Là một ca khúc bất hủ, mỗi khi tết đến thì vang khắp từ xóm nhỏ đến thị thành, lời chúc mang nhiều ý nghĩa nhất gửi đến mọi thành phần “quân dân cán chính”:
“Người công nhân ấm no” rồi “người thương gia lợi tức” .... cùng lời ước vọng “ngày mai sáng trời Tự Do” - “ngày máu xương thôi tuôn rơi” và cuối cùng thì “Muôn người hạnh phúc chan hòa”. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã làm nên “lịch sử” khi sáng tác bài hát này vào thập niên 50. (Có người bảo năm 55, có kẻ bảo năm 52). Năm nào cũng được, không thành vấn đề, chỉ có điều chắc chắn là bài hát đã đi vào lòng người, mọi người đều biết, đều đã nghe hoặc chỉ nghe tên. Một bản nhạc bất tử vượt thời gian, sống mãi mọi thời đại.
Nhưng sau tháng 4/75 thì bài hát bị nhà cầm quyền với nỗi “sợ hãi” rất vu vơ, đã không cho lưu hành, mãi cho đến tháng 1 năm 2016 mới được “giải trừ”. Tuy thế, tại những “sự kiện” chui bài hát này vẫn được cất cao khi xuân về tết đến. Nghe nói bài hát bị cấm vì có một vài câu nhạc mang hơi hướm “ngụy quân”.
Chúc người “binh sĩ” lên đường
-------
“Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời “lính”.
Tôi cũng đọc được một vài bài báo giải thích sự cấm đoán này và các bố trong cái Cục con mẹ gì đó, sau khi điều tra tới tra lui và cho kết luận: các từ ngữ “binh sĩ, lính” trong Ly Rượu Mừng không phải là người lính Việt Nam Cộng Hòa mà là người lính trong đội quân chống Pháp nên đã “giải trừ lệnh cấm vận”. Và nó được mở đầu cho một chương trình Xuân của công ty Phương Nam gi đó, và được tiếp tục cho tất cả các “sự kiện” khi Xuân về Tết đến. Có một chút tương tự, cũng cấm rồi cũng đoán, khắp đường phố từ thành đến tỉnh đâu đâu ai cũng được nghe những loại nhạc Bolero, loại nhạc đã được quân ta miền Nam gọi yêu là “nhạc sến” vì “Họ vẫn yêu bài hát ấy vô cùng”
Nghĩ đi nghĩ lại thì việc cấm đoán, giải trừ của mấy bố chả ra chi, chả đâu vào đâu khiến buột miệng chửi thề: “Mẹ! mặc cảm gì mà vớ vẩn thế”. Dẹp, không nói nữa, bẩn mồm!
Ban Thăng Long!
Nghe người trong nước hay hải ngoại hát, dù rất hay và đều với... “âm thanh bốn chiều vang động” bài hát Ly Rượu Mừng, nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận được cảm xúc tột đỉnh của bài hát. Phải là ban Thăng Long, phải là anh em nhà họ Phạm: Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc, mới lột được “toàn thân, toàn cảnh”. Lúc đầu Ban Thăng Long còn có 2 tay gạo cội nữa là Phạm Duy và Khánh Ngọc. Nhưng vì có một vấn đề hơi “nhậy cảm” nên 2 người này đều biến.
Ra ngoài này, vì Thái Thanh còn kẹt lại và Mai Hương thay thế. Mai Hương là cháu ruột của các anh em nhà họ Phạm, và được coi là tiếng hát rất “cổ”, rất hiền từ và có một đời sống đạo đức nhất trong giới nghệ sĩ.
Năm học Đệ Ngũ (1965~) vì có bố làm việc trong đài phát Thanh Saigòn nên tôi hay được đi xem chùa các chương trình tuyển lựa ca sĩ của Đài, nhưng tôi chỉ đi xem nếu chương trình có Ban Thăng Long hay Ban AVT.
Tôi nhớ nhất Hoài Trung dí dỏm với “Ông Nỉnh, Ông Nang” thích thú với tiếng hí và tiếng vó ngựa của ông trong “Ngựa Phi Đường Xa”. Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) thì khỏi nói, với cả trăm sáng tác, trường ca. Tuy lận đận, oan trái về tình trường khi cảm xúc viết bài “Nửa Hồn Thương Đau”, ông đã xuất thần phổ nhạc những bài thơ của Đinh Hùng (Mộng Dưới Hoa), “Mưa Saigon Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn)....ông đã để đời những tuyệt tác “Ly Rượu Mừng”, “Tiếng Dân Chài”, “Ra đi khi trời vừa sáng; “Hội Trùng Dương”...., một trường ca mà bất cứ một tên học trò nào cũng “lên mặt” và mơ được lên sân khấu khi được chọn vào ban hợp ca các trường trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp thời đó. Còn Thái Thanh thì khỏi chê, giọng của bà thì chả ai dám động. Tôi có bố một thằng bạn, cứ nghe một bài hát nào mà ông không vừa ý thì ông phán: “Bài này để “con” Thái Thanh hát mới hay.
Năm 1992, khi Phạm Duy và Thái Hiền sang Nhật có cả Thái Hằng đi cùng. Tôi đề nghị Phạm Duy để bác Thái Hằng hát một bài, nhưng ông bàn ra: “Tôi nghĩ bà không hát được đâu, vì nhiệm vụ của bà ấy lần này là bán... băng nhạc cho tôi và muốn ngắm cảnh Tokyo” và thế là tôi bỏ ngang ý định
Tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều về lối trình diễn của Ban này, nên khi tổ chức các chương trình văn nghệ, tôi hay bắt chước và thường mở đầu với 4 câu hát, trước khi vào bài hát chính.
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua
(Văn Cao)
Ban Tứ Ca và Thăng Long của...tôi
Như tôi đã kể ở bài trước, tôi bị “bỏ rơi” 2 lần nên quyết “phục hận”, về nhà rủ 3 bà ở cùng khu vực Ebisu (Tokyo) lập ban Tứ Ca...Nhật Trường. Tụi tôi đã lấy lại niềm tin của mọi người khi cùng 3 bà bạn hợp ca hai ca khúc nổi tiếng “Tiễn Em” (Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng) và “Đường Tơ Thôi Lưu Luyến” (Nguyễn Hiền), trong “sự kiện” Hajimete. Vào thời đó cứ đến tháng 2 hay tháng 3 là có hai ngày hội: Hajimete (dành cho sinh viên mới qua) và Sayonara (cho các sinh viên qua năm trước, chia tay để đi khắp các trường đại học trên toàn nước Nhật). Ba bà bạn của tôi thì nay mỗi người mỗi ngả, người ở Pháp, người ở Mỹ và người ở Nhật.
Những lần hội ngộ Exryu sau này (2004, 2012, 2019) tôi đã tái lập lại ban Thăng Long, ban Tam Ca Đông Phương với các người bạn và dâu “exryu cùng năm ở Mỹ, tôi và mẹ cháu. Mấy người này thì chú Huy biết rõ.
Cuộc đời “văn nghệ” của tôi khi còn trong nước khá thuận buồm xuôi gió. Lúc còn học Hưng Đạo, cứ đến cuối năm là tôi có mặt cùng với vài người bạn giúp vui, ủy lạo chiến sĩ đi đến các tiền đồn nằm cạnh ven đô. Năm 1970, nhân văn nghệ tất niên, thấy tôi cầm đàn trong ban nhạc của lớp B-16 Hưng Đạo, thầy Việt Văn Nguyễn Đông Ngạc phán một câu khiến tôi nhớ mãi: “Thấy anh có mặt hôm nay tôi rất mừng vì ít ra anh đã thể hiện được một khả năng”. Thầy nói vậy là vì thấy biết tôi là người ham chơi hơn ham học, hay a dua theo mấy ông bạn chọc phá các thầy trong lớp.
Ra ngoài này thì khỏi nói và tôi đã nói.
Ước mơ “tái hiện” chuyện năm xưa, có lẽ đối với tôi bây giờ là vô vọng. Tôi vẫn mơ bài hát ấy vô cùng”.
Buồn thiệt!
Tôi lại lẩm cẩm chuyện không đâu vào đâu cả vì hôm nay vẫn còn là ngày “mồng” trong số 10 ngày của “mồng”. Vẫn chưa hết Tết!
VĐK