Có phải trong cuộc đời này dường như cái gì cũng có thể trở thành kỷ niệm? Môt bài thơ. Một bản nhạc. Một tấm ảnh . Một bức tranh vẽ… Và cuộc đời lại cũng có lắm cái tình cờ. Thường là thú vị. Một hoàn cảnh tình cờ nào đó bây giờ, biết đâu lại chẳng trở thành một kỷ niệm đẹp sau này. Và, đôi khi, sự tình cờ cũng có cái “giá” của nó.
Bức tranh mà tôi gìn giữ bấy lâu nay là có ý định từ trước; nhưng lại cùng có một chút tình cờ (trong đó). Thể mà bây giờ cũng đã trở thành kỷ niệm. Một kỷ niệm quý…để tôi có thể tự nhủ rằng, dù có thể “một đi không trở lại “, ít nhất mình cũng vẫn “còn một chút gì để nhớ” . Trong trường hợp này, là để kỷ niệm bức tranh lụa được vẽ bởì họa sĩ Bé Ký.
Thoạt nhìn bức tranh, hẳn ai cũng biết và cũng sẽ bảo đây là bức tranh luạ “Nắng Hè”; và tác giả là hoạ sĩ Lê văn Đệ ! Vâng, đúng thế. Nhưng, cũng không hẳn thế. Và, nếu có ai bảo rằng đây là bức tranh do hoạ si Bé Ký vẽ , thì chắc chắn nhiều nguời cũng sẽ ngạc nhiên, vì không phải! Nhưng, éo le thay; điều này cũng không hoàn toàn sai. Như thế là …thế nào?
Điều này có “lai lịch” hẳn hoi.
Năm 1983. Trước khi lên đường đi định cư tại Canada, tôi chợt nảy ra ý định muốn có một chút kỷ niêm về VN. Vì nghĩ “Ra đi là hết rồi…” (*). Biết bao giờ về lại. Muốn lưu giữ kỷ niệm đặc biệt về quê huong , thì theo tôi, bức tranh là có ý nghĩa, và có thể để được lâu. Về tranh vẽ, tôi rất thích tranh luạ. Từ lúc nào. tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng, ngay từ nhửng ngày còn nhỏ, tôi đã mê bức tranh luạ “Nắng Hè” của hoạ sĩ Lê văn Đệ. Tôi nghe nhắc đến tên ông trên báo chí đâu đó. Còn nhỏ, lo học, đâu đã biết gì mà theo dõi, với tìm hiểu !. Có điều là, khi nhìn thấy bức tranh lần đầu tiên, tôi đã thích ngay. Có lẽ nó hợp với cái “goût» của tôi từ những ngày còn bé. Bức tranh toát ra một vẻ thanh thoát, tao nhã. Mà tôi thì lai vốn tâm hồn hoài cổ, thích cái gì có vẻ văn hoá, và gần với Á Đông. Dù rằng tôi cũng chẳng rành gì về nghệ thuật. Nhưng cứ nhìn nét vẽ mềm mại, màu sắc hài hoà, tôi đã “cảm” ngay. Và cứ nhớ mãi. Lần này (năm đó), cờ đến tay thì phất, tôi mới nảy ra ý định đặt vẽ bức tranh Nắng Hè mà tôi hằng ấp ủ bãy lâu. Như một sự tự đền bù, sau gần mười năm trời vất vả, chưa kịp… hoàn hồn.
Tôi đã thăm dò, được giới thiệu đến một hoạ sĩ, để đặt vẽ bức tranh luạ “Nắng Hè” mà từ lâu đã thích. Trong thâm tâm lúc đó, cứ yên trí là nhà họa sĩ còn sống. Tôi đã nêu tên bức tranh cùng với tên tác giả. Nghĩ rằng nguời ta sẽ “liên hệ ” với họa sĩ Lê văn Đệ để hoàn tất bức tranh. Được vui vẻ nhận lờì. Lâu ngày tôi cũng không nhớ, do ai giới thiệu , mà tôi lại đến ngay nhà hoạ sĩ Bé Ký. Và khi đến nhận bức tranh, tôi mới được biết là do chính bà vẽ. Nhưng, vì vội, tôi cũng không thắc mắc về hoạ sĩ Lê Văn Đệ có còn sống hay không. Sau này mới rõ, thì ra “cụ” đã mất từ lâu.
Cũng may, nếu lúc đó tôi (dở hơi) mà cố tìm cho bằng được hoạ sĩ Lê văn Đệ, để nhờ vẽ, thì chắc phải đợi…kiếp sau. Âu cũng là một cái duyên may. Do tình cờ, tôi đến với hoạ sĩ Bé Ký….
Bây giờ, nghĩ lại, kể cũng hơi lạ. Đến nhà một hoạ sĩ, lại nhờ vẽ bức tranh mà mình thích của một hoạ sĩ khác!. Ngu ngơ làm sao. Người khó tính, biết đâu lại chẳng trách. Nhưng may cho tôi, nhà nữ hoạ sĩ – dường như cũng sẵn nhạy bén- thông cảm với niềm ao ước của tôi, đề nghị của tôi đưọc nhận, qua một người giới thiệu . Đúng là “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”..Lâu ngày quá, tôi không nhớ rõ chi tiết. Mãi đến ngày hẹn để đem tranh về, tôi mới hay là bức tranh này do chính hoạ sĩ Bé Ký vẽ. Thật là quý. Âu cũng là cái duyên. Một bức tranh mang “dấu ấn”của hai hoạ sĩ. Một, là sáng tác của nhà hoạ sĩ bậc thầy trong ngành hội hoạ. Nhờ bức tranh của ông mà tôi có được chủ đề. Đó là hình ảnh một thiếu phụ tóc dài chấm đất. Nằm võng, ôm con. Đôi guốc mộc, chiếc gần, chiếc xa, ngay ô dưới sàn nhà, trước võng. Đàng sau, ngoài hàng hiên là chiếc chõng tre, cạnh cột nhà. Không gian yên tĩnh của một buổi trưa hè. Một cái gì êm ả và rất Việt Nam. Hình ảnh quen thuộc ấy lại được tái tạo bởi một hoạ sĩ, từng vẽ những bức tranh chân phương, đầy dân tộc tính. Quý biết bao. Nhờ vậy mà, với tôi, bức tranh luạ này mang hai ý nghĩa. Nhìn kỹ, nét vẽ của nữ hoạ sĩ chỉ hơi khác bức tranh nguyên thuỷ ở một vài nét. Nhưng, nhìn tổng quát, khó ai phân biệt được. Nhất là khi hoạ sĩ LVĐ lúc ấy đã không còn nữa, trên đời. Mới biết mọi sự tuỳ duyên. Và thế là tôi may mắn có đưọc chút kỷ niêm với hoạ sĩ Bé Ký. Nhìn bức hoạ, tôi có thể nhớ cả hai hoạ sĩ một lúc. Một sáng tạo, hoạ sĩ Lê văn Đệ. Một tái tạo, Bé Ký, nổi tiếng về nét vẽ dân gian, tròn triạ và bình dị. Cả hai vị đều đã đi vào lịch sử (hội hoạ). Cả hai đều đã đi về bên kia thế giới. Và, cả hai vị đều nổi tiếng – trước, sau.
Sống ở Canada bao nhiêu năm, bức tranh được bấy nhiêu tuổi. Trong khi ấy, bức tranh lụa kỳ cưụ của hoạ sĩ Lê văn Đệ thì đựợc vẽ từ năm 1954. Đã 67 năm.
Thời gian qua, tất cả có còn lại gì, ngoài giá trị tinh thần và lại được cụ thể hoá bằng hình ảnh, màu sắc. Kỷ niêm thật vô giá. Sự tình cờ, lại cũng có cái “giá” của nó. “Vô giá” với “có giá” , rốt cuộc, cũng là một.
Nguyễn thị Ngọc Dung
Tháng Năm, 2021