Thật bất nhẫn khi nghe tỉnh Bình Phước bỏ ra tổng số tiền gần 300 tỉ đồng để xây dựng một khu công trình lưu niệm, gọi là “hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen”. Ngay cả thời không khó khăn, công trình này cũng có thể làm cho người Việt cảm thấy mỉa mai, chứ đứng nói gì đến thời dịch bệnh khó khăn lúc này.
Vì sao là mỉa mai? Bởi Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo miền núi – nghèo đến nỗi năm nào cũng xin chính phủ xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói. Ngay cái Tết Canh Tý 2020 vừa rồi, Chính phủ Trung ương đã phải ra quyết định (129/QĐ-TTg ngày 17/01/2020), để gửi cho Bình Phước khoảng 408 tấn gạo cứu đói. Bình Phước là tỉnh thứ 7 trong 10 tỉnh, hàng năm vẫn luôn kêu khóc vì không đủ ăn.
Tết Tân Sửu 2021, Bình Phước lại kêu đói. Lần này trong danh sách 11 nơi cần cứu trợ, Bình Phước cũng xin 401,61 tấn gạo, tức chỉ lấy ít hơn một chút, so với mùa mưa bão dị thường trước đó. Nói chung, danh sách từ năm 2014 đến nay, lúc nào chính quyền Bình Phước cũng kêu đói.
Nhưng không phải có gạo, là dân bớt khổ. Dân số Bình Phước hiện nay ước tính có khoảng 994.679 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có 195.635 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 40 thành phần dân tộc thiểu số sống đan xen, cuộc sống đầy khó khăn.
Với lịch sử xin gạo xin cứu đói như vậy, cho thấy chính quyền tỉnh Bình Phước lâu nay gần như không làm ra tiền, hay nói cách khác là thiếu khả năng trong việc tạo ấm no cho người dân ở đây.
Trong cụm công trình vĩ đại về Campuchia và Hunsen mà tỉnh Bình Phước ngợi ca, có nhắc đến chuyện là tập trung xây cả quốc lộ 13B và đường vào điểm X16 (nơi có khu lưu niệm) với chiều dài hơn 23 km. Nơi được nhắc đến đó là huyện Lộc Ninh, vùng hẻo lánh của tỉnh Bình Phước. Năm 2020, chính huyện này khoe thực hiện chương trình phát triển nông thôn, làm 1.000 km đường, sau một năm triển khai, đến nay, đã được 431 km, nhưng theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tổng tiền là 220 tỷ đồng.
Vậy đó, con số phát triển trên đất nước Việt Nam mà Bình Phước làm được mới nhất, kinh phí thực hiện trên 220 tỷ đồng – tức con số vẫn chưa bằng được số tiền của khu lưu niệm đó. Mà mỉa mai hơn, là là chính quyền kêu gọi nhân dân góp tiền để làm, chứ không phải là hoàn toàn từ ngân sách thuế của tỉnh hay quốc gia.
Theo báo Tuổi Trẻ, Bà Trần Tuệ Hiền – chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho hay cụm công trình hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và nhân dân Campuchia hiểu rõ hơn về công lao của thế hệ ông, cha đi trước.
Không biết là người Campuchia sẽ học được và học gì từ cụm tượng đài này, nhưng rõ ràng 40 nhóm sắc tộc thiểu số ở Bình Phước đang mất dần ngôn ngữ, văn hóa bản địa của mình do không được chính quyền địa phương chăm chút. Cụ thể với người S’tieng, việc không có đủ sách vở và hình ảnh để sử dụng, lưu giữ lại các đặc thù văn hóa, chữ viết của sắc tộc này đang mất dần. Thậm chí, tháng 2/2021, trên báo Bình Phước còn có bài của nhà nghiên cứu Điểu Điều, van xin chính quyền các cấp đừng viết sai tên riêng của S’tieng trong giấy tờ, và cũng nhắc rằng người S’tieng có chữ viết riêng của mình, chứ không phải nghèo nàn văn hóa như các cơ quan nghĩ.
Năm 2021, chính sách thanh lọc sắc tộc của chính quyền Campuchia đã gắt gao hơn trước. Nhiều gia đình Việt Nam sống chung quanh Biển Hồ hay dòng Tonlé Sap bị đuổi chạy về Việt Nam. Hàng ngàn người Việt xơ xác dừng chân ở Tây Ninh và Bình Phước để cắm tạm một chiếc lều, vất vưởng qua ngày. Dân thoát về từ sông Tonlé Sap kể, chính quyền Campuchia ra lệnh trong một tuần phải ra khỏi đó, đi đâu không cần biết, nhưng nếu thuyền hay nhà tạm còn thấy thì sẽ bị đập, cào bằng không còn gì.
Thế nhưng, ngay tại quê hương của mình, người Việt hồi hương thất thần về đến, không nhận được sự giúp đỡ gì thực chất. Điều họ cần nhất, là giấy tờ tùy thân để có thể hội nhập cuộc sống nhưng ngay cả việc đó cũng rất xa vời. Rất nhiều thanh niên chạy xuống các khu chế xuất, công nghiệp để xin việc làm, nhưng không ai dám nhận vì không có căn cước, hộ khẩu gì theo quy định. Với chính quyền Việt Nam, ngoài chuyện tìm hiểu, còn cả chuyện e dè về an ninh nên không dễ dàng cấp giấy tờ, ngoài việc cho trẻ em các chứng nhận tạm để đi học.
300 tỉ đồng để tạo khu lưu niệm ngợi ca Thủ tướng Hun Sen, nếu là các khu nhà tạm, khu chung cư tạm để giúp cho những người Việt hồi hương về Bình Phước sống đỡ nhọc nhằn hơn, hoặc để tổ chức các chương trình dạy nghề, làm vốn cho làm ăn – ắt sẽ phải chấp nhận mất đi những bài học cách mạng cho tuổi trẻ Campuchia, và kể cả công ơn trong sáng của đảng cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ. Nhưng chắc chắn, đổi lại, sẽ là những bài học quý như vàng về sự chân thành của tình đồng bào và một chính quyền nhân dân có thật.
Chông chênh, không nơi nương tựa ngay quê hương của mình, và phải thưởng thức lời ngợi ca về một chính quyền vừa xua đuổi mình, có lẽ là khúc nhạc mỉa mai nhất, mà những người Việt hồi hương này có thể cảm nhận được. Y như cách mà tiến sĩ Christoph Sperfeldt, tác giả tập nghiên cứu, mô tả về thảm cảnh của người Việt lưu lạc về từ Biển Hồ là chiếc thuyền không neo (A Boat Without Anchors), cuộc đời của những đồng bào Việt vẫn còn chưa tìm được một chỗ đứng vững, thua cả một khu tượng đài vô tri và hoang phế