Cầm lên được thì bỏ xuống được
Lịch sử sẽ chép rằng tổng thống Biden của đảng Dân chủ đã chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ là cuộc chiến A phú Hãn (Afghanistan), vào đúng ngày xẩy ra biến cố đưa nước Mỹ vào cuộc chiến cách đây 20 năm. Cũng sẽ có người thêm thắt cho rõ là cuộc chiến đã mở ra bởi tổng thống Bush con của đảng Cộng hòa. Tất nhiên là những người cuồng tin Trump không thể im miệng mà không cãi rằng chính tổng thống Cộng hòa Donald Trump đội mũ đỏ in bốn chữ MAGA, viết tắt của khẩu hiệu tranh cử Make America Great Again (làm cho Mỹ vĩ đại trở lại) mới là người quyết định rút hết quân Mỹ vào ngày 1 tháng 5/2021. Còn Biden vì lú lẫn già nua cho nên lờ quờ quanh quẩn khiến chậm lại tới 11 tháng 9. Nhiều người Mỹ sẽ lửng lơ hỏi Afghanistan là ở đâu, thuộc giống dân da mầu hay da trắng, có biết ngoạm hamburger vài miếng hết và chiêu bằng coca cola như tổng thống Trump hay không? Và các nhà lãnh đạo Mỹ đã làm những gì để khiến cho quân Mỹ phải dính líu vào đó tới 20 năm? Một cách hợp lý, thì những người đặt câu hỏi này đa phần là thuộc thế hệ Z sinh sau đẻ muộn nên không biết rằng vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã xẩy ra một cuộc tấn công khủng bố ngoạn mục không tiền khoáng hậu vào những địa điểm kinh tế chính trị đầu não của nước Mỹ. Nhưng nói cho ngay thì thế hệ bố mẹ hay ông bà của thế hệ Z có thể nhiều người cũng chẳng biết Afghanistan ở đâu.
Đó là một buổi sáng đẹp trời. Tôi đang lái xe trên đường 95 sau một đêm trực gác không bận rộn tại nhà thương Little Company of Mary Hospital thành phố Chicago về nhà, tai nghe chương trình phát thanh tin tức của đài NPR (National Public Radio) do một nhóm Do Thái chủ trương và được quốc hội Mỹ tài trợ. Thì được biết 4 chiếc máy bay phản lực chở hành khách của American Airlines và United Airlines bị cướp. Những không tặc đã lái những chiếc máy bay này lao vào hai tháp đôi cạnh nhau của World Trade Center (Trung tâm Thương Mại thế giới) ở New York và Ngũ giác đài ở Washington. Một chiếc bị đâm xuống ruộng ở Pennsylvania trước khi tới mục tiêu, có lẽ là tòa Bạch cung. Tổng cộng khoảng 3,000 người chết.
Ngay sau đó người ta biết rằng những thủ phạm này đa số là người Saudi Arabia và một số từ các nước Ả Rập khác. Những người cảm tử này đã học lái máy bay phản lực ở các công ty tư. Họ đem theo lên máy bay một cách dễ dàng những dao găm và các dao sắc cắt thùng carton chứa hàng để làm dụng cụ uy hiếp phi công. Bởi lẽ thời đó ở Mỹ nước Mỹ an toàn, mọi người ra vào các phi trường dễ dàng như các nhà ga xe lửa hay xe buýt, không phải trình thẻ căn cước hay bị khám xét gì, tới tận cổng lên máy bay. Sau vụ khủng bố này, tất cả các phi trường bị canh phòng cẩn mật, hành khách bị khám xét kỹ lưỡng để tìm võ khí và đồ sắc bén có thể dùng để uy hiếp phi hành đoàn hay các thứ có thể dùng để phá hủy máy bay.
Vụ khủng bố chấn động này được tiến hành là để phản đối chính sách Mỹ ủng hộ Do Thái thi hành chiến tranh lấn áp ở Trung đông. Người tài trợ cho vụ này là Osama bin Laden, một đại gia Saudi Arabia, vốn được cơ quan CIA Mỹ xử dụng cầm đầu Al Qaeda, là một nhóm Ả Rập thánh chiến chống Nga từ khi Nga ủng hộ chính phủ Cộng sản Afghanistan. Osama bin Laden sống ở Afghanistan. Tổng thống Bush con yêu cầu chính phủ Afghanistan giao nộp. Nhưng lực lượng Taliban lãnh đạo chính phủ Afghanistan lúc đó từ chối, với lý do phải đưa bằng cớ chứng minh bin Laden là thủ phạm. Thế là ông Bush mở ra chiến tranh tấn công Afghanistan, với sự tham dự của Úc, Canada và một số chừng mươi nước đồng minh khác, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên Hồi giáo trong khối NATO. Mặc dầu các cuộc hành quân truy lùng ráo riết nhưng bin Laden đã trốn khỏi Afghanistan lúc nào không ai hay. Cho tới khuya ngày 2 tháng 5/2011 thì bị một nhóm người nhái Mỹ đột kích giết chết tại căn nhà đang ẩn náu trong thị trấn nhỏ Abbottabad thuộc Pakistan. Mỹ đã quyết định không cho chôn xác của Osama bin Laden để tránh không có một tụ điểm thu hút những kẻ sùng bái đến thăm viếng chiêm ngưỡng, như một mẫu mực thánh tử đạo. Xác bin Laden sau khi giảo nghiệm ở Afghanistan để biết chắc là đương can, đã được cho lên hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson đem thả chìm giữa biển khơi ở một địa điểm bí mật.
Theo Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (Congressional Budget Office), tổng số tốn kém cho chiến tranh Afghanistan là chừng 2.7 ngàn tỉ (trillion) đô la. Riêng phần quân sự năm 2019 là 778 tỉ. Quân nhân thiệt mạng lai rai 2,300 người. Bị thương 20,000. Nói chung tốn kém trong 20 năm như vậy không là bao nhiêu nên đã không gây nhiều chú ý lắm nơi quần chúng Mỹ. Cho nên khi Trump ra quyết định rút hết khỏi Afghanistan vào ngày 1 tháng 5/2021 thì đã không có mấy ồn ào bàn tán. Các tướng lĩnh trách nhiệm chỉ nói rằng tình hình thực tế chưa thực sự ổn định và e ngại chính phủ Afghanistan do Mỹ ủng hộ sẽ không đủ sức đứng vững. Giới lãnh đạo quân đồng minh ở Afghanistan cũng bầy tỏ lo ngại tương tự, nhưng chẳng thể làm gì khác ngoài việc yên lặng theo chân đàn anh Mỹ rút lui làm sao cho an toàn. Vì Taliban, tuy đã được Mỹ điều đình để yên cho Mỹ lui quân đã tiếp tục tấn kích và phá hoại. Mục đích chẳng qua là khẳng định sự hiện diện và lấn lên mà chính phủ Afghanistan khó ngăn chặn khi quân Mỹ đi hết. Thực vậy, các bình luận gia tên tuổi Mỹ đều nói rằng chẳng có mấy hy vọng chính phủ Afghanistan sẽ tồn tại lâu
Ở thời điểm này, thượng tuần tháng 6/2021, tin cho biết việc Mỹ rút ra khỏi Afghanistan đã tiến hành nhanh hơn dự tính, nghĩa là đã quá nửa. Cụ thể là trong vấn đề quân dụng quân khí giàn trải ra khắp nước theo nhu cầu đối phó với Taliban là một lực lượng về căn bản không doanh trại. Một phần rất nhỏ không đáng kể những thứ này được đem đi, còn tuyệt đại đa số được phá hủy đến mức độ mà đem bán đồng nát cũng không có người mua. Theo báo The Guardian Anh quốc thì dư luận Afghanistan cho rằng chuyện này biến nhiều vùng chiếm đóng Afghanistan thành một bãi rác khổng lồ không biết dọn đi đâu và dọn cách nào. Trong khi nếu không bị phá hủy tanh banh như thế thì có thể trở thành các phương tiện giúp cải thiện đời sống của vô số người địa phương. Về phía nhân sự thì kể như chưa giảm đi bao nhiêu. Và tổng số quân Mỹ hiện nay có khoảng 3,000. Vì theo nguyên tắc là còn giữ vai trò huấn luyện cũng như hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan trong các lãnh vực giữ gìn an ninh trật tự nói chung , và một phần phi trường Kabul nói riêng cùng với quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Hillary Clinton nhà chính trị tưởng chắc ăn như bắp sẽ là tổng thống phu nữ đầu tiên của nước Mỹ nhưng đã thua đau Donald Trump tháng 11/2016, và hầu như hoàn toàn im lặng từ bấy đến nay, đã hoàn hồn để lên tiếng góp ý với Biden vốn là người dưới cơ thuở đó. Bà Clinton kể ra hai mối nguy lớn của việc rút quân Mỹ, ai cũng thấy được. Một là sự vùng lên của Taliban và sự phát triển các nhóm chống đối khác như Al Qaede, IS…, hai là làn sóng người di cư tị nạn. Bà Clinton không nhắc đến lý do quan trọng đã làm bà ủng hộ can thiệp vào Afghanistan năm 2001 là để thay đổi, nâng cao sinh hoạt của người phụ nữ Afghanistan, cho bình đẳng với nam phái như nữ giới Mỹ.
Chuyện nước Afghanistan này lại thêm một lần nữa cho thấy rằng quy luật đặc thù để thi hành những kế hoạch Hoa Kỳ trên giấy tờ tốt đẹp - như viện trợ để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng tự do dân chủ kiểu Mỹ - là: “Cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được”.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 8 tháng 6/2021