Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Quang Dũng
1
Ra khỏi hý viện, Thái bắt gặp cái nhìn chăm chú của một thiếu phụ đi song song cách chàng mấy bước. Bà bước nhanh xuống mấy bậc thềm, rồi quay lại nhìn chàng một lần nữa. Thái ngạc nhiên thầm nghĩ, có lẽ bà ấy lầm mình với một người nào đó. Nhưng khi chàng vừa đi hết đoạn đường dẫn ra bãi đậu xe thì bà ta từ hè đường bước xuống, lên tiếng:
- Xin lỗi ông, ông có phải là ông trung úy ở căn cứ Vinh An?
Thái ngạc nhiên nhìn bà chăm chú, bỗng buột miệng:
- Cô Phương!
Vừa nghe hai tiếng ‘cô Phương’, bà chụp lấy tay Thái, nhìn sửng rồi bật khóc trong tiếng nói: Phương đây, trung úy! Phương đây anh!
Thái cầm tay người thiếu phụ bước lên lề đường, đứng dưới một cây đầy hoa nở trắng như tuyết.
- Tôi nhớ rồi. Cô thay đổi nhiều quá, khó có thể nhận ra. Ngày đó cô như một thôn nữ, tóc buộc dài, quần áo đen đầy bùn đất, còn bây giờ thì tân tiến sang trọng thế này.
Người thiếu phụ lau nước mắt, rồi nhìn Thái:
- Cám ơn trời đất đã cho em gặp lại anh. Bao nhiêu năm, em vẫn tự hỏi chừ anh ở mô, còn sống hay đã chết?
- Không chết, nhưng quá nhiều khổ nạn. Gặp lại cô cũng thật lạ, vì tôi ở xa đến đây. Còn cô chắc ở thành phố này?
- Dạ, không. Em ở thành phố khác, nhân có việc qua đây, thấy chương trình đại hội văn nghệ có nhiều tiết mục dân ca nên đến dự - Phương đáp, rồi hỏi: Chừ anh có chi bận không?
Thái đáp:
- Tôi đi với một nhóm anh em. Bây giờ thì rảnh, tới 7 giờ mới có việc.
- Rứa mời anh đi chơi với em. Bảy giờ, em sẽ chở anh về.
- Vậy cô chờ tôi, để tôi vào nói cho các ông ấy biết – Thái cười, rồi bước xuống đường… Và cả một bầu trời hoang vu, lửa đạn mịt mù bỗng ập trở lại.
2
Chiếc trực thăng tải thương bay nghiêng một vòng, lên cao, rồi hướng về phía nam. Thái nhìn những đám cháy do đạn đại bác, bốc lên mù mịt từ mấy rặng tre. Tiếng nổ lép bép cùng những cột khói đen cuồn cuộn lan tỏa bao phủ cả một giải làng hoang, cây cỏ như rừng. Quan sát địa thế chung quanh và ước tính khoảng cách của ngôi chùa ở phía đông khu Bầu Sen theo bản đồ, Thái với tay cầm ống liên hợp từ tay âm thoại viên:
- Một, Hai – Hồng Hà gọi… Một tiến qua rặng tre phía trước mặt, rồi cho lục soát về phía trái. Hai tiến theo rặng tre bên phải, lục soát rộng về bên phải.
- Ba, Hồng Hà gọi… Anh tiến phía sau tôi. Giữ khoảng cách 200 mét.
Những người lính trung đội vũ khí nặng, quần áo đầy bùn đất, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tay ghìm M16 với những giải đạn đại liên M60 lòng thòng trên vai, bước chậm qua những khu vưòn cỏ tranh. Phía trước, thấp thoáng những người lính luồn lách qua những bụi cây, ẩn hiện trong những làn khói đen cuốn nhanh theo gió.
Đại đội của Thái đột kích vào khu Bầu Sen từ 6 giờ sáng và đã gặp sự kháng cự dữ dội của địch. Trận quần thảo qua từng bờ tre trong khu làng hoang kéo dài suốt buổi sáng, và địch chỉ rút lui trước những loạt đại bác 105 ly của pháo binh bắn từ Phong Điền.
Ra khỏi khu vườn với dấu vết của những nền gạch còn sót lại, Thái lên bờ đất cao quan sát địa thế. Trước mặt chàng, bên kia bờ ruộng là ngôi chùa đổ nát với hồ sen dài trên 200 mét, hoa nở đỏ thắm một vùng.
- Chắc chúng rút chạy hết rồi. Pháo binh bắn như rứa chịu răng nổi – Âm thoại viên nói.
Lau mồ hôi chảy dài trên mặt và cổ, Thái thở dài:
- Địa thế rậm rạp và phức tạp quá. Năm đứa con rách áo mà không diệt nổi khẩu thượng liên.
- Hồng Hà nghe… Trung úy, Một. Hai báo cáo đã lục soát ra tới bờ ruộng.
- Một, Hai – Hồng Hà gọi… Phía trước các anh là chùa Bầu Sen. Các anh qua bên kia lục soát kỹ, rồi bố trí bên ngoài ngôi chùa. Ba, Hồng Hà gọi… Anh cho bố trí dọc con mương cạnh bờ tre – Thái ra lệnh, rồi quay lại nói với trung đội trưởng vũ khí nặng:
- Anh tìm vị trí đặt súng cối. Chúng ta dừng lại đây.
Thái ngồi xuống bờ ruộng, lấy bao thuốc, rút một điếu rồi đưa bao thuốc cho người lính truyền tin.
- Chiến, cho tao một điếu – hạ sĩ Mai, tổ trưởng đại liên, vừa chạy tới chỗ âm thoại viên vừa nói.
Người lính truyền tin cười, thẩy bao thuốc cho hạ sĩ Mai và cả tổ đại liên ào đến vây quanh người tổ trưởng.
- Từ sáng tới chừ mới có một điếu – Hạ sĩ Mai cười nói.
Một người khác hỏi:
- Có thuốc thì giờ mô mi hút?
Hạ sĩ Mai gật đầu:
- Ừ, bọn ni lì thật. Chúng bám lấy bờ tre như đỉa bám chân người.
Thượng sĩ Màng, trung đội trưởng vũ khí nặng, lên tiếng:
- Lì chi mà lì. Chúng ẩn dưới những đường mương ngoằn ngòeo như chuột trong hang. Địa thế ni, bắn cả ngàn trái đạn 60 và 79 cũng như muối bỏ ao.
Nhìn những đám khói từ những đám cháy bay ra cánh đồng, Thái nghĩ đến sự chính xác của nguồn tin tình báo mà lâu nay chàng ít tin. Khi nhận lệnh đột kích với tin là có trung đội địch tập trung ở khu vực Bầu Sen, Thái đã thầm nghĩ lại tin phóng đại, chứ loanh quanh thì cũng đám du kích ẩn hiển thất thường, nương náu trong những khu vực làng hoang giữa Phong Điền và Quảng Điền. Vì từ sau trận tổng công kích tết Mậu Thân, do bị thiệt hại quá nặng, lực lượng địa phương của Việt Cộng gần như mất dạng, nên trong mấy năm hoạt động ở 3 quận Phong, Quảng, Hương, đơn vị của Thái không gặp trận đụng độ nào đáng kể, ngoài mìn bẫy, quấy rối và bắn sẻ. Bao nhiêu lần đột kích vào những khu vực làng hoang, chàng chỉ gặp sự âm u với tiếng chim hót, thỉnh thoảng mới gặp một cái chòi dưới lùm cây với mấy luống mì hay luống cải, nhưng dấu vết này cũng chỉ cho thấy sự hiện diện quá nhỏ của địch. Vì thế sáng nay Thái đã giật mình khi đụng phải thượng liên và súng cối 61 trên một trận tuyến rộng, và thầm nghĩ là đơn vị chúng ngang với mình.
Thái bật quẹt châm điếu thuốc khác, nhìn những người lính tay cặp súng ngồi bên mấy bờ đất. Họ thản nhiên im lặng nhìn về phía ngôi chùa đổ nát bên hồ sen nổi lên như một tấm thảm xanh điểm hồng giữa một vùng cây cỏ hoang vu. Dấu vết và âm hưởng của trận chiến còn lại trên họ là quần áo trận đầy bùn đất với những làn khói đen xám từ trong làng bay theo gió ra phía cánh đồng.
Chỉ ra phía hồ sen, Thái hỏi người lính truyền tin:
- Cậu nghĩ gì trước cảnh chùa đổ nát với hồ sen kia?
- Buồn quá trung úy. Ruộng vườn như ri mà để cỏ mọc, còn người thì chạy tứ tán, chui rúc vào mấy căn nhà tôn ấp Tân Sinh dọc quốc lộ, chẳng biết làm chi để sống. Chiến tranh kiểu ni, em nghĩ đời mình khó có ngày được sống trong cảnh yên bình. Từ ngày vô lính tới chừ, đi mô cũng chỉ thấy cảnh vườn hoang không bóng người.
- Quê cậu ở Hương Thủy, trong vòng đai thành phố, chắc chưa đến nỗi nào.
Người lính buồn bã:
- Chưa đến nỗi phải bỏ ruộng vườn chạy tứ tán thôi, còn yên thì không. Làng em ở cạnh lộ mà mỗi lần về phép, mô dám ngủ nhà.
Thái gật đầu:
- Thật khó quá! Mình hiện hình. Nó như ma. Chẳng biết đâu mà lần. Vùng Nam Giao cách Bến Ngự chừng hơn cây số mà từ Nam Giao đi vào hướng núi Thiên Thai chỉ 2 cây số là thôn làng xác xơ, đầy khẩu hiệu của chúng nó rồi.
Người lính nói:
- Nhà em ở thôn Tứ Tây, ngay Nam Giao chứ mô xa.
Thái cười vỗ vai người lính, chưa kịp nói thì tiếng súng nổ rền từ phía đông nam vẳng lại. Chàng nhìn bản đồ định hướng, rồi gọi:
- Một, Hai, Ba – Hồng Hà gọi… Các anh cho con cái bố trí cẩn thận. Cánh Quảng Điền đụng cách đây chừng 4, 5 cây số. Coi chừng chúng chạy về phía chúng ta đấy.
Trận giao tranh kéo dài chừng 20 phút thì ngừng bặt. Rồi sau đó là tiếng đại liên lẻ tẻ như bắn truy kích.
- Hồng Hà nghe… Âm thoại viên đưa ống liên hợp cho Thái: Thanh Long gọi, Trung úy.
- Hồng Hà nghe Thanh Long… Nhận rõ… Có lẽ đám ở đây rút về hướng đó đụng phải cánh Quảng Điền… Thái cười – Chắc chúng phải tìm hướng khác, chớ không dám quay lại đây… Nhận rõ.
Thái vừa dứt lời thì bỗng những tràn M16 nổ ào ạt với những tiếng thét: Đứng lại! Đứng lại!... ở phía trung đội 3.
- Hồng Hà nghe Ba… Vậy à. Một nam, một nữ… nam chạy thoát, còn nữ bị té. Cho con cái đứng cách xa. Lệnh cho nó đứng dậy dơ tay. Coi chừng nó nhử mình đến gần, rồi quăng lựu đạn như con Nguyễn Thị Bê trước đây.
- Bắt được một nữ cán bộ. Đi qua đó các cậu – Thái nói với âm thoại viên và y tá, rồi xốc lại ba lô, nhảy qua một con mương.
Thượng sĩ Ngôn, trung đội trưởng trung đội ba, đưa cho Thái gói tài liệu và khẩu rouleau, tươi cười chỉ vào đám khói nghi ngút bên rặng tre:
- Hai tên ở dưới cái hầm nớ, chắc không chịu nổi khói nên phải tung nắp hầm chạy. Cả tiểu đội bắn theo mà không trúng. Nếu con nhỏ không té, vượt qua khỏi bờ tre kia thì mất.
Thái gật đầu:
- Rậm rạp như rừng thế kia thì thấy chi được. Các anh ở gần bờ tre chứ xa thì chúng nó cứ ung dung ra khỏi hầm như đi chơi.
Ngôn chỉ vào một cái chòi vách phên tre ở góc vườn: Tôi để nó trong nớ. Theo giấy tờ thì tên là Phan Thị Phương, còn hỏi thì nó không nói chi cả.
Thái nói:
- Như vậy trong khu vực này chắc còn có hầm nữa. Anh cho lục soát kỹ dọc theo con mương cạnh bờ tre và những lùm cây. Trung đội anh có hạ sĩ Cảnh rất tinh tế trong việc nhận dấu vết hầm bí mật – Thái cười, vỗ vai Ngôn: Hy vọng kiếm thêm được ít chiến lợi phẩm trước khi mình lui.
Thái quay lại nói với âm thoại viên: Gọi Thanh Long.
- Thanh Long, đây Hồng Hà. Xin báo cáo, chúng tôi bắt được một nữ cán bộ tên là Phan Thị Phương. Xin trực thăng chuyển tù binh… Nhận được.
Thái đi tới cái chòi, vỗ vai người lính gác:
- Các cậu đi sau mà lại được việc.
- Đuổi muốn hụt hơi, trung úy. Con gái mảnh mai như rứa mà chạy như tên bắn – Người lính vừa nói vừa chỉ vào chòi.
Người nữ cán bộ bị trói bằng giây ba lô, đang cúi đầu ngồi bệt trên nền đất. Quần áo đen đầy bùn đất, một vạt áo bị toạc rách treo lủng lẳng bên hông để hở cả một phần thân từ nách xuống cạp quần. Chân tay có những vết xước dài chảy máu. Thái ngạc nhiên trước dáng thuôn thả của người nữ cán bộ với mái tóc buộc dây buông dài chạm đất. Bỗng người nữ cán bộ ngước lên nhìn Thái với ánh mắt khinh bỉ thù hận. Thái nhìn thẳng vào ánh mắt đó cho tới khi cô gái cúi xuống, và cảm thấy lồng ngực mình nặng chĩu. Chàng đi ra phía sau chòi, tháo ba lô, lấy ra chiếc áo mưa ngắn mỏng của Mỹ đưa cho người y tá:
- Cậu vào cởi trói, coi mấy vết xước rồi bảo nó mặc tạm chiếc áo mưa này.
Thái tới góc vườn, ngồi trên bờ đất cạnh mấy luống cải lá vươn cao. Ánh mắt căm thù của cô gái như chập chờn trên những lá cải xanh và mờ dần trước những con bướm trắng bay phấp phới trên hoa cải vàng. Thái nhìn về phía đám khói đen bên bờ tre, châm điếu thuốc, rồi đọc xấp giấy Ngôn đưa. Chỉ có cái thẻ cử tri với tên Phan Thị Phương, còn mấy tờ khác là danh sách viết tay, ghi tiền bạc. Thái không hiểu rõ một số chữ và cách ghi, nhưng qua nội dung đó, chàng đoán cô gái là cán bộ phụ trách về tài chánh của một đơn vị. Ngoài mấy tờ giấy này, chàng đặc biệt chú ý tập sách nhỏ có tên “Di Chúc Chủ Tịch Hồ Chí Minh”. Tập sách bìa nâu thẫm, in toàn bản di chúc, có cả một trang thủ bút của Hồ Chí Minh và bài điếu văn của Lê Duẩn. A! Đây là bản di chúc mà báo chí đã nói đến nhiều trong mấy năm qua. Thái muốn đọc kỹ bản di chúc và bài điếu văn nên quyết định giữ lại tập sách.
Thấy người lính truyền tin đi về phía mình, Thái đứng dậy dùng ngón tay xoay vòng khẩu rouleau của người nữ cán bộ.
- Trung úy, Thanh Long báo là không có trực thăng, cho lệnh rút và đưa tù binh về căn cứ đợi sáng mai.
***
Thái đang kể cho ông đại đội phó và thường vụ đại đội nghe về việc bắt Phan Thị Phương thì Vinh, binh sĩ hỏa thực đại đội, dẫn Phương vào. Nhìn người nữ cán bộ trong bộ bà ba nâu, Thái nói:
- Ở đây không kiếm đâu ra quần áo phụ nữ, thành ra phải đưa cô dùng tạm quần áo của tôi. Nhưng đây là bộ bà ba mới, tôi chưa đụng đến bao giờ - Chàng ngừng lại, nhận ra nét ngạc nhiên qua ánh mắt nhìn thẳng của người nữ tù, rồi nói tiếp: Đối diện ngoài chiến trường thì bắn nhau, nhưng bây giờ thì cô vừa là tù vừa là khách, khách tù trong một đêm, nên chúng tôi mời cô lên đây uống cà phê và nghe nhạc với chúng tôi.
Thái chỉ vào chiếc ghế dựa đóng bằng gỗ thùng đạn 105 ly: Cô ngồi đi và xin tạm quên chuyện thù hận, vì chúng ta chỉ là những người thù bất đắc dĩ.
Thái quay sang Vinh:
- Cậu chế cho ít ly cà phê, rồi pha trà. Mở hộp trà Đỗ Hữu tôi mới đem về tuần trước – Chàng cười, nhìn thiếu úy Cát, đại đội phó: Đêm nay mời quý vị dùng cà phê Ban Mê Thuột và trà Lâm Đồng.
Thiếu úy Cát cười nói:
- Cách đây mấy tháng, đại đội đã có một khách tù. Hôm nay lại được tiếp người thứ nhì. Mong o Phương đừng nghi ngại chi. Những điều ông anh tôi nói đây là thật lòng. Đâm chém nhau chi thì chúng ta cũng là anh em một nhà.
Thái mở chiếc thùng gỗ, lấy ra mấy cuốn băng nhạc để lên bàn, nói với người nữ cán bộ:
- Tôi thường nghe chương trình Tiếng Thơ và Dân Ca của đài Hà Nội. Giọng ngâm của Châu Loan và Linh Nhâm có thể ngang ngửa với giọng của Hồ Điệp trong chương trình Tao Đàn của đài Sài Gòn. Cách đây mấy ngày, chương trình thơ của đài Mặt Trận Giải Phóng có bài thơ Thế Mỹ Quê Ta, tôi nhớ được hai câu đầu:
Hôm nay tôi nhớ về Thế Mỹ
Nhớ sóng trùng dương sóng biển khơi.
Và một câu cuối, tác giả nhớ đến người tình đồng chí:
Bóng em lồng lộng dưới hàng dương.
Thái cười nhìn thiếu úy Cát và ông thường vụ:
- Thế Mỹ này là Thế Mỹ của Hương Điền chăng, các anh?
Ông thường vụ gật đầu:
- Có thể, trung úy. Cả ba Thế Mỹ A, B, C đều toàn dương. Mấy bãi dương nối với nhau dài cả hai cây số.
Thiếu úy Cát nói:
- Nhưng chừ thì chỉ có nắng, gió và sóng biển chớ có người mô mà lồng lộng dưới hàng dương.
Thái cười:
- Anh không văn nghệ tí nào. Thơ là biểu tượng, mà mấy năm trước đây thì Thế Mỹ thiếu gì bóng người dưới hàng dương.
Nhìn Vinh nhấc mấy ly cà phê trên chiếc mâm nhôm đặt ra bàn, Thái nói: Chỉ có một cái phin, thành ra phải pha chung. Cà phê kiểu này thì không được ngon, nhưng xin quý vị dùng tạm.
Thượng sĩ thường vụ tấm tắc:
- Thơm quá, trung úy, muốn ngạt mùi cà phê.
Thái cầm lên một cuốn băng, ngẫm nghĩ một lát, rồi cho băng vào chiếc máy cassette nhỏ:
- Nghe vài bản của Trịnh Công Sơn.
Tiếng hát Khánh Ly vang lên trong tiếng nhạc:
‘ Ru mãi ngàn năm, bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm, trên màu lá xanh ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm. Ru mãi ngàn năm, từng phiến môi mềm, bàn tay em chau chuốt thêm cho ngàn năm, cho vừa nhớ nhung, có em dỗi hờn ru mãi ru thêm ngàn năm’
Thái lấy bao thuốc Ruby quân tiếp vụ, rút một điếu, rồi để xuống bàn nói:
- Hết Capstan rồi. Trở về với truyền thống quân tiếp vụ vậy.
Mọi người uống cà phê và hút thuốc, nhưng người nữ cán bộ vẫn bất động, một tay đặt trên thành ghế, một tay trên đùi, mặt hơi cúi như nhìn vào ly cà phê và có vẻ lắng nghe bài hát.
‘Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ, tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người. Mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi.
Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân hồng. Bàn tay em năm ngón, anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm’
Với mái tóc dài buộc gọn sau lưng, để lộ khuôn cổ trắng cao trong chiếc cổ áo nâu hơi rộng, người nữ cán bộ bỗng lung linh trở thành người con gái trong lời ca. Tự nhiên Thái bật cười, khi thấy mình như quên tính chất máu lửa của cô gái để nhìn cô như một tiểu thư bàn tay thon trong nếp lụa mỏng. Nhưng người con gái mảnh mai kia đã là mục tiêu của những viên đạn M16. Những tràng đạn M16, những tiếng thét cùng cái nhìn thù hận trong cái chòi bỗng ập trở lại đã kéo Thái ra khỏi nguồn cảm xúc xóa mờ bức thành ngăn cách. Chàng nhả khói thuốc chậm, nhìn người nữ cán bộ qua làn khói lan tỏa trước mặt. Cô gái ngước lên nhìn thẳng, rồi lại cúi xuống ly cà phê để nguyên. Hình như cô không muốn nhìn ai, nhưng trong căn hầm bao cát nhỏ hẹp này mắt cô có thể nhìn ở đâu để không thấy mấy người ngồi quanh.
‘Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân hồng. Bàn tay em năm ngón, anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm.
Còn lời ru mãi, vang vọng một trời, còn lời ru mãi, còn lời ru này, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai’.
Mấy tiếng ‘ru ai’ trải dài tan vào sự im lặng của căn hầm chập chờn ánh đèn dầu. Rồi âm thanh lại nổi lên qua một âm điệu khác:
‘Xác người nào trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố, trên những nhà hoang vu’.
- Hát Trên Những Xác Người. Bản ni làm sau Tết Mậu Thân, ngôn ngữ chi lạ! Thiếu úy Cát thốt lên.
‘Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này…’
Tiếng hát đưa Thái trở lại một thành phố trắng xóa áo tang của những người dân Huế đi tìm xác thân nhân. Người ta đã tìm ra người thân dưới những hầm chôn người tập thể theo dấu sụt lở do mưa trên đất lấp vội để lộ ra những cái đầu, những bàn chân, bàn tay. Người ta cũng đã tìm được người thân dưới nhiều hầm ở khắp nơi theo hướng mà người dân ở những vùng Cộng quân rút lui đã nói là nghe thấy những tiếng kêu thét ghê rợn trong đêm. Đại đội của Thái cũng đã tìm được một hầm chôn mấy chục xác ở vùng đất cát Đồng Di, Tây Hồ. Chôn sống người để thỏa mối hận thù, để tiết kiệm đạn hay để tránh tiếng nổ? Những người lính Cộng Sản đã ghĩ gì khi lấp đất trong tiếng gào thét của những người bị trói quẫy lộn dưới hầm? Thái đã tự hỏi như thế khi nhìn những cái xác rữa nát bị trói giật cánh khuỷu được kéo lên khỏi cái hầm dài.
‘Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này, bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây.
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này, trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai’.
Thái nhìn lên và bắt gặp cái nhìn của cô gái. Đôi mắt đen chớp vội cúi xuống. Chàng Cảm được sự xúc cảm qua cái nhìn ấy và chợt nghĩ, nếu buổi trưa nay cô trúng đạn, nằm chết bên bờ tre đầy cỏ tranh thì lúc này đồng chí của cô đã vùi cô ở một góc vườn nào đó. Một cái chết nhanh, im lặng, khác với cái chết của những người bị trói, gào thét dưới hầm khi thấy đất lấp nhanh trên đầu mình. Cô đang ngồi kia, đã qua một cái chết, nhưng còn ngày mai, cô sẽ sống hay chết với đời tù đày… Thái bỗng thấy nghẹn ở cổ.
- Đây là bản ruột của anh Cát – Thái thốt lên khi nghe tiếng đàn guitar chuyển qua bản tình ca quen thuộc.
Cát cười:
- Không phải chỉ là bản ruột của tôi mà là của tất cả những người chỉ nhìn người ta mà không dám nói.
Thái bật cười lớn theo tiếng hát:
‘Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ,
Dài tay em mấy khóe mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu’
Thái bật diêm châm điếu thuốc khác và trong làn khói thuốc, cố tìm một ánh mắt, một cử chỉ lúng túng hoặc bất bình của cô gái, cô vẫn bình thản nhìn bức tường bao cát hoặc nhìn xuống ly cà phê để nguyên. Theo lời khai, cô là người Quảng Điền, nhưng dáng dấp không có nét nông thôn. Một nữ sinh thành phố đi theo Mặt Trận Giải Phóng – Chàng đã kết luận như thế khi quan sát bàn tay và dáng ngồi của cô gái. Thái chợt mỉm cười trước khung cảnh đầm ấm trong tính chất trái nghịch, cán bộ Cộng Sản ngồi nghe tình ca Trịnh Công Sơn với những kẻ tử thù.
‘Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho lòng xót xa’
Dáng dấp kia là dáng dấp của mưa reo gót nhỏ, của gió cuốn tà áo bên đường. Chàng hình dung bàn chân ấy đã một thời bước nhẹ dưới những hàng phượng vĩ bên trường Đồng Khánh, nhưng hôm nay cũng bàn chân ấy lại phóng qua những con mương, những bờ tre đầy cỏ tranh dưới những loạt đạn M16.
Thái tắt máy, vừa thay băng vừa nói:
- Tình ca họ Trịnh hình như lạc điệu trước cảnh sống của chúng ta. Ngày ngày đối diện với căn cứ dày đặc thép gai, với ánh hỏa châu, làng hoang mìn bẫy và bắn sẻ thì lòng nào mà cảm được thứ tình ‘ru mãi ngàn năm’ và mắt nào mà thấy được ‘bước chân âm thầm lá đổ’ – Chàng cười:
Qúi vị thử nghe bản tình ca này xem có gần với chúng ta chăng:
Tiếng hát Hà Thanh vang lên theo tiếng vĩ cầm:
‘Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ’
Người nữ cán bộ hướng về chiếc máy cassette để trên thùng lựu đạn M26 và có vẻ lắng nghe bài hát. Thiếu úy Cát đập mấy ngón tay trên thành ghế theo điệu nhạc, môi mấp máy hát theo. Có lẽ âm điệu và lời của bản Chiều Mưa Biên Giới hợp với tâm trạng của những người lính, nên chàng đã thường nghe binh sĩ hát bản này với đủ thứ giọng. Có lần chàng đã bật cười khi nghe một binh sĩ đi qua sân hát mà như đọc bài, bài hát không còn âm điệu, chỉ còn những lời với những tiếng ngân kéo dài theo ý của người lính.
‘Đêm đêm chiếc bóng bên trời, vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người.
Xa xôi cánh chim tung trời, một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai.
Về đâu anh hỡi, mưa rơi chiều nay, lưng trời nhớ sắc mây pha hồng.
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng, người tìm về trong hơi áo ấm, người về xa xăm.
Người đi khu chiến thương người hậu phương, thương màu áo gửi ra sa trường…’
Thái tắt máy, cười nhìn người nữ cán bộ:
- Đây là bản tình ca chinh chiến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, một sĩ quan cao cấp trong ngành tâm lý chiến. Tình ca chiến đấu của bên cô là “Đường ta đi dài theo đất nước” hoặc nhớ về người tình thì đó là người tình đồng chí, người tình chiến đấu. Chẳng hạn bài thơ Thế Mỹ Quê Ta thì sau hình ảnh ‘Bóng em lồng lộng dưới hàng dương’ là hình ảnh khẩu CKC dài với nòng súng chạm mái tóc, mà tôi quên mất câu thơ đó, còn bên chúng tôi thì những bản hay nhất lại là những bản đầy chất lãng mạn, sầu buồn theo tình cảm bình thường của con người. Chúng tôi, có lẽ do đời lính, nên thường hát những bản tình ca chinh chiến, nhưng nhiều khi tôi ngạc nhiên về một số lời trong nhiều bài hát – Thái nhìn thiếu úy Cát và ông thường vụ: Không biết các anh có để ý không, như bản Chiều Mưa Biên Giới, thì rõ ràng tác giả nói về người lính chiến ở biên giới, nhưng lại hỏi ‘Chiều mưa biên giới anh đi về đâu’ hay ‘Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay’. Đi ra biên giới chiến đấu mà lại hỏi như thế thì hóa ra chúng ta đi mà không biết mình đi đâu và làm gì – Thái cười – Thế mà Nguyễn Văn Đông lại ở ngành tâm lý chiến, nhạc Nguyễn Văn Đông lại được hát từ Bến Hải tới mũi Cà Mâu.
Thiếu úy Cát nói:
- Thật sự tôi không để ý. Nghe nhạc điệu và lời hay thì thuộc rồi hát. Tôi nghĩ những người khác cũng rứa.
Vinh, binh sĩ hỏa đầu vụ, cười nói:
- Em thấy như rứa thoải mái hơn. Như hồi sớm đi Bầu Sen thì dù có hát ‘Sáng mưa đi về mô’ mình vẫn biết tới đó làm để là chi.
Thái bật cười nói:
- Nói như chú thì hết ý. Như thế cần chi chính sách tâm lý chiến, cần chi Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Đã đành chuyện vào lính để làm chi, ai cũng biết, nhưng ở đây tôi muốn nói về việc làm sáng tỏ chính nghĩa của cuộc chiến đấu. Tình ca chinh chiến thì cứ nhớ thương, đâu có ai cấm, nhưng đừng gợi cho người đi chiến đâu tâm trạng bơ vơ lạc đường. Vì đi chiến đấu mà lại ngổn ngang trăm mối lạc lõng thì còn đâu tinh thần chiến đấu. Nhưng thôi, đó chỉ là điều nhận xét về bản Chiều Mưa Biên Giới. Các cậu cứ hát, nhưng đừng có bơ vơ theo bài hát.
Thái nhìn người lính một lát, rồi cười nói:
- Lâu lâu cậu nói được một câu ngô nghĩnh, nhưng điều đặc biệt hơn là hôm nay, cả một buổi sáng phải đổ máu với các đồng chí của cô Phương mà chiều về cậu vẫn không quên mấy cây cải hoa vàng. Không biết cô Phương trong bữa ăn có nhận ra rau cải của mình không? Sự lanh trí của cậu đã giúp chúng ta có được món canh cải mời cô Phương, cải du kích trồng nấu với thịt hộp ba lát của Mỹ. Chỉ tiếc là không được ngon. Nếu nấu với thịt nạc hay thịt ba chỉ thì hương vị sẽ khác, hay đúng vị hơn là nấu với cá rô thêm ít gừng.
Vinh nói:
- Có gừng, nhưng nấu vội, em quên mất. Mấy luống cải đầy cỏ mà thật tốt, lá mô cũng như tai voi. Biết là chiều về, không kiếm mô ra rau nên ngắt vội một mớ.
Thái cười:
- Chuyên nấu ăn nên thấy cải là cậu nghĩ đến canh, còn tôi thì lại nghĩ đến những luống cải trong vườn thời còn nhỏ ở quê nhà – Chàng hướng về người nữ cán bộ: Không hiểu khi tới Bầu Sen, nhìn hồ sen trước chùa cô nghĩ gì…
Bỗng có tiếng mìn nổ cùng những loạt đạn bắn xối xả ở phía cánh đồng phía nam. Thái ngừng lại lắng nghe, vừa định đứng dậy thì thiếu úy Cát đã đứng dậy nói:
- Để tôi đi coi xem chuyện chi.
Thiếu úy Cát và ông thường vụ đi vội ra khỏi hầm. Khoảng 15 phút sau, Cát trở lại, cầm theo tấm bản đồ, đến cạnh Thái nói:
- Vô sự. Có thể chuột hay con chi đó chạy đụng mìn – Cát chỉ vào bản đồ: A xin chuyển tới điểm ni.
Thái nhìn bản đồ, suy nghĩ một lát rồi nói:
- Không cần phải đi xa như thế. Anh bảo nó tới đây.
Còn lại hai người trong căn hầm âm u, nhìn bóng người nữ cán bộ chập chờn trên tấm bản đồ treo trên tường bao cát, Thái nói:
- Đêm đêm chúng tôi nằm phục đón đường đồng đội của cô. Đồng đội của cô cũng thế, cũng theo dõi từng bước đi, từng động tĩnh của chúng tôi. Nhưng đồng đội của cô vô hình, nên sự bủa vây của chúng tôi chỉ là phỏng chừng, còn chúng tôi thì hiển hiện nên dễ bị hại.
Chàng châm điếu thuốc, hút mấy hơi, rồi để xuống chiếc gạt tàn:
- Như cái giếng nước cô tắm hồi chiều, cách đây mấy tháng đã bị đặt mìn – Thấy người cán bộ ngước lên, Thái hỏi: Cô ngạc nhiên ư, mà ngạc nhiên là phải, vì chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ đến một việc như thế. Nhưng việc đã xảy ra. Đồng đội của cô đã lợi dụng cỏ mọc cao, bò qua cả chục hàng rào thép gai để gài mìn vào một địa điểm chắc ăn và mấy binh sĩ ra giếng đầu tiên đã bị hại. Đồng đội của cô có cái ưu thế của sự vô hình, tìm cách cô lập và bắt chúng tôi phải thu mình lại trong mấy hàng rào căn cứ.
Thái hút thuốc, nhìn cô gái cúi đầu lặng lẽ:
- Tôi nói thế chắc cô vui, nhưng cô thử tạm bỏ cái vui đó và đặt mình vào vị thế của chúng tôi thì cô sẽ phải làm gì? Chẳng lẽ chịu chúi đầu loanh quanh trong mấy bờ lũy bao cát và hàng rào thép gai. Tất nhiên là không, phải không cô. Vì thế đêm đêm chúng tôi đã đi tìm đồng đội của cô ở khắp nơi để phá vỡ sự đe dọa vô hình, để mở rộng khu vực, để có thể thung dung hít thở không khí của đường làng, của bóng mát bờ tre. Kết quả là mìn đã nổ ở nhiều nơi, nhiều lần như tiếng nổ cô vừa nghe. Có lần do chuột chạy vướng mìn, nhưng cũng có lần đồng đội của cô đã lãnh những tiếng nổ đó.
Thái đứng dậy nhìn ra sân một lúc, rồi quay lại:
- Lưới vô hình của chúng tôi đã chụp được những bóng ma, nhưng cũng phải trả giá là đôi lần khi trở về, chúng tôi lại vướng mìn của những bóng ma đó. Cô thấy đó, cứ thế. Chúng ta đi tìm nhau, rình và lừa nhau để giết nhau cho bằng được – Dập mẩu thuốc ném ra sân, Thái hỏi:
- Tại sao lại phải giết nhau như thế? Tôi đã tự hỏi câu này nhiều lần và sợ hãi trước một thảm kịch của đất nước này trong thế kỷ 20 là cùng khởi đi từ một mục tiêu đấu tranh chống thực dân, giải phóng dân tộc, người Việt chúng ta đã phân thành hai chiến tuyến, một mất một còn mà nguyên nhân của nó chỉ là sự khác biệt giữa hai quan niệm về phương cách tổ chức đời sống con người và xã hội. Cô và tôi, chúng ta không phải là thế hệ của những người tiền phong vạch ra sự phân ly sống chết mà chỉ là thế hệ phải lựa chọn giữa hai con đường, xã hội cộng sản hay xã hội tư hữu.
Thái ngồi xuống ghế, nhìn cô gái;
- Vì sao cô chối bỏ lẽ sống bình thường và vì sao cô yêu xã hội cộng sản thì chỉ cô biết, còn tôi thì sợ xã hội cộng sản. Cô yêu, tôi sợ. Cái yêu và cái sợ này khác nhau tới độ phải giết nhau thì làm sao nói cho nhau hiểu. Tôi không hy vọng hiểu được cô, nếu cô có nói thành lời, mà tôi cũng không mong cô hiểu tôi, vì những điều tôi hiểu, tôi nhận giữa hai thứ xã hội chỉ y cứ vào thực tiễn đời sống bình thường của con người qua cách nghĩ, cách làm và cách sống, còn cô thì lại chối bỏ nếp sống, nếp nghĩ bình thường đó. Nhưng đã nói, tôi xin nói một lời là tôi sợ cái xã hội đã dìm con người vào tình cảnh bị lệ thuộc toàn diện vào đảng và chính quyền. Vì giải phóng con người khỏi cái xã hội chúng ta đang sống để xây dựng một xã hội kiểm soát con người từ miếng ăn tới lời nói thì có nghĩa gì?
Thái ngừng lại, chọn cuốn băng thay vào máy, vừa bâm nút vừa hỏi:
- Tết Mậu Thân cô ở đâu nhỉ? Chắc là ở Huế - Chàng tự trả lời, khi tiếng hát Thanh Tuyền cất lên:
‘Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui, ca thành điệu nam bình’
Thái đứng dậy đi ra cửa hầm, đứng nhìn mấy ánh hỏa châu gần tắt trong bầu trời đầy sao. Chàng quay lại nhìn người nữ cán bộ ngồi im lặng và nghĩ đến những người tình giận nhau. Khi người nữ giận thì cũng ngồi ăn vạ như thế kia, chờ đợi sự dỗ dành để tới phút nào đó sẽ bật thành lời với ánh mắt thay đổi. Ở đây thì không phải giận mà là thù, nhưng chàng không còn tìm thấy nét thù nào hiện trên khuôn mặt cô gái, ngoài nét trầm buồn.
‘Vì sao không thương mến nhau, còn gây khổ đau làm gẫy nhịp cầu,
Mỗi thu chờ sáng ngày nào, nối lại nhịp cầu, rửa hờn cho nhau’
Thái đi vào tắt máy:
- Nối lại nhịp cầu là để xóa bỏ sự phân ly, xóa bỏ mối hận thù trong lòng người, chứ nối lại nhịp cầu để rửa hờn thì nối làm chi – Thái nói rồi ngồi xuống ghế, nhìn cô gái:
- Nói theo ước vọng thế thôi, chứ xóa bỏ chi được khi máu lửa đang đổ ra hàng ngày, hàng đêm để cho cô tiến tới mục tiêu xây dựng xã hội vô sản, mà giả dụ đảng của cô có toàn thắng thì mối hận thù đó cũng sẽ triền miên, không bao giờ xóa được. Vì theo lẽ thường đã là con người, ai lại có thể an vui trong cảnh sống bị kiểm soát từ óc não đến bao tử.
Thái đứng dậy, tới chiếc thùng đạn lấy ra mấy cuốn sách, đem đến để trước mặt cô gái:
- Thôi, hỏi mãi như thế cũng trừu tượng quá, khó trả lời. Tôi sẽ cho cô coi một số ảnh về xã hội cộng sản Trung Hoa và xã hội cộng sản Liên Sô như một thực chứng về cảnh sống vô sản trong vòng tay của đảng và nhà nước.
Chàng chỉ vào tập sách có tên The Two Viet Nams:
- Đây là cuốn ký giả Bernard Fall viết về hai nước Việt Nam từ 1954 tới 1964. Có thể nói Bernard Fall là một nhà nghiên cứu thông thạo về Việt Nam, cả miền Bắc lẫn miền Nam. Trong lần thăm miền Bắc năm 1962, ông đã được phỏng vấn Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng và được thăm một số nhà máy do Liên Sô và Trung Cộng thiết lập. Qua cuốn sách này tôi hiểu được cơ chế tổ chức chính quyền và xã hội miền Bắc từ 1954 tới 1964 mà Bernard Fall đã gọi là nhà nước trại lính hay xã hội trại lính. Trong đó đảng và nhà nước kiểm soát toàn diện, còn người dân từ nông thôn tới thành thị chỉ là những người lính trong từng đơn vị. Trong gần 20 năm qua, công trình cải cách xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất của miền Bắc là tiêu diệt giai cấp địa chủ, trung nông và thực hiện việc hợp tác hóa nông nghiệp qua hình thức tổ chức hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh…
Thái lật sách, chỉ vào một trang có nhiều con số: Cô coi đây, theo Bernard Fall thì tới năm 1963 chương trình hợp tác hóa nông nghiệp đã được hoàn tất với 29.824 đơn vị hợp tác xã, bao gồm 88% gia đình nông dân trên toàn quốc – Chàng cười – nhưng tác giả cũng cho biết là để thực hiện cuộc cải cách này, đảng Cộng Sản đã phải hủy diệt trên 150.000 nông dân, gồm trên 50.000 bị xử tử và trên 100.000 bị lưu đày vào các trại tập trung ở trên miền thượng du. Sách có nhiều con số thống kê, nhưng tiếc là không có ảnh.
Thái giở một cuốn khác:
- Đây là cuốn viết về Liên Bang Sô Viết. Sách có nhiều ảnh, cô thử coi vài tấm – Chàng chỉ vào một bức ảnh người dân Mạc Tư Khoa xếp hàng dài cả trăm thước dưới trời tuyết, chờ mua bánh mì: Theo bài viết thì cảnh xếp hàng dài mấy trăm thước để chờ mua thực phẩm, hàng hóa là một nét tiêu biểu của xã hội Liên Sô hay nói chung là hình ảnh tiêu biểu của tất cả những nước cộng sản.
Thái lật trang và chỉ vào vào một bức ảnh:
- Đây là một nông trại tập thể. Cô thấy những mảnh đất nhỏ ở phía sau mỗi nhà là đất mà gia đình nông dân được chia để canh tác riêng. Diện tích thay đổi theo từng gia đình, nhưng trung bình được khoảng 2000 thước vuông. Nhìn ảnh, cô thấy làng tập thể đẹp đấy chứ. Những căn nhà đơn giản thẳng hàng với khu vườn nhỏ. Nhưng có được những cái làng tập thể như thế này, trong thập niên 1930, Liên Sô đã phải hủy diệt từ 15 tới 20 triệu nông dân. Con số này là phỏng chừng, vì nông dân đã phải chết dưới nhiều hình thức, như bị xử tử, bị chết đói hay bị chết trong các trại tập trung, có trường hợp cả làng bị lưu đày, nên không thể có được những con số thống kê chính xác.
- Đây là cảnh lao động ở nông trường tập thể - Thái cười – Liên Sô đã thực hiện tập thể hóa nông nghiệp và kỹ nghệ hóa từ mấy chục năm nay mà cô thấy cả mấy trăm phụ nữ cào cỏ trên cánh đồng với những cái cào thô sơ như thế này, đâu khác gì nông dân ở Quảng Điền, Phong Điền.
Thái vừa lật mấy trang cuốn China Today vừa nói:
- Đây là cuốn viết về Trung Cộng bằng ảnh với những lời dẫn giải. Cô coi mấy cái ảnh về Công Xã Nhân Dân. Theo tôi hiểu qua mấy cuốn sách viết về Trung Cộng thì Công Xã Nhân Dân là giai đoạn cuối cùng của cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trung Cộng. Vì cuộc cách mạng này đã đi qua mấy giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 1950-51, thực hiện việc tịch thu đất đai của địa chủ chia cho nông dân, rồi tổ chức nông dân thành những tổ đổi công. Giai đoạn 2 từ 1951 tới 1953, tổ chức hợp tác xã cấp thấp, trong đó nông dân còn giữ văn tự đất ruộng. Giai đoạn 3 từ 1954 tới 1957, tổ chức hợp tác xã cấp cao, văn tự đất ruộng bị hủy, còn đất ruộng, nông cụ thành của chung.. Giai đoạn 4 từ 1958 tiến lên Công Xã Nhân Dân với chương trình kết hợp nhiều làng thành những đội ngũ sản xuất lớn. Diện tích và nhân số của các công xã khác nhau, có công xã chỉ khoảng 2 hay 3000 người, nhưng có công xã lên tới 6 hay 70.000 người. Theo sách này thì tới năm 1971, Trung Công đã thực hiện xong việc công xã hóa trên toàn quốc, nhưng cái giá phải trả cũng như Liên Sô là khoảng 30 triệu nông dân đã phải chết cho cuộc cách mạng nông nghiệp.
Thái chỉ vào một bức ảnh nông dân đang ăn trong một nhà ăn tập thể rộng mênh mông, người ngồi ở cuối nhà chỉ nhỏ như cái chấm: Nhìn cảnh này, cô thấy đây là một trại lính khổng lồ - Chàng cười – Nếu nhân số lên tới 6 hay 70.000 người thì ăn uống ra sao và cần bao nhiêu nhà ăn tập thể.
Chàng lật qua trang khác:
- Đây là cảnh nông dân công xã làm đất để trồng khoai lang. Cũng chẳng khác gì nông dân tập thể Liên Sô, hàng ngàn người làm đất với cuốc và cào tay. Cả Liên Sô lẫn Trung Cộng đều nói nhiều đến việc cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng tôi không thấy máy móc mà chỉ thấy bàn tay với những nông cụ thô sơ. Có lẽ họ dành máy cày, máy sới, máy gặt cho hệ thống nông trường nhà nước. Không rõ ở Trung Cộng thế nào, còn Liên Sô thì hệ thống nông trường quốc doanh rất lớn – Thái lật tìm trong cuốn Liên Bang Sô Viết, chỉ vào mấy con số: Năm 1958, Liên Sô có 5900 nông trường quốc doanh và 78.200 nông trại tập thể.
Trở lại cuốn China Today, Thái cười chỉ vào bức ảnh người lúc nhúc như kiến trên cánh đồng: Đây là chiến dịch toàn dân diệt chuột, diệt cào cào. Rồi chỉ vào bức ảnh, hàng mấy trăm người ngồi lựa sắt vụn: Đây là chiến dịch toàn dân sản xuất thép bằng những lò luyện thép thô sơ được xây dựng trên khắp nước theo chương trình ‘bước nhẩy vọt’ của Mao Trạch Đông, với kết quả phá sản là thép luyện ra non quá không làm gì được.
Chàng lật qua mấy trang khác:
- A, đây! Cô coi cảnh này – Bức ảnh chụp một con đường rộng thênh thang giữa thành phố Bắc Kinh với một người đang đẩy chiếc xe ba gác ở cuối con đường hun hút – Không biết cảm giác cô ra sao, còn tôi thì mỗi lần nhìn ảnh này đều thấy rờn rợn trước cảnh tượng hoang vu giữa một thành phố lặng ngắt của một nước cộng sản 700 triệu dân. Huế ít người, lại chịu sự tàn phá của chiến tranh mà cũng không nơi nào có cảnh tha ma mộ địa như thế này.
Thái xếp lại mấy cuốn sách, đẩy qua một bên, rồi trở về ghế. Nhìn cô gái, bây giờ đã ngồi thẳng với nét buồn, tự nhiên Thái muốn biểu lộ tình thân bằng một lời nói, nhưng nghĩ không ra lời, nên chàng trở lại với dòng ý tưởng về mấy bức ảnh.
- Theo chính quyền Trung Cộng thì chương trình thiết lập công xã nhân dân đã hoàn tất năm 1971. Nhưng trong hai năm nay, qua một số báo Mỹ thì công xã nhân dân lại đang trên đường phá sản, vì dân ở nhiều công xã đói quá, nên họ đã tự động bỏ công xã lưu tán đi kiếm sống ở khắp nơi, mà nghề chính là nghề ăn mày. Hàng trăm ngàn hay hàng triệu người đi ăn xin. Cô biết truyện võ hiệp Kim Dung chứ? Nếu đã đọc chắc cô nhớ là bộ truyện nào của Kim Dung cũng có những Bang Khất Cái, tức là những đảng ăn mày - Chàng cười – Chẳng lẽ Kim Dung đang nói về đám nông dân khất cái ở lục địa. Làm cách mạng giải phóng nông dân mà phải giết quá nhiều nông dân, rồi lại tạo ra lớp lớp ăn mày thì biết nói sao đây!
Thái rót ly nước trà nguội đặt trước mặt cô gái:
- Cô nên mừng cho dân miền Bắc, vì đảng Cộng Sản Việt Nam tuy rập khuôn đường lối cải cách ruộng đất của Trung Cộng, nhưng chưa dám tiến lên công xã nhân dân, nên người dân dù có thiếu ăn, thiếu mặc cũng chưa đến nỗi chết đói hàng loạt như ở Tàu.
Thái ấn nút máy cassette quay lại bản ‘Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy’, châm điếu thuốc, rồi đứng dậy đi ra cửa.
‘Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh,
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh.
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời,
Khắp cố đô dân lành an vui, ca thành điệu nam bình…
Tiếng nhạc và tiếng hát làm chàng nhẹ người, nhưng bỗng một xúc cảm chợt dâng lên theo ý nghĩ là chỉ ít giờ nữa thì cô gái sẽ được chở tới nhà tù. Chàng muốn cứu cô gái và tâm trí cứ luẩn quẩn mãi với ý nghĩ này, mặc dù biết đó chỉ là ước muốn ngoài tầm tay mình. Có lẽ từ ý nghĩ muốn cứu mà chàng đã đưa câu chuyện đi xa. Nói như nói với một người bạn hay với một người em trong một đêm để tới sáng thì vĩnh biệt, và câu chuyện kéo dài chỉ là để được đối diện với nỗi đau của tuổi trẻ trên đất nước này. Nỗi đau đó là đã phải sinh ra ở giữa hận thù, rồi lớn lên là bị cuốn vào vào mối hận thù và được dạy bảo để nhận diện người thù. Đâu có cách nào thoát ra khỏi tấn thảm kịch. Vì thế cả câu chuyện chàng chỉ muốn biểu lộ một lời nói: Cô em, tôi đâu có thù cô. Chúng ta đâu có gì thù nhau, vì chúng ta đều là nạn nhân của một hoàn cảnh lịch sử, một chọn lựa chính trị sai lầm của người đi trước trong bối cảnh tương tranh tàn nhẫn của thế giới. Chàng cũng nhận ra là hình như cô cũng cảm được một điều gì đó, nên nét mặt đã thay đổi từ vẻ thản nhiên như thách đố tới buồn bã và đã chăm chú nhìn vào những bức ảnh nghe chàng nói.
Nhìn người lính hết phiên gác, vừa đi vừa tháo đạn ra khỏi nòng súng, tiếng thép kêu lách cách, Thái ném mẩu thuốc ra sân, quay vào.
- Cô không uống cà phê thì uống nước đi – Thái nói rồi ngồi xuống ghế đối diện với cô gái:
Điều tôi muốn nói thêm là cái thảm kịch hận thù giữa chúng ta. Gọi là thảm kịch vì chúng ta chưa từng biết nhau mà đã có sẵn mối hận thù sống chết. Nếu hiểu vấn đề một cách đơn giản thì đó là do chúng ta ở hai chiến tuyến đối nghịch, cô ở một chiến tuyến, đấu tranh để thực hiện một xã hội vô sản như đã được thực tiễn kiểm nghiệm ở Liên Sô, Trung Cộng và Bắc Việt, còn tôi chống lại cô là để tránh cái xã hội đó. Nhưng nếu nhìn xa hơn thì đây là một di sản bất hạnh ở ngoài chúng ta, vì chiến tuyến đó đã do ông cha ta vạch ra trước khi chúng ta ra đời. Tới nay, tùy hoàn cảnh và gia đình cùng sự suy nghĩ của riêng mình theo những nếp nghĩ có sẵn, chúng ta bị cuốn hay mặc nhiên phải lựa chọn một thế chiến và sự lựa chọn đó đã gắn liền với mối hận thù: Ta và địch. Vì thế khi gặp, dù chưa nhìn thấy rõ người, ta cũng nhận ra ngay đó là kẻ thù và phải giết, phải cười vui khi lấy được mấy khẩu súng hoặc là AK50, AK47, B40… hoặc là M16, M79, M60… trên những xác người không biết tên, nhưng biết rõ đó là đồng bào, anh em mình. Ai đúng. Ai sai. Vì đâu nên nỗi. Có bao giờ chúng ta tự vấn lại hoàn cảnh đất nước, vấn lại sự lựa chọn của ông cha, vấn lại con đường mình đã đi, vấn lại mối hận thù mình đang mang hay chỉ nằm lòng điều sống chết do người đi trước định sẵn: Nó là kẻ thù phải tiêu diệt, vì đã chống lại ta. Tất nhiên thảm kịch này phải có lúc kết thúc. Nhưng bên nào thắng thì cuộc chiến này cũng sẽ để lại những vết thương di hại mà con cháu sau này phải chữa trị nhiều đời.
Thấy cô gái nâng ly nước, Thái ngừng lại rót nước uống nột hơi, rồi tiếp:
- Chính do tâm trạng này, nên sau mỗi trận đánh và nhất là trong những đêm trường nghe tiếng súng vọng về ở khắp nơi, tôi chán chường và sợ hãi nghĩ tới cái lưới hận thù. Vì thế khi đối diện với cô ở chiến trường thì phải bắn, phải tranh thắng để giành cái sống, nhưng sau khi đã bắt được cô thì tôi không coi cô là kẻ thù, mừng là cô không chết để tôi phải nhặt một khẩu súng trên xác cô. Tôi nhặt được khẩu rouleau của cô, nhưng là nhặt của người sống và tôi sẽ giữ lại dùng thay khẩu colt 45 để nhớ câu chuyện hôm nay.
Thái đứng dậy, tới ba lô lấy mấy viên đạn để xuống bàn:
- Cả 6 viên đạn đều lên rêu xanh mốc meo. Đạn chi mà cũ quá, bắn chắc chi nổ - Chàng nói, rồi hỏi: Không hiểu tại sao cô có thể thoát những tràng đạn bắn đuổi theo như thế. Chẳng lẽ lại phải tin vào số phận của mỗi người. Hình dung lúc cô chạy dưới những loạt đạn M16, tôi nhớ lại một cuộc hành quân cách đây 2 năm. Lần đó, đại đội tôi đi với một chi đội thiết vận xa M113. Buổi trưa đang nghỉ để ăn cơm thì lính phát giác một người chạy ra cánh đồng. Họ bắn theo, nhưng người đó chạy đã xa nên tầm đạn M16 khó trúng. Một chiếc thiết vận xa ở gần đó liền quay nòng đại liên nhả đạn. Ánh đạn lửa như lưới bao quanh một thân hình trồi lên, hụp xuống giữa bụi cát mờ mịt. Và chuyện lạ là giữa một lưới đạn như thế mà người đó lao qua được một giải đất cao và biến mất.
Thấy cô gái ngước nhìn mình, Thái nhặt 2 viên đạn đặt lên lòng bàn tay:
- Đạn như ri mà cô dùng để bắn tôi ư? Chàng cười nhìn cô gái: Còn một chuyện nữa là đầu năm nay, trong cuộc hành quân ở vùng Đại Lộc, khi chúng tôi chuẩn bị di chuyển thì bỗng có một người xuất hiện cách xa khoảng 400 mét. Cả chục nòng súng lập tức nhằm về hướng đó, nhưng rồi những mũi súng lại chúi xuống dần khi thấy người đi về hướng mình. Tới khi người đó giơ tay nói lớn: Tôi hồi chánh – thì mọi người vui cười, tiếp đón người về như gặp lại một người thân.
Chàng ngừng lại rót nước, uống mấy hớp, rồi nói:
- Không biết cô có cảm nghĩ gì trước sự kiện này? Còn tôi thì nghĩ nhiều về bức thành ngăn cách bạn và thù. Vì cũng chỉ một con người không biết mặt, nhưng khi chạy đi thì hận thù trào lên ngùn ngụt theo nòng súng, còn khi đi lại thì cười vui, tay bắt mặt mừng. Như thế thì bạn ở đâu mà thù ở đâu?
Đã một giờ - Thái nhìn đồng hồ, nâng ly nước uống cạn, rồi rót đầy ly nước cho cô gái:
- Đêm nay tôi nói quá nhiều. Những lời này có thể trái cô và rất vô ích với cô. Nhưng tôi nói cũng là nói với tôi. Cô là một đối tượng để tôi có thể nói thành lời. Vì nhiều khi ngồi một mình trong hầm này, nghe đại bác vọng về và tiếng súng ở những làng quanh đây, tôi cũng đã nghĩ đến những điều này, nhưng chỉ nghĩ mà không thể nói thành lời. Tôi cũng có người em gái cỡ tuổi cô. Có điều khác nhau là cô thì lao vào máu lửa sinh tử, còn em tôi thì sống hồn hiên với trường học và mái ấm gia đình, đợi anh về phép để vòi vĩnh: Anh mua cho em cái áo len, mua cho em đôi giày. Thái bắt gặp nét xúc động trong đôi mắt cô gái, khi cô chớp mắt cúi xuống.
- Sáng nay trong cái chòi, cô nhìn tôi với ánh mắt căm hờn, đượm vẻ khinh bỉ. Nhưng bây giờ có lẽ cô đã trở lại tình cảm bình thường với bản chất hiền hậu như dáng mặt cô. Dáng mặt ấy là mẫu người vợ thảo, mẹ hiền. Tôi xin lỗi là đã bắt cô ngồi nghe tâm sự của một người thù. Tâm sự này tôi có thể nói suốt đêm, nhưng sợ nói như thế là lạm dụng quyền bắt người trong tay mình phải nghe.
Chàng ngừng lại, nhìn cô gái một lúc:
- Trước khi để cô đi ngủ, tôi muốn nói một lời là tôi không muốn cô đi tù. Vì trong tù cô sẽ chết, mà không chết thì các đồng chí của cô sẽ dạy cô căm thù, rồi đời tù ngục sẽ khắc sâu thêm mối thù ấy – Thái đứng dậy: Không, đừng đi tù! Tôi muốn cô trở về nhà, trở về thành phố, tìm lại đời sống bình thường… Chúng ta đang là nạn nhân của một cuộc chiến mà dân tộc đã lỡ bước vào…
Thái bắt gặp cái nhìn của cô gái và lúc này chàng mới nhận rõ đôi mắt đen hiền.
- Nếu cô chọn con đường tù ngục thì sáng mai tôi phải gửi cô tới đó. Vì trong phạm vi quyền hạn, tôi không thể tha cô mà cũng không thể để cô chạy trốn. Nhưng nếu muốn tránh tù ngục để trở về đời sống bình thường, cô chỉ cần nói một lời là muốn về hồi chánh, thì qua đó, tôi có thể giúp cô được. Cô suy nghĩ rồi sáng mai cho tôi biết.
Thái đứng dậy mở cánh cửa nhỏ thông sang hầm truyền tin:
- Cậu nào trực máy đó?
- Dạ, em.
- Lâm hả, cậu gọi giúp tôi ông hạ sĩ quan trực.
Thái đang loay hoay thay pin chiếc đèn bấm thì hạ sĩ quan trực bước vào:
- Trung úy gọi tôi.
Thái quay lại:
- Anh Dõng. Anh đưa cô Phương tới nhà kho. Vinh đã dọn sẵn cho cô ấy một chỗ trên sạp để gạo.
Thái nói với cô gái:
- Cô cầm cái đèn pin này. Trước nhà kho có vọng gác, cần chi cứ gọi.
***
Phương ngước đôi mắt sâu mệt mỏi nhìn Thái:
- Cám ơn trung úy và các anh trong đại đội đã đối xử quá tốt với tôi. Xin trung úy cho biết tôi cần khai báo thêm điều chi.
Thái lắc đầu:
- Chúng tôi không cần thêm điều chi. Cô ghi lý lịch như thế là đủ. Khi lên trên kia, người ta sẽ hỏi và cô muốn khai gì là tùy cô.
- Chúng tôi mừng o Phương… Mừng o Phương – Ông đại đội phó và 3 trung đội trưởng vừa bước vào vừa cười nói.
Thái kéo tay Vinh:
- Cậu pha cho ít ly cà phê. Không có rượu thì uống cà phê mừng cô Phương vậy.
Thiếu úy Cát nói:
- Nghe ông thường vụ báo tin, chúng tôi rất mừng. Rứa gia đình cô ở mô?
- Dạ, ở An Cựu, thiếu úy.
Thái hỏi:
- Ở An Cựu, cô biết quán bánh nậm ở mé bờ sông chứ?
- Dạ biết. Nhà tôi ở phía trên quán nớ.
Thái nói:
- Mỗi lần lên Huế, tôi thường tới đó, nhất là vào mùa đông, vì nhớ cái cảnh mưa bay trắng sông, trước đĩa bánh nậm còn nguyên lá bốc khói - chàng cười – Chắc cô chỉ đi qua, chớ chưa có dịp nào ngồi quán nhìn mưa như chúng tôi.
Thấy Vinh đặt ly cà phê đầu tiên trước Phương, Thái vỗ vai người lính:
- Cậu này thật hay, như thế mới đúng nghĩa là mừng. Hy vọng cô Phương sẽ không bao giờ quên ly cà phê của anh em chúng tôi buổi sáng nay.
Vinh vừa đặt bình trà ra bàn vừa nói:
- Em mùng o Phương đã thoát chết.
Thượng sĩ Ngôn, trung đội trưởng trung đội ba, phụ họa:
- Phải nói mạng o Phương thật lớn, chạy khơi khơi như rứa mà đạn lạc đường mô hết. Nếu không té, chạy qua khỏi bờ tre là thoát.
Thái cười:
- Thoát thì cô ấy lại mang nặng mối thù. Cả chục nòng súng đuổi theo, sao không thù được.Thế là nhờ cái té mà giải được mối thù.
Mọi người bật cười làm căn hầm thêm rộn rã. Nhìn vẻ mặt hớn hở của thượng sĩ Ngôn, người chỉ huy trung đội đuổi theo Phương, chàng không hiểu cái vui của Ngôn ngày hôm qua khi bắt được Phương với cái vui bây giờ có gì khác nhau. Có lẽ chẳng bao giờ Ngôn để ý đến bức thành bạn và thù mà anh ta phải đối diện hàng ngày, hàng đêm. Vì bây giờ Ngôn đang nhìn Phương cười, mừng cô thoát chết, nhưng đêm nay anh lại nằm kích chờ đợi những bóng người và cũng sẽ rất vui khi hạ được một người.
- Cô uống cà phê cho nóng – Thái nhìn Phương cười: Ly cà phê tiễn biệt. Gặp đó mà tiễn biệt đó.
Thiếu úy Cát nói:
- Ở Huế chớ xa chi mô mà anh nói rứa. Biết mô mai mốt chúng ta lại gặp cô ấy trên đường Trần Hưng Đạo.
Phương đang lóng ngóng nâng ly cà phê uống mấy hớp thì thượng sĩ thường vụ, tay cầm trái lựu đạn khói màu bước vào hầm nói:
- Trực thăng sắp tới trung úy.
Thái đứng dậy lấy chiếc bao cát để trên giường bố, đưa cho Phương:
- Tôi tặng cô mấy thứ đồ cần thiết trong những ngày đầu. Cô đi mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn.
3
- Lạ thật, anh hỉ. Người ta nói quả đất tròn, nhưng em thì không bao giờ dám nghĩ là sẽ có ngày gặp lại anh – Phương vừa nói vừa để ly cà phê ra bàn.
- Phải coi đó là cái duyên, cũng như cái duyên tôi đã gặp cô ở Bầu Sen – Thái nói, rồi nhìn quanh một lúc: Quán này có khung cảnh Việt Nam.
- Trước kia, thời còn đi học, em thường tới và coi đây là nơi để buông xả sau những giờ học và làm, vì quán có hai tính chất đặc biệt là trẻ và nghệ sĩ.
- Sao gọi như thế?
Phương đáp:
- Trước hết là khung cảnh trang trí và sự thoải mái, với ly cà phê, người ta có thể ngồi hàng giờ, và khách tới đây đa số thuộc giới trẻ và nghệ sĩ. Tuy không biết họ, nhưng nhìn phong cách có thể đoán như rứa – Phương chỉ mấy người ngồi ở chiếc bàn cuối sân – Anh coi mấy ông kia, quần áo và dánh đó thì phải gọi họ là nghệ sĩ. Rồi nhạc ở đây cũng rất đặc biệt. Từ sáng tới trưa là nhạc mới rộn rã. Từ sau trưa, sự rộn rã giảm lần và từ chiều tối cho tới khuya là nhạc cổ điển.
Thái cười:
- Chứ không phải Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy và Chiều Mưa Biên Giới?
- Ở nhà em vẫn nghe mấy bản đó - Phương cười – Em không thể tưởng tượng được cái cảnh ngồi trong hầm chống pháo, nghe nhạc với những người bắt mình. Bao nhiêu năm nay, mỗi lần nghe nhạc, em lại nghĩ đến đêm ở Vinh An và không hiểu tại răng anh lại có thể làm như rứa.
Thái nói:
- Chuyện dễ hiểu là tôi coi những người bị bắt như bạn, như anh em, những người trước cô tôi cũng đối xử như thế. Việc bắt là phải làm, nhưng không bao giờ tra khảo để lấy thêm tin tức hay chiến lợi phẩm. Như cô, tôi đâu biết gì hơn ngoài mấy điều cô ghi về lý lịch. Tôi chỉ nhớ mài mại là cô sanh ở Bao La, Quảng Điền. mà nhớ được cái tên Bao La là do đã hoạt động lâu ở vùng Quảng Điền.
- Đúng đấy, anh. Mấy chục năm mà anh còn nhớ được tên làng Bao La. Gia đình em ở Quảng Điền, nhưng tới năm 1954 thì chuyển lên Huế, ở An Cựu. Ba em là đảng viên Cộng Sản, bị bắt và chết trong tù thời Ngô Đình Diệm. Em có ba anh em, người anh đi theo Mặt Trận Giải Phóng, còn người em lúc đó học ở Quốc Học.
Thái hỏi:
- Như vậy, cô theo Cộng Sản là do truyền thống gia đình?
- Có thể nói như rứa, vì em bị ảnh hưởng theo lối suy nghĩ của gia đình đối với chính quyền và xã hội miền Nam. Rồi từ đó nếp nghĩ này được đào sâu thêm trước những tệ nạn, những cảnh chướng tai gai mắt được chứng kiến hàng ngày trong xã hội chiến tranh với sự tràn ngập quân Mỹ ở miền Nam. Em phẫn nộ trước sự lố lăng, ngạo mạn, coi thường người Việt của lính Mỹ, và cảm thấy tủi hận khi thấy phụ nữ và con gái cỡ tuổi em do chiến tranh, đã bị cuốn vào những cái bar ở gần mấy căn cứ Mỹ. Em coi đó là sự ô nhục, và trước mối nhục đó, tiếng gọi đấu tranh có một sức lôi cuốn. Vì thế khi đi theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, em có niềm tin là cuộc chiến đấu sẽ đem lại độc lập, tiến bộ cho đất nước, bình đẳng, tự do và nhân phẩm cho ngưới dân – Phương ngưng lại một lúc, rồi tiếp với giọng buồn: Hơn 30 năm trước em tin vào những lời như “Hà Nội, thủ đô của nhân phẩm, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng là lương tâm của dân tộc’, nhưng chừ thì nhân phẩm, lương tâm đó bay đi mô cả mà những người Cộng Sản lại tạo ra một chế độ bất nhân, coi con người như súc vật?
Thái nói:
- Chắc niềm tin lúc đó đã tạo cho cô một sức mạnh kiên cường, coi thường kẻ địch và coi thường cái chết. Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ thản nhiên của cô trong cái chòi và trong căn hầm ở Vinh An.
Phương cười:
- Em không nhớ thái độ lúc nớ ra răng. Còn điều gọi là kiên cường thì em không có. Vì kiên cường thì đã không về hồi chánh.
Thái lắc đầu:
- Không hẳn như thế. Tôi đã bắt được nhiều người, nhưng rất ít người có được thái độ như cô. Còn chuyện cô hồi chánh, theo tôi nghĩ, không phải vì sợ hãi mà phải bắt nguồn từ những nguyên nhân khác - Thái cười – Chuyện đó đã thành dĩ vãng. Đời chúng ta cũng xa nó quá rồi. Bây giờ cô có thể nói được chăng?
Phương cúi xuống ngẫm nghĩ một lát rồi ngước lên:
- Có nhiều nguyên nhân xa và gần anh ạ. Nhưng có thể kể ba nguyên nhân chính: Thứ nhất là sợ tù đày. Lúc nằm trong cái nhà kho tối tăm, nghe chuôt chạy với tiếng muỗi vo ve, cái sợ mới thấm thía. Thứ nhì là từ lâu em đã nghi ngờ tính chất gọi là cách mạng của những người lãnh đạo mà em có liên hệ trực tiếp. Vì họ nói và sống khác nhau. Khi mô cũng dạy bảo người khác, nhưng chính họ thì soi mói, kèn cựa nhau đến bần tiện và tàn nhẫn. Em không hiểu tại răng họ nói dối rất tự nhiên và cái chi cũng nói dối được. Có một trận đánh ở xóm Trộ, Quảng Điền, em biết rõ là lực lượng địa phương của Mặt Trận bị thiệt hại nặng, nhưng đài Giải Phóng lại loan tin là trong trận đó, địch bị diệt gọn một đại đội. Từ những sự thật đó, em đã mất dần niềm tin vào lãnh đạo. Còn nguyên nhân thứ ba là sự đối xử của anh và của mấy ông trong đại đội – Phương ngừng lại một lát – Có thể nói điều ni đã thêm sức cho em trong sự quyết định.
Thái hỏi:
- Thế cô không quan tâm chi đến những điều tôi nói?
- Em có quan tâm, nhưng không quan tâm đến những điều anh cho biết về thế giới Cộng Sản mà quan tâm đến thái độ cởi mở, những lời bộc lộ chân thành của một kẻ địch mà lâu nay mình vốn nghĩ xấu và coi thường - Phương cười – Em không hiểu răng anh lại có thể nói say sưa suốt mấy tiếng trước một tù nhân không nói một lời. Anh thân mật chỉ cho xem những bức ảnh, những con số thống kê như người anh chỉ cho người em. Nhiều lúc anh đứng dậy đi quanh hầm, nói như nói với mình. Anh hỏi, rồi tự trả lời. Có ai nói với kẻ địch mà lại thiết tha như rứa.
Phương ngừng lại nhìn Thái một lúc:
- Đến khi em mở cái bao cát anh đưa buổi sáng nớ thì muốn khóc. Em không thể tưởng tượng được sự quan tâm của anh chi li tới mức đó. Em còn nhớ nguyên những thứ anh xếp gọn ghẽ trong bao cát: Một bộ bà ba nâu, một cái khăn mặt, một phong bì đựng 200 đồng, một lọ dầu Nhị Thiên Đường, một bàn chải răng, một hộp kem Hynos, một xấp giấy, mấy phong bì và một cái bút Bic – xin lỗi anh – Một thứ làm em chấn động là cuộn giấy tissue của Mỹ. Bao lâu nay em vẫn tự hỏi đó là tình của mẹ đối với con hay của vợ đối với chồng?
Thái nói:
- Như thế là cô nghĩ xa quá, còn tôi thì bình thường thôi. Đó là mấy thứ tôi có thể chia bớt cho cô để cô dùng trong những ngày đầu chưa liên lạc được với gia đình. Tôi đã lục tìm những thứ đó với một niềm vui. Phải nói buổi sáng đó tôi cảm thấy nhẹ người khi ông thường vụ vào cho biết là cô xin về hồi chánh. Sau này lên Huế, mỗi lần tới quán bánh nậm ở An Cựu, tôi vẫn hy vọng nhìn thấy cô mặc áo dài đi qua quán – Thái cười – Tôi muốn nhìn thấy cô mặc áo dài với mái tóc buông xõa.
Thái nhìn Phương một lúc, rồi hỏi:
- Sao đi chiến đấu mà lại để tóc dài như thế? Tóc dài buộc dây như mấy cô gái nông thôn, nhưng dáng người thì không phải. Đầu năm 1973, nhân dịp đại đội được về cầu Bạch Hổ một tháng, tôi với ông đại đội phó và thượng sĩ Ngôn, ông trung đội trưởng đã trói cô, đã mấy lần tới quán bánh nậm uống bia cả buổi chiều, mong nhìn thấy cô, xem cô biến đổi ra sao. Có một lần ông Ngôn đã bảo tôi đi tìm nhà cô. Tôi cười nói với ông ấy là đừng có nhìn sự việc đơn giản như vậy, đi như thế này là do vui và chỉ muốn nhìn cô ấy ở xa, chứ gặp làm chi.
- Em mô ở Huế mà anh thấy – Phương nói giọng run run, rồi lấy tay đặt lên mái tóc xõa ở gáy: Tóc em vẫn nhiều lắm, nhưng để dài thì bất tiện. Em đã cắt tóc ngắn từ ngày vô Sài Gòn, sau khi ra khỏi trung tâm chiêu hồi được hơn một tháng.
- Sao cô không ở lại Huế?
- Ở lại Huế răng được. Cũng may là em có ông cậu làm ở Bộ Thông Tin. Gia đình ông có một tiệm cà phê khá lớn, nên có thể nương nhờ được. Buổi chiều, buổi tối phụ việc trong bếp, còn ban ngày em đi học Anh văn. Không ngờ việc học học này lại hữu dụng khi em bước chân lên đất Mỹ sau tháng tư, 75.
Thái ngạc nhiên:
- Đi được ngay từ những ngày đầu. May mắn vậy ư! Nhưng ngày mới đến Mỹ cô nghĩ gì?
- Em nghĩ đến những tang tóc ở Việt Nam, nhưng em có một niềm vui là bỗng thoát ra khỏi những bất an mà trước đây đã theo mình như hình với bóng, thành ra em như được tái sinh. Do tâm trạng này, em đã miệt mài học đêm học ngày, học như để trả nợ ông bà, trời đất đã cho mình sống.
- Thế còn ông chồng cô, gặp trên đường di tản hay gặp ở Mỹ?
Phương đáp:
- Ở đây anh ạ. Chúng em cùng học một trường. Anh Hoàng là thiếu úy, còn trẻ, nên cũng học quên đêm, quên ngày. Có lẽ em với Hoàng đã gặp nhau do cùng thấy mình đã qua một kiếp. Hoàng có nhiều suy tư về những vấn đề quốc gia và cộng sản, tin vào chính nghĩa của cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do, nhưng hận những người lãnh đạo ở miền Nam đã không làm cho chính nghĩa sáng lên được và làm hư mất cuộc chiến đấu - Phương cười – Nhiều lần nói chuyện với em mà anh nổi giận lớn tiếng, coi em như là các ông lãnh đạo đó.
Thái gật đầu:
- Hận chứ! Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của nhiều người. Như tôi thì trong chiến tranh thường phải sống với sự phẫn nộ và chán nản, còn sau đó là cái hận trong tù.
- Như rứa anh không có niềm tin chi hết trong chiến tranh?
Thái cười:
- Không có niềm tin, sao tôi có thể nói chuyện với cô về sự đúng sai của hai chế độ. Niềm tin đó là biết mình đang cầm súng để bảo vệ một chế độ hợp với lẽ sống bình thường của con người là được sống tự do và có quyền tư hữu. Còn phẫn nộ và chán nản là vì hàng ngày phải đối diện với cái chết và đối diện với những điều tệ hại của tầng lớp lãnh đạo, cả chính trị lẫn quân sự. Từ đó tôi nghi ngờ chuyện yêu nước, yêu dân của các ông ấy. Chẳng hạn làm sao tôi tin nổi ông phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ là người lãnh đạo có lòng với dân, với nước, khi ông biến việc đi dự hội nghị hòa đàm Paris năm 1968 thành việc đi du hý, khoe quần khoe áo, để báo chí Pháp có thể khai thác, nói lên những điều bất lợi trong dư luận quốc tế lúc đó đối với cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa.
Thái ngừng lại uống cà phê, ngẫm nghĩ một lúc rồi tiếp:
- Bây giờ tôi không nhớ hết những tấm ảnh trên tuần báo Paris Match, số nói về hoa đàm Paris, mà chỉ nhớ được 4 tấm là hình ông Kỳ ngồi ăn trong một nhà hàng sang trọng, hình bà Kỳ mặc áo lông thời trang, mặc bộ quần áo đỏ đi trượt tuyết và hình bà Nguyễn Thị Bình, trưởng phái đoàn Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, mặc áo bà ba cùng với 2, 3 người trẻ mặc quần áo bộ đội, đang chăn gà trong sân của tòa nhà phái đoàn thuê ở ngoại ô Paris. Nhìn những bức ảnh ấy, thấy ngay là báo Pháp muốn làm nổi bật lên hai nếp sống tương phản. Tôi hiểu những người cộng sản, nhân danh hai chữ cách mạng để đóng đủ thứ kịch. Ở đây có thể việc nuôi gà lấy trứng và trồng rau để “cải thiện” vừa là thực mà cũng vừa là kịch, nhưng mấy thứ này lại trở thành một thứ bùa hớp hồn mấy ông ký giả và trí thức Tây Phương. Còn ảnh ông bà Kỳ, sang trọng và rất đẹp, nhưng để làm gì dưới con mắt và dư luận của báo chí Pháp, khi họ chua dưới bức ảnh chữ ‘Arrogant’, và đối với người Việt thì nó có nghĩa gì trước tình thế dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Làm sao tôi có thể cảm nổi sự phù phiếm đó trước những cái chết tôi chứng kiến hàng ngày, hàng đêm ở quanh tôi.
Thái chợt cười, ngưng lại: Thôi. Phải quên mấy chuyện này. Nói nữa, tôi sẽ lại lớn tiếng như anh Hoàng.
Phương xúc động:
- Em với Hoàng đã bao nhiêu lần nhắc lại chuyện ở Vinh An, nhưng nay chỉ còn em được gặp lại anh.
Thái nói:
- Lúc trên xe tôi nghe không rõ là anh ấy mất năm nào.
- Sắp tới giỗ thứ ba rồi, anh ạ.
- Phải coi đó là số phận thôi cô, nhưng cô có được hai đứa con thì cũng như anh ấy vẫn sống với cô.
– Cám ơn anh. Cũng may là hai cháu ngoan và ham học như anh ấy – Phương nói rồi nhìn Thái: Em đã nói nhiều về em, còn anh thì chỉ mới biết là vượt biên năm 1987 và sống một mình…
Thái cười:
- Cô được tái sinh nên có nhiều điều để nói về cuộc đời đó. Còn tôi từ tháng tư 75 thì ngược lại nên không có gì đáng nói, ngoài chuyện đi tù, rồi ra tù sống lang thang bất hợp pháp ở Sài Gòn. Khi vượt biên qua được tới đây thì tuổi cũng đã nhiều, mọi chuyện dở dang cả. Có được một đời sống như thế này là quí rồi.
- Rứa gia đình anh?
- Không có gì vui nên cô cũng chẳng cần biết làm gì. Tóc tôi bây giờ đã đổi màu, nhưng gặp lại ở đây, cô cứ coi như ngày ở Vinh An – Thái vuốt mái tóc xõa xuống trán, cười – Như thế được chứ?
Hai người im lặng một lúc, rồi Thái nói:
- Cô chưa cho tôi biết về gia đình ở Việt Nam, bà cụ, chú em và ông anh đi theo Mặt Trận Giải Phóng.
Phương cười tươi:
- Em đưa mạ và cậu em qua đây lâu rồi. Còn ông anh thì không có chi khá. Có thể do tính tình hoặc do chức quan nhỏ, nên bây giờ vẫn nghèo. Làm lại cái nhà ở An Cựu cũng phải cầu cứu em và đang nhờ em làm giấy tờ để đưa người con lớn qua đây du học.
Thái với tay cầm tay Phương:
- Mừng cô đã được đoàn tụ với gia đình, kể cả ông anh cộng sản. Nhưng tôi muốn hỏi cô là từ khi về hồi chánh đến nay, cô nghĩ thế nào về chế độ Cộng Sản và sự chiến thắng của đảng Cộng Sản?
Phương trầm ngâm một lúc, rồi đáp:
- Em đi theo Mặt Trận Giải Phóng không phải do chủ nghĩa cộng sản mà thật sự cũng không biết nhiều về nó. Sau này ở Mỹ, em tìm đọc nhiều nguồn, nhất là qua báo chí, có dịp so sánh đời sống ở xã hội cộng sản với đời sống ở xã hội tư bản tự do, mới thấy rõ cái may là mình đã sớm thoát ra khỏi cái vòng tù hãm đó. Còn đối với đất nước, em nghĩ là trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã thất bại trước sự chiến thắng của đảng Cộng Sản.
Thái hỏi:
- Tại sao cô có thể nói như thế?
- Em nói rứa, vì thế kỷ 20, dân Việt đấu tranh vì yêu nước, vì khát vọng tự do, dân chủ chớ mô có đấu tranh cho chế độ vô sản độc tài, nhưng cuối cùng thì khát vọng tự do dân chủ đã bị đảng Cộng Sản hủy diệt.
Phương chơm chớp mắt nhìn xuống:
- Làm răng giải oan cho mấy triệu người đã chết vì cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của đảng Cộng Sản để sau khi chiến thắng đảng lại mời Mỹ trở lại, rồi cấu kết với tư bản thế giới bóc lột, lăng nhục dân đen, tàn phá con người và đất nước. Chỉ tội cho dân Việt, cả nửa thế kỷ đấu tranh theo tiếng gọi giải phóng và tự do của đảng Cộng Sản, cuối cùng lại trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh đó. Chừ nghĩ lại những lời như ‘Hà Nội, thủ đô của nhân phẩm’ hay ‘Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng là lương tâm của dân tộc’ em thấy xấu hổ quá.
- Cô đã ra khỏi niềm tin đó từ lâu rồi - Thái cười – Chuyện xấu hổ bây giờ không phải của cô mà là của đảng Cộng Sản, vì dù nhận hay không thì họ vẫn phải sống và chết với những thảm kịch họ tạo ra.
Phương đặt tay vào ly cà phê:
- Anh uống cà phê đi chớ, mải nói chuyện quên cả cà phê.
- Cô quên chớ tôi vẫn uống.
Phương uống mấy hớp rồi để ly cà phê xuống:
- Bây giờ anh đi ăn cơm với em được không?
- Như thế vội quá, hay thế này, tối nay cô đi ăn cơm với bọn tôi – Thái cười – Ở Vinh An, tôi mời cô ăn cơm gạo Mỹ với canh cải thịt hộp ba lát, chỉ một món canh, còn hôm nay tôi mời cô đến một tiệm ăn Việt Nam với nhiều món tùy cô chọn.
Phương hỏi:
- Như thế có tiện không anh?
Thái cười:
- Không những rất tiện mà còn vui khi mấy ông bạn của tôi biết cô là một nhân vật đặc biệt của căn cứ Vinh An. Các ông ấy đều là cựu tù nhân cải tạo và đều quan tâm đến chuyện đất nước như tôi với cô.
Phương cười với nét mặt rạng rỡ:
- Anh đã về Việt Nam lần mô chưa?
Thái lắc đầu:
- Chưa, cô.
- Răng anh không về một lần?
- Về để thấy tấn thảm kịch như cô nói thì cần chi phải về. Còn về vì nhớ quê thì tôi sợ về sẽ thấy xa quê hơn. Tôi không hiểu được tâm trạng chung của những người về Việt Nam, nhưng qua vài người bạn đã từng về cho biết thì họ háo hức khi đi, và đã thở phào khi lên máy bay trở lại đây - Thái cười - Thở phào, vì đã trút được gánh nặng bất an.
Phương hỏi:
- Sợ rứa, răng lại về?
- Đó là tâm trạng liều một lần cho thỏa. Ai mà hiểu được sự thôi thúc của tình quê, tình nhà. Tôi có ông bạn người Huế, nói là cả chục năm nay không bao giờ nghĩ đến chuyện về, nhưng sau khi coi mấy cuốn băng video tình ca Huế thì quyết định về một lần.
Phương nói:
- Rứa cũng như em. Vì trong đời sống thường nhật, em ít nghĩ đến quê, nhưng khi coi mấy cuốn băng thì cả một dòng đời với những ngày mưa nắng, những đoạn đường, những khúc sông và những con đò như hiện ra trước mắt. Cầu An Cựu mô có chi đặc biệt mà chừ chỉ nhìn thoáng trên màn hình cũng se lòng nhớ lại những buổi nắng bụi, những chiều mưa lạnh qua cầu. Đã bao lần tiếng hát và cảnh sắc trong băng như thúc dục em về, nhưng em không dám liều một lần như mấy ông bạn của anh.
- Cô còn trẻ, còn đủ thời gian để chứng kiến sự biến đổi của đất nước. Lúc đó về mới vui, mới có thể tìm lại được những tình cảm mình mong ước.
- Anh hy vọng như rứa?
- Hy vọng và tin như thế. Vì khi chủ nghĩa cộng sản đã bị phá sản, đảng viên đã biến thành những người tư sản, chế độ đảng trị đã không còn có thể kiểm soát được bao tử và óc não của người dân, thì tất cả những chống đỡ trước dòng biến đổi ngày nay, không phải ở tiến trình quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa mà là trên đường, dù phải vật lộn chống lại, trở về với lẽ sống bình thường của người dân, đó là phải hòa giải với quyền tự do và tư hữu của con người.
Thái ngừng lại, nghe hết khúc nhạc quen ‘Tears and rain’:
- Trước kia, nhìn về tương lai đất nước thấy đen tối mù mịt, nhưng tới đầu thập niên 1990, khi chứng kiến cảnh người dân mấy nước Đông Âu và Liên Sô khiêng quan tài chủ nghĩa cộng sản ra nghĩa trang thì tôi nhớ lại hai câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh:
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Thái trầm ngâm một lát, rồi nhìn Phương:
- Tan sương, vén mây. Đó là cơ may hay cơ trời. Đúng chứ cô? Vì do thành trì tổ quốc Cộng Sản bị lật nhào mà đảng Cộng Sản Việt Nam phải lùi, nên hôm nay dân Việt mới có dịp thở, có được miếng ăn thong thả một chút, và có cơ thoát được tấn thảm kịch cách mạng vô sản để cho dân Việt có cơ hội làm lễ tống tiễn mối hận thù.
- Như rứa anh với em đã làm cái lễ này cách đây hơn hai chục năm - Phương nói giọng xúc động – Ngày nớ gia đình em ai cũng sợ, chỉ có mạ em đồng lòng với em mà cũng chỉ mạ biết câu chuyện ở Vinh An. Chừ gặp được anh, chắc mạ em mừng lắm.
Thái nói:
- Có một ông bạn cựu tù nhân, quê ở Phước Tích, Phong Điền, mới về Việt Nam. Tôi nhờ ông ấy quay giúp một cuốn băng từ chợ Mỹ Chánh dọc theo sông Ô Lâu qua khu vực căn cứ Vinh An trước kia, xem làng xóm, sông nước bây giờ thay đổi ra sao. Thời gian ở Vinh An, tôi gặp một trận lụt, cần lên Huế có việc, nhưng đường ra Mỹ Chánh lụt, nên phải quá giang đò chợ của mấy cô. Khi gọi đò vào, lính hò chòng ghẹo, còn các cô thì chúm chím cười – Thái cười – Lúc đó biết đâu cô chẳng ở trên mấy con đò đó.
Phương nói:
- Em cũng thường đi lại trên sông Ô Lâu ra Mỹ Chánh, nhiều lần nghe những câu hò đuổi theo của mấy ông lính cùng với những tiếng cười khúc khích của các cô trên đò. Dòng sông đầy tiếng cười như rứa mà cũng đầy máu lửa. Chừ em còn nhớ từng khúc quành máu lửa, dọc theo Phước Tích, xuôi về phá Tam Giang. Từ Phước Tích qua Bầu Sen cũng gần, răng anh không nhờ ông ấy quay thêm khu Bầu Sen.
- Quay miền đất hòa giải thôi, còn Bầu Sen là nơi khói lửa hận thù thì ghi lại làm chi - Thái cười - Như thế là hai mươi năm trước chúng ta đã làm lễ xóa bỏ hận thù ở Vinh An, còn bây giờ là lễ mừng anh em gặp lại nhau trên đường lưu lạc tha phương.
Phương cúi xuống để dấu nỗi xúc động, rồi ngước lên:
- Anh đã nói như rứa, em xin mời anh về Baltimore với em. Em sẽ xin cho anh một việc trong company em đang làm – Phương nhìn Thái: Anh về hỉ.
Thái ngạc nhiên và bối rối trước điều bất ngờ:
- Cám ơn cô đã quan tâm… nhưng chuyện đó phải để tôi nghĩ lại.
- Nghĩ chi nữa, anh. Ở mô cũng đi làm thuê mà chừ anh chỉ có một mình, đời sống cô độc ở Mỹ dễ sợ lắm. Về Baltimore, có người này người kia, không tốt hơn ư?
- Tất nhiên là tốt hơn - Thái cười – Nhưng đâu có gấp như đêm ở Vinh An. Cô để thư thả cho tôi một thời gian nữa.
- Thư thả là bao lâu, một tháng, hai tháng… Em sẽ gọi… Anh về hỉ - Phương với tay nắm tay Thái – Bao nhiêu năm nay không bao giờ em nghĩ là còn gặp lại anh, nhưng nhớ đêm ở Vinh An, nhớ chiếc bao cát, nhớ lúc anh vẫy tay khi trực thăng bay lướt qua những hàng rào kẽm gai – Phương như nghẹn lời… Cả đời người, em không thể tìm thấy cái chi đáng nhớ hơn là lúc anh dẫn em qua con đường đất lồi lõm giữa những hàng kẽm gai đầy mìn ra bãi trực thăng.
Thái trầm ngâm nhìn bàn tay Phương trên tay mình một lúc, rồi nói:
- Có ai ngờ những bàn chân ấy lại có lúc bước thung dung trên những thành phố đầy ánh sáng của Mỹ Quốc. Không biết có bao giờ cô nghĩ đến những bước chân của mình từ đó đến nay, còn tôi thì thường nhìn vào bản đồ Việt Nam, hình dung những bước chân đã đi qua những vùng núi đồi, ven biển Thừa Thiên, rồi hình dung những bước chân đi tìm gỗ, tìm tre trong những năm tù ở Bình Long, ở Phước Long… Chỉ có rừng và những bước chân. Những con đường mòn đầy lá mục và vắt. Những con đường dốc đá trơn và đói đến run người, hoa mắt.
Phương nắm chặt tay Thái:
- Những ngày đó đã qua rồi, anh ạ.
- Qua những ngày đó thì đời người cũng hết… Từ ngày đến Mỹ tới nay đã trên 8 năm, không còn phải lo chuyện cơm áo, công an, hộ khẩu, nhưng tôi thấy mình lạc lõng. Không hiểu cô đã nhập được vào xã hội này như thế nào, còn tôi thì nghĩ là có lẽ mình đã quá cái tuổi có thể nhập vào nó.
- Tâm trạng của anh có thể nói là tâm trạng chung của nhiều người Việt. Em cũng rứa. Vì đời sống ở đây khác. Mình không thể tìm thấy xã hội Việt Nam trong xã hội Mỹ. Nhưng theo em nghĩ thì xã hội Mỹ cho mình một môi trường tự do với những cơ hội. Mình sẽ quen với nó cùng với những niềm tin trong công việc và sự yên vui trong đời sống gia đình – Phương ngừng lại một lát, rồi nói: Nếu không có chi gấp, anh ở lại chơi, sáng mai em sẽ lên đón anh về Baltimore.
- Cám ơn cô. Tôi phải về đi làm, nhưng sáng mai tôi với người bạn đi cùng sẽ qua Baltimore thăm bà cụ và gia đình – Thái nói, rồi đứng lên: Bây giờ mình tới chỗ hẹn cô ạ.
Việt Dương