12/02/2022
Nathan Chen ăn mừng sau màn trình diễn trượt băng nghệ thuật hoàn hảo hôm 10/2 ở Thế vận hội Bắc Kinh
Khi vận động viên Nathan Chen của đội tuyển Mỹ giành chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên của mình trong màn trình diễn không tỳ vết trên sàn trượt băng ở Bắc Kinh hôm 10/2, đó là đỉnh điểm của giấc mơ kéo dài nhiều năm đối với vận động viên là cư dân thành phố Salt Lake và là người Mỹ thế hệ đầu tiên này.
Kỷ lục
Chen đã không thể hiện bất kỳ sự căng thẳng nào khi anh lướt trên băng ở Bắc Kinh và sau đó đã giành huy chương vàng sau khi đã lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung ngắn mới hai ngày trước.
Anh đã thực hiện tổng cộng năm cú xoay vòng bốn lần (quad jump) – điều tự nhiên đối với một vận động viên trượt băng có biệt danh là vua xoay vòng bốn lần – trong liên khúc nhạc có bài Rocket Man của Elton John.
Nathan Chen đã giành huy chương vàng Olympic đầu tiên của mình với tổng số điểm là 332,60, một kỷ lục cá nhân.
Đây có thể không phải là chiếc huy chương vàng duy nhất của Nathan Chen ở Bắc Kinh. Chen góp vai trò quan trọng khi dẫn dắt đội tuyển Mỹ giành huy chương bạc trong nội dung đồng đội xếp sau đội Nga, nhưng lễ trao huy chương đã trì hoãn vô thời hạn do nghi vấn doping của ngôi sao Nga 15 tuổi Kamila Valieva.
Nếu đội Nga bị tước danh hiệu, thì đội Mỹ sẽ được đôn lên giành huy chương vàng – và nâng gấp đôi tổng số huy chương vàng của Chen.
Với chiến thắng cá nhân này, Chen trở thành nam vận động viên Mỹ đầu tiên giành huy chương vàng trượt băng nghệ thuật kể từ Evan Lysacek tại Thế vận hội Vancouver 2010. Chỉ có sáu nam vận động viên Mỹ khác từng làm được điều này trong lịch sử.
Là con trai của đôi vợ chồng di dân Trung Quốc sinh ra ở Salt Lake City, Nathan Chen vẫn sống thật với gốc gác Utah của mình ngay cả khi chuyển đến California lúc còn trong tuổi thiếu niên để huấn luyện và cuối cùng đến Bờ Đông để học đại học. Anh đã trở về cố hương của cha mẹ là Bắc Kinh để chấm dứt cơn khát huy chương kéo dài của trượt băng nghệ thuật Mỹ.
“Bạn không thể tưởng cảm giác như thế nào. Thật tuyệt vời,” Chen bày tỏ, trước khi đề cập về nguồn gốc của mình. “Mẹ tôi sinh ra ở Bắc Kinh, và tất nhiên tôi có mối quan hệ gia đình ở đây. Tôi rất vui mình có cơ hội này”.
Nhà vô địch thế giới ba lần này sẽ có cơ hội giành danh hiệu thứ tư vào tháng 3 tại Montpelier, Pháp. Nếu làm được, Chen sẽ trở thành người Mỹ đầu tiên vô địch thế giới bốn lần kể từ Scott Hamilton giành chức vô địch trong những năm 1981-1984.
‘Máu, mồ hôi và nước mắt’
Trong cuộc phỏng vấn với CNN một ngày sau khi giành huy chương vàng tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, Chen nói rằng ‘thật khó để diễn tả thành lời’ cảm giác chiến thắng của anh.
“Phải mất rất nhiều năm tập luyện. Rất nhiều người ủng hộ tôi, tôi đã đổ rất nhiều – tôi biết nó nghe sáo rỗng – máu, mồ hôi và nước mắt trong rất nhiều năm,” vận động viên 22 tuổi này nói.
Chen đã nhanh chóng ghi công cho mẹ, và anh đã lên Instagram cảm ơn mẹ và đăng ảnh bản thân khi còn là cậu bé trong vòng tay mẹ, tay nắm chặt chiếc huy chương vàng với dải ruy băng đỏ, trắng và xanh.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Chen gọi mẹ, bà Hetty Wang, là ‘người vất vả nhất mà tôi từng thấy’. Anh nói sự ủng hộ của bà – bao gồm đi qua những năm tháng gia đình gặp khó khăn tiền bạc – là điều giúp anh làm nên sự nghiệp.
Anh nhớ lại vào lúc anh khoảng 10 tuổi, bà đã tìm ra cách cho Chen được tập luyện với một huấn luyện viên ở California, trong khi gia đình anh sống cách đó hàng trăm dặm ở thành phố Salt Lake, bang Utah.
“Tình hình tài chính gia đình tôi lúc đó thực sự không tốt để chuyển đến California... và trượt băng ở Salt Lake rẻ hơn đáng kể so với ở California. Nhưng bà ấy vẫn gói ghém cho tôi càng nhiều tiền càng tốt và lái xe đưa tôi từ Utah đến California, rồi lái về Utah từ California, hết lần này đến lần khác,” Chen cho biết.
“Bất cứ giờ nào trong ngày, cho dù là 3 giờ sáng, bà ấy vẫn lái xe chầm chậm đưa tôi đi tập, và nó giống như là không có thực vậy,” anh nói.
Chen cũng cho rằng đạo đức nghề nghiệp và tình yêu đích thực của anh đối với môn thể thao này là nhờ vào cách nuôi dạy của mẹ - mà anh cho rằng không rơi vào khuôn mẫu ‘mẹ hổ’ – tức là kiểu người mẹ giáo dục con chặt chẽ và hà khắc để con thành đạt.
“Đó là sự pha trộn giữa làm việc nghiêm túc và vui chơi. Bà ấy đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho tất cả chúng tôi. Nhưng trong tiêu chuẩn đó, bà muốn chúng tôi tận hưởng điều mình làm,” Chen nói, ý nói đến bản thân anh và bốn anh chị em.
“Tôi nghĩ nhờ vào sự cân bằng đó mà tôi có tình yêu trượt băng nghệ thuật nhiều như bây giờ, nhưng vẫn có thể đạt được mục tiêu mà tôi đặt ra cho mình,” anh nói.
Chen nói trước báo giới hôm 10/2 sau khi giành huy chương vàng rằng chiến thắng của anh có ý nghĩa đặc biệt vì nó xảy ra ở Bắc Kinh – thành phố nơi mẹ anh lớn lên và là nơi cha mẹ anh gặp nhau.
‘Giấc mơ từ nhỏ’
Từ khoảnh khắc Nathan Chen lần đầu tiên bước lên băng tại Khu liên hợp thể thao Thành phố Salt Lake với đôi giày trượt quá lớn và áo khoác màu vàng phủ đến mắt cá chân, Stephanee Grosscup biết anh sẽ là hiện tượng đặc biệt.
Bà thậm chí còn về nhà nói điều đó với gia đình khi bà dạy cho cậu bé 3 tuổi rưỡi ở Utah bài tập đầu tiên dưới bóng của Thế vận hội mùa đông năm đó ở Thành phố Salt Lake. Khi mẹ của Chen hỏi bà hai năm sau đó liệu con trai bà ‘có thể có tương lai’ trong môn thể thao này hay không, Grosscup cười. Câu trả lời có vẻ đã quá rõ ràng.
“Cậu ấy vẫn là một người bạn tốt ở nhiều cấp độ,” bà Grosscup, người đã huấn luyện Chen cho đến khi anh chuyển đến California để tập luyện với huấn luyện viên hiện Rafael Arutunian ở trường trung học, nói với KSL, đài phát thanh của thành phố Salt Lake.
“Nhưng còn nhỏ vậy mà cậu ấy đã có ước mơ tham gia Olympic, và chứng kiến ước mơ của cậu ấy thành hiện thực là điều tuyệt vời và tạo cảm hứng,” bà nói.
“Tôi cảm thấy mình nhỏ bé và may mắn vì có cơ hội trở thành một phần trong hành trình đến ước mơ của cậu ấy.”
Vận động viên Mỹ Jason Brown – nhà vô địch quốc gia năm 2015 và là bạn thân của Chen kể từ khi cả hai thi đấu tại các giải trẻ hồi năm 2007 – xếp thứ sáu ở Bắc Kinh.
“Cậu ấy xứng đáng với huy chương vàng,” Brown nói sau màn trình diễn của mình. “Tôi đã tranh tài với cậu ấy trong bốn năm qua – tại tất cả các giải vô địch thế giới, giải vô địch quốc gia, Grand Prix. Không có ai xứng đáng hơn. Cậu ấy đã tập luyện rất cực khổ. Cậu ấy rất có tài. Tôi rất tự hào là đồng đội của cậu ấy”.
Ngoài ba danh hiệu thế giới, Nathan Chen đã giành được sáu chức vô địch quốc gia Mỹ - gần đây nhất chỉ một tháng trước.
‘Vươn lên từ thất bại’
Chiếc huy chương vàng Olympic là điều mà Nathan Chen đã mơ ước suốt cuộc đời, nhất là sau khi anh nếm trải nỗi đau thất bại bốn năm trước ở Pyeongchang. Anh đã té ngã trong nội dung ngắn ở Pyeongchang năm 2018. Đó là khoảnh khắc làm tiêu tan cơ hội đoạt huy chương của Chen khi đó mới 18 tuổi.
Năm đó anh về thứ năm trong nội dung tranh tài cá nhân và giành huy chương đồng ở nội dung đồng đội.
Vượt qua màn trình diễn thất vọng đó là động lực thúc đẩy anh trong kỳ thế vận hội này, Chen nói.
“Tôi chắc chắn muốn vượt qua thành tích đó. Tôi muốn có thể thi đấu ở hai nội dung ngắn mà tôi thấy rất tự hào và mãn nguyện, và tôi thực sự vui vì tôi có thể làm điều đó ở đây (Bắc Kinh). Giấc mơ của tôi là đến được đấu trường này và tôi không bao giờ thực sự nghĩ rằng nó có thể xảy ra,” anh nói trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Trong bốn năm kể từ đó, thành tích của Chen đã cho anh lý do để tự tin. Anh đã giành được ba chức vô địch thế giới liên tiếp và giành danh hiệu thứ 6 liên tiếp ở Mỹ để đến Bắc Kinh như ứng cử viên hàng đầu.
“Nathan không phải là người cứ bám vào quá khứ,” Grosscup nói với KSL. “Cậu ấy muốn học hỏi từ thất bại, nhưng không lặp lại một trong những màn trình diễn trượt băng tệ hại nhất trong đời mình ở Pyeongchang. Cậu ấy thực sự đã vươn lên từ đống tro tàn, đứng dậy và hiên ngang tiến về phía trước.”
Chiếc huy chương vàng đã hoàn thành mục tiêu cả đời của Chen, vốn ngoài trượt băng còn chơi piano, khúc côn cầu trên băng và thể dục dụng cụ - tất cả đều vào thời điểm anh giành chức vô địch quốc gia trẻ đầu tiên khi mới 10 tuổi.
“Ở Pyeongchang, cậu ấy mới 18 tuổi. Cậu ấy không có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, mà chỉ là ước mơ giành chiến thắng ở Olympic,” Grosscup nói.
Trở lại học đại học
Chen nhấn mạnh rằng quản lý cảm xúc – tức giữ cho mình ‘bình tĩnh và tâm lý ổn định’ – là một phần quan trọng trong việc phát huy tối đa trên mặt băng.
“Tôi cố gắng không để cảm xúc lấn át, bởi vì tôi cảm thấy tôi có thể kiểm soát tốt nhất màn trình diễn của tôi trên băng khi tôi có trạng thái điềm tĩnh, ổn định,” anh nói.
Chen cũng trải lòng về việc bỏ lỡ cơ hội đứng trên bục nhận huy chương sau khi đội tuyển Mỹ giành huy chương bạc trong nội dung trượt băng nghệ thuật đồng đội hôm 6/2.
“Lễ trao huy chương chắc chắn là một phần rất đặc biệt của Thế vận hội, và đối với những người nhận huy chương, tôi thực sự hy vọng rằng họ có thể đến nhận. Bất kể chuyện gì xảy ra, nhưng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có cơ hội này để chia sẻ khoảnh khắc đó như là một đội,” Chen nói với CNN.
“Chắc chắn sẽ có rất nhiều ẩn số xảy ra, nhưng cuối cùng, tất cả những gì tôi thực sự có thể kiểm soát là tôi có thể làm được như thế nào. Và chắc chắn, là vận động viên, bạn muốn có sân chơi công bằng nhất có thể,” Chen nói khi được hỏi về nghi án dính doping của đối thủ Nga.
Về dự định tiếp theo sau khi đạt được giấc mơ Olympic của mình, Chen nói anh muốn trở lại học tại Đại học Yale, nơi anh đang học ngành thống kê và khoa học dữ liệu mà anh đã tạm ngưng để chuẩn bị cho Thế vận hội.
“Đã bỏ ra rất nhiều thời gian của cuộc đời để theo đuổi niềm đam mê trượt băng này không thực sự cho tôi có cơ hội khám phá những thứ bên ngoài môn thể thao này như tôi muốn. Tôi rất vui được trở lại trường đại học và xem ngoài kia còn có gì nữa cho tôi và cố gắng tìm niềm đam mê khác ngoài trượt băng,” anh nói.
Và mặc dù anh ấy nói niềm đam mê trượt băng của anh vẫn còn, nhưng anh ấy sẽ có quyết định về sự nghiệp trượt băng của mình ‘trong tương lai gần’.
“Hiện tại, tôi cảm thấy hạnh phúc trong thời điểm này,” anh nói với CNN.