11/01/2022
Trong một xã hội bất công, đóng thuế coi chừng là phản động.
“Mẹ yên tâm con là công dân tốt
Đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi”
(Mang tiền về cho mẹ, Đen Vâu, 2021)
Tôi không có ý định góp thêm lời vào cuộc tranh luận mang tiền về cho mẹ hay mang gì về cho mẹ thì mới là có hiếu; có quá nhiều người đã nói rồi. Tôi cũng muốn khẳng định luôn rằng mình thuộc nhóm “khắt khe” theo lời nhiều người, không dễ dàng quẳng các suy nghĩ đi mà tận hưởng âm nhạc. Với sức lan tỏa khủng khiếp của bài hát “Mang tiền về cho mẹ” của rapper Đen Vâu, tôi cho rằng những hình mẫu mà nó đặt ra cần phải được chất vấn.
Ở đây, tôi muốn chất vấn khái niệm thế nào là công dân tốt.
Định nghĩa công dân tốt = đóng thuế đủ trong bài hát của Đen chẳng phải là phát minh gì của riêng anh. Hình mẫu này trùng khớp, và ngay lập tức được các luồng quan điểm ủng hộ nhà nước ôm vào lòng. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó đoạn rap này được chọn vào bài ca truyền thống của ngành thuế Việt Nam.
Nhưng đợi đã, có phải cứ đóng thuế đủ đầy thì là công dân tốt?
Để phản biện bài hát bom tấn của rapper quốc dân, tôi xin triệu hồi tác phẩm lừng danh của một nhà tư tưởng nổi tiếng từ cách đây hai thế kỷ: Henry David Thoreau (1817-1862). Ông này từng viết một tiểu luận bất hủ sau một đêm phải ngồi tù vì… từ chối đóng thuế.
“Civil Disobedience (1849), bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau, nhà văn, nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ.”
(Lời giới thiệu cuốn “Bất phục tùng” (Civil Disobedience) của dịch giả Phạm Nguyên Trường, Domino & Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2019.)
“Disobedience” là từ trái nghĩa của “obedience”, chữ tiếng Anh thường được dùng tương đương với chữ “ngoan” trong tiếng Việt. Nó thường được dịch là bất tuân (dân sự), hay bất phục tùng, như cách của dịch giả Phạm Nguyên Trường. Nôm na có thể nói là ông Thoreau này biện luận vì sao xã hội cần đến những công dân “không ngoan”.
Theo Thoreau, một người không chỉ nên, mà còn có nghĩa vụ phản đối chính phủ của họ nếu như chính phủ đó dung dưỡng những điều bất công trái với lương tâm mình. Lý do là vì “trước hết chúng ta phải là một con người, rồi sau mới là một công dân”. Vì thế, giáo dục tinh thần tôn trọng pháp luật không quan trọng bằng tinh thần tôn trọng lẽ phải.
Phản đối có thể bắt đầu bằng việc không đóng thuế. Henry David Thoreau, 32 tuổi, từ chối nộp thuế như một cách bày tỏ thái độ phản kháng của ông với chế độ nô lệ và việc Mỹ chiếm đóng Mexico. Ông kêu gọi tất cả những người xưng là phản đối chế độ nô lệ cũng phải ngay lập tức ngừng ủng hộ tài lực cho chính phủ. Ngay lập tức, chứ không “chờ đến khi có đa số đứng lên ủng hộ lẽ phải”. Bằng không, họ chỉ đang rao giảng đạo đức trong khi tiếp tay duy trì những điều xấu xa.
Ông giải thích cho việc này bằng một thứ lý lẽ xứng đáng làm châm ngôn của bất kỳ ai muốn thay đổi điều gì bất công: “Tôi nghĩ rằng Chúa đứng về phía họ là đủ rồi và không cần thêm một người nào nữa. Hơn nữa, một người với tiếng nói có lý đã là đa số với những người hàng xóm của anh ta.”
Người Việt Nam không ưa chuộng phản kháng. Trái lại, chúng ta đề cao hết mức sự ngoan, hay sự vâng lời. Tư tưởng này thấm nhuần trong từng tế bào của đời sống xã hội người Việt: từ lời ru của mẹ, lời dạy của cha, lời dặn của nhà trường, lời chúc Tết của chúng ta khi lì xì cho trẻ em dịp Tết. Ngoan nhé, vâng lời nhé. Ở nhà vâng lời cha mẹ, đến trường vâng lời thầy cô, làm công dân thì vâng lời nhà nước: đóng thuế (đều và chỉ có đủ mà thôi).
Những mong mỏi đó chẳng có vấn đề gì nếu như xã hội này hoàn mỹ. Nhưng không. Chẳng cần phải sống ở thời của Thoreau thì bạn mới có thể nhận thấy những gì trái với lương tâm mình.
Bạn có thể thấy trẻ em bị bạo hành. [1] Bạn thấy chính sách bị tham nhũng khắp nơi, ngay cả với chuyện sống còn như xét nghiệm COVID-19 toàn dân. [2] Bạn thấy người dân lương thiện bị giết vì bị cho là khủng bố, và không được cấp giấy chứng tử. [3] Bạn thấy nhà báo bị bỏ tù, những người dám lên tiếng bị tống giam. [4] [5] Bạn thấy những vụ án oan sai kéo dài hủy hoại cuộc đời bao người, trong khi tòa án thì không ngừng rao giảng về sự sáng suốt của họ. [6] [7] Bạn thấy người lao động phải chịu những mức lương không đủ sống, trong khi chính sách thuế hiện nay đang tạo áp lực lên những người nghèo nhất. [8] [9]
Những bất công chỉ có hy vọng được thay đổi nếu như có những người bất tuân phục. Họ lúc nào cũng là thiểu số, nhưng chính họ mới là động năng thúc đẩy xã hội tiến lên. Bởi vậy, nếu còn sống ở thời này, Henry David Thoreau chắc sẽ là ngọn cờ đầu chỉ trích tư tưởng “công dân tốt = đóng thuế đủ” trong bài ca của Đen Vâu và gọi đó là phản động.
Tôi chắc chắn sẽ chia sẻ status của ông ấy.
***
Tập tiểu luận “Bất phục tùng”, bản dịch của Phạm Nguyên Trường, được Domino in thành một cuốn sách nhỏ, có giá chỉ bằng hai ly café bình dân, và có thể được đọc xong trong khoảng thời gian phát “Mang tiền về cho mẹ” sáu lần. [10]
Luật Khoa đã từng đăng tải toàn văn bản dịch này. Bạn có thể đọc tại đây. [11]
Các công dân (không) ngoan xin đừng bỏ lỡ.
https://www.luatkhoa.org/2022/01/henry-david-thoreau-se-noi-gi-ve-khai-niem-cong-dan-tot-cua-den-vau/?fbclid=IwAR1_yV4LrFJRxjt2lLjYSlymA40M5dsF-dkOHnRRz0J-xamQcdVz2054Jww