Bồ Đề Đạt Ma sáng tổ của Thiền Tông Trung quốc nói rằng “Phù nhập đạo đa đồ, yếu nhi ngôn chi bất xuất nhị chủng. Nhất thị lý nhập. Nhị thị hành nhập”. Nghĩa là “Phàm đi vào đạo có nhiều đường nhưng nói tóm lại không ra ngoài hai loại. Một là vào bằng lý. Hai là vào bằng hành”.
A/ Vào đạo bằng LÝ, thì cần nghe, suy nghĩ để hiểu và thấy đúng rồi thực hành tu sửa. Tức là theo đúng tiến trình của ba chữ văn tư tu Phật dặn lại trước khi nhập diệt. Theo kinh Đại bát Niết bàn, trước giờ đức Phật nhập diệt sau khi đã giảng đạo 45 năm, chúng Phật tử van vỉ cầu xin Phật nán lại hướng dẫn, vì cảm thấy vẫn là chưa đủ, bơ vơ không biết dựa vào đâu được. Thì Phật nói rằng ta đi rồi thì còn Pháp. Nhưng cũng đừng có nhắm mắt tin nghe vì thương yêu ta, hay vì rằng ta là thầy. Mà phải nghe (văn) rồi suy nghĩ cho kỹ để thấy đúng sai (tư). Thấy đúng sai rồi thì mới biết làm, hay sửa (tu) thế nào. Đi theo đường lý như vậy là rất khó, vì phải là một con người có khả năng để nhận thức theo tiến trình thọ, tưởng, hành, thức như kinh Phật nói, mà thấy đúng sai. Lại phải là người có quyết tâm tu hành, (sửa mình) thì mới đạt.
B/ Vào đạo bằng HÀNH, thì chỉ cần tin mà tụng kinh niệm Phật, cũng vào được đạo. Đây là đường lối tịnh độ. Kết quả cũng vẫn là thân tâm an lạc, nghĩa là không khổ. Theo đường hành nói chung dễ hơn, đơn giản hơn.
Thực thế, có bài kệ rằng
“Ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba, Dục thoát luân hồi khổ, tảo cấp niệm di đà”. Nghĩa là Sông yêu sóng ngàn thước, Bể khổ sóng vạn lớp; Muốn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi thì hãy sớm niệm Di Đà. Di đà là Phật A Di Đà. Câu hỏi nẩy ra là tại sao niệm A di đà Phật mà lại thoát được khổ não. Và có thực như thế không? Nói đến tình yêu thì ai cũng nghĩ tới sự say mê, hoan lạc ở những mức độ khác nhau. Nhưng thực tế phần nhiều không thế. Như Hồ Dzếnh đã viết “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Nhẹ nhàng đằm thắm thì như bài thơ Khóc Bằng Phi của vua Tự Đức, cực tả bởi hai câu “Đập cố kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi”. Ước ao chờ đợi ngoài sương lạnh thì như Vũ Hoàng Chương:
“Ngoài hiên vắng gió đưa vàng rụng đến
Ngọn tường vi xuống mãi chiếc liềm cong
Đêm gần khuya, sương đổ,
Anh thấy ướt vai áo
Anh thấy lạnh trong lòng”
Những lời thơ này là diễn tả tình trạng yêu mà không được đáp ứng, không trọn vẹn hay là yêu rồi bị mất. Cho nên yêu mà thành khổ. Còn có những trường hợp có yêu, được yêu mà cũng vẫn khổ. Là bởi vì ai cũng biết rằng yêu quá thành cuồng, thành ghen, hay là sợ mất mà khổ.
Rõ ràng là con sông tình ái sóng cao ngàn thước. Ngồi trên sóng lướt đi đó mà rồi trồi lên trụt xuống cả đời, như Vũ Hoàng Chương.
Đến đây thì có thể nói rằng Luân hồi, - tức là xoay vần không ngừng như cái bánh xe - là như thế.
Luân hồi là vòng xoay thất tình lục dục hỉ nộ ai lạc ái ố dục ở ngay trong đời một con người. Bởi vì như Vũ Hoàng Chương qua trận 12 tháng 6 với “Kiều Thu hề, Tố hỡi em”… thì lại đến chuyện khác
“Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu trai
Ra đi chẳng hứa một ngày mai
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai.”
Và chuyện khác nữa, năm 1959, khi Vũ hoàng Chương 43 tuổi được chính phủ VNCH cử đi dự hội nghị đệ tứ Quốc tế Thi ca lưỡng niên tại Knockke-le Zoute (Bỉ quốc). Trong hội nghị này Vũ Hoàng Chương gặp nữ thi sĩ Ysabel Baes tuổi mới 15. Hai người đã làm thơ đối đáp, và Ysabel đã dịch một số bài thơ sang tiếng Anh in thành sách.
Rồi chia tay, là xong. Không bao giờ gặp lại hay nghe tin gì về Ysabel Baes dẫu bỏ công tìm.
Suy ngẫm một chút về những trường hợp này thì có thể thấy rằng luân hồi không nhất thiết chỉ sự tái sinh trọn vẹn của một con người dưới dạng này hay khác sau khi chết. Mà luân hồi có thể chỉ là vòng xoay của một tập hợp thất tình lục dục ngay trong một con người hiện hữu. Nói khác đi, cột mốc luân hồi chẳng phải chỉ là qua cái chết như nhiều người tưởng và tin. Bởi vì sự tin tưởng luân hồi qua cửa chết này khó chứng minh. Ngoài một số bài viết hay sách vở, không nhiều, kể ra trường hợp có người sinh ra ngày nay mà biết được kiếp quá khứ của mình ở một vùng xa lạ trên thế giới và tìm về chốn cũ. Hay là như trường hợp người Tây tạng tìm ra được những Lạt ma tái sinh, dựa theo những dấu chứng mà họ cho là khó chối cãi, nhưng không hẳn là hoàn toàn không thể phủ nhận bởi người ngoại cuộc.
Cho nên, muốn thoát khỏi vòng “khổ hải vạn trùng ba”, đơn giản chỉ là “tảo cấp niệm di đà” thì quyền lực mầu nhiệm vô song của đức Phật A di đà sẽ cứu vớt. Tức là “hành” không cần nghĩ, chỉ cần tin, như phái Tịnh độ
Có thực thế không? Nhiều người theo Phật giáo đều tin như thế. Cho nên, trong chùa nào chính điện cũng có bàn thờ đức Thích Ca Mâu Ni Phật (Phật lịch sử, chỉ đường thoát khổ), đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Phật cứu khổ hiện tại) và đức Phật A di Đà (Phật cứu khổ tương lai, khi chết). Và trong những lúc gặp nguy khốn tuyệt vọng người ta thường đã niệm Nam mô A Di Đà Phật, hay/và Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát…
Vào đạo bằng lý thì như đã nói, là văn tư tu những điều Phật chỉ dạy. Nhưng những kinh sách nhà Phật từ khi Phật tại thế tính đến nay là thiên kinh vạn quyển, làm sao đọc hết? Chưa kể rằng các kinh sách là do các đệ tử thu gom, dịch thuật cho nên có ý kiến cá nhân, có tam sao thất bản. Như thế thì lấy tiêu chuẩn nào để bảo rằng đâu là đúng sai, đâu là cốt lõi để mà văn tư tu? Cho nên, an toàn và thích hợp nhất phải là căn cứ vào bài giảng Tứ diệu đế đầu tiên của đức Phật, với bốn chữ Khổ Tập Diệt Đạo.
Nói cho rõ, Phật chỉ ra rẳng đời là Khổ. Khổ mênh mang vô tận. Cho nên người ta mới có chữ bể khổ - mà chữ Hán Việt là khổ hải. Tập là nguyên nhân của Khổ. Khổ đã là vô tận như biển thì nguyên nhân của khổ tức là Tập cũng không thể ít hơn. Cho nên diệt khổ là việc thường xuyên. Nói khác đi là đã ở trên biển thì phải bơi thường xuyên. Cũng như sống thì phải ăn phải thở, phải sinh hoạt. Diệt được nguyên nhân của Khổ thì hết khổ, và con người vào được Đạo, đắc đạo, hết khổ.
Khi nói vào đạo, (nhập đạo) người bình thường thì nghĩ là quy y, mà cụ thể là được một tăng sĩ chấp nhận đỡ đầu làm lễ, cho một pháp danh. Tiếp theo là lên chùa dự lễ, tụng kinh, làm công quả đều đặn, cầu xin Phật phù hộ, ăn nên làm gia lúc sống và đưa về Tây phương cực lạc khi chết. Cũng có người không lên chùa mà tụng kinh ở nhà, trước bàn thờ Phật. Vào đạo như thế là cách theo đạo hình thức và có lòng tin bền vững, theo lối Tịnh độ, mà như đã nói là Hành. Nói khác đi, là sống trong hy vọng, trong tin tưởng ở quyền năng cứu độ của Phât theo lời cầu nguyện của mình.
Khổ là gì?
Khổ con người gồm hai loại: Khổ từ ngoài tới, vật chất. Khổ từ trong tâm ra, tinh thần. Khổ từ ngoài tới thì không kiểm soát được, không/hay khó tránh được nhưng có thể ít nhiều đối phó được. Như thời tiết nóng và lạnh, tai nạn đổ tới… Khổ từ ngoài tới là khổ nhận được theo tiến trình thọ tưởng hành thức qua hệ thống ngũ quan (mắt tai mũi lưỡi da: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác). Khổ từ trong đầu ( yêu, quý, ghét, hận…) tức là đã được giáo dục (nói khác đi là điều kiện hóa) như thế. Cho nên nguồn gốc của khổ là ngũ uẩn
Ngũ Uẩn là gì?
1/ Theo nghĩa Hán Việt thông thường, ngũ là năm, uẩn là sợi giây, sợi gai kết thành bó. Trong kinh sách Phật giáo, uẩn là sự ràng buộc (skandha).
Ai cũng biết rằng người ta có ngũ quan. Ngũ quan là nhãn (mắt) nhĩ (tai) tị (mũi) thiệt (lưỡi) thân (tức là xúc=sờ, đụng chạm). Các cơ quan này cho người ta nhìn, nghe , ngửi, nếm, sờ. Qua ngũ quan người ta tiếp xúc được với môi trường xung quanh. Sự tiếp nhận đầu tiên, trước nhất gọi là thọ (hay thụ). Những tiếp nhận này tạo ra những luồng thần kinh truyền lên óc và ghi lại ở đó. Những tiếp nhận qua mắt gọi là thị giác, qua tai là thính giác, qua mũi là khứu giác, qua lưỡi là vị giác, qua sờ là xúc giác.
2/Nhận định dưới góc Phật giáo, năm nhóm giác này tạo thành cái “thức” tức là nhận biết. Nhờ nhận biết mà có cái Ta (Ngã – Cá nhân), khác với người khác (Tha nhân), cái chung quanh. Cái nhận biết này có nhiều mức độ khác nhau, tùy theo loài động vật. Nói chung khả năng nhận biết ở con người là mức độ cao nhất. Nhưng khả năng nhận biết này không đồng nhất như nhau ở mọi người, mà khác nhau tùy từng cá nhân, và tùy theo môi trường sinh sống.
Để biết thêm một số danh từ khác hay gặp trong sách vở Phật giáo, xin mở ngoặc ở đây rằng sự ràng buộc, liên hệ qua năm cái giác này gọi là: Sắc uẩn (rùpa) Thọ uẩn (vedanà) Tưởng uẩn (sanjnà) Hành (samskara) Thức (vijnàna)
Tiếp tục nói thêm về cái Ta (Ngã): Nói đến Ta (Ngã) thì gồm có hai phần: phần thể chất đặc thù (nam, nữ, cao thấp, mắt xanh, tóc đen vân vân) và phần đầu óc, mà vắn tắt cụ thể là khả năng nhận biết (thức). Cái Ta này không ai giống ai. Ngay cả trong trường hợp một cặp song sinh đồng nhất (homogenous twin), phản ứng đối với một sự vật cũng không hoàn toàn giống nhau.
Không những cái Ta không giống ai, mà cái Ta cũng không bất biến, nghĩa là cái Ta thay đổi với thời gian, với hoàn cảnh sống. Nói cho rõ thì cái Ta của bây giờ (hiện tại) khác cái Ta của quá khứ, cái Ta lúc ở Mỹ, khác cái Ta lúc ở Việt Nam. Cái Ta khi mới lọt lòng mẹ khác cái Ta tùy theo mỗi tuổi lớn. Điều này ai cũng có thể nghiệm thấy được, nếu để tâm suy nghĩ.
Trần Thiên Ân
(ngày 1 tháng 8/2021)