Câu chuyện du học sinh Dương Đức Thịnh dẫm đạp cờ vàng trong ngày 30 tháng 4, 2021 và thóa mạ người Việt hải ngoại đã đi qua hơn một tháng nay. Dư luận quanh câu chuyện đáng chú ý này tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấm dứt. Những tranh luận liên quan đến câu chuyện vẫn đang được tiếp tục xuất hiện trên mạng qua sự chuyển tiếp những bài viết của luật sư Trần Kiều Ngọc và của những cá nhân bênh vực quan điểm của bà Ngọc.
Theo bà Ngọc, Dương Đức Thịnh chỉ là một nạn nhân của chế độ Việt Cộng, bị chế độ Việt Cộng nhồi nhét cho những tư tưởng cực đoan, hận thù người Việt tự do. Người Việt hải ngoại nên cởi mở và tạo cho Dương Đức Thịnh một cơ hội để hối cải và hiểu biết về người Việt hải ngoại.
Phát biểu trên Phố BolsaTV, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Cộng Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng Dương Đức Thịnh chỉ là một thanh niên yêu nước XHCN, vì bồng bột cho nên vào ngày Quốc Hận 30 tháng 4 đã thể hiện hành động một cách không đúng khi dẫm đạp cờ vàng và thóa mạ người Việt hải ngoại với những lời lẽ thô tục.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt ngày 6/5/2021, bà TKN nêu lên sự “băn khoăn” rằng liệu việc cộng đồng người Việt ở Úc vận động đẩy mạnh tới việc trục xuất Thịnh có phải là cách giải quyết tốt nhất hay không và đề nghị một cuộc hòa giải giữa Cộng Đồng và các du sinh tham gia trong vụ giật cờ vàng. Sau đó ngày 19 tháng 5/2021, luật sư Trần Kiều Ngọc đã viết ra một tường trình dài trên đài VOA tiếng Việt, trình bầy phương thức giải quyết pháp lý của nước Úc đối với du học sinh Dương Đức Thịnh, đưa ra những khó khăn pháp lý của Cộng Đồng người Việt Tự Do trong việc đối đầu với Dương Đức Thịnh. Hàm ý bài viết sự đấu tranh của cộng đồng về sự xúc phạm cờ vàng và sỉ nhục tập thể người Việt hải ngoại rồi sẽ không đi đến đâu, tuy Điều khoản 8303 của visa đến Úc có ghi rõ: “Không được tham gia vào các hoạt động gây rối đối với, hoặc trong bạo lực mà đe dọa gây hại cho, cộng đồng Úc hoặc một nhóm người trong cộng đồng Úc”.
Trong tư thế một luật gia, bà Trần Kiều Ngọc có thể làm như thế. Vì kỹ thuật nói trắng thành đen, sử dụng lỗ hở nguyên tắc hay thủ tục để thắng, vân vân, vốn là công cụ của ngành tòa án. Tuy nhiên là một người tự cho là hoạt động cộng đồng khi cách đây mấy năm bà đã thành lập phong trào trẻ thế giới đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, luận điểm hành động của bà Trần Kiều Ngọc thực là yếu kém. Bởi vì không thể tưởng tượng được rằng trong một cuộc tranh chấp mà phe yếu - trong trường hợp này là cộng đồng NSW- vì phương tiện và nhân sự giới hạn, lại đề nghị hòa hợp hòa giải với phe mạnh Dương Đức Thịnh, đứng sau là đảng và chế độ VC nắm trong tay phương tiện và nhân sự của cả một nước. Trong khi thực tế của tương quan lực lượng này, để bảo vệ người Việt tự do hải ngoại phương sách đối đầu chỉ có thể là “Rừng nào cọp nấy”.
Những người có để ý theo rõi luật sư Trần Kiều Ngọc từ nhiều năm nay đều thấy là bà Trần Kiều Ngọc ăn nói khôn ngoan lễ độ đều có cảm tình. Những người biết bà Ngọc đi đi về về Việt Nam thăm các trại cùi thấy bà là người có tinh thần xã hội, không khỏi nghĩ bà là người “trời sinh ra tử tế”, và có thể hiểu được cái kết luận chủ quan của bà về cá nhân một Dương đức Thịnh bồng bột tuổi trẻ. Nhưng không thể chấp nhận biện pháp dung dưỡng bà Ngọc đưa ra đối với một hành động rõ ràng toan tính của một băng nhóm mà Thịnh chỉ là một.
Nếu như Cộng Đồng hải ngoại không có phản ứng quyết liệt trong vấn đề Dương Đức Thịnh. Nếu như cộng đồng Người Việt Úc Châu dễ dàng bỏ qua chuyện này với lý do Dương Đức Thịnh non trẻ bồng bột. Nếu như cộng đồng không có biện pháp thích ứng, dứt khoát đối một việc làm rõ ràng tính toán vì hành động của Thịnh không phải chỉ có một mình mà là do cả nguyên băng côn đồ hung hãn, chưa kể vô số dư luận viên hàng ngàn kẻ hung hãn lên tiếng hùa theo hỗ trợ. Thì chẳng bao lâu nữa những hiện tượng tương tự như Dương đức Thịnh sẽ nhúa lên quấy phá sự ổn định của các cộng đồng tự do hải ngoại.
Dương Đức Thịnh là một viên đá dò đường chứ không phải là một nạn nhân của chế độ như lập luận của luật sư Trần Kiều Ngọc.
Tuệ Vân
Ngày 10 tháng 6 năm 2021.