30-4-2022
Loan đưa mẹ cùng người phụ nữ nữa lên gia đình tôi chơi. Dù chưa gặp cô bao giờ nhưng qua những lần Loan kể về mẹ đẻ của mình, tôi cũng phần nào hình dung, cảm nhận được đôi chút sở thích, tính cách của cô.
Quê của cô Dục, mẹ Loan, ở làng Mọc, hồi đó người ta quen gọi là Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân – Hà Nội). Sau ngày thống nhất năm 1975, cô Dục được phân công vào làm việc ở Phân Viện của Bộ Thông tin – Văn hóa trong Nam. Lâu lâu cô mới ra Hà Nội chơi, có lần cô tới thăm chúng tôi.
Sau khi chào hỏi xã giao, cô nói: Nghe em Loan nói chuyện về cậu từ lâu, hôm nay ra Hà Nội, có dịp lên thăm cho biết gia đình.
Cô quay sang người cùng đi, giới thiệu: Đây là Mỵ Hằng, con nhà văn Vũ Trọng Phụng, chị em sát vách nhà nhau từ thuở nhỏ. Khi chú Phụng mất cái Hằng này mới một tuổi, còn tớ lúc ấy năm tuổi. Ngồi chuyện trò, cô chỉ xưng tớ với tôi, chứ không xưng cô.
Cô Loan chỉ tay lên giá sách, nơi có mấy cuốn Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây… rồi nói: Dì Hằng nhìn sách của ông Phụng kìa…
Vẻ mặt chị Mỵ Hằng cười tươi tắn, mắt sáng chớp chớp. Tôi phải nói ngay, rằng mấy cuốn đó sau này nhà xuất bản Văn học được phép tái bản, bọn em mua góp thêm vào tủ sách gia đình, chứ thời bố em họ cấm không cho in.
Chị Hằng cũng xác nhận điều ấy. Còn cô Dục cứ xuýt xoa, chắc chắc lưỡi bảo, ông cụ mất đi để lại cho các cậu một giá sách quý quá, trông cứ như thư viện thu nhỏ. Khi nào nghỉ hưu, về lại làng Mọc cho phép tớ lên đây đọc sách nhé.
Tôi cười, khoe với khách: Chú Viện sĩ Phan Cự Đệ, nhà bên B4 khu tập thể Kim Liên, có tới hơn hai ngàn rưỡi cuốn sách mà vẫn thỉnh thoảng lên mượn sách của bố cháu để tra cứu đấy cô.
Dù mới gặp, nhưng mấy cô cháu có vẻ như rất hợp nhau đã lâu, ngồi hàn huyên bao chuyện đời, cười ra nước mắt. Cô nghiêng đầu, nhíu mày nhìn lên giá sách rồi lẩm bẩm: Thơ Nguyễn Bính, Cô hái mơ, Chân quê, Lỡ bước sang ngang…
Tôi nói với cô: Mấy cuốn đó cũng là cuốn mới tái bản chứ trước đây bố cháu có cuốn thơ “Hương cố nhân”, của bác Nguyễn Bính đề tặng năm 1964 đã bị mất hồi nhà cháu đi sơ tán, bố cháu tiếc mãi. Lúc đó bố cháu gặp bác ấy ở nhà bác Hoàng Trung Thông, số 70 Ngô Quyền, khi bác Bính ra Hà Nội chơi thăm bác Trúc Đường là một soạn giả kịch, anh ruột bác Bính.
Cô Dục đứng lên, rút cuốn thơ Nguyễn Bính, vừa lật giở xem, cô vừa nói, trong kia tớ cũng chơi thân với cái Hồng Cầu, con gái đầu của ông Nguyễn Bính. Hồng Cầu nhỏ tuổi nhưng với tớ như bạn vong niên, trông tớ thế mà có duyên chơi với con các ông nhà thơ, nhà văn, nay lại được biết thêm cậu. Người như cậu chắc đã nghe chuyện “Diệm thống nhất sao Già không thống nhất“, của ông Nguyễn Bính.
Dù đã nghe từ khi còn ít tuổi, nhưng vì muốn kiểm chứng lại trí nhớ, mà cô là người chơi thân với con gái đầu bác Nguyễn Bính, chắc câu chuyện sẽ chính xác hơn, nên tôi hào hứng chờ cô. Cô kể:
Bà Lục Hà (tức Nguyễn Hồng Châu) cũng là người Nghệ An, quê nhà cậu, vợ đầu của ông Nguyễn Bính kể, năm 1954 ông Bính trở ra Bắc, hai người bặt tin nhau. Lúc ấy cái Hồng Cầu mới hai, ba tuổi, ở lại với mẹ trong Nam. Một thời gian sau, khoảng năm 1959-1960 có mấy tờ báo trong Nam chuyền nhau đăng bài viết của một tay nhà báo Sài Gòn trích câu đối hay câu nói gì đó: “Diệm thống nhất sao Già không thống nhất”. Đề đích danh nhà thơ đất Bắc, Nguyễn Bính.
Ý tứ của câu nói này rằng, ông Tổng thống Diệm (Ngô Đình Diệm) muốn Già tức già Hồ (Hồ Chủ tịch) nên đồng ý thống nhất với nhau như hiệp định Genève, Thụy Sĩ, đã ký kết năm 1954 phân chia rõ ràng hai quốc gia. Trong Nam là của người Nam, thuộc quyền quyết định của Việt Nam Cộng hòa. Già Hồ cướp chính quyền, lập chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngoài Bắc, thì chỉ nên toàn quyền trên đất Bắc. Nếu đồng ý thống nhất với nhau như thế sẽ không có chiến tranh. Mà cũng là tuân thủ theo đúng văn bản hiệp định Genève. Nhưng Già Hồ nhà mình không chịu như vậy, dù phải đổ nhiều xương máu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…
Mãi 21 năm sau khi miền Bắc thắng cuộc, Sài Gòn rơi vào tay Hà Nội, thì bà Lục Hà và con gái Hồng Cầu mới có dịp ra đất Bắc tìm về quê, thăm mộ chồng, mộ cha ở Vụ Bản, Nam Định. Tới lúc ấy, bà được biết ông Nguyễn Bính đã có gia đình riêng với người phụ nữ khác. Là người độ lượng nên bà cũng rất cảm thông cho ông. Ở thăm quê chồng thời gian ngắn ngủi nhưng bà thu thập được khá nhiều chuyện đời tư với bao nỗi truân chuyên của người chồng tài hoa, đoản mệnh. Bà kể:
Vào năm 1956, Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập trên khu đất Đức Giang, Long Biên – Hà Nội. Là nhà máy sản xuất quy mô đầu tiên xây dựng tại miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Lúc đó một bao diêm xuất xưởng mua trong các cửa hàng Mậu dịch quốc doanh giá chỉ có 2 xu. Cùng cửa hàng nhà nước quản lý nhưng mỗi nơi lại đề bán với một giá khác nhau. Giá bán ngoài vỉa hè của các bà buôn thúng bán mẹt, của dân phe, hay trong quán nước còn khác nữa, đắt gấp ba, bốn lần
Ông Nguyễn Bính là người hay uống rượu, lại rất nghiện thuốc lào, nên trong túi thường sẵn có một, hai bao diêm, chứ hồi đó bật lửa là thứ xa xỉ phẩm mấy ai dám dùng. Mỗi lần lên Nam Định hay rong ruổi ra Hà Nội, ông phải dừng chân ở các quán nước cóc bên đường, ngồi rít điếu thuốc lào cho đỡ cơn thèm. Không phải trong túi ông lúc nào cũng sẵn diêm mà không phải trong quán nào cũng có sẵn cái đèn dầu nhỏ phục vụ khách. Xin lửa thì bất tiện vì có quán vui vẻ cho, nhưng cũng có quán khó tính kiêng kỵ việc cho lửa, mất “đỏ”.
Chẳng phải dư tiền để chốc chốc lại móc túi mua diêm. Tức mình, Nguyễn Bính viết một bài về Nhà máy diêm Thống Nhất, có câu đó thật, nhưng không phải thế, mà nó đúng như này: “Diêm thống nhất sao giá không thống nhất“. Chứ có tình ý gì đâu? Chẳng hiểu thế nào mà tay phóng viên báo Sài Gòn láu lỉnh ấy vớ được rồi thêm bớt dấu thành “Diệm thống nhất sao Già không thống nhất“.
Cũng không biết vì sao bài báo vượt được biên giới vĩ tuyến 17 ra đất Bắc, gây phiền hà khổ nạn cho ông nhà thơ Nguyễn Bính. Hàng tuần, ty công an tỉnh Hà Nam cho mời Nguyễn Bính khốn khổ khốn nạn tới hoạnh họe rất bực bội, khó chịu. Dù bị tình nghi tội phạm, nhưng trong lòng Nguyễn Bính lấy làm nể phục tay nhà báo Sài Gòn đó. Nghe được chuyện này, tụi mình thương cho ông nhà thơ. Tội nghiệp ông Nguyễn Bính bị ngờ oan mãi tới khi mất.
***
Từ sự không chịu “thống nhất” riêng rẽ hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như hiệp định Genève, Thụy Sĩ, được ký kết tháng 4 năm 1954, mà hai quốc gia đã hợp nhất làm một vào tháng 4 năm 1975, sau 21 năm dài cốt nhục tương tàn, anh em cầm súng bắn giết lẫn nhau, Bắc – Nam hoang tan. Xương chất cao hơn dãy núi Hoàng Liên Sơn, máu loang rộng hơn mặt biển Đông gào sóng, để sau đó trở thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thời gian thống nhất tới nay ngót nửa thế kỷ, nhưng quả thật lòng người Nam – Bắc lúc nào cũng bất nhất chứ đừng nói tới hòa giải, hòa hợp. Cái giá của Già Hồ không chịu thống nhất khi ấy, năm 1954, đổi lấy lòng dân của hai quốc gia hôm nay thống thiết mãi mãi khôn nguôi.
Hết sức vô tư, tôi kể lại chuyện này nghe được từ chính cô Dục, mẹ của Loan, nhân dịp 30 tháng 4, gắn liền với định mệnh thê lương của dân tộc Việt Nam ta. Nay cô Dục, chị Mỵ Hằng cũng đã theo về với chú, với cha, là nhà văn trào phúng Vũ Trọng Phụng khốn khó yêu thương. Loan thì đang lâm bệnh nặng, nằm liệt giường, chờ cái chết đến với em từng ngày. Anh em đồng cảm chơi thân với nhau từ những năm đầu vào làm việc cùng một công ty. Chắc tôi không kịp gặp lại Loan trước khi em vĩnh biệt cõi đời theo gót chân mẹ, dì Mỵ Hằng.
Thế hệ cha chú qua rồi, thế hệ tôi và Loan đang khép lại. Nghẹn ngào mượn lời thơ đớn đau của Du Tử Lê, một kẻ trong muôn triệu kẻ khốn cùng phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ giang sơn đất nước Việt Nam Cộng hòa, trốn chạy, tị nạn sau ngày 30 tháng 4 đen của năm 1975 tang thương:
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà.