Bên cạnh những cái tên ngộ nghĩnh như Ngọc Tủn, Tí Điệu, tôi không biết tôi đã như thế nào lúc nhỏ mà mọi người thân quen, từ gia đình đến họ hàng thân thiết, đều cho tôi những tên gọi khác nghe có vẻ ái ngại lo lắng như là cô bé khờ, người cung trăng. Riêng các anh tôi ngày đó có anh có lẽ do bực tức trước sự ngu ngơ của cô em gái cho nên đã gán thêm cho tôi cái tên “ngây thơ cụ.”
Lúc nhỏ do không có khả năng đối đáp thì tôi hay buồn, vì nghĩ rằng mình đã bị oan nhưng bây giờ tôi lại mĩm cười khi nghĩ đến khái niệm “vỡ óc” vừa đến trong suy nghĩ. “Vỡ óc” ở đây tôi muốn nói về sự hiểu biết hay ý thức trách nhiệm trước một sự việc.
Ý thức hiểu biết hay sự “vỡ óc” trước một sự việc của một đứa trẻ, thông thường không giống nhau do di truyền, môi trường và hoàn cảnh phát triển. Có những đứa trẻ khôn ngoan tinh tế, có khả năng đáp ứng được sự việc xẩy ra ngay từ lúc nhỏ. Có những đứa trẻ thì khù khờ, hành động bị điều kiện hóa bởi người lớn hay môi trường sống, khi không có người lớn thì không dám quyết định sự việc một mình. Có đứa trẻ hiền lành ngoan ngoãn trong khi một đứa trẻ khác thì hung dữ, vô cảm. Bản tính thụ động hay hiếu động, hiền lành hay độc ác của đứa trẻ do đó tùy thuộc vào sự giáo dục và môi trường mà đứa trẻ tiếp xúc khi lớn lên. Bản tính này sẽ đi theo đứa trẻ không những từ khi còn nhỏ mà ngay cả khi trưởng thành nếu không có những cơ duyên đến làm thay đổi lề lối suy nghĩ. Nói một cách khác cách cư xử ban đầu của một đứa trẻ đến từ sự lập lại những điều đã được nghe, được thấy.
Lúc nhỏ việc rập khuôn hành động hay phản ứng của một đứa trẻ sẽ không được thấy là quan trọng. Nhưng khi trưởng thành, cách cư xử máy móc, thuần lý thuyết, đã tạo nên một kiểu văn hóa chấp nhận nơi một số người. Một số người khác với sự thiếu vắng của cảm xúc tự thân, lại cảm nhận một sự thiếu vắng, trống trải trong cuộc sống. Sự cảm nhận thiếu vắng này là khởi đầu cho những tìm kiếm sự thay đổi trong tư duy. Khi có được sự phối hợp hài hòa giữa cảm xúc với lý trí, con người sẽ đi tới sự quân bình trong cách xử thế.
Tôi lớn lên là con thứ năm, nhưng lại là con gái đầu của ba mợ tôi. Sau tôi lại có thêm một cậu em. Tưởng rằng tôi là cô con gái duy nhất do đó lúc nhỏ tôi rất được gia đình cưng chiều, che chở, nhưng cái khổ cũng đến từ đó. Theo lề lối quyền huynh thế phụ, ba tôi giao tôi cho bốn ông anh ruột lại thêm một ông anh họ kìm kẹp tôi chặt chẽ từ lúc bé. Trong nhà, ngoài sách học ở trường, các sách tôi đọc thêm đều là sách của các anh tôi để lại, trong đó đa số là sách danh nhân, thánh hiền của anh cả. Do bị lệnh cấm từ anh thứ hai vốn là một quân nhân tình báo dưới thời VNCH rằng tôi không được đọc sách truyện, báo chí hay tiểu thuyết, trong những giờ rảnh sau giờ chơi đùa với các em, tôi đã đọc hết sách của các anh tôi để trong phòng học. Bị răn đe từ các anh nhưng do được trông nom bởi các anh cho nên tôi lại chịu ảnh hưởng bởi các anh. Bản tính ngang tàng nghịch ngợm của tôi đến từ các anh, nhưng tôi lại rất biết nghe lời, ngoan ngoãn và nề nếp (có lẽ do sợ bị đòn) từ lúc nhỏ.
Khi tôi lớn lên, sự hiền hậu của xã hội miền Nam và sự giáo dục gắn bó, che chở của gia đình, đã ảnh hưởng lớn lao đến một cái tôi dịu dàng, gần gũi, nhưng tự thân nghiêm khắc. Những suy nghĩ và cách hành xử của tôi đã không hướng về bản thân mà về bổn phận. Những ý nghĩ của tôi hoàn toàn rập khuôn với ý nghĩ của ba mợ tôi và của các anh tôi, qua đó gia đình là trên hết.
Vượt biển, ra đến nước ngoài tôi vẫn là tôi những ngày còn ở nhà. Điều này đã khiến những người thân của tôi đã phải lo lắng cho tôi trước sự phức tạp của đời sống hải ngoại. Nhưng có một điều mà không ai hiểu rằng với sự “vỡ óc” trong ý thức trách nhiệm với gia đình từ những ngày đầu, cuộc sống lưu vong khi ra hải ngoại đã giúp tôi “vỡ óc” trước tình đồng bào và đất nước. Sự phẫn uất trước những cảnh đời đoạn trường, sự bất hạnh của người dân khắp nước dưới chế độ Việt Cộng, đã giúp tôi tìm được phần nữa của chính mình.
Với sự chia cắt đất nước, đa số những người Việt Nam di cư vào Nam năm 1954 và những người Nam tập kết ra Bắc vì tuyên truyền của Việt Minh đều có những liên hệ huyết thống qua lại giữa hai miền Nam Bắc. Gia đình chúng tôi cũng cùng chung cảnh ngộ. Cả bên nội và ngoại tôi đều có những người ở cả hai bên chế độ.
Bác T. anh cả của mẹ tôi, đã theo Việt Minh từ những ngày đầu chống Pháp và giữ một số vai trò quan trọng trong chế độ cộng sản. Ngay sau tháng 4, 1975 ông đã vào Nam để quan sát tình hình, và ông đã bảo với mẹ tôi là ông đã sai lầm. Sau khi trở về Bắc ông đã lên cơn đau tim mà mất. Trước khi mất ông đã dặn dò cậu tôi là phải di chuyển vào Nam để bảo vệ gia đình của chị tức là gia đình của mẹ tôi.
Bên gia đình Ba tôi thì có chú Tâm em trai kế của ba tôi vốn ra Hà Nội học nhưng lại tham gia phong trào độc lập dân tộc. Chú đã đi hàng đầu trong một cuộc biểu tình và đã bị bắn chết. Trên lầu, qua bức ảnh trên bàn thờ, chú Tâm tôi với áo dài thâm, tóc cắt cao, khôi ngô tuấn tú. Sau tháng 4, 1975 một hôm có một người miền Bắc đến nhà xin mẹ tôi cho nhận bức ảnh của chú Tâm tôi. Nói rằng chú Tâm là ba của cậu ấy. Theo lời kể, khi chú chết thì người yêu của chú mang thai con chú mà gia đình không ai biết. Một người bạn của chú đã nhận lấy người yêu của chú và nhận con chú làm con. Sau khi được mẹ tôi giao ảnh thì người đó đã không bao giờ đến nữa. Hàng xóm cho biết người thanh niên này đi xe jeep đến, có người hộ vệ đậu xe ở đầu ngõ và đi bộ vào. Có lẽ cậu ấy cũng là một cán bộ cộng sản.
Đấu tranh là cái nghiệp. Riêng tôi không biết có phải được thừa hưởng giòng máu của hai bên nội ngoại hay không, nhưng bản thân thì rất thấy hạnh phúc, an bình trong sự đóng góp nhỏ nhoi cho đất nước.
Không quan tâm cuộc đấu tranh này sẽ diễn tiến bao lâu, tôi chỉ biết rằng ngày nào còn hơi thở, còn khả năng đóng góp, tôi vẫn còn tiếp tục góp bàn tay với các anh chị em cùng chí hướng trong công cuộc đấu tranh chung đem lại tự do hạnh phúc và tương lai cho dân tộc.
Tuệ Vân
Ngày 7 tháng 2 năm 2022.