Mối quan hệ giữa độc tài, dân chủ và một xã hội bao dung, đón nhận mọi khác biệt.
28/04/2021
Cách đây vài ngày, ba nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch bị chính quyền bắt giữ. Trước đó, vào tháng 12/2020, nhà báo Trương Châu Hữu Danh của nhóm đã bị bắt. Tất cả cùng bị khởi tố với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Khi các nhà báo này bị bắt, các kênh truyền thông của chính quyền thể hiện sự hả hê là điều dễ hiểu. Điều khó hiểu là ngay cả nhiều người chống lại chế độ độc tài cũng hả dạ.
Họ ghét những nhà báo trên vì “tự cao tự đại”, “ăn nói mất dạy”, “không coi ai ra gì” – những mô tả vốn được dùng cho những người bất đồng với mình.
Nếu đó là người của phe ta, cùng những biểu hiện trên sẽ được đổi thành “phong thái tự tin”, “ăn nói mạnh dạn”, và “không sợ ý kiến đối nghịch”.
Nhiều người dùng một lý do khác để giải thích cho sự vui mừng: họ cáo buộc những nhà báo trên nhận tiền doanh nghiệp viết bài chứ không hề có mục đích chống tham nhũng, bảo vệ sự thật. Họ đưa ra cáo buộc mà không cần bất kỳ bằng chứng nào. Họ sẵn sàng gật gù với việc chính quyền tùy tiện bắt giam người khác bằng một điều luật mơ hồ, chỉ vì người đó không phải “phe mình”.
Những phản ứng khó hiểu này thật ra không quá… khó hiểu. Nó đã được cấy hạt từ rất lâu. Các hạt giống chỉ chờ cơ hội đâm chồi nảy lộc. Sự kiện Donald Trump khuấy đảo chính trường Hoa Kỳ vừa qua là một cơ hội như vậy.
Những lời hứa đanh thép của Trump về việc sẽ đánh sập Trung Quốc khiến hàng triệu con tim Việt Nam thổn thức và tôn ông làm thánh sống. Bất kỳ ai bất đồng với Trump vì vậy đều trở thành kẻ thù của họ. Những cơn sóng tin giả vẫn còn cuồn cuộn tới tận ngày hôm nay. Những cáo buộc chụp mũ dành cho những ai chỉ trích Trump vẫn còn được hưởng ứng bất chấp mọi lý lẽ.
Giống như những thầy bói mù hăng tiết, họ sẵn sàng lao vào phang vỡ đầu bất cứ ai dám bảo con voi có hình dạng khác với thứ họ sờ được.
***
Hiếm có người Việt Nam nào chưa từng nghe qua câu chuyện “thầy bói xem voi”, đả kích những kẻ hiểu biết nửa vời mà vẫn cố chấp. Đó là bài học mà chúng ta được dạy lâu nay từ câu chuyện ngụ ngôn này.
Trong một bài viết mới đây trên trang Quả Cầu, câu chuyện người mù sờ voi được giới thiệu lại với những góc nhìn khác.
Bài viết dẫn một so sánh của nhà lý luận văn học Trần Đình Sử về các dị bản khác nhau của truyện ngụ ngôn nổi tiếng trên. Theo đó, so với các phiên bản ban đầu ở Ấn Độ, biến thể của Việt Nam có những đặc tính rất riêng biệt.
Nhân vật chính trong truyện của Ấn Độ là “người mù”, sang Việt Nam được đổi thành “thầy bói mù”.
Các phiên bản truyện của Ấn Độ thể hiện triết lý nhân sinh: mỗi người nhận biết một phần của thế giới, và đó tuy không phải bức tranh hoàn chỉnh, nhưng đều là thật, hay ít nhất là họ nói đúng với những gì mình hiểu. Trong khi đó, phiên bản thầy bói xem voi của Việt Nam mang tính châm biếm giễu cợt ngay từ đầu.
Kết truyện cũng rất khác biệt. Trong các phiên bản của Ấn Độ, những người mù sau khi sờ voi chỉ ba hoa với nhau, hoặc nặng hơn là cãi nhau. Ở phiên bản Việt Nam, các thầy bói mù cãi hăng tới mức không ai chịu ai, đánh nhau toạc máu đầu.
Dị bản sáng tạo của Việt Nam dẫn tới câu hỏi: liệu có phải người Việt Nam ít bao dung, không biết cách nào để hòa hợp bất đồng với nhau, chỉ có thể dùng đến các trò mạt sát, thậm chí là bạo lực?
Độc tài mềm, dân chủ kiểu châu Á, và sự hài hòa không có thật
Giữ một xã hội hài hòa, ổn định, theo đúng trật tự thứ bậc thường được xem là một ưu tiên đặc trưng trong văn hóa Á Đông.
Thứ ưu tiên mà nhiều người nghĩ là nét riêng của châu Á dẫn đến quan điểm cho rằng văn hóa của người Á Đông không phù hợp với các khái niệm và thực hành về dân chủ của phương Tây.
Đó là khẳng định của không ít các nhà lãnh đạo ở khu vực đông dân nhất thế giới. Theo họ, cần có một mô hình khác để quản trị các quốc gia ở châu Á. Nhiều người gọi đó là “mô hình dân chủ kiểu châu Á” (Asian style democracy), hay “độc tài mềm” (soft authoritarianism).
Lý lẽ chính của những người này là văn hóa Á Đông, dưới ảnh hưởng của đạo Khổng, luôn đặt lợi ích cộng đồng cao hơn lợi ích cá nhân. Theo họ, điều này mâu thuẫn với những khái niệm nhân quyền tự do của phương Tây, vốn đề cao quyền và địa vị của cá nhân.
Từ đó, kết luận đưa ra là những “quyền tự nhiên” (natural rights) trong tư duy dân chủ phương Tây như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tham gia vào quản lý quốc gia… đối với người châu Á lại là một thứ không thích hợp, thậm chí “phi tự nhiên” (unnatural).
Hệ quả logic là, đối với người châu Á, các quyền tự nhiên có thể và cần bị hạn chế, còn quyền của nhà nước thì không cần và cũng không nên bị giới hạn.
Tất cả những chính trị gia độc tài ở châu Á đều dùng các phiên bản khác nhau của “nét đặc trưng riêng” nhằm biện minh cho việc chiếm quyền.
Park Chung-hee của Hàn Quốc và Ferdinand Marcos của Philippines đều lấy lý do rằng đất nước của mình có “hoàn cảnh khác biệt” để áp đặt các chế độ độc tài cai trị bằng vũ lực.
Ngay cả nhà lãnh đạo nổi tiếng Lý Quang Diệu của Singapore cũng đem yếu tố văn hóa Á Đông ra để lập luận rằng mô hình dân chủ của phương Tây khó tương thích với dân châu Á.
Uy tín và năng lực của Lý Quang Diệu càng khiến quan điểm này có đất dụng võ.
Những lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc, Bắc Hàn đều xem đất nước mình là “hình mẫu đặc biệt”, có các “yếu tố văn hóa đặc trưng” để gạt đi mọi yêu cầu cải tổ chính trị, trả lại quyền lực thực sự cho nhân dân.
Các lãnh đạo cộng sản của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Những “đặc trưng văn hóa”, “yếu tố khác biệt”, “hoàn cảnh lịch sử”… hàng chục năm qua luôn được dùng làm lý do để ngăn cản người Việt Nam thật sự có tiếng nói quyết định trong đời sống chính trị.
Mô hình độc tài mềm của châu Á từng nhận được nhiều cái gật đầu đồng tình, cả ở phương Tây, như một kiểu quản trị phù hợp với đặc tính của khu vực này. Một số người còn xem nó là kiểu “thể chế lai được cải tiến” (improved hybrid regime), vượt trội hơn so với mô hình dân chủ tự do của phương Tây.
Nhiều học giả, và cả các lãnh đạo châu Á phi-độc-tài như cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, phản đối quan điểm trên.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Asian Survey vào năm 1998, Giáo sư Steven J. Hood, chủ nhiệm Khoa chính trị tại Ursinus College thuộc bang Pennsylvania, Mỹ đã tổng hợp các ý kiến xung quanh vấn đề này.
Theo ông, những thể chế độc tài còn sót lại ở châu Á tồn tại không phải là vì “đặc trưng duy nhất”, cũng không phải là “mô hình lai vượt trội” so với thể chế dân chủ tự do truyền thống. Nó chỉ là những quốc gia còn mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ.
Trên thực tế, hầu hết các nước châu Á từng bị độc tài cai trị như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã và đang chuyển đổi thành công sang mô hình dân chủ mà vẫn giữ được các đặc trưng văn hóa của nước mình.
Lý do “nước tôi đặc biệt nên không thể dân chủ hóa” không chỉ được các nhà độc tài ở châu Á ưa thích. Nó còn là quân bài hữu dụng của các lãnh đạo độc tài ở khắp nơi, từ Alberto Fujimori ở Peru cho tới các tướng tá quân đội tiến hành đảo chính ở Chile vào thập niên 1970, và cả các chính trị gia ở những nước Đông Âu hậu cộng sản.
Những cái “đặc biệt” đều được họ dùng để níu giữ quyền lực độc tôn càng lâu càng tốt.
Giáo sư Hood chỉ ra rằng các lãnh đạo độc tài đặc biệt sợ sự “hỗn loạn” từ việc áp dụng mô hình dân chủ, khi tất cả người dân được trao quyền quyết định vận mệnh chính trị của đất nước. Điều này phản ánh sự nghi ngại, thiếu lòng tin của các chính trị gia độc tài với người khác.
Hood dẫn lời Montesquieu, triết gia nổi tiếng người Pháp, với nhận định rằng cái hại của các chế độ độc tài không nằm ở việc lãnh đạo chiếm hết quyền lực của dân. Cái nguy hại là nó khiến người dân sợ hãi những kẻ nắm quyền, và những kẻ nắm quyền sợ hãi người dân, rồi từ đó khiến những ai chiếm được quyền đều nghi ngờ đề phòng mọi người xung quanh.
Thứ trật tự của một “xã hội hài hòa” trong các chế độ độc tài đều được duy trì bằng nỗi sợ hãi, nghi kỵ và đố kỵ. Nó là thứ hài hòa không có thật.
Sự hài hòa, ổn định mà người ta hay nhắc đến ở Việt Nam cũng là một kiểu hàng giả như vậy. Minh chứng của nó là các diễn ngôn “bò đỏ bò vàng” vẫn tồn tại nhiều thập niên qua, khi hai miền Bắc – Nam từ lâu đã im tiếng súng.
Thứ văn hóa “khác tao là phải chống” như một cơ chế tự động xúc phạm, dẫm đạp tất cả những gì trái ý mình, không cho ai có cơ hội dùng đến bộ não để tư duy, để khám phá, để phản tỉnh. Thay vào đó, họ dùng hộp sọ chỉ để mạt sát, mạ lị, và tấn công.
Câu chuyện thoát xác của Đài Loan
Luôn có lựa chọn khác để tạo ra một xã hội có thể thật sự dung hòa những khác biệt, thậm chí là xung đột.
Không có hình mẫu nào thích hợp hơn để minh họa cho lựa chọn này bằng câu chuyện của Đài Loan.
Suốt nhiều thập niên, người Đài Loan từng sống dưới chế độ cai trị độc tài khắc nghiệt, thậm chí là đẫm máu của Quốc dân Đảng (KMT).
Cho đến thập niên 1990, dưới áp lực ngày một lớn của các phong trào vận động dân sự, và vai trò của những chính khách như Lý Đăng Huy, đất nước này đã tiến hành những cải cách dân chủ thật sự.
Xã hội Đài Loan không vì thế mà trở nên hỗn loạn. Nền kinh tế không sụp đổ. Các giá trị văn hóa truyền thống của nước này cũng không hề bị mất đi. Mọi thứ đều tốt đẹp hơn, kể cả với những kẻ độc tài ngày trước.
Quốc dân Đảng thẳng thắn thừa nhận sai lầm trong thời kỳ độc tài, đồng thời xin lỗi vì những chính sách “khủng bố trắng”, đàn áp, giết hại, cưỡng đoạt quyền tự do của người dân.
Họ không những không lo sợ bị “trả thù”, mà ngược lại, còn có thể đường hoàng vận động sự ủng hộ của người dân, cạnh tranh công bằng về quyền lực với các đảng phái khác.
Không ít người Việt Nam lầm tưởng về một xã hội “hỗn loạn” của Đài Loan, khi đọc các tin tức về cảnh lộn xộn và thường xuyên đụng tay đụng chân của các ông bà nghị nơi đây.
Trên thực tế, người Đài Loan không xem đó là một vấn đề gì lớn. Họ chấp nhận các mâu thuẫn xung đột được phơi bày ra cho bàn dân thiên hạ, để rồi tất cả cùng chung tay giải quyết. Nó tốt hơn nhiều việc giấu diếm lấp liếm, kiểm soát thông tin, tạo ra bức màn hài hòa giả tạo – một trải nghiệm tồi tệ mà bản thân họ không bao giờ muốn có lại.
Xã hội Đài Loan sau những cải cách dân chủ thể hiện một mức độ bao dung đáng kinh ngạc. Tất cả những ý kiến khác biệt, kỳ dị, trái ngược, ngay cả có thể xung đột với lợi ích quốc gia cũng đều được đón nhận.
Có thể dẫn ví dụ về những nghệ sĩ Đài Loan phải thường xuyên cúi đầu trước áp lực của chính quyền Bắc Kinh, tham gia vào những phát ngôn cổ xúy cho chế độ này, thậm chí đồng tình với các tội ác vi phạm nhân quyền như ở Tân Cương. Phản ứng mạnh nhất những người này nhận được từ chính quyền Đài Loan chỉ là lời kêu gọi “hãy suy nghĩ lại”. Hoàn toàn không có bất kỳ hành động đe dọa hay biện pháp trừng phạt nào.
Thủ tướng Tô Trinh Xương còn không ít lần phát biểu rằng cần “thông cảm với những nghệ sĩ làm việc tại đại lục” khi họ bắt buộc phải nhắm mắt làm theo ý chính quyền để tồn tại.
Như lời ông nói, đây chính là điểm khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Đây cũng chính là sự khác biệt giữa thể chế dân chủ và độc tài.
Một xã hội bao dung thật sự không thể tồn tại ở những chế độ độc tài. Bản chất của nó vốn dĩ đã dựa trên sự đàn áp: một nhóm nhỏ đè đầu cưỡi cổ phần còn lại.
Căn tính nào cho người Việt Nam
Quay trở lại câu hỏi ở phần đầu: liệu có phải người Việt Nam ít bao dung, không thể hòa hợp các quan điểm khác biệt, chỉ có thể động tay động chân với nhau?
Ở thời điểm hiện tại, câu trả lời e là “đúng vậy”.
Việc chấp nhận rằng trên đời này có những người khác ý mình, rằng ý của họ có thể đúng, rằng mình luôn luôn có thể sai, hoặc tất cả đều đúng, hay tất cả đều sai – những yêu cầu này có vẻ quá sức đối với rất nhiều người Việt Nam.
Những người chửi bới các nhà báo bị bắt được nhắc đến ở đầu bài không phải là những công dân kém bao dung nhất ở xứ sở này.
Không ai xứng đáng với danh hiệu “vô địch hăng tiết vịt” hơn tập đoàn cai trị dưới ngọn cờ Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ có năng lực vô biên trong việc bất chấp mọi thủ đoạn nhằm đè bẹp mọi ý kiến khác biệt với mình.
Không ít người thắc mắc, vì sao nắm quyền lực tuyệt đối mà những người cộng sản vẫn lo sợ trước các quan điểm khác biệt, lắm lúc chỉ là những lời nói vô thưởng vô phạt?
Câu trả lời nằm ở nhận định của Montesquieu ở trên: do chế độ độc tài được xây dựng trên sự sợ hãi và nghi kỵ. Sợ hãi và nghi kỵ mọi người xung quanh, kể cả “phe ta”, đã luôn là bản chất của những người độc tài.
Nỗi sợ của họ sẽ chấm dứt vào ngày họ xuống mồ (với nhiều người, điều này không đúng – họ lo sợ sẽ bị lật mộ sau khi chết).
Tất nhiên, như ta đã thấy, luôn luôn có lựa chọn khác. Đài Loan là một minh họa sinh động cho lựa chọn đó.
***
Trong bảng xếp hạng tự do báo chí mới nhất của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Đài Loan xếp thứ 43, thứ hạng cao thứ hai của châu Á, chỉ sau Hàn Quốc xếp ngay trên.
Không phải ngẫu nhiên mà những nước đầu bảng về tự do báo chí đều có mức sống cao, xã hội hài hòa và được đánh giá là những nơi đáng sống hàng đầu trên thế giới. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những nước bét bảng về tự do báo chí đồng thời là những quốc gia có đầy các xung đột, bất công và bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội.
Không có gì ngạc nhiên khi về mặt tự do báo chí, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chính quyền Việt Nam phản ứng như thế nào trước những thông tin này?
Các cơ quan ngôn luận hàng đầu của chế độ như tờ Công an nhân dân nhiều năm qua vẫn luôn trực chiến, sẵn sàng đáp trả bằng cách gọi những kết quả này là “trò hề” – một kiểu hung hăng đặc trưng của các thầy bói mù.
Đó là lựa chọn của chính quyền. Người Việt Nam không bị số phận trói buộc phải làm những thầy bói mù giống vậy.
Nếu ngày trước, các phiên bản khác của câu chuyện người mù sờ voi cũng được phổ biến, ắt hẳn nhiều người sẽ nhận ra mình có lựa chọn khác, thay vì cứ phải lao vào sỉ vả mạt sát đánh giết nhau để giải quyết xung đột.
Người Việt Nam luôn có thể lựa chọn biến xứ sở này trở thành một nơi con người vừa bao dung, xã hội vừa hài hòa, vừa giải quyết được các xung đột, vừa đưa đất nước cùng phát triển.
Những điều đó hoàn toàn có thể làm được mà không phải áp đặt, không cần dối trá, và không ai phải sợ hãi, nghi kỵ hay dẫm đạp lên bất kỳ một nhóm người nào để tiến thân.