I/
Chiều Tháng Bảy năm ấy, một buổi chiều mưa rả rích; trong thơ văn gọi là mưa ngâu với những hình ảnh rất lãng mạn… Bầu trời giăng mây tím, có đàn quạ bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau… Đó là trong truyền thuyết. Mùa mưa ngâu năm 1978 có cả những giọt nước mắt tức tưởi của mẹ con chúng tôi, khi chiếc xe ô tô loại Jeep lùn và chiếc xe “ba càng” đỗ xịch trước cổng nhà. Ba tôi, hai tay bị trói ra phía sau, bộ áo quần bảo hộ lao động màu xanh thẫm còn vương cát bụi công trường, nét mặt phờ phạc… từ ghế sau xe Jeep nhảy xuống, bên cạnh là hai cán bộ công an áo vàng, cùng với tài xế cũng đồng phục công an. Tất cả bước vào nhà. Họ đọc lệnh và lục soát mọi nơi trong nhà, từ phòng ba má tôi đến phòng học của anh chị em tôi, nhà bếp…, nói chung là mọi ngõ ngách. Để kiếm tài liệu!
Mẹ con chúng tôi ngơ ngác, không biết tài liệu gì? Kết quả, dù không có gì để ghi vào biên bản, họ cũng đưa ba tôi ra xe với tội: “Tình nghi tham gia đảng phái phản động chống phá chính quyền”.
Hình ảnh cuối cùng cả nhà được thấy là ba nói nhỏ, đúng hơn là xin phép được ngồi xuống để đứa con gái út bốn tuổi đến gần, ôm ba một cái. Ba xin được lột chiếc đồng hồ hiệu Titani dây vàng đang đeo trên tay để lại nhà, dường như ông đã linh tính được một tương lai trăm bề khó khăn của vợ con sau này.
Năm ấy ba tôi 49 tuổi. Với những bước chân vô hồn, ba tôi đi giữa hai cán bộ công an ra xe. Trời đã tối, trăng Tháng Bảy le lói, như tương lai mù mịt của đàn con tám đứa sau ngày ba bị bắt.
II/
Cũng như bao nhiêu gia đình có người thân bị bắt đi tù cải tạo không rõ ngày về, gia đình tôi như rắn mất đầu. Má tôi chạy vạy, khóc lóc, van xin khắp nơi. Tất cả đều vô vọng. Không ai biết ba tôi bị đưa đi đâu. Những cái lắc đầu, những cái nhìn vô cảm không chút lương tâm. Chồng một bà dì ruột thì lên giọng đạo đức: “Đảng sẽ có chế độ khoan hồng nếu chú chịu hợp tác…”.
Trong khi đó, tất cả máy móc dùng trong nghề nghiệp mà ba tôi đem theo khi lên công trường làm việc cũng bị niêm phong. Đó là những cái máy trắc địa nhập cảng từ Pháp, rất quý giá, ba tôi dùng để ngắm tọa độ trước khi thi công một đoạn đường hay cây cầu, cái đập nước. Cho đến những lô củi ba tôi chặt trong rừng, chờ có dịp là chở về Đà Nẵng để gia đình dùng cũng bị tịch thu, không có giấy tờ.
Sau nhiều tháng biệt tăm ba, má tôi hỏi thăm thì được biết là từ trại giam Kho Đạn (nhà tù ở đường Đào Duy Từ, trung tâm thành phố Đà Nẵng), tù nhân sẽ được đưa vào trại giam Hội An rồi mới chính thức đưa vào các trại lớn khác rải rác khắp cả nước. Không nhớ bằng cách nào má tôi biết là ba đang bị giam ở Hội An. Má liều mạng đi Hội An. May quá, được gởi chút thực phẩm cho ba chứ nhà tù không cho gặp mặt. Theo thông lệ, sau khi bị giam ở Hội An thì tùy theo tội lỗi, người bị tù cải tạo sẽ bị chuyển đến một trong nhiều trại tù rải rác từ Bắc vào Nam mà không hề thông báo cho gia đình biết. Có người khi biết tin người thân thì chỉ thấy một nấm mồ nơi rừng núi hoang vu hoặc may lắm có bạn đồng tù nhắn với gia đình báo giùm.
Tình cảnh gia đình tôi thời đó thật bế tắc. Tôi đang ở Sài Gòn, ở trọ nhà một người bạn của ba để chờ đi vượt biển. Anh trai lớn của tôi nguyên là học sinh Trường kỹ thuật Cao Thắng Đà Nẵng. Sau khi ba bị bắt, anh vỡ mộng làm chàng sinh viên trường Bách Khoa Phú Thọ vì nạn lý lịch. Anh tôi ôm ba lô đi làm công nhân cầu đường; chấp nhận đi khuân gạch đá, cưa bom, vét cống khi tuổi đời vừa chạm hai mươi. Đứa em gái kế tôi, tuổi xuân phơi phới như các bạn cùng lứa thì theo đoàn thanh niên đi đào kênh ở Phú Ninh để giảm bớt miệng ăn ở nhà. Ở nơi đó cũng chẳng hơn gì; những bữa ăn “một cục sắn gắn ba hột cơm”; tù túng trong các lán trại mà suốt ngày phải chạy theo chỉ tiêu, năng suất và luôn miệng hát hò ngợi ca sự sáng suốt của lãnh đạo.
Đàn em còn lại của tôi, đứa đi bán bánh mì, đứa bán cà rem, bán thuốc lá, đi đổi nước (không phải “bán nước”), những đứa lớn hơn thì đạp xe thồ… Má tôi thật sự bước vào con đường cùng. Buôn bán khó khăn và không có vốn liếng. Ba má tôi vừa xây nhà xong thì biến cố 1975 ập đến.
Gia đình tôi lây lất sống nhờ… chợ Trời. Chúng tôi không buôn mà chỉ bán những thứ trong nhà: Từ quạt máy, tủ lạnh, máy giặt đến ti vi, tủ bàn, chén bát, rồi áo quần, xe cộ… Tất cả lần lượt ra đi. Những cánh cửa sổ, cửa kính cũng không cánh mà bay. Gia đình tôi đương nhiên gia nhập vào hội vô sản. Không còn gì cả ngoài ngôi nhà to đùng, trong đó có má tôi, người phụ nữ mới trên bốn mươi, hai vai gánh đàn con tám đứa không tương lai, chồng biền biệt lao tù không biết nơi nao!
Một ngày mùa hè, anh trai lớn của tôi từ công trường xây dựng cầu đường ở Tam Kỳ, đón xe đò về Đà Nẵng, anh hớt hải tuyên bố: “Ba bị đưa lên trại giam Tiên Lãnh”, (một trong hàng chục trại cải tạo, nằm trong vùng núi thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam).
Má tôi ngơ ngác, anh Hai gỡ kính cận lau bụi rồi từ từ kể:
“Con đang ngồi đập đá ở công trường, có một thằng bé bán cà rem mặt mày nhem nhuốc vì nắng và bụi đất đỏ, bước vào rụt rè hỏi:
– Dạ, đây có phải Đội Cầu số 1 không?
– Mi hỏi làm chi?
(Buồn cười cho kiểu nói của dân xứ Quảng; luôn luôn trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác)
– Dạ con lượm được tờ giấy ni, con đi kiếm chú Tuấn ở Đội Cầu 1.
Ngay lúc đó anh Hai tôi bỏ cái búa xuống bước tới. Thằng bé tiếp:
– Dạ, con đọc ở đây nè chú: Ai lượm được giấy này nhờ đưa cho con trai tôi là Nguyễn … Tuấn…, đang làm ở Đội Cầu 1 Tam Kỳ Quảng Nam, chú coi đi!
Anh Hai tôi lật qua lật lại tờ giấy, thấy nét chữ bằng bút chì của Ba tôi, mặt sau ông viết chỉ một dòng: “Ba đã bị đưa đi Trại 1 Tiên Lãnh.”
Ôi, thì ra ba tôi tuy ngồi trong xe bịt bùng nhưng cũng biết “nhắm tọa độ” khi xe chạy ngang vùng đất Tam Kỳ. Không biết sao ông đã chuẩn bị sẵn “tờ rơi” này và thả xuống ngay đoạn đường mà ông nghĩ may ra có người lượm được sẽ chuyển dùm cho con trai ông đang làm công nhân ở đây.
Viết tới đây thì tôi cũng rùng mình vì sự nhiệm màu của niềm tin với ơn trên. Không ai có thể tưởng tượng được. Trưa hè, một mảnh giấy nhỏ thả xuống dọc đường; một cậu bé bán cà rem với sự tử tế, có tâm có lòng… tất cả như có phép lạ đưa đến một kết quả như ý.
Mảnh giấy đã đến tay người nhận không những chính xác mà còn đúng lúc. Càng khâm phục ba tôi, đã xuất sắc như một điệp viên chuyên nghiệp. Mọi diễn biến như có sự sắp đặt từ bàn tay của Thượng Đế; điều mà chúng ta gọi là kỳ tích.
Thế là gia đình tôi biết được người cha thân yêu của chúng tôi đang chịu nạn ở đâu, và từ đó có những chuyến đi vượt núi rừng thăm ông trong suốt mười năm ông bị giam cầm.
Sau này, khi ba đã được thả về, tôi thường tò mò hỏi lại “vụ thả giấy” này, ba tôi trả lời rằng: “Ba cầu xin nên Trời Phật cho thôi. Thử hỏi mảnh giấy bằng bàn tay thả bay trong nắng gió trên Quốc lộ 1, chỉ có Trời Phật đưa đẩy thì mới gặp chú bé bán cà rem cũng biết chữ và có lòng của một vị Bồ tát, chứ chẳng ai tài giỏi gì! Mình có cầu khẩn thì có niềm tin, có hy vọng mới đạt được chứ buông xuôi thì sống sao nổi?”.
III/
Quan niệm sống không buông xuôi của ba tôi đã giúp ông vượt qua những tháng ngày bị bỏ đói, bị biệt giam, hai chân bị cùm, tiêu tiểu tại chỗ, không ánh sáng, không cử động… Một cách giết từ từ rất thâm độc của phe thắng cuộc.
Những chuyến thăm nuôi được tiếp tục ròng rã hơn mười năm. Niềm tin và những suy nghĩ tích cực giúp ba tôi vượt qua những gian lao thử thách trong trại tù Tiên Lãnh – một trại tù khét tiếng của miền Trung Việt Nam do chính quyền cộng sản lập ra.
Ba tôi rời trại tù một ngày giáp Tết. Từ một trung niên khỏe mạnh ông đã trở thành cụ ông sáu mươi tuổi. Sau những ngày bệnh hoạn, ông được hồi phục nhờ sự giúp đỡ của những người thân trước kia từng xem ba tôi là ân nhân, thời ba còn huy hoàng. Ba tôi có công việc làm, kiếm được tiền và dường như bắt đầu có tiếng tăm trở lại trong lĩnh vực xây dựng cầu đường và nhà cửa. Nhiều chú thầu khoán đã giúp ba tôi có đủ tiền để làm hồ sơ xuất cảnh theo diện H.O. do Chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ.
Tờ lịch có nét chữ của ba tôi ghi dấu ngày rời quê hương Việt Nam sau hơn mười năm lao tù gian khổ. Ảnh của tác giả bài
Tháng Bảy, ngày 12 năm 1994, ba tôi dẫn bốn người con và một cháu ngoại giã từ người thân ở Sài Gòn, lên phi cơ sang Hong Kong; ghé đảo Guam để máy bay tiếp nhiên liệu, rồi đặt chân đến Phi trường Los Angeles tối ngày 13 Tháng Bảy. Chúng tôi được Tổ chức Di Cư Quốc Tế (IOM) đón tiếp, đưa vào ngủ lại ở khách sạn. Đêm đó có sáu phần gà nướng (fried chicken) được mang tận phòng cho bữa tối nhưng cả nhà không ai dám ăn vì sợ không có tiền trả, mà cũng chưa quen với mùi bơ chiên.
*****
Hôm nay ngày 12 Tháng Bảy 2021, đúng hai mươi bảy năm ngày gia đình tôi đến Hoa Kỳ. Những người con của ba, từ những đứa đi cùng ba cho đến ba gia đình được ba bảo lãnh sau này, tất cả đều có cuộc sống ổn định; người làm việc ở hãng xưởng thì được thăng tiến, đứa kinh doanh thì đều là chủ nhân các tiệm nail, salon tóc, tiệm ăn…
Những đứa cháu nội ngoại ra đời trên quê hương thứ hai có bàn tay ba chăm sóc, nay đều đã tốt nghiệp đại học, trung học; có cháu thành công trên con đường kinh tế, có cháu vượt bao trở ngại để thành danh bằng chữ nghĩa. Nói chung mọi thành công mà thế hệ con và cháu đang có được, ngoài nỗ lực của bản thân còn phải nhớ đó là công đức của ba, là cuộc đánh đổi hơn mười năm tù tội của một cụ ông bây giờ đang ngày ngày ngồi nhìn ra cửa, không vui không buồn, không biết ngóng trông gì?
Và luôn luôn có một người phụ nữ đứng sau lưng ông: Má tôi, thân cò… “lặn lội nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Người mẹ, người vợ đã chịu rất nhiều thiệt thòi mất mát như bao người phụ nữ Việt Nam từ thời chiến đến thời bình, nay cũng bắt đầu quên hiện tại mà chỉ nhớ những gì không đáng nhớ trong quá khứ.
Tháng Bảy đối với gia đình tôi có nhiều chuyện không thể nào quên: Vui buồn, đau khổ, tuyệt vọng rồi thành công.
Xin tri ân tất cả những gì đã trải qua, những ơn phúc được ban bố, những kết quả trong hiện tại. Và tận trong lòng, tôi mãi mãi khắc ghi câu chuyện mảnh giấy nhỏ ba tôi thả từ xe bịt bùng báo tin: “Ba đã bị đưa đi trại 1 Tiên Lãnh” và cậu bé Bồ tát nhặt được đem giao tận tay anh hai tôi. Đó luôn là câu chuyện nhiệm màu không giải thích được.
July 12, 2021
Nguyễn Diệu Anh Trinh