Mấy hôm nay, trên chung cư Phây hiện ra “lồ lộ” vài tấm hình từ FB của ông đàn anh chụp lúc sang Nhật hội ngộ với nhóm sinh viên exryu trước 75. Ông này cũng là người “đồng hành” với tôi trong vai trò MC cho các c/t văn nghệ 2 năm trước. Tôi vẫn nghĩ là ông sẽ tiếp tục đưa những tấm hình các c/t văn nghệ như ông đã đưa, vì ông cũng là “thợ” chụp, nhưng ông lại đưa vài tấm hình khác, xem xong tôi…. ngẩn ngơ và cảm thấy thèm thuồng chi lạ. Trời ơi: hình chụp mấy xâu… bạn tôi ạ. Tôi bị “em” bỏ rơi cũng đã quá lâu vì không được phép có “em” bên cạnh, muốn gặp “em” phải qua “luật sư”! Và đó cũng là lý do chính khiến tôi có những “loạn bàn” này.
-------------
Yakitori
Theo nghĩa rộng thì “Yakiniku” là “bò nướng” còn “yakitori” là “gà nướng”, Việt Nam ta và ngay Nhật Bản có cả chục loại nướng về 2 thứ bò và gà, nhưng quân ta ở Nhật hay đã ở Nhật có thể hiểu rất rõ về 2 từ ngữ: “yakitori” và “yakiniku”.
Khi gọi là “yakitori” thì hầu hết mọi người nghĩ ngay đến những cây thịt gà, còn “yakiniku” là “Rosu”, “Karubi”, “Tan shio”…. Các loại bò nướng tại những tiệm xứ có gốc kimchi hay gốc….Nhật, nhưng cũng có nơi nhất là chợ Tàu ở Yokohama họ lại gọi Yakiniku là thịt heo quay. Hôm nay tôi chỉ xin nói đôi hàng về “yakitori” nhân được xem lại mấy tấm hình.
Yakitori là một món nhậu cực kỳ đơn giản và khoái khẩu của những “hũ chìm” sau một ngày làm việc. Trên đường về, dạo chưa có dịch “Corona” các quán bên đường nào cũng đầy ắp quân ta dù là quán đứng hay ngồi. Trước mặt là một tay thiện nghệ, mặt ướt đẫm mồ hôi, với hai tay nhanh nhẹn quay qua ngoắt lại những xâu thịt được đặt trên các lò nướng. Nướng xong rắc vào ít muối hoặc nhúng vào lọ đựng tare. Mùi xèo xèo thơm lừng khiến người đối diện sẽ thấy nồng cả mũi. Cứ 3 xâu một đĩa hoặc 5 xâu một đĩa chìa ngay trước mặt và cứ thế là quân ta lai rai bên cốc nama biru (bia sống?) , hay vài chung sake nóng cho đến lúc ngất ngây.
Yakitori thì có nhiều loại, momo (gà đùi), mune (gà ngực), kawa (da gà), negi (hành), tsukune (gà vo viên), gan, tim, mề, sụn, trứng cút, hormon, cà chua (trái nhỏ), moriawase (đủ các thứ trên) v..v… . Nướng xong, muốn ăn mặn thì rắc thêm muối gọi là “Shio yakitori” (muối), muốn ăn bình thường thì nhúng vào hũ đựng tare gọi là “Tare Yakitori”, việc gọi này là tùy theo khấu vị mỗi người. Rất là đơn giản, quân ta chỉ cần chuẩn bị:
Gà, muối, dầu mè, đường, tiêu hạt, bột càri, gừng sống (đựng trong tube), rượu và shoyu. Cắt các miếng thịt gà hình quân cờ, rồi trộn hay rắc những thứ lỉnh kỉnh ở trên cho vào một hũ gọi là tare. Tùy theo “nội dung” lượng, có thể 1 cây xiên 3 hay 5 miếng. Vấn đề còn lại là nướng sao cho vừa chín, vừa có một chút cháy nam nám trên một lò nướng với độ lửa vừa phải, nếu để quá sẽ “bỏng tay” và chỉ còn cách đem đi….”xử lý”. Khoảng 10 năm trước, khi cậu con còn làm arubaito tại Lawson (tiệm tiện lợi), thỉnh thoảng mình được “ăn chùa” vài xâu yakitori vì bán không hết ngày hôm đó.
Hiện tại để “tiện việc sổ sách”, quân ta có thể mua từng hộp Yakitori làm sẵn, được nhập từ Thái, Ba Tây, Đài Loan và nước “lạ”. Rất rẻ nhưng ngon hay không ngon lại là chuyện khác, mua về chỉ cần nướng hoặc cho vào lò vi ba là xong chuyện. Tôi thì vẫn thích cách nướng tại chỗ vì cảm thấy “gần gũi” và “bắt mũi” mình hơn, cũng giống như ăn sushi sẽ ngon hơn vì thấy người ta “biểu diễn” làm sushi ngay trước mặt, tôi nghe kể là như vậy. Sự thực thế nào thì xin dành cho một người khác có …thẩm quyền.
Món ăn này đã có từ ngàn xưa và được coi là “quốc sản” Nhật, không nơi nào là không có. Nhưng từ lúc quân khốn nạn có “tên” là cô vi và “họ” là virus xâm nhập thì các hàng quán thế này hầu như vắng bóng ông đi qua bà đi lại. Bạn ta nên nhớ là các loại hàng vỉa hè này chỉ bắt đầu rợp trời từ khoảng 8 giờ trở đi cho đến khi hết giờ xe điện.
Không biết Việt Nam ta có từ ngữ tương tự như chữ “Hashigo” tiếng Nhật không? có nghĩa là cái “cầu”. Hiểu “hẹp” một chút nghĩa là sau khi “hoắc” cần câu ở quán thứ nhất, quân ta lại tiếp tục “hoắc” tiếp sang quán thứ hai hay thứ ba…. cho đến hết giờ xe điện. Các quán “yakitori” này chỉ ăn nên làm ra từ 8 giờ tối trở đi nhờ “hashigo”, nhưng đã điêu đứng khi cái quân khốn nạn xâm nhập dù đã được chính phủ chi viện một phần.
Cầu mong sao cho quân ta sớm được chích ngừa vaccin để tránh lây lan, chứ cứ trồi sụt lên xuống thế này thì chỉ có nước “Nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển” mất, nghe thấy mà ớn quá.
À quên, báo cáo cuối cùng, may quá, nhờ “luật sư” cho phép, hôm qua tôi đã được ôm “em”… có giới hạn. Thôi cũng tạm đủ quên đời. Nhớ lại cái câu thơ trong bài của Thanh Tâm Tuyền được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành bài hát “Dạ Tâm Khúc”.
“Ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới”.
Thật khổ thân tôi.
Vũ Đăng Khuê