Có nhiều người trong chúng ta, trong số đó có cả những người bạn thân ở ngoài đời của tôi, cho đến bây giờ vẫn còn tiếp tục giữ cái quan điểm cũ của thời thập niên 80, cái thời mà phong trào chống cộng lên đến cực điểm, nhìn đâu cũng thấy các phong trào đấu tranh bộc phát khắp nơi, các nhạc phẩm chống cộng, kêu gọi đoàn kết chống cộng cứu lấy quê hương được nghe thấy khắp mọi nơi. Các cộng đồng người Việt, các tổ chức chống cộng được hình thành, tạo nên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, lan tràn khắp nơi nào có người Việt tỵ nạn sinh sống, từ Âu sang Á, đặc biệt là tại Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo nhất.
Hiện tượng này cũng là một điều dễ hiểu trong hoàn cảnh lúc đó của người Việt. Sau một thời gian gần một thập niên sống hoà nhập vào xã hội mới, công ăn việc làm, nhà cửa, con cái đã được học hành ổn định. Người Việt tị nạn đã nhìn về quê hương với những trăn trở, khắc khoải, muốn làm một điều gì đó cho quê hương đang chìm đắm trong ngục tù của chế độ độc tài cộng sản. Từ đó, một lằn ranh quốc cộng đã được vẽ ra, phân định rõ ràng, một là quốc gia, hai là cộng sản, không có chuyện đứng giữa.
Các vị chức sắc, tướng lãnh, cùng với các sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hoà đã tìm đến nhau để thành lập các tổ chức, phong trào chống cộng tìm đường xâm nhập vào Việt Nam. Người Việt tỵ nạn mặc nhiên xem việc này là điều kiện tiên quyết, cần phải có, nếu muốn quang phục quê hương. Họ đặt hết tất cả kỳ vọng vào các vị này, bất cứ một tác động khách quan nào đối với các vị này, đều có ảnh hưởng sâu đậm đến suy nghĩ của họ. Sự suy nghĩ này vẫn còn cho đến hiện nay. Đối với họ, cái quá khứ hào hùng của một sĩ quan quân lực VNCH, đã bị cộng sản bắt giam cải tạo, hoặc một vị bác sĩ, một vị luật sư cựu chủ tịch cộng đồng, đã có công gầy dựng nên cộng đồn, uy tín bao trùm lên cộng đồng, đều là những vị cần phải được quần chúng bảo vệ và ủng hộ, những thành tích trong quá khứ, đều được đem ra như một thứ lá chắn bất khả xâm phạm. Họ đã quên rằng, cục diện đã thay đổi, lằn ranh quốc cộng cũng đã thay đổi từ những năm đầu thập niên 90, sau khi cộng sản đã cho thi hành chính sách (mở cửa) để tự cứu.
Năm 1986, đứng trước việc chế độ sẽ phải sụp đổ nếu không có nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào. Tồng bí thư cộng sản lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Linh đã bắt chước theo Liên Xô, cho thi hành chính sách mở cửa để tự cứu. Một mặt cộng sản VN đã cho mở rộng đầu tư nước ngoài vào VN để kiếm ngoại tệ, bằng cách mở ra các điều kiện đầu tư dễ dãi để thu hút các công ty ngoại quốc đổ vào VN. Mặt khác, cộng sản đã cho mở ra một mặt trận mới qua nghị quyết 36, nhắm vào cộng đồng người Việt tỵ nạn trên thế giới, kêu gọi (Việt kiều) hoà hợp, hoà giải dân tộc, xoá bỏ hận thù, hướng tới tương lai, kêu gọi mang tiền về quê hương đầu tư, du lịch, xây dựng quê hương. Cộng sản lập hẳn một cơ quan để chuyên lo về việc này, dưới danh xưng là (Uỷ Ban Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài) do thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đứng đầu.
Sau khi cái ủy ban này của cộng sản nhắm vào cộng đồng người Việt hải ngoại, cục diện của cộng đồng hải ngoại bắt đầu có biến động, lá chắn chống cộng gồm các chức sắc, tướng lãnh, sĩ quan cao cấp, các chủ tịch cộng đồng rơi xuống, các cuộc đi đêm, thương thảo giữa Việt Cộng và Việt gian diễn ra trong bóng tối. Từ đó, cộng sản VN đã dần mua chuộc , mồi chài, biến những lá chắn này thành công cụ tay sai, phục vụ cho chế độ cộng sản. Nổi bật nhất là ông cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, với những phát ngôn gây sốc, chấp nhận làm cầu nối cho cộng sản và người Việt hải ngoại. Rồi Hoàng Duy Hùng đảng viên cao cấp của một đảng cách mạng (sau bị khai trừ) thủ lãnh một phong trào chống cộng, đã bán linh hồn cho quỷ, chấp nhận làm tay sai, ra mặt chính thức tuyên truyền cho cộng sản. Rồi Nguyễn Ngọc Lập, cựu thiếu uý Thủy Quân Lục Chiến, Nguyễn Sinh Hùng, sĩ quan Biệt Động Quân, Hoàng Lân, chủ phố Bolsa TV, và còn nhiều thí dụ khác nữa. Mới đây, một nguồn tin được cho đăng trên Net, là ông cựu đại tá không quân Bằng Phong Đặng Văn Âu, một người được coi là người hùng chống cộng cực đoan, dứt khoát, không khoan nhượng với cộng sản VN, cũng đã hạ lá chắn xuống để về VN cưới vợ dù tuổi đã vào hạng 80 có thừa.
Chuyện ông ĐVA về VN cưới vợ sẽ chẳng có gì đáng nói, vì chuyện đó là thường tình của ông không vợ, bà không chồng. Cái đáng nói là ông ĐVA đã nghĩ gì khi đem thân phận của một người chống cộng không nhân nhượng về VN cưới vợ. Dĩ nhiên, việc cưới vợ tại VN của ông, đòi hỏi ông phải đặt bút ký vào các văn bản hôn nhân trước các cán bộ nhà nước VN. Những lá chắn vừa nêu trên có đủ cho chúng ta phải suy nghĩ lại hay chưa? Và đó chỉ là những nhân vật, những lá chắn bề nổi mà chúng ta thấy được. Còn những hoạt động trong bóng tối được che đậy bằng cái quá khứ hào hùng, cái uy tín bao trùm, làm sao chúng ta thấy được?
Cộng đồng người Việt tại Úc cũng không phải là ngoại lệ, cái ủy ban nhà nước về người VN ở nước ngoài cũng chẳng có bỏ qua cho chúng ta hoạt động để chống lại chúng. Những màn mua chuộc, đi đêm thương thảo cũng đã xảy ra. Nhìn lại cộng đồng ở Úc, bao nhiêu ông cựu chủ tịch cộng đồng, bao nhiêu ông cựu chủ tịch các hội cựu quân nhân, các người được gọi là nhân sĩ cộng đồng đã qua lại VN nhiều lần, với nhiều lý do khác nhau. Có người vẫn tự sướng, tự cho rằng với thành tích học tập cải tạo, với thành tích phục vụ cộng đồng hàng chục năm đủ để chứng minh ta là người quốc gia chân chính. Có hay không, chỉ có các vị đó tự biết. Chỉ biết rằng: nghị quyết 36 của cộng sản VN đã chọc thủng các lá chắn chống cộng của chúng ta. Qua nghị quyết 36 của cộng sản, một người chống cộng ngày hôm nay, không có nghĩa là người đó sẽ tiếp tục chống cộng vào ngày mai.