August 16, 2021
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy Sài Gòn, thừa nhận hàng trăm ngàn người rời bỏ thành phố chạy về quê vì “cuộc sống thiếu thốn trăm bề.”
Ông Nên được báo Dân Việt hôm Thứ Hai, 16 Tháng Tám, thuật lời “hàng trăm nghìn người rời thành phố về quê, trong đó có lý do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào.”
Hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Tám, nhà cầm quyền loan báo bắt đầu từ ngày Thứ Hai, 16 Tháng Tám, thành phố tiếp tục thêm một tháng “giãn cách xã hội” mà “ai ở đâu thì ở đó” nhằm đối phó với đại dịch đang lây lan nghiêm trọng nhất nước.
Trước quyết định này, dân chúng, đặc biệt là những người tới đây làm thuê sống qua ngày, hoảng hốt bồng bế nhau bỏ chạy về quê.
Họ đã chịu đựng mọi khốn đốn từ đợt “giãn cách xã hội” trước, tức lệnh phong tỏa từ ngày 9 Tháng Bảy đến nay. Không việc làm, không tiền bạc, các cuộc cứu trợ từ thiện của các nhóm thiện nguyện cũng chỉ giúp họ sống lây lất trong phập phồng sợ hãi vì COVID-19 lây lây lan ngày càng tăng.
Nhiều phần, người dân vội vàng bỏ chạy vì không thể chịu đựng tiếp tục được nữa và không tin ông Nguyễn Văn Nên tuyên truyền là nhà cầm quyền ra lệnh “mùa dịch này các địa phương phải chăm lo đầy đủ cho người dân. Phải hết sức chủ động, lưu ý thống kê đầy đủ, không được bỏ sót người nào,” theo tờ Dân Việt.
Hình ảnh và video clip trên truyền thông nhà nước cũng như mạng xã hội cho thấy hàng đoàn người đã bị chặn lại trên các ngả đường ra khỏi Sài Gòn.
Ông Nên tuyên truyền là “khi vận động người dân quay lại thành phố, nhiều người đã trả nhà trọ, không còn nơi ở thì các địa phương phải xem xét lo cho dân, không chỉ lương thực thực phẩm mà cả chỗ ăn ở.”
Đây là một việc đòi hỏi một số lượng rất lớn về vật lực và nhân lực để thi hành cấp kỳ. Nó không phải là chuyện dễ dàng nếu nhà cầm quyền không chuẩn bị sẵn theo một chương trình đối phó khủng hoảng như chính phủ liên bang và các tiểu bang Mỹ đã thành lập sẵn, khởi sự ngay tức thì khi thảm họa, thiên tai vừa xảy ra.
Báo VietNamNet đưa tin nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn “chuẩn bị 1 triệu gói cứu tế cho người khó khăn, hỗ trợ túi an sinh, kinh phí thuê phòng trọ, tổ chức tiêm vaccine để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội” đến hết ngày 15 Tháng Chín theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó.”
Phần lớn trong số 6,141 người thiệt mạng vì COVID-19 (tính đến ngày 16 Tháng Tám) là ở Sài Gòn, với trung bình khoảng 241 người mỗi ngày. Nhiều người nhiễm bệnh đã không được đưa vào bệnh viện điều trị vì không còn chỗ. Lò hỏa thiêu người chết hoạt động “hết công suất” suốt ngày đêm cũng không kịp nên người ta nhìn thấy những dãy quan tài để dọc trên đường chờ hỏa táng.
Những người từ các tỉnh khác tới Sài Gòn làm thuê làm mướn đủ mọi loại công việc cũng chỉ đủ tiền chi trả các nhu cầu căn bản và tối thiểu. Bị mất việc làm từ hơn hai tháng qua, họ sống lây lất tạm bợ với hy vọng dịch qua đi nhưng nay thấy tương lai có vẻ mù mịt hơn.
Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai đưa tin: “Những ngày qua, tỉ lệ ca F0 mới trong cộng đồng tại Sài Gòn đang tăng, chiếm 53% so với tổng số ca mắc, trong khi đó tỉ lệ F0 trong khu phong tỏa chiếm 41%.” Điều này chứng tỏ tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn nghiêm trọng nên nhà cầm quyền mới ra lệnh phong tỏa thêm một tháng nữa.
Giữa tuần trước, khi tham dự cuộc họp giữa các địa phương với nhà cầm quyền trung ương, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành phố Sài Gòn, hô hào “phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15 Tháng Chín để phát triển kinh tế.”
Nhưng dân vẫn vội vàng bỏ chạy. Hãng tin Reuters nêu trường hợp bỏ chạy Sài Gòn để về Hà Tĩnh của ông Nguyễn Văn Hoan, quãng đường xa tới 1,200km. Trên xe gắn máy, ông có một cái va ly quần áo, một ít mì gói và bình xăng dự phòng.
“Đây không phải là lần đầu tiên tôi cố bỏ chạy về quê. Tôi ráng bỏ chạy cách đây mấy tuần trước nhưng bị đuổi quay lại chỗ ở cũ. Nhiều người chỗ xóm tôi ở đã chết. Nếu tôi ở lại, tôi sẽ chết vì đói và âu lo hoặc vì COVID-19.” Ông Hoan nói với Reuters qua điện thoại và cho hay ông không được nhà nước giúp bất cứ cái gì.
Thảm kịch đang diễn ra ở Sài Gòn, cũng chỉ là một phần của đại thảm kịch đang diễn ra tại rất nhiều địa phương khác ở Việt Nam, không biết khi nào sẽ qua đi. (TN) [kn]