06/10/2022
Những quân cờ domino lần lượt rơi xuống tại ba trong số bốn vùng mới bị «sáp nhập», Nga lần lượt mất hết vị trí này đến vị trí khác tại vùng đất chiến lược Kherson và Donbass. Matxcơva cũng bị mất một phần lớn vũ khí hạng nặng, một điều hiếm thấy chỉ sau gần 7 tháng chiến tranh. Đặc biệt chiến trường Lyman là nỗi kinh hoàng của lính Nga.
Quân Nga liên tiếp bị đẩy lùi ở 3 vùng bị sáp nhập
Les Echos nói về «Thất bại mới của quân Nga tại Ukraina». Nga lần lượt mất hết vị trí này đến vị trí khác tại vùng đất chiến lược Kherson và Donbass, chỉ trong vài ngày phải lùi hơn 20 kilomet. Nhưng Vladimir Putin nói rằng tình hình vẫn «ổn định».
Hôm qua, tại ba trong số bốn vùng mới bị «sáp nhập», những quân cờ domino lần lượt rơi xuống. Tại Kherson, vốn rất quan trọng để kiểm soát vùng duyên hải, sau đợt tấn công của Ukraina mặt trận đã lùi lại 26 kilomet về hướng nam sông Dniepr, Snihurnivka và Davydiv Brid đã được tái chiếm. Bước tiến này mở ra khả năng tiêu diệt hoặc buộc đầu hàng đội quân Nga đang kẹt tại đây, vì không còn cầu để xe bọc thép qua sông. Trong vài ngày tới, họ ở thế bị vây hãm. Kherson thất thủ sẽ là một cái tát trời giáng cho Kremlin, vì đây là vùng quan trọng duy nhất bị quân Nga chiếm ngay từ đầu cuộc xâm lăng.
Song song đó, ở miền đông bắc, quân đội Ukraina nhanh chóng củng cố các vị trí ở Donetsk và Lugansk, bị Matxcơva và quân ly khai kiểm soát từ 2014. Ukraina tiếp tục tấn công sau chiến thắng Lyman, mục tiêu sắp tới là thành phố Kreminna và Mylovié. Trên tất cả mặt trận, Kiev đã cắt hầu hết đường tiếp tế của Nga, và đang oanh kích những tuyến còn lại. Quân Nga không còn đủ xe bọc thép để trấn giữ, và tấn công lại càng không thể. La Croix cho biết giờ đây Nga chỉ còn có thể tiếp liệu bằng những phương tiện tạm bợ như phà, cầu phao dưới lưới lửa đạn pháo chính xác của Ukraina.
Sắp thất thủ, vẫn ra quyết định chiếm «vĩnh viễn»
Theo La Croix, hơn bao giờ hết quân đội Nga phải chịu đựng nhịp độ do lực lượng Ukraina áp đặt. Bước tiến ở Kherson là kết quả của chiến dịch từ cuối mùa hè, nhằm đuổi quân Nga khỏi hữu ngạn sông Dniepr. Cuộc phản công được loan báo rầm rộ, khiến Matxcơva phải điều hơn 20.000 lính đến Kherson, trong đó có những đơn vị tinh nhuệ. Nhờ vậy Kiev bất ngờ tấn công ở miền bắc khiến lính Nga phải tháo chạy khỏi Kharkiv, đồng thời thu hút 1/6 quân đội Nga tại những khu vực rất khó tiếp tế. Kherson đang trở thành một «hòn đảo».
Việc quân Nga bị đẩy lùi ở Kherson và quân Ukraina dấn lên ở Lugansk khiến các nhà bình luận quân sự Matxcơva cay cú. Alexander Kots, một người nhiều ảnh hưởng trên Telegram, viết: «Sắp tới sẽ không có tin vui nào ở Kherson lẫn Lugansk». Kênh Rossiya 1 cũng lặp lại nhận định này. Nhưng Kremlin cố trấn an rằng các tân binh sắp được đưa ra mặt trận sẽ làm thay đổi tình hình. Ngoài việc khẳng định bốn vùng mới sáp nhập «vĩnh viễn» thuộc về Liên bang Nga, Vladimir Putin còn ký quyết định thâu tóm luôn nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia của Ukraina.
Dấu hiệu cho thấy sự lúng túng là phải mất đến 5 ngày Kremlin mới cụ thể hóa đường biên giới. Les Echos nhận thấy việc sáp nhập những vùng đất mà quân Nga sắp sửa thất thủ là sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử. Dù vậy, Andreï Kartapolov, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội đã kêu gọi quân đội «ngưng nói láo» về những thất bại ở Ukraina. Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị đợt trừng phạt thứ tám, tập trung vào những tay chân thân tín của Putin.
Nga mất phần lớn vũ khí hạng nặng sau 7 tháng chiến tranh
Les Echos cũng cho biết “Nga bị mất một phần lớn vũ khí hạng nặng”, một điều hiếm thấy chỉ sau gần 7 tháng chiến tranh. Một phần mười số chiến đấu cơ, chiến hạm và giàn hỏa tiễn, phân nửa số xe tăng có thể hoạt động và 40% xe bọc thép bị tiêu hủy, đó là thiệt hại của quân đội Nga kể từ đầu cuộc xâm lăng. Ukraina đã trở thành nghĩa trang lớn nhất cho xe bọc thép Nga. Trang web Oryx đếm được 1.250 xe tăng bị phá hủy, đã được xác định qua những hình ảnh từ smartphone có ngày tháng và địa điểm cụ thể, con số này cao gấp 9 lần số xe tăng bị mất ở Afghanistan trong 10 năm.
Về xe bọc thép nhất là xe chở lính (IFV) có hỏa lực kém hơn, ít nhất 2.200 chiếc đã bị tiêu hủy, theo Oryx. Nếu tính cả số xác xe không được nhận ra hay đã tan tành không thể nhận dạng, tỉ lệ lên đến 45%. Đa số chuyên gia cho rằng một đội quân viễn chinh không thể hoạt động hiệu quả khi bị mất trên 40% số vũ khí hạng nặng. Matxcơva có gần 8.000 xe tăng, nhưng hầu hết quá cũ để chiến đấu, hoặc để ngoài trời hơn 40 năm qua không bảo trì, không đủ phụ tùng thay thế. Ukraina cũng mất 277 xe tăng, nhưng nay số chiến xa sở hữu lại cao hơn lúc ban đầu, vì được các láng giềng hỗ trợ và tịch thu được 421 xe tăng của Nga.
Thiệt hại của pháo binh, không quân và hải quân ít hơn. Chỉ có 118/1.300 hỏa tiễn Grad và Uragan bị phá hủy, khoảng 50/464 Sukhoi các loại vì phi cơ Nga dè dặt hơn trước hỏa tiễn phòng không của Ukraina. Hạm đội sau khi mất soái hạm Moskva đã thu mình lại ở cảng Novorossiysk, không tham gia tác chiến, ngoài việc thỉnh thoảng bắn vài quả Kalibr. Kho hỏa tiễn hành trình, vốn lợi hại nhờ chính xác và khó bắn chặn, sắp cạn kiệt: đã bắn vào Ukraina 2.500 quả trong khi tình báo phương Tây đánh giá Nga có tổng cộng 3.000 quả. Nga khó thể thay thế vì thiếu linh kiện điện tử.
Dùng drone Iran thay cho hỏa tiễn thông minh sắp cạn
Đặc phái viên Libération tại Bila Tserkva, phía nam Kiev ghi nhận trong ngày hôm qua đã có 6 drone tự sát do Iran cung cấp tấn công vào một căn cứ quân sự của Ukraina. Loại vũ khí này đang thay thế dần các hỏa tiễn đạn đạo Nga.
Trong khi những người lính của lữ đoàn 72, một trong những đơn vị tinh nhuệ của quân đội Ukraina, đối đầu với quân Nga ở Horlivka (Donbass), Matxcơva đã chọn tổng hành dinh của lữ đoàn để trả đũa bằng các drone hủy diệt mua của Iran. Việc phải dùng đến các thiết bị bay không người lái Shahed-136, Shahed-129 và Mohajer-6 chứng tỏ Nga đang thiếu hỏa tiễn đạn đạo loại Kalibr, trị giá đến 6 triệu đô la một quả.
Ngoại trưởng Iran Nasser Kanaani vội vàng chối cãi: «Cộng hòa Hồi giáo Iran coi thông tin nói rằng cung cấp drone cho Nga chống lại Ukraina là không có cơ sở». Nhưng những mảnh vụn của drone ghi rõ chữ «Geran-2», tên của Nga dành cho Shahed-136, loại drone tự sát mà Teheran đã cung cấp khoảng mấy trăm chiếc cho Matxcơva. Phát ngôn viên không quân Ukraina khẳng định Nga đang chuyển qua dùng hàng loạt drone loại này để tiết kiệm hỏa tiễn có độ chính xác cao.
Lyman, nỗi kinh hoàng của quân Nga
Trên chiến trường Donbass, đặc phái viên Le Monde mô tả «Tại Lyman vừa được giải phóng, cảnh kinh hoàng sau trận đánh». Cuộc chinh phục Lyman kéo dài và dữ dội, vì sau vụ chạy trốn nhục nhã ở Izyum, Matxcơva ra lệnh phải tử thủ. Khung cảnh thật đáng sợ. Những xác chết không chỉ là những người lính ngã xuống trong chiến đấu - điều bình thường trên các chiến trường. Dọc theo một con đường ở Lyman, nhiều thi thể lính Nga nằm trên những băng-ca quân đội. Không ai hiểu tại sao những người lính bị thương này không được đưa về hậu cứ mà lại bị đồng đội bỏ rơi.
Người dân duy nhất xuất hiện trên ngưỡng cửa chỉ biết «có 3 xác bị để lại vào buổi tối trước khi quân Nga rút chạy và hôm sau thêm 14 xác nữa». Bà run rẩy nói với các binh sĩ Ukraina: «Mùi hôi thật kinh khủng, chó đã ăn mất hai xác. Bao giờ các anh mới thu dọn những thi thể này?». Nhưng toán tuần tra không thể chạm vào trước khi đội dò mìn tới, vì quân Nga thường gài lựu đạn dưới các xác chết. Một sĩ quan Ukraina cho rằng quân Nga không chỉ bỏ lại các binh sĩ tử trận mà cả những người bị thương nặng, họ hoảng loạn vì sĩ quan đã chạy trước lính; và đôi khi còn nhằm dành chỗ trên xe để chở «chiến lợi phẩm» cướp được.
Những người lính tiểu đoàn vệ binh quốc gia Dnipro-1 kể lại, đơn vị của họ phối hợp với lữ đoàn cơ giới 66 và tiểu đoàn phòng vệ lãnh thổ 106 tấn công từ Sloviansk vào phía nam Lyman. Việc băng qua rừng hết sức gian khổ, và trước đó phải vượt sông Donets. Để tránh bị phát hiện, các ca-nô không dùng động cơ mà được kéo qua bằng ròng rọc và dây tời. Đợt tấn công đầu vào làng Chtchourove thất bại vì mìn quá nhiều, binh sĩ phải lội ruộng, nước ngập đến đùi. Quân Nga bị bất ngờ bèn rút lui và gọi pháo bắn vào, đội quân tiền phương của Ukraina báo với chỉ huy cho bắc cầu phao đưa xe tăng và pháo qua sông để đẩy nhanh tấn công.
Dù chiến thắng, đại tá Iouri Bereza chỉ huy tiểu đoàn Dnipro-1 vẫn giữ vẻ trầm tĩnh. Ông cho rằng bước ngoặt thực sự chỉ đến khi nào biên giới trở lại như trước ngày 24/02, giai đoạn kế tiếp là giải phóng hoàn toàn Donetsk và Lugansk (Donbass), rồi đến Crimée. Ukraina đã chứng minh Nga là «người khổng lồ chân đất sét», và nay cần nhanh chóng có thêm vũ khí trước khi Matxcơva gởi thêm những «bia thịt» mới. Theo ông, nếu bất ngờ, thần tốc là đồng minh của Ukraina, thì thời gian lại là đồng minh của Nga.
Tuyên bố chống thực dân, Putin xua người thiểu số ra đỡ đạn
Về mặt tuyên truyền, trong bài diễn văn mới nhất tổng thống Nga tự cho mình là thành lũy chống lại «chế độ thực dân mới» của phương Tây. Le Monde cho rằng Vladimir Putin đã cố tình bỏ quên các hoạt động của lính đánh thuê Wagner ở châu Phi.
Tờ báo mỉa mai, những «nô lệ ở thế gian» có thể trông cậy vào người bảo vệ mới mẻ này, để chống lại một phương Tây «ăn bám, cướp bóc thế giới». Trong khi đó Matxcơva không ngừng hỗ trợ quân sự cho các chế độ độc tài từ Trung Phi tới Mali, theo CSIS là khoảng 15 nước, thông qua Wagner để có thể phủi trách nhiệm. Nhờ đó Nga thu được nhiều lá phiếu ủng hộ của châu Phi ở Hội Đồng Bảo An cũng như Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc; sự hiện diện của lính đánh thuê giúp Nga thâu tóm nhiều mỏ đất hiếm, vàng và uranium.
Theo nhà sử học Botakoz Kassymbekova, việc khoác lên chiếc áo chống thực dân còn nhằm mục đích đối nội, biến hóa cuộc xâm lược Ukraina thành cuộc kháng chiến chống lại sự tấn công của phương Tây. Bà lưu ý, trước đó tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky đã có tuyên bố hướng về «nhân dân các lãnh thổ thuộc Nga», khẳng định «Không ai bị bắt buộc tham gia một cuộc chiến tranh nhục nhã. Người Daghestan không việc gì phải chết ở Ukraina. Người Chechnya, người Ingush, Ossetia, Kavkaz...cũng vậy». Botakoz Kassymbekova nhắc nhở bối cảnh là sự phẫn nộ từ việc bắt lính ồ ạt nơi các sắc tộc thiểu số, nhất là ở Daghestan và Buryat. Khó thể nói rằng bảo vệ những dân tộc bị đàn áp, nhưng lại xua họ ra làm bia đỡ đạn.
Có thể coi như Putin đã bại trận?
Nhìn chung, «phải chăng Vladimir Putin đã bại trận?», đó là câu hỏi mà Le Figaro đặt ra cho hai vị tướng đồng thời là nhà nghiên cứu Olivier Kempf và François Chauvancy. Sau khi giải phóng hai vùng đất chiến lược là Izyum và Lyman, quân đội Ukraina còn chiếm được mấy chục địa phương ở Kherson và vào được Lugansk, vốn bị quân Nga kiểm soát toàn bộ. Liệu nhịp độ này sẽ chậm lại vào mùa đông, hay ngược lại, có thể đánh bại hoàn toàn quân Nga?
Theo tướng Chauvancy, tiền tuyến kéo dài trên 1.000 kilomet trong khi đội quân viễn chinh chỉ có 150.000 đã mệt mỏi, lại không ngừng bị điều sang nhiều mặt trận nhưng chưa được thay thế; và vũ khí giờ đây kém tân tiến so với Ukraina. Tuy nhiên Kiev cần phải tăng tốc trước khi phía Nga được tăng viện. Matxcơva thì phải cầm cự cho đến mùa đông, bổ sung lính, vũ khí, và còn phải cứu 20.000 quân đang kẹt ở Kherson. Nếu Kherson thất thủ, Putin khó thể giữ được chiếc ghế; nhưng người lên thay ông ta có thể hiếu chiến hơn.
Tướng Kempf nhận thấy quân đội Ukraina có khả năng chịu được những cú sốc trong những cuộc chiến kéo dài, và điểm yếu của quân đội Nga còn là cách tổ chức và chỉ huy chứ không chỉ vũ khí và đội ngũ. Hãy còn quá sớm để nói đến thắng bại, vì chiến tranh còn là chính trị chứ không chỉ quân sự. Người ta bại trận khi chấp nhận thất bại, nhưng trong diễn văn hôm sáp nhập bốn vùng đất của Ukraina, Vladimir Putin cho thấy không sẵn sàng nhận ra thực tế, mà muốn lao vào một cuộc chiến kéo dài. Dù quân Nga liên tục hứng đòn, nhưng chưa hẳn chính quyền mới, nếu có, muốn chấm dứt chiến tranh.