Không phải những người quyền cao chức trọng hay những ai đang chăn êm nệm ấm.
30/07/2021
Bạn mắc một bệnh lạ, nhập viện và rơi vào hôn mê. Sau khi tỉnh dậy, bác sĩ giải thích rằng họ đã phải cắt một quả thận của bạn. Đây là sự đánh đổi, hy sinh cần thiết để cứu mạng sống của bạn.
Bây giờ, hãy thử tượng cùng một trường hợp đó, nhưng bạn tỉnh dậy và nghe bác sĩ giải thích rằng họ phải cắt một quả thận của bạn để cứu mạng một người khác.
Tình huống này được Stephen John, giảng viên triết học tại Đại học Cambridge đặt ra trong một bài viết bàn về căn cứ đạo đức của quyết định phong tỏa trong đại dịch. [1]
Trường hợp cắt thận của một người để cứu sống chính họ đại diện cho lối tiếp cận “vị thân” (intrapersonal). Đây là quyết định mà tất cả cùng thắng.
Trường hợp sau là “vị tha” (interpersonal), hay vì người khác. Đây là kiểu quyết định sẽ có người thắng và có kẻ thua thiệt.
Đối mặt với dịch bệnh, nhiều chính phủ ngay lập tức đưa ra quyết định phong tỏa. Để đạt được sự ủng hộ của người dân, các chính phủ tuyên truyền với thông điệp rằng đây là phương thức duy nhất có thể bảo vệ mạng sống của mọi người, có lợi cho tất cả, một kiểu vị thân – mọi người cùng thắng.
Thông điệp đó khác xa thực tế.
Khác biệt rõ ràng nhất đến từ tính chất của dịch bệnh COVID-19: các thống kê cho đến nay đều cho thấy nó gây hại nhiều nhất đến nhóm đối tượng người lớn tuổi và người có bệnh nền, trong khi gây rất ít nguy hiểm cho những người trẻ tuổi khỏe mạnh.
Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt rõ ràng ảnh hưởng nhiều hơn đến nhóm người trẻ tuổi – họ bị mất việc làm, mất thu nhập, mất cơ hội học hành, và mất tự do cá nhân.
Trong một số trường hợp, ngay cả khi so sánh về nhân mạng, cái giá phải trả từ hậu quả của việc phong tỏa cao hơn cái được từ quyết định đó.
Đó là kết luận từ nghiên cứu của một nhóm tác giả công bố hồi tháng 6/2021 trên trang web của Ngân hàng Thế giới (World Bank). [2] Nghiên cứu cho biết ở các nước có thu nhập thấp, cứ mỗi sinh mạng được cứu khỏi COVID-19 nhờ vào quyết định phong tỏa, sẽ có 1,76 sinh mạng của trẻ em bị mất đi do các thiệt hại kinh tế phát sinh từ hành động phong tỏa đó. Tỷ lệ này ở các nước có thu nhập trung bình và cao lần lượt là 1:0,59 và 1:0,06.
Việc thế hệ trẻ phải gánh chịu phần thiệt hại lớn hơn từ chính sách phong tỏa được gọi là “sự đánh đổi xuyên thế hệ” (intergenerational tradeoff).
Nhưng đó không phải là sự đánh đổi duy nhất.
Chính sách phong tỏa khiến người nghèo gánh chịu phần thiệt hại lớn hơn nhiều so với những người giàu có. Lưu ý rằng thiệt hại ở đây là trong tương quan của từng nhóm người. Người giàu có thể mất hàng tỷ đồng nhưng họ vẫn còn đủ nguồn lực để sống khỏe trong thời gian cách ly. Trong khi đó với những người nghèo, chỉ cần mất đi vài triệu đồng thu nhập là đủ để đẩy họ vào cảnh khốn cùng.
Thử hình dung trường hợp một người phụ nữ bán vé số 50 tuổi ở Sài Gòn. Bình thường với công sức của mình người đó có thể kiếm đủ thu nhập để trang trải bữa ăn, tự nuôi sống bản thân. Khi thành phố phong tỏa, cô bị cấm ra ngoài đường, mất đi chiếc cần câu cơm. Lúc này, cô buộc phải phụ thuộc vào sự cưu mang của người khác, nếu không, sẽ chết đói.
Đặt trường hợp người bán vé số bị nhiễm COVID-19, nếu không có bệnh nền, xác suất tử vong là thấp, thậm chí có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì.
Một trường hợp cụ thể xuất hiện trên mạng xã hội vừa qua minh họa rõ hơn sự đánh đổi này. [3]
Theo câu chuyện, hai anh em người Thanh Hóa lên Hà Nội làm phụ hồ. Gặp đợt phong tỏa, vừa không có việc làm, lại không được chủ chi trả tiền công, hai người này lang thang vất vưởng nhiều ngày không có gì bỏ bụng, cũng không có tiền về quê. Cuối cùng họ phải đánh liều đi xin ăn.
Hai người thanh niên khỏe mạnh, một 21 tuổi, một 15 tuổi, nếu không may bị nhiễm bệnh, xác suất cao họ sẽ chỉ có những triệu chứng như cúm thông thường, hoặc thậm chí không có triệu chứng gì. Nhưng giờ đây, với chính sách phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh, họ lại bị đẩy vào cảnh chết đói.
Như vậy, với những người như cô bán vé số hay hai cậu thanh niên phụ hồ, thiệt hại từ chính sách phong tỏa rõ ràng lớn hơn nhiều so với rủi ro từ việc lây nhiễm bệnh.
Chính những người nghèo mới là đối tượng phải chấp nhận “đánh đổi vị tha” (interpersonal tradeoff) – gánh phần thua thiệt để bảo vệ những người khác.
Ở Việt Nam, thực tế này không những không xuất hiện trong các thông điệp về phòng chống dịch, mà ngược lại, những người nghèo lại trở thành đối tượng bị công kích, thậm chí là trừng phạt do không chịu tuân thủ các quy định cách ly phong tỏa.
Trong khi những người có điều kiện an nhiên kê cao gối ngủ tại nhà những ngày cách ly, thả hồn đọc sách, vui vẻ học nấu ăn, chăm sóc cây cảnh hay cắm mặt luyện phim chơi game, thì rất nhiều người khác bị bó chân trong những phòng trọ bít bùng chỉ vài mét vuông chật hẹp, lo lắng về tiền ăn tiền phòng tiền điện tiền nước và đủ thứ chi phí khác.
Thách thức lớn nhất của những người có điều kiện là vượt qua cơn chán chường. Thử thách đối với những người khác là tìm cách sống sót.
Ngay cả khi những người nghèo được nhận trợ cấp từ ngân sách – là tiền mà họ có phần đóng góp trong đó – thì nó vẫn chỉ như muối bỏ bể.
Thống kê từ một bài viết trên Luật Khoa có thể chỉ ra số tiền chi cho những người trong lực lượng chống dịch như công an gấp nhiều lần so với tiền trợ cấp cho người dân (mà đó mới là phụ cấp, chưa tính lương và các khoản khác dành cho lực lượng này). [4]
Rồi còn vô số trường hợp những người giàu có cậy nhờ quan hệ tìm cách chen hàng luồn lách để được tiêm vaccine mà không hề gặp phải hậu quả gì, trong khi đa phần người nghèo không có cách chi tiếp cận với vaccine. [5] Ngay cả khi thuộc nhóm lớn tuổi và có bệnh nền, họ cũng không phải những người được ưu tiên hàng đầu trong danh sách được tiêm.
Trong các thông điệp tuyên truyền phòng chống dịch của chính quyền, người ta thường xuyên bắt gặp những tuyên bố kiểu “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế” của Thủ tướng hay “thành phố thời gian qua đã nhận cái khó về phía mình” của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh. [6][7]
Nếu có thống kê cụ thể, thiệt hại mà những người nghèo phải gánh chịu trước các chính sách phong tỏa, xét trong tương quan nguồn lực của họ, chắc chắn vượt xa so với những “hy sinh” và “cái khó” mà bất kỳ lãnh đạo chính quyền nào phải chịu, nếu có.
Những điều trên không dẫn tới kết luận phong tỏa là chính sách sai lầm.
Quan điểm đồng thuận của phần lớn chuyên gia vẫn cho rằng ngoài vaccine, phong tỏa là cách tốt nhất để hạn chế đà lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, có ít nhất ba vấn đề trong chính sách phong tỏa cần phải thay đổi.
Một là thông điệp phải minh bạch: đây không phải là lựa chọn mà tất cả cùng gánh chịu phần thiệt hại như nhau. Rõ ràng đang có những người phải chịu thiệt thòi hơn hẳn những nhóm khác, và sự đánh đổi đó của họ không được ghi nhận đúng mức.
Hai là phải có các chính sách phân phối nguồn lực đảm bảo nhóm người đang chịu thiệt hại nhiều hơn nhận được hỗ trợ tương đương với phần đánh đổi mà họ phải gánh cho cả cộng đồng.
Và cuối cùng là loại bỏ những biện pháp chống dịch cực đoan trong đó đẩy hết phần khó về phía người nghèo, buộc họ phải ở trong thế hoặc phản kháng để sinh tồn, hoặc chấp nhận làm chốt thí để giữ gìn đại cục.