Bà Khuê!
Mượn tên một nhân vật có tên giống tôi trong truyện ngắn “Tóc gió thôi bay” của tác giả Phạm Diễm Hương, lại thêm lời xúi giục của một cô em, tôi viết cho bà bức thư này và rất mong... bà sẽ không đọc được, ngược hẳn với “qui ước” là khi tôi viết gì thì bà check lại dưới “nhãn quan” của một độc giả bình thường,
- Chuyện tôi viết bà đọc có hiểu không?
- Chuyện này có dọ sang chuyện kia không?
- Có thiếu dấu hay sai chính tả không?
Tôi chỉ nhờ bà có thế, vì biết bà bận lắm.
Có thể bà là một “Càm Thị Ràm” của mọi thời đại, chuyện gì cũng lầu bầu.
Có thể là bà hà tiện, chi ly, đi làm “Baito” về, thế nào bà cũng đạp xe đi mấy cây số ghé 2, 3 siêu thị để mua một món đồ chỉ rẻ hơn vài chục yen rồi canh giờ để mua những đồ nửa giá.
Có thể bà bướng bỉnh, thời buổi lockdown này, chính phủ khuyến cáo một tuần đi chợ 3 lần, nhưng bà lại làm ngược, 1 ngày đi chợ có khi ba lần。
Có thể là bà lo xa quá lố, mua về chất một nhà những đồ “không cần thiết” khiến nhà không còn chỗ chứa.
Tôi “Cằn Thị Nhằn” bà hoài về mấy chuyện yokei 余計này, và sự thể cũng chả có gì thay đổi.
Nhưng dù được nhìn dưới nhãn quan nào, cảnh huống cá biệt nào, có một điều không thể phủ nhận nơi bà là: (...ngập ngừng đôi chút, mà thôi, nói luôn) là tấm lòng yêu chồng thương con và lo lắng cho gia đình nội-ngoại hết mực. Tôi rất “ái mộ” và bà đã trở thành “thiên thần” của tôi đấy.
Tôi, một thằng yêu câu ca lời hát từ thuở nhỏ, thích làm chuyện bao đồng, thích tham gia đám đông, thích sinh hoạt cộng đồng, tôi đi tìm và tôi đã gặp....bà, lần đầu tiên vào khoảng giữa năm 1989. Tôi thì cũng có đôi người để ý nhưng cũng không thiếu người chê: “chỉ được cái mồm, nói nghe ngọt sớt, không thành thật”. Không phải đâu, hiểu lầm đó, nghề của tôi là phải đi tìm giọng hát, tìm người cộng tác nên phải ngon ngọt với bất cứ ai.
Khoảng tháng 2/1990, tôi sững sờ xúc động khi bà mua tặng tôi một cái áo len, và một cái bánh, nhân dịp valentine, lần đầu trong đời tôi mới có cảm giác ấy.
Thế là tôi kết bà và dụ bà ở lại Nhật dù bà đã có giấy đi Mỹ. Hôm tôi “tỏ tình”, bà đã nói tất cả những gì mà bà đã “trải qua” không một chút dấu diếm. Tôi cũng đã làm như vậy. Tôi tự tin là tôi rất thành thật. Điểm này cũng giống như bà, tôi cũng có những cuộc hẹn hò linh tinh với những mối tình khác, nhưng cuối cùng mình đã thành vợ thành chồng.
Dạo còn khỏe, lúc sinh hoạt cộng đồng tôi bảo làm gì thì bà làm đó, kêu bà hát, múa, phụ công việc cho cộng đồng, đi đâu tôi cũng kéo bà theo và lúc nào bà cũng vui vẻ đi theo.
Từ ngày tôi mang “họa” bà đã khổ với tôi rất nhiều, nhất là lúc đầu, đi đứng không vững, nói thì ú a ú ớ, viết không ra chữ, buổi tối khi ngủ bà cứ thập thỏm nếu tôi trở mình, bà đẩy xe lăn cho tôi “tắm nắng” lúc ra ngoài trời. Bà ở ngay bên cạnh tôi 24 trên 24. Bây giờ thì “long thể” hơi khá hơn một chút nhưng bà vẫn phải lo cho tôi, đi làm về mệt mỏi, vẫn phải cân đo đong đếm cho tôi ngày ba bữa. Phải thức dậy 6 giờ sáng và đi ngủ lúc nào cũng phải 12 giờ. Bà phải lo bento sáng, phải giặt, phơi, ủi quần áo, đi chợ hàng ngày cho cả nhà, tôi biết những khổ cực này và muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với bà, nhưng chả biết phải làm sao. Bà thương và thông cảm.
À, Bà có giọng hát hay lắm, một trong điều tôi mê là giọng hát của bà, ngày xưa khi còn ở Việt Nam bà đã bị tụi nó kéo vào các nhóm sinh hoạt tập hát những bài khen chế độ dù bà không muốn, bà cũng từng đi hát tại các “tụ điểm văn hóa” để chia sẻ gánh nặng gia đình lúc cả nước lấy bo bo làm chuẩn. Lúc gặp bà tôi rất ngạc nhiên khi bà thuộc và hát làu làu những bài nhạc ngoại. Thỉnh thoảng, Tôi xúi và nhắc bà hát lại thì bà lại cằn nhằn: “Ôi, già rồi ông ơi, giờ đâu mà hò với hát”. Chịu khó tập hát lại đi, dù biết bà rất bận. Tôi cũng sẽ cố cầm đàn lại như lời bà khuyến khích dù tay tôi đã cứng. Có vẻ như tôi lại mơ tưởng chuyện không đâu.
Có một chuyện tôi thất hứa với bà và ân hận mãi: “Tôi sẽ nhất định ăn cá nếu lấy được bà”, nhưng tôi không thể và bà đã thông cảm cho tôi, không tra không khảo.
Ba mươi mấy năm sống với nhau vợ chồng mình đã quen hơi, nhưng tôi cảm thấy chưa quen chỗ. Theo cái nhà ông Ngữ Yên mà tôi mới quen thì “Miền Nam có ba mùa: nắng, mưa và nước nổi. Giờ đây mùa nước nổi thay bằng mùa nước ngập do đô thị hóa bằng lòng tham không đáy”, và còn rất nhiều những điều mắt không muốn thấy, tai không muốn nghe đầy rẫy....
Thôi Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương vậy! bà nhỉ!
Sơn Tây, Phước Long, Sàigòn sao vẫn còn xa quá.
Tôi viết và nghĩ bà....không đọc được.
Tôi mượn tựa đề truyện ngắn của tác giả Phạm Diễm Hương để kết thúc “lời tự thú” này:
“Mình yêu nhau nhiều hơn thế nữa”.
Bà đồng ý chứ!
Ông K.