Tôi vội vàng bỏ vào giỏ xách quả cam và miếng bánh bông lan để chuẩn bị đi thăm mẹ. Nursing Home chỉ cách nhà 15 phút lái xe rất tiện cho tôi đến thăm mẹ mỗi ngày.
Tưởng rằng về hưu tôi sẽ có nhiều thì giờ thong thả hơn để thăm mẹ thế mà vẫn thường có lý do bận rộn, không chuyện này thì chuyện kia, lần nào cũng hấp ta hấp tấp.
Hôm nay tôi vừa đi dự đám sinh nhật cháu một người bạn nên về nhà trễ, thế là đi thăm mẹ cũng trễ theo.
Ký tên ở ngoài bàn security ngay cửa ra vào của Nursing Home xong tôi vào thang máy lên lầu hai.
Bước vào phòng mẹ thấy hai chiếc giường trống vắng, mẹ tôi và bà “bạn” cùng phòng vẫn chưa về, chắc là hai bà đang ở phòng ăn hoặc phòng khách.
Không biết cố tình hay ngẫu nhiên mà họ sắp xếp hai bà già Châu Á nằm chung phòng, bà kia người Phi Luật Tân, nhưng dù bà là người gì, Mỹ đen, Mỹ trắng, Mỹ da đỏ hay Ả Rập thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nhau vì cả hai bà đều mất trí, ngơ ngẩn, chẳng ai nói với ai một lời nào.
Hai giường nằm gần nhau, chỉ cách nhau một tấm màn mà hai thế giới xa xăm vời vợi.
Tôi đến phòng ăn thì thấy mẹ vẫn đang ngồi trong chiếc xe lăn bên sát bàn ăn, trên bàn là những mẩu bánh mì sandwich xé nhỏ nằm trong vũng sữa lênh láng, mẹ tôi đã bốc mẩu bánh mì từ vũng sữa ấy bỏ vào miệng nhai, nhưng có lẽ bà chẳng biết là đang ăn cái gì.
Sữa từ bàn chảy vào áo mẹ, sữa dính nhoe nhoét trong bàn tay mẹ. Thấy mà thương.
Mấy năm mẹ nằm trong Nursing Home, hầu như ngày nào tôi cũng đến thăm mẹ nên từ nhân viên an ninh ngoài cửa đến supervisor và các nhân viên chăm sóc người gìa người bệnh trong này ai cũng quen mặt tôi
Thấy vẻ mặt bất bình không vui của tôi người nhân viên đứng gần đó vội trình bày:
– Bà ấy vừa làm đổ ly sữa ra bàn tôi bận phía này nên chưa kịp lau.
Bao giờ họ cũng có lý do chính đáng, những người gìa người bệnh trong Nursing Home nếu không mất trí nhớ thì cũng lẩm cẩm, cũng ốm đau có ai hiểu gì, có ai còn sức mà lên tiếng trách chê, cho nên họ được chăm sóc thế nào tùy theo lương tâm hay tâm trạng vui buồn của những nhân viên chăm sóc này mà thôi.
Tôi đẩy xe lăn đưa mẹ về phòng, đi qua mặt bà Ann. người cùng phòng với mẹ tôi. Bà Ann đang ngồi gục đầu trong xe lăn trông thật tội nghiệp, bà Ann khoảng 80 tuổi, trẻ hơn mẹ tôi gần chục tuổi mà tình trạng sức khỏe chẳng khá hơn là bao, bà cũng bị mất trí nhớ, cõi mê âm u, cõi tỉnh thì chỉ trong phút giây mơ hồ huyền hoặc.
Thỉnh thoảng tôi gặp con gái bà đến thăm, chúng tôi nói chuyện tôi được biết bà Ann trước kia là dược sĩ. Nhìn nét mặt sáng sủa thông minh của bà tôi đã hình dung ra cô dược sĩ xinh đẹp của mấy chục năm về trước.
Chắc cô Ann đã từng có những hạnh phúc, tiền bạc trong tay, nhưng giờ đây là bà Ann lú lẩn chẳng biết gì.
Có lần tôi hỏi bà Ann, bà là dược sĩ phải không, gương mặt đờ đẫn ấy nhìn tôi rồi gật đầu, giây phút hiếm hoi mong manh ấy bà Ann đã chợt nhận ra mình.
Mẹ tôi cũng thế, từ một cô gái xinh đẹp đã làm say đắm nhiều chàng trai bây giờ là bà già ngớ ngẩn.
Về đến phòng tôi mới phát giác ra mẹ đã “làm xấu” đầy trong tã lót, thế là tôi đỡ mẹ nằm lên giường để lau chùi và thay tã lót cho mẹ..
Kể từ khi gởi mẹ vào Nursing Home tôi đã làm được nhiều việc như những nhân viên chăm sóc đã làm, tôi thay được khăn trải giường, thay tã lót ngay lúc mẹ tôi nằm trên giường.
Tôi đã quen với mùi già, mùi hôi thối, mùi bẩn, mùi thuốc men của các cụ già…
Chính tay tôi lau chùi vệ sinh cho mẹ nếu gặp đúng lúc như thế này, hoặc mỗi khi vào thăm mẹ, trước khi ra về tôi đều lau chùi lại mặt mũi, mình mẩy mẹ cho thật sạch sẽ thì mới yên tâm..
Mẹ nằm ngoan ngoãn như một đứa trẻ để yên cho tôi chăm sóc. Khi xong việc tôi sẽ cho mẹ ăn bánh bông lan hay vài múi cam đã bóc hết các lớp vỏ. Bà không còn răng, móm mém nhai và nuốt được tí nào hay tí ấy.
Khi tôi đang đút mẩu bánh bông lan thì đột nhiên mẹ cầm lấy tay tôi giọng reo vui:
– Cái vòng đẹp quá, cho … em đi
Nãy đi đám sinh nhật về tôi chưa kịp tháo dây chuyền, tháo vòng tay thế mà mẹ già mất trí của tôi cũng nhận ra, mẹ lắp bắp vòi vĩnh tiếp:..
– Cho em… cái vòng tay đi, em… muốn đẹp.
Tôi bất ngờ quá, hiếm khi mẹ cất tiếng nói, hôm nay mẹ lại nói được hai câu và xưng “em” với chính con gái của mẹ. Thật ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Có điều gì sâu thẳm trong tâm hồn gìa nua mất trí ấy vừa le lói thức dây?
Tôi chiều mẹ tháo chiếc vòng tay đeo vào cổ tay gầy guộc của mẹ. Bỗng dưng tôi chạnh lòng, cổ tay này xưa kia mẹ đã đeo bao nhiêu lần chiếc vòng tay để làm đẹp rồi..
Tuổi già gần đất xa trời mẹ vẫn có nét đẹp của tuổi, khuôn mặt thanh thoát, chân tay dài thon thả. Vậy mà cả đời mẹ hình như chưa được hưởng hạnh phúc.
Được đeo chiếc vòng tay mẹ có vẻ hài lòng ăn hết miếng bánh bông lan và ăn thêm vài miếng nữa.
Chỉ vài phút sau thì mẹ quên cả chiếc vòng và nhắm mắt đi vào giấc ngủ.
Tôi tự hỏi mẹ có thấy gì trong giấc ngủ không, một quãng đời thanh xuân của mẹ?
Tôi lấy lại chiếc vòng vì luật trong Nursing Home các bệnh nhân không được đeo trang sức.
Khi tôi đang chuẩn bị ra về thì người nhân viên đẩy xe lăn bà Ann về phòng, anh ta trải lại giường và đỡ bà Ann lên nằm, bà co rúm người lại trong hai cánh tay mạnh khỏe của người nhân viên.
Hình như bà Ann cũng biết mắc cỡ bên người khác phái lạ lẫm.
Cô Ann dược sĩ trẻ trung ngày xưa làm sao hình dung ra được cảnh này, cô sẽ thành một bà gìa bệnh hoạn, tàn tạ, mọi sinh hoạt đời thường của cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào người khác.
Tôi về đến nhà chồng tôi hỏi thăm như thường lệ:
– Mẹ vẫn khỏe chứ em.
Tôi khoe:
– Nhưng hôm nay có một chuyện lạ anh ạ, mẹ thấy em đeo vòng tay mẹ thích lắm đòi đeo và xưng “em” với em. Hay là mẹ bắt đầu… tỉnh trí hả anh?
– Có thể nhìn cái vòng đeo tay vùng ký ức của mẹ bất chợt lóe lên một hình ảnh xa xưa nào đó.
– Ừ nhỉ… ngày xưa mẹ em hay diện, đeo vòng tay…
Chồng tôi trêu đùa:
– Ngày xưa mẹ em đẹp thế mà con gái mẹ ích kỷ không cho mẹ đi lấy chồng.
Chồng tôi vẫn đùa thế, nhưng lần này lòng tôi chợt đau khi nhớ lại nét mặt vui mừng của mẹ được tôi đeo chiếc vòng tay.
Mẹ tôi lấy chồng năm 20 tuổi, là con gái duy nhất trong một gia đình giàu sang được cha mẹ hết mực thương yêu chăm sóc.
Sinh được hai chị em tôi, năm mẹ mới 24 tuổi thì cha tôi qua đời vì bạo bệnh, mẹ mang hai con về ở chung với cha mẹ.
Ông bà ngoại tôi nề nếp và cổ hũ phong kiến, nghiêm ngặt khuyên con gái góa của mình phải ở vậy thờ chồng nuôi con.
Bà ngoại luôn “tâm lý chiến” thủ thỉ với mẹ tôi:
– Con còn muốn gì nữa, danh vọng tiền tài và con cái con đều có đủ. Chồng con mất đi thiên hạ vẫn gọi con là bà bác sĩ, con có gia tài của chồng để lại, con có hai con xinh đẹp đủ nếp đủ tẻ.
Nếu con tái giá thì liệu có giữ được mãi những điều này không? Hai con của con sẽ khổ vì cha ghẻ, sẽ hờn giận mẹ đã san sẻ tình thương cho người khác, con có yên tâm mà hưởng hạnh phúc với chồng mới không?
Người góa phụ xinh đẹp trẻ trung đã được nhiều chàng trai dòm ngó, họ đến nhà thăm mẹ thì đến lượt ông ngoại tôi ra tay ngăn cản bằng hành động.
Khách ngồi nói chuyện với mẹ thì ông cầm chổi lông gà….phất bụi trên tủ, trên kệ trước mặt khách hết sức lộ liễu khiến không ai dám ngồi lâu. Thậm chí khi họ chào ông để ra về ông ngoại đã đáp lại không cần nể nang lịch sự gì cả:
– Phải, mời anh về.
Tôi lớn dần lên và về phe với ông bà ngoại nhất định không muốn mẹ đi lấy chồng, chỉ muốn mẹ mãi là của riêng mình.
Năm tôi lên 10 đã biết cầm chổi lông gà phất lên mặt tủ thờ ngoài phòng khách để… đuổi khách của mẹ về.
Tôi còn nhớ có ông tên Thảo, là một thanh niên có học thức, con nhà giàu chưa từng lấy vợ, yêu mẹ tôi và sẵn sàng chấp nhận gá nghĩa đá vàng với người góa phụ hai con.
Thế mà ông bà ngoại tôi vẫn không hề cảm động, giữ vững lập trường muốn con gái ở vậy thờ chồng nuôi con suốt đời.
Tôi ghét ông Thảo không thua gì ông bà ngoại đã ghét. Mỗi lần nghe mẹ nhắc tên ông Thảo là mặt tôi sưng xỉa lên và tôi khóc ầm ĩ làm mẹ phải năn nỉ dỗ dành.
Mẹ tôi đã buồn, đã khóc vì cha mẹ và con cái ngăn cản. Cuối cùng tình cảm gia đình vẫn cao hơn tình riêng, mẹ tôi từ chối lời cầu hôn của người mình yêu để sống cho trọn vẹn tiết trinh với người chồng quá cố, làm đẹp lòng cha mẹ và con cái.
Tuổi xuân của mẹ lặng lẽ trôi qua, hai chị em tôi lớn lên có nghĩa là mẹ đã già đi, tôi nào biết mẹ tôi đã từng khóc thầm vì cô đơn, vì khao khát một tình yêu với mối tình không bao giờ đến đoạn cuối như mong muốn của mẹ.
Năm cuối cùng trung học, trong một dịp theo trường đi cắm trại ở Vũng Tàu tôi đã quen một anh. Anh chàng lính hải quân hào hoa đẹp trai, tàu anh đang cặp bến Vũng Tàu.
Anh đã làm quen với tôi khi tôi đang ngồi trên bờ biển nghịch cát. Anh ngồi xuống cạnh tôi:
– Chào cô bé, cho anh chơi chung với nhé…
Tôi ngỡ ngàng chưa kịp đáp thì anh tiếp:
– Em muốn gì cứ… sai anh, anh sẽ làm cho em.
Tôi lấy lại bình tĩnh và chanh chua Bắc Kỳ:
– Anh xây giùm em căn nhà trên cát và bắt giùm em mấy con dã tràng.
– Ôi, cô bé mắng anh hão huyền chứ gì, không cho anh làm quen chứ gì.
Anh cũng là Bắc Kỳ nên quá hiểu con gái Bắc. Anh cứ lì thế mà chẳng công dã tràng tí nào cả, chẳng phù du như xây nhà trên cát gì cả, cuối cùng anh đã quen được tôi, xin địa chỉ nhà và hứa khi nào về Sài Gòn anh sẽ đến thăm tôi.
Trời… quả báo tôi. Hôm anh hải quân đến nhà, bà ngoại tôi nhìn anh chăm chăm từ đầu đến chân với vẻ ác cảm như nhìn một…. quân thù, làm như chàng thanh niên xa lạ này sẽ đến bắt cóc đứa cháu gái xinh của bà.
Ông ngoại lại cầm chổi lông gà…. phất bụi trên tủ thờ ngoài phòng khách như những năm xưa đã đuổi khéo khách của mẹ tôi làm tôi vô cùng ái ngại thương cho bộ quần áo hải quân trắng toát của chàng và thương chàng đang lúng túng không dám nói năng gì vì có ông bà ngoại lù lù đứng gần.
Chàng chịu hết nổi bèn đứng dây kính cẩn chào ông bà ngoại tôi:
– Xin phép ông bà cháu về ạ.
Ông ngoại đáp thẳng thừng, câu nói y chang như ngày xưa với bạn trai của mẹ tôi:
– Phải! Mời anh về.
Bà ngoại thì “tử tế” hơn, dặn dò::
– Ừ, cháu về chạy xe cẩn thận nhé.
Khách về rồi ông bà ngoại mắng mẹ tôi đã không để ý đến con gái, nó chỉ theo trường đi cắm trại ở biển Vũng Tàu vài hôm đã… dắt về nhà một thằng hải quân chẳng biết nguồn gốc lai lịch con cái nhà ai Thế lỡ nó đi cắm trại trong rừng dắt về nhà… một thằng mán thằng mường chúng ta cũng phải tiếp à.
Rồi ông bà ngoại đe dọa tôi liệu cái thần hồn học cho bằng được cái nghề dược sĩ hay bác sĩ như người cha qúa cố của tôi rồi mới được lấy chồng.
Nhưng mối tình đầu của tôi với anh hải quân càng ngày càng thắm thiết, tôi khóc lóc, tôi đe dọa tự tử và đe dọa… sẽ bỏ nhà đi theo anh ta. Thế là ông bà ngoại đành chịu thua đứa cháu gái bướng bỉnh.
Mẹ tôi thì dịu dàng nói với tôi:
– Con làm đúng khi bảo vệ tình yêu của mình, như mẹ lỡ một đời…
Tôi trở về hiện tại khi chồng tôi cầm tờ tuần báo từ phòng trong đi ra.
– Em đang nghĩ gì thế, anh đọc cho em nghe một mẩu tìm bạn bốn phương nè.
– Biết rồi, em đọc mục này thường xuyên.
– Anh cũng đọc thường xuyên, nhưng hôm nay anh bỗng suy nghĩ ra một điều. Này nhé một bà goá phụ 65 tuổi đang cô đơn cần tìm một người đàn ông nếu hợp sẽ… dìu nhau đi nốt quãng đường còn lại.
Tôi bật cười châm biếm:
– Dìu nhau là phải rồi vì cả hai cùng già, cùng lạng quạng đi đứng không vững. Sao đã ở vậy đến tuổi 65 mà không tiếp tục cho hết đời luôn nhỉ, lại còn… dở chứng??
– Ban đầu anh cũng nghĩ như em, nhưng bây giờ thì khác, người ta tìm nhau để cuộc sống không cô độc lẻ loi, mà cô độc lẻ loi thì buồn tủi lắm em ơi. Khi ta có đôi, đi đâu ở đâu ta cũng nghĩ ở nơi kia vẫn có người chờ đợi ta về sẽ thấy đời ấm cúng hẳn lên.
Tôi băn khoăn:
– Có phải anh suy nghĩ thế khi lúc nãy em vừa kể anh nghe mẹ em chợt tỉnh ra trong giây lát khi bà thấy cái vòng đeo tay của em, món trang sức ngày xưa bà thường dùng làm dáng, làm đẹp không?
– Chính thế. Ngày ấy mẹ em mới 24 tuổi, trẻ đẹp và nồng nàn tình xuân, thế mà hết cha mẹ đến con cái đã ngăn cản bà tái giá. Em có lỗi một phần trong cuộc đời mẹ cô độc thiếu vắng một người đàn ông, một vòng tay âu yếm, một bờ vai nương tựa ..
Tôi nói như rên rỉ:
– Nghe anh nói em đau lòng quá! Em thật đáng tội.
Hình ảnh mẹ tôi ngày xưa hiện ra khi tôi độ lên 10, mẹ tôi xinh đẹp hay làm duyên làm dáng đeo chiếc vòng tay bằng cẩm thạch lên nước trong xanh.
Thì ra hôm nay trong tiềm thức sâu thẳm lãng quên của mẹ tôi chút kỷ niệm nào đó vẫn còn. Bất giác mắt tôi cay cay…
Chồng tôi giục:
– Thôi em đi tắm, thay đồ rồi nghỉ ngơi, hôm nay em về muộn để anh sẽ thu gom quần áo em thay và đi giặt ….
Thật ấm áp khi bên cạnh tôi luôn có người đàn ông cùng chung vui buồn, chăm sóc lo lắng cho nhau. Thế mà mẹ tôi đã không có những tình cảm này suốt cả một cuộc đời son trẻ.
Tôi đã từng hiểu ra điều này suốt bao nhiêu năm từ khi tôi lấy chồng, hạnh phúc êm ấm bên chồng.
Đôi khi tôi thấy lòng áy náy thương mẹ, hối hận ngày xưa tôi đã ngăn cản mẹ lấy chồng, nhưng tôi lại tự an ủi và kiêu hãnh mẹ là người phụ nữ thanh cao lý tưởng trong mắt mọi người, là người mẹ tuyệt vời, người mẹ đáng kính nể và ngưỡng mộ của chị em tôi.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy ân hận và bị dày vò như ngày hôm nay.
Nếu như tôi cũng cô đơn như mẹ, nếu như đời tôi không có một người đàn ông yêu thương bên cạnh, cuộc đời sẽ chông chênh và buồn lắm.
Ngày xưa tôi yêu anh và lấy anh làm chồng thật xứng đáng, ông bà ngoại tôi đã lo ngại “thằng hải quân” đi lênh đênh khắp nơi, mỗi bến bờ quen một cô, cháu sẽ khổ cả đời.
Nhưng ông bà đã đoán sai rồi, tiếc rằng ông bà ngoại không sống đến ngày nay để thấy anh hải quân của tôi vẫn là người chồng, người cha tốt.
Anh đi vào phòng tắm ôm ra một rổ quần áo dơ để vào phòng giặt. Thấy tôi vẫn ngồi yên anh ngạc nhiên đến gần:
– Em sao thế?
Tôi ngước lên nhìn anh, đôi mắt cay cay đã long lanh giọt nước mắt:
– Anh ơi, anh có biết em đang nghĩ gì không? Nếu… nếu…. mẹ trẻ lại như xưa…
Anh nghe lầm nên hỏi ngược lại:
– Nếu em trẻ lại như xưa hả? Vậy em còn muốn yêu anh nữa không? Hay lại chê “thằng hải quân lông bông” như ông bà ngoại em đã chê?
Đến bây giờ anh vẫn nhớ cái cảm giác khi lần đầu gặp ông bà ngoại em, nếu tàu anh ra khơi có… đụng độ tàu địch ngay trước mặt anh cũng chưa bối rối đến thế..
– Anh nghe kỹ đây, không phải em mà là mẹ em. Nếu mẹ trẻ lại như xưa, khi em 10 tuổi em sẽ không bắt chước ông ngoại cầm chổi lông gà phất buị trên tủ để đuổi khách của mẹ đâu, em sẽ không đành hanh ghét ông Thảo đâu, em sẽ bảo mẹ đi lấy chồng. Em ân hận lắm. Ôi, nếu mẹ trẻ lại…. nếu mẹ trẻ lại….….
Anh hiểu ra, an ủi tôi:
– Chúng ta không thể lấy lại quá khứ, em đừng tự trách mình như thế, hãy sống với hiện tại, chăm sóc mẹ tận tình để báo hiếu mẹ đã hy sinh cả một thời xuân xanh nuôi con khôn lớn.
Tôi lau nước mắt mỉm cười:
– Vâng, chiều mai em vào thăm mẹ, em lại đeo vào tay mẹ chiếc vòng này để mẹ có khoảnh khắc vui như thiếu phụ còn xuân đang làm đẹp cho mình, cho người tình mình thương mến, dù chỉ là một niềm vui ngớ ngẩn.
Chồng tôi nhắc nhở:
– À, em nhớ thăm bà Ann bên cạnh luôn nhé, con cái bà bận rộn không vào thăm thường xuyên như em.
Thanh Duong
--