March 17, 2021
Người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Ravina Shamdasani, cho biết: “Số người thương vong tăng cao trong tuần qua tại Myanmar, lực lượng quân đội thẳng tay dùng vũ lực càng lúc càng dữ dội hơn để chống lại những người biểu tình ôn hòa”.
Theo số liệu Văn phòng này chứng thực được, thì tới nay đã có 149 người chết trong các chiến dịch trấn áp người biểu tình kể từ ngày 1-2. Tuy nhiên, bà Ravina Shamdasani nhấn mạnh con số trên thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Riêng thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ tù chính trị (AAPP) cho biết hiện nay có hơn 180 người bị giết chết tại Myanmar, trong đó chỉ riêng chủ nhật vừa rồi (14-3) đã có 74 người thiệt mạng. Hàng trăm người khác mất tích, hơn hai ngàn người bị bắt giam.
Những cuộc trấn áp gia tăng cường độ sau khi phía Trung Quốc lên án những người biểu tình đã đốt phá các xí nghiệp, cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ. Hẳn chúng ta còn nhớ, sau khi thực hiện cuộc đảo chánh, giới quân đội nắm quyền đã bế quan tỏa cảng, kể cả hàng không. Thế nhưng các chuyến bay từ Trung Quốc liên tục đáp xuống phi trường Miến Điện, tựa cầu không vận giúp các phương tiện, trang thiết bị trấn áp dành cho giới quân phiệt. Đây cũng là lý do khiến người biểu tình Miến Điện nổi giận trước sự chống lưng công khai từ phía Trung Quốc.
Mặc cho sự khủng bố dã man từ giới quân phiệt, cùng với sự ủng hộ công khai và những lời kêu gọi trừng phạt người biểu tình từ phía Trung Quốc, những người biểu tình vẫn mạnh mẽ xuống đường chống lại những thế lực đang cố tình giết hại đồng bào mình. Mặc cho làn mưa đạn cao su và đạn thật giáng xuống, những lớp người trẻ vẫn tiếp tục chấp nhận đổ máu, kể cả mất mạng sống, hầu lên tiếng cảnh tỉnh cho người dân cả nước và cho cả thế giới trông vào hiện trạng đau thương này.
Nếu các quốc gia trong khu vực không cẩn thận, thảm cảnh nồi da xáo thịt sẽ lại tiếp diễn khi có bàn tay Trung Quốc can thiệp sâu vào nội bộ chính quyền. Các món lợi kinh tế, các ủng hộ võ khí vô điều kiện đã khiến nhiều kẻ tham quyền cố vị mê muội bám theo sự vẽ vời của những thế lực xấu xa ấy.
Phản ứng mạnh mẽ từ phía người biểu tình cho thấy họ đã sẵn sàng chấp nhận những tình huống xấu nhất xảy đến. Họ biểu lộ sự thức tỉnh vì biết: nếu buông tay, họ sẽ trở thành những con người lầm than, nô lệ ngay trên quê hương mình! Giờ đây, dẫu trời có sập xuống họ cũng chả quan tâm. Những người bạn nằm xuống không làm họ nhụt chí. Trái lại, nó gia tăng sức mạnh, lòng can đảm, giúp họ lao mình tới giữa đêm tối của khủng bố, đàn áp, giết chóc. Những người biểu tình đang đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết; giữa chết vinh hay sống nhục; giữa tự do hay nô lệ; giữa dân làm chủ hay quân đội làm chủ….
Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), với ông Mahn Win Khaing Than là người được chỉ định làm người đứng đầu, đã nói: “Đây là thời điểm để người dân của chúng ta thử thách khả năng chống lại những thời khắc đen tối… Bất chấp sự khác biệt trong quá khứ, đây là lúc chúng ta phải nắm chặt tay nhau để vĩnh viễn chấm dứt chế độ độc tài.”
Kể từ cuộc đảo chính quân sự, hơn 100 người đã trốn khỏi Myanmar đến Mizoram, Ấn Độ. Trong đó, nhiều người là cảnh sát Miến Điện. Những người này được ghép cặp với thành viên quân đội khi đi tuần tra trên đường phố. Và các sĩ quan quân đội đã hạ lệnh buộc các cảnh sát này bắn vào người biểu tình. Các cảnh sát này đã phải bỏ trốn để tay không phải vấy máu đồng bào.
Hình ảnh những binh lính Miến Điện kéo lê xác người bị bắn chết trên đường đã tràn đầy trên mạng. Đó là lời cảnh tỉnh cho dân tộc Miến Điện rằng: thời khắc của họ đã đến, số phận của họ rồi đây hoặc sẽ bị kéo lê trên dòng đời hoặc tự họ đứng lên đi trên đôi chân của mình… Xét cho cùng, mọi thay đổi tốt đẹp hơn cho các quốc gia phải khởi đi từ chính khát vọng và hành động của nhân dân chứ không thể chỉ trông chờ vào bên ngoài. Người dân Miến Điện đang đi đúng hướng.