Lần đầu tiên tôi được nghe từ 'di biến động dân cư', thấy báo chí truyền thông, học giả vào cuộc để giải thích cái từ tối nghĩa bắt chước của Trung quốc để rồi vỡ cái đầu khi nhớ tới chuyện bà mẹ mình bỏ đất Bắc vào Nam 67 năm trước.
Lấy chữ đầu và cuối của mớ chữ hỗn độn ở trên là nó thành “Di cư” thôi chứ có gì đâu. Chữ Di bản thân nó, đã Di chuyển là phải có “Biến” và “Động” còn Cư, là nơi chốn ở.
Năm 1954, hai triệu người miền Bắc vào Nam tìm cuộc sống mới, không một ai bị bỏ rơi. Cuộc sống sung túc của miền Nam trong 20 năm đã chứng minh điều đó. (Thằng nào nói không phải thì “di biến động dân cư” đi chỗ khác chơi dùm tôi chút!)
Năm 72, mùa hè đỏ lửa; hàng triệu dân miền Trung lánh nạn chạy vào nơi gần là Nha Trang, xa hơn là Sài Gòn. Hè năm đó về nhà nghỉ hè nhưng thỉnh thoảng tôi cùng với ông già chạy xe qua trường Sao Biển tôi theo học, để mang theo ít gạo cho người tản cư được các cha cho lánh nạn tạm chờ chính phủ sắp xếp nơi ở.
Tình trạng “Tản cư” là khi tạm bỏ nơi sống vì chiến tranh hay thiên tai để đi đến một chỗ mới, chờ ổn định về lại chỗ cũ.
Năm 75, thêm triệu người bỏ nước ra đi; người ta không dùng từ di cư hay tản cư mà gọi là Di Tản. Di dời ra khỏi nơi sống của mình mà không biết đi đâu. May là có các nước tự do chấp nhận cho tị nạn. Cũng từ thời điểm đó, hàng triệu người từ miền ngoài vào định cư ở miền Nam, nhìn dân số Sài Gòn từ 2 triệu lên 10 triệu là hiểu.
Nói chung qua các cuộc biến động trên đất nước khiến người dân phải di cư, tản cư, di tản mà tôi biết; đều có nơi ăn chốn ở; không sung túc thì cũng tạm sống đủ qua ngày.
Giờ thì Cô Vi làm tan hoang cuộc sống, đừng nói những gia đình chồng chất đồ đạc lên chiếc xe để rời thành phố về nơi chôn nhau cắt rốn là thiếu ý thức. Họ đã kiệt quệ, cho dù có nhận đồ thiện nguyện đi nữa nhưng cũng có hạn; hơn 2 tháng rồi họ có nhận được trợ cấp thất nghiệp như ở Nhật để trả tiền nhà trọ đâu. Thôi liều dắt díu về quê còn cái rau mà ăn, lỡ có chết thì cũng chết nơi cha ông tổ tiên cho mình ra đời.
Biết là tình hình địa phương nào cũng khó khăn, không trách những viên chức cấp dưới phải theo chính sách để ngăn dòng người biến động dân cư này về nơi cư trú cũ mà chưa biết là tỉnh nhà họ có nhận không; nhưng chẳng lẽ để họ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất?
Cũng đừng có nói những người lên tiếng như tôi là “Anh làm được gì chưa"! Vì chuyện đó là trách nhiệm của nhà nước, tôi muốn làm cũng không được.
Nếu có tâm và có tầm thì vấn đề giải quyết cho họ có chỗ lánh nạn tạm thời không phải là không thực hiện được.