Tựa đề bài viết có vẻ ngược ngược sao ấy phải không bạn ta? Xin đọc đến cuối bài sẽ hiểu điều tôi muốn nói.
Từ ngày thiên hạ đeo “thứ đó” trên người, thì sự quan sát và đánh giá về ”đối tượng” của mình đã không còn chính xác và trung thực nữa. Tại sao thế? Xin bắt đầu câu chuyện về cái “thứ” mà thúc đẩy tôi loạng quạng vài câu chuyện….tầm phào hôm nay.
Đó là 1 miếng vải dệt hay lụa muôn màu muôn sắc có chiều dài trung bình từ 20cm, chiều ngang từ 10 đến 15cm thòng thêm 2 cái dây mỏng dính buộc chặt vào cái vành của một bộ phận mà chúng ta dùng để “nghe ngóng” chuyện xung quanh.
Đối với Nhật Bản thì loại này dùng cho năm mùa lá đổ. Nhưng từ hơn 1 năm nay, thì chuyện đeo cái lỉnh kỉnh vào người đã chiếm gần 99,99% tại Nhật.
Người đeo “thứ đó”, Nhà đeo “thứ đó” và Toàn dân đeo “thứ đó”, vì đây là trận “chiến khốc liệt giữa con người và cái con bé li ti, mà tất cả toàn dân là “chiến sĩ”.
Mỗi sáng, mỗi chiều trong hàng hàng lớp lớp người, chen chúc nhau trong xe điện, bất ngờ có một hình bóng nổi bật làm nhiều con mắt đổ dồn về một phía khi phát hiện có người không muốn mang cái thứ mà họ cho là lỉnh kỉnh…Xe điện đã phải tạm dừng để nhân viên nhà ga, cảnh sát tới năn nỉ “xin ông xuống hộ, cứ như thế này thì “sinh hoạt” phải ngừng, bao nhiêu người sẽ khổ, ông ơi là ông”. Có đôi “ông” cãi lại bảo có “Tu Chính Án” nào qui định việc cấm chỉ này không, và “ông” nhất định giữ vững niềm tin, nhưng cuối cùng “ông” cũng phải xuống vì những tiếng monku (文句than phiền) xung quanh.
Khoảng đầu năm ngoái, thứ này rất là khan hiếm, muốn mua thì vô cùng là khó giống y hệt như cảnh Việt Nam ta xếp hàng chờ thử nghiệm, vì chẳng có ai nghĩ đến nó là một thứ “nhu yếu phẩm” hay “vật dụng cần thiết” cả. Hầu hết là hàng xuất xứ từ “xứ lạ” và ngay cả Việt Nam ta cũng dư ra và “ngạo nghễ tự hào” tặng “đế quốc Mỹ” làm….quà chống dịch.
Nhưng khi đã thành “nhu yếu phẩm” thì Nhật Bản mới chính thức ra quân với những công xưởng chế tạo đặc biệt và bây giờ đã trở thành dư thừa được sản xuất theo chiều hướng: fashion “thứ đó” đủ loại, xanh đỏ tím vàng sao cho hợp với “màu mũ anh hay mầu áo em”.
Đường xá tràn ngập màu sắc nhưng ….không thấy nụ cười vì mồm miệng che kín mít.
Trở lại cái tựa đề, tôi xin nói rõ hơn để quân ta không thắc mắc. Khoảng 2 năm nay, tôi có “việc” phải đi gặp thường xuyên những ánh mắt “long lanh”, đẹp như “mắt nai”, nhưng tôi vẫn thấy chưa trọn vẹn vì “em” lại đeo cái thứ lỉnh kỉnh suốt 2 năm. Đánh bạo có một lần tôi làm bộ không nghe rõ, và “em” đã “thoát trang” cho tôi quan sát toàn khuôn mặt thì trời ơi!
Phải nói là “em” quá đẹp khi thấy em cười. Rạng rỡ, trong sáng. Nụ cười có thể làm bừng sáng một ngày “đen tối” nhất, nó mang lại cả một bầu trời, mang lại niềm hạnh phúc cho bất kỳ ai. “Em” có nụ cười không kém nụ cười của Hoàng Hậu Masako mà có thời tôi chết mê chết mệt cũng như nụ cười của cái cô annoucer Kato Ayako đài số 8.
Hôm qua nhặt được nụ cười
Đem về dấu kín cho đời thêm… xinh
Chà ! ai lỡ rớt linh tinh
Tôi mãi mê lượm, lặng thinh bên đường
(Thơ chôm trên mạng)
----------
“Mình về có nhớ ta không”
“Ta về ta nhớ hàm răng cô mình cười”
Thế là tôi vui suốt ngày hôm đó.
Vậy xin sửa lại tựa đề “Trong đôi mắt anh, em là tất cả” cho hợp tình hợp lý nhé bạn ta
Bạn ta hãy cùng tôi hồi hộp và cười “vang” không tiếng động sau khuôn mặt che một lớp vải khi ở trên xe điện, và bật thành tiếng cười “rổn rảng” theo dõi những màn tranh tài trên màn ảnh nhỏ, khi quân ta chiến thắng vào cái mùa Olympic Tokyo 2020 này.
“Quân ta” là ai thì tùy người đối diện.
Loanh quanh vòng vòng hoài phát mệt, thôi nói luôn “thứ đó” là cái mà tiếng Việt gọi là “đồ bịt mặt chừa đôi mắt” hay thông dụng hơn là cái…. ”khẩu trang”.
Viết vớ vẩn vài giòng, tôi xin kiếu vì đã “đến cơn….”.
Hẹn gặp lại
Vũ Đăng Khuê