Tác phẩm Trại Súc Vật dù được xuất bản năm 1945 nhưng cho đến nay tác phẩm của nhà văn người Anh, George Orwell, vẫn bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Dù bị cấm thế nhưng nhiều người dân trong nước biết và thường truyền đi đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác” để nói đến hoàn cảnh xã hội Việt Nam bấy lâu nay dưới chế độ cộng sản.
Trường Sơn
2021-07-20
———————-
Ngày 19 tháng 7, mạng xã hội loan truyền hình ảnh chụp màn hình một bài đăng của Facebook tên Vũ Phương Anh và đoạn bình luận của người này với bạn bè. Trong đó người phụ nữ trên khoe là được tiêm vắc-xin Pfizer mà không cần phải đăng ký hay chờ đợi.
Trả lời một bình luận hỏi đăng ký tiêm ra làm sao, cô này viết: “Em không đăng ký chị ạ, chờ đăng ký cũng lâu ý chị ạ. Cái này chị có người quen hoặc như thế nào đó chị liên hệ xem ạ”.
Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin eo hẹp, dịch bệnh ngày càng trở nên nguy hiểm, người dân ai cũng mong ngóng đến lượt được tiêm chủng. Những người đã được chích ngừa thì phải trải qua quá trình đăng ký và chờ đợi. Không ai được chọn chủng loại vắc-xin, thay vào đó thì buộc phải chấp nhận thứ được phân phát.
Vậy nên, thông tin về việc có người không cần phải đăng ký, không cần phải chờ đợi nhưng vẫn được tiêm chủng, đã thế lại được tiêm loại vắc-xin khan hiếm nhất và được biết đến là hiệu quả nhất, khiến dư luận xã hội dậy sóng.
Qua sự việc này, người dân biết thêm được một thông tin khác về loại vắc-xin mà quan chức sử dụng.
Trả lời phóng vấn của báo Thanh Niên, hôm 20 tháng 7, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị nơi sự việc xảy ra, phân trần:
“Chúng tôi hôm đó tiêm cho các cán bộ cấp cao xong thì thừa ra hai liều, bố cô ấy có nhờ bác sĩ trong tổ tiêm, là học trò của ông ấy giúp, cho tiêm.”
Như vậy, theo thông tin ông Nguyễn Thanh Hà đưa thì cán bộ cấp cao ở Việt Nam chọn tiêm vắc-xin Pfizer, loại vắc-xin sử dụng công nghệ tiên tiến và được tin là có mức độ hiệu quả cao hơn các vắc-xin khác đang được sử dụng cho người dân ở Việt Nam như AstraZeneca hay Moderna.
Ông Nguyễn Tiến Trung, một người dân Sài Gòn và là người quan sát tình hình chính trị ở Việt Nam, bày tỏ quan điểm của ông về vấn đề này:
“Tôi thấy rõ ràng chuyện là đất nước này có ít nhất là hai giai cấp, một giai cấp thì được rất nhiều đặc quyền đặc lợi, còn một giai cấp thì không có chuyện đó.
Chẳng hạn như cô gái trong bài báo này, dù còn rất là trẻ, không phải thuộc diện ưu tiên như những lao động trong khu công nghiệp, hay những người già, nhưng cô gái này vẫn vượt qua những chuyện đó.
Cho nên Việt Nam mình là có hai giai cấp, một giai cấp là dân thường giống như tôi và những người dân khác, và giai cấp khác là những cán bộ đảng viên.”
Sự khoe khoang của các thành phần ‘con ông- cháu cha’ về đặc quyền mà họ được hưởng, khiến cho những người vẫn hàng ngày nỗ lực giúp đỡ người khó khăn trong xã hội cảm thấy phẫn nộ.
Bà Trần Phương, một người dân ở Sài Gòn tích cực tham gia phân phát thực phẩm cho người khó khăn trong địa bàn thành phố, bày tỏ với RFA sự bức xúc của bà:
“Dĩ nhiên là mình rất là bức xúc và phẫn nộ rồi, tại vì đang trong lúc Sài Gòn bùng dịch nặng nề như thế, thế nhưng thấy khoe lên là họ được chích Pfizer, trong khi đó Sài Gòn không có vắc-xin, trang thiết bị y tế thì thiếu.
Thế thì với tư cách là một người công dân ở Sài Gòn phải đóng thuế, thì thử hỏi làm sao mà không bức xúc, trong khi nhìn những người dân nghèo ăn còn không đủ, bị bỏ rơi, đến bao giờ họ mới được tới lượt chích vắc-xin?"
Trước đó, một phụ nữ ở TPHCM cũng đăng lên mạng xã hội khoe khoang rằng vì muốn về nhà nhưng sợ bị phạt vì vi phạm lệnh giãn cách xã hội, nên đã nhờ bố của mình là giám đốc của một hợp tác xã cấp cho giấy thông hành mặc cho bản thân không thuộc diện được cấp.
Sự việc cũng đã tạo ra dư luận xã hội, phần lớn tỏ ra bức xúc trước sự khoe mẽ trên, bởi nó xảy ra trong lúc có nhiều người dân ở Sài Gòn đã bị xử phạt vì ra đường mà “không có lý do chính đáng”.
“Không biết cái gì?”, “im!”, “lên phường!, “mày ở trên núi xuống hả?!”
Tiếng một cán bộ, người sau đó được xác minh là phó chủ tịch phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang quát tháo, nạt nộ một người dân sau khi anh này trình bày rằng mình phải ra ngoài đường vì muốn mua bánh mì cho người bạn đang ốm ở nhà.
Hôm đó anh Trần Văn Em, một công nhân xây dựng bị chặn lại tại chốt kiểm dịch. Những gì xảy ra sau đó đã trở thành tâm điểm của dư luận cả nước, khi đoạn video quay lại sự việc cho thấy công dân Em bị cán bộ nhà nước chà đạp phẩm giá được chia sẻ rộng rãi.
Một video khác về sự việc quay lại cảnh anh Nguyễn Văn Em ngồi khúm núm trong phòng làm việc ở uỷ ban phường, gật đầu đồng ý với lập luận “bánh mì không phải thực phẩm” mà cán bộ đưa ra.
Những sự kiện trên tuy xảy ra riêng rẽ, nhưng đại diện cho hai lớp người ở hai thái cực khác nhau trong xã hội. Một bên đại diện cho tầng lớp giàu có, ‘con ông cháu cha’ và lãnh đạo với đầy đủ đặc quyền đặc lợi. Bên còn lại là những người dân thấp cổ bé họng đến phẩm giá của mình cũng không giữ nổi.
Và khi ghép hai nửa này lại với nhau thì ra một bức tranh toàn cảnh về sự bất bình đẳng ở xã hội Việt Nam.
Lý giải cho sự bất bình đẳng này, ông Nguyễn Tiến Trung nói:
“Nguyên nhân là vì những người làm cách mạng cuối cùng lại trở thành những kẻ phản cách mạng. Họ muốn xây dựng một xã hội công bằng nhưng rốt cục thì chế độ chính trị lại bất công, tức là quyền lực chính trị chỉ nằm trong tay một thiếu số người, những cán bộ trong đảng Cộng Sản.
"Đại loại thì khi quyền lực đã thuộc vào họ thì đương nhiên tiếp theo những quyền lợi khác về vật chất cũng đến với họ, và họ không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này.
Cho nên, bất công ở Việt Nam là bắt nguồn từ vấn đề bất công chính trị trước tiên, cuối cùng dẫn đến bất công trong tất cả mọi mặt đời sống xã hội như hiện nay."