tấn và giết hại thường dân ở Bucha và những nơi khác. Các chuyên gia lý giải, cách thức tiến hành chiến tranh của Nga đã làm cho tội ác chiến tranh có thể xảy ra nhiều hơn.
Bạo lực đối với thường dân đều có trong hầu hết mọi cuộc chiến. Tuy nhiên những bức ảnh từ Bucha đặc biệt gây sốc: mồ chôn tập thể, tra tấn, cướp bóc. Điều gì đã khiến những người lính thực hiện các hành vi như vậy?
°
1️⃣ Trò ngụy biện của Mátxcơva nhằm triệt hạ nhân tính đối thủ
Để biện minh cho cuộc chiến, điện Kremlin dựa vào luận điệu là Ukraine biến thái thành Đức Quốc xã. Ban đầu, luận điệu này chủ yếu chĩa mũi tên vào chính phủ ở Kyiv, từ đó người dân Ukraine cần được giải phóng. Chiến tranh càng gây nhiều tổn thất cho phía Nga, thì việc tuyên truyền nhắm vào người dân Ukraine càng trở nên mất nhân tính hơn.
“Giả thuyết 'con người tốt - chính phủ xấu' không còn được thích hợp nữa”, một quan điểm được đánh giá cao của hãng tin "Ria Novosti" hôm 3/4. Jan Behrends từ Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đương đại Leibniz ở Potsdam cho biết: “Bạo lực và tàn sát thường dân có thể được sử dụng như một thứ vũ khí nhằm mục đích chiếm đóng lãnh thổ.”
“Nhưng cũng có thể hình dung được rằng kỷ luật yếu kém của đội quân đã khiến cho các cuộc tấn công tự phát xảy ra, chẳng hạn như để trả đũa cho những tổn thất của mình hoặc vì thất vọng.” Bản hùng ca chiến tranh của đám dư luận viên điện Kremlin chỉ còn là dư âm cho hành động của quân lính Nga.
°
2️⃣ Vi phạm nhân quyền là truyền thống của quân đội Nga
Ở Afghanistan, Chechnya hay Syria - các lực lượng vũ trang của Nga đã liên tiếp vi phạm nhân quyền. Marc Garlasco, cố vấn cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nói:
◼️ “Trong chiến tranh ở Syria, Nga từng bị tố báo là vi phạm tội ác chiến tranh suốt nhiều năm.”
Garlasco đưa ra ví dụ: các cuộc tấn công vào các bệnh viện hoặc tình trạng đói khát của thường dân Syria. Xét về khía cạnh này, cuộc chiến Ukraine hiện nay không tàn khốc hơn các cuộc xung đột khác. Tuy nhiên, lý giải cách hành xử của quân đội nước nhà là điều cấm kỵ ở Nga:
◼️ “Nhà chức trách Nga chưa bao giờ cho điều tra những tội ác do chính quân đội của họ gây ra. Người ta cũng không được phép đưa vấn đề này ra trước công chúng. Chính quyền luôn để tâm đến việc, hình ảnh của một quân đội anh hùng và vẻ vang không bị hoen ố.” Theo Jan Behrends, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đương đại Leibniz.
°
3️⃣ Chỉ huy không can thiệp vào các trường hợp vi phạm
Cho đến nay vấn đề vẫn chưa được sáng tỏ, liệu các tội ác chiến tranh của Nga, như ở Bucha, có được ra lệnh cụ thể hay không, hay chúng chỉ là tội ác được các chỉ huy dung túng. Hôm thứ Năm, tờ "Spiegel" đưa tin về các tin nhắn vô tuyến bị BND chặn ghi, trong đó các binh sĩ Nga đang nói về việc giết hại thường dân và tù nhân. Chúng mang dấu hiệu của một chiến lược có mục tiêu.
Từ việc dung túng cho tội ác chiến tranh, các chỉ huy đã tự ra bản án cho họ. Garlasco giải thích nguyên tắc cơ bản của luật hình sự quốc tế: “Cấp chỉ huy chịu trách nhiệm đối với mọi người dưới quyền và phải ngăn chặn hoặc trừng phạt những hành vi bất hợp pháp - nếu không thì chính họ phải chịu tội”.
◼️ “Bất kỳ chỉ huy Nga nào có đơn vị tham gia vào các tội ác chiến tranh, kể cả Putin, đều cần lo sợ khi đi ra khỏi nước Nga - trong suốt quãng đời còn lại của mình. Vì họ có thể bị truy tố ở Den Haag.” Theo Marc Garlasco.
°
4️⃣ Sai phạm giữa những người đồng chí trong nhật lệnh.
Nội bộ các lực lượng vũ trang Nga cũng có vấn đề về bạo lực. Trên hết, mối quan hệ giữa sĩ quan và binh lính rất tệ hại và mang tính lạm dụng quyền lực. Chuyện này hiếm khi bị xử phạt. Behrends nói: “Chắc chắn tệ nạn này có liên quan đến văn hóa bạo lực đặc trưng của quân đội Nga, nhưng cũng do sự thiếu kỷ luật và thiếu chuyên nghiệp.”
Thêm vào đó là quản lý yếu kém và nạn tham nhũng. Một phần ngân sách béo bở lẽ ra để dành cho tiến trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, thì nó chui vào túi riêng của những kẻ có thẩm quyền. Một cơ cấu chỉ huy mà hoạt động như một tổ chức tội phạm thì khó có thể ngăn chặn tội ác chiến tranh, chứ chưa nói đến việc xử phạt chúng.
°
5️⃣ Quân trang thì tồi tệ còn vũ khí thì “ngu ngốc”
Bản thân thiết bị cũng đóng một vai trò trong việc tránh thương vong cho thường dân. Công nghệ hiện đại, từ thông tin liên lạc đến bom dẫn đường chính xác, đều có thể giảm bớt thiệt hại và đảm bảo chỉ nhắm trúng mục tiêu cần bị hủy diệt.
Quân đội Nga thiếu điều đó. Những gì họ có là những quả “bom ngu” không điều khiển. Nó đi cùng hàng đoàn pháo binh, vây hãm thành phố. Một loại vũ khí như vậy mà chĩa vào các khu dân cư đông đúc, đương nhiên là trúng dân. Rõ ràng quân Nga chỉ muốn đạt được mục tiêu bằng sự tàn bạo.
°
6️⃣ Tội ác chiến tranh thường khó chứng minh
Đúng là tội ác chiến tranh thì rất khó để chứng minh trước tòa án pháp luật. Garlasco nói: “Đáng tiếc, phần lớn bạo lực chống lại thường dân là hợp pháp.” Công ước Geneva và các văn kiện khác ghi nhận những ngoại lệ rộng rãi mà theo đó quân đội có thể giết thường dân.
“Nếu quân đội tấn công một mục tiêu hợp pháp, thì những hạn chế (cho việc sử dụng các phương tiện) là tối thiểu.” Garlasco cho biết giới hạn đối với những mục tiêu hợp pháp là rất thấp, trái lại, giới hạn đối với tội phạm chiến tranh thì rất cao. “Không khó để xác định cuộc tấn công cụ thể thuộc về bên nào, nhưng rất khó để chứng minh nó có chủ đích hay không.” Ông hy vọng rằng tính lan truyền của mạng xã hội sẽ làm tăng cơ hội để xác định thủ phạm.
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra bi quan về diễn biến tiếp theo của cuộc chiến Ukraine: “Thật đáng lo sợ, e rằng các hành động bạo lực ở Bucha không phải là trường hợp cá biệt. Chúng tôi thấy rằng, cuộc vây hãm thành phố cảng Mariupol cũng vậy, mỗi ngày là một tội ác diệt chủng chống lại người dân Ukraine,” Behrends nói.
VTP-LTH dịch
*
Nguồn: https://www.zdf.de/.../kriegsverbrechen-butscha...