Sống là giấc mộng đêm qua
Chết là theo ánh trăng tà mà đi.
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
Ngồi trên sân thượng nhà hàng phi trường Liên Khương, trước tách cà phê bốc hơi, Tâm nói:
- Trước đây, mỗi khi có dịp xuống Tùng Nghĩa anh thường ghé phi trường uống cà phê trước khi về Đà Lạt. Buổi chiều ở đây vắng ngắt, chỉ có rừng thông và sương. Ngày trời sương mỏng thì hiu hắt như chợ chiều ở thôn làng miền núi, còn ngày mù sương thì ngồi đây như ngồi trên boong tàu giữa biển trắng đục.
Nghe thế, Yến hỏi:
- Vậy anh thường xuống đây ư?
- Không, mỗi năm chỉ vài lần, nhưng nhớ cảnh chiều ở đây. Từ nay đi xa, chắc ít có dịp trở lại đây, nên tiện đường anh ghé để em thấy cảnh phi trường Liên Khương về chiều.
Tuần trước, Tâm về nghỉ phép mãn khóa, cho biết sẽ ra đơn vị ở Thừa Thiên, Yến đã khóc mấy đêm. Bây giờ nghe Tâm nói ‘từ nay đi xa’, bèn hỏi:
- Tại sao anh lại chọn đơn vị xa như thế?
Tâm nâng tách cà phê uống một hớp, rồi trả lời:
- Khi được gọi tên lên chọn thì chỉ còn những chỗ xa. Cao nguyên còn PleiKu, Kontum. Mấy nơi mình nhắm là Tuyên Đức, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận đã hết chỗ. Đã xa thì đi xa luôn, anh chọn Thừa Thiên để có dịp đi với em lên Ngự Bình, qua cầu Trường Tiền, biết Vỹ Dạ, Kim Long... Tâm dừng lại hút mấy hơi thuốc, rồi tiếp: Nhưng xa hay gần thì anh cũng sẽ địu em ra chiến trường như những người phụ nữ Tàu địu con chạy loạn – Tâm cười: Càng xa thì càng phải đi may địu nhanh hơn.
Yến cúi xuống lấy khăn bịt miệng làm như sắp hắt hơi, cố giữ cho nước mắt khỏi trào ra. Tâm đã ước hẹn bằng cái địu trên lưng, còn Yến muốn nói với Tâm là Yến sợ không gian, sợ thời gian, Nhưng muốn tránh cho Tâm khỏi phải nghĩ nhiều đến sự xa cách trong buổi chiều này, nên Yến nói sang chuyện đi chơi.
- Hồi sáng, lúc qua hồ Xuân Hương, nghe anh nói là đi hành hương Tây Trúc, em buồn cười quá, vì không hiểu anh định nói gì. Khi xuống đèo Prenn, em đoán là anh muốn cho em biết cảnh đèo buổi sáng bằng xe Honda. Nhưng khi tới Di Linh thì em chợt nghĩ là anh sẽ đưa em tới ngôi chùa ở Bảo Lộc, nơi anh đã nghe tiếng chuông buổi sáng năm nào.
Tâm ngạc nhiên, nhìn Yến:
- Em nghĩ vậy ư? Anh cũng có nghĩ đến, nhưng xa quá, cả trăm cây số, lại đường đèo núi rừng.
Yến cười:
- Nhưng đằng nào cũng cũng là đi Tây Trúc, không hành hương chùa Bảo Lộc thì hành hương chùa Di Linh. Mà đúng là hành hương, vì đi mấy chục cây số đến gặp một nhà sư, nghe một bài thơ, nói một câu chuyện dở dang, ăn một bữa cơm chay đậu hũ và canh su su, rồi cười đi về.
- Vậy em nghĩ gì?
- Em thấy được thứ tình thân của người xưa mà trước đây em chỉ đọc trong sách hay nghe kể.
- Nhưng chuyện ra sao?
- Đó là chuyện mấy nhà Nho đi bộ cả nửa ngày đường, tới đọc cho nhau nghe vài bài thơ, đánh vài ván cờ, uống vài ly rượu, rồi lại đi bộ về.
Tâm ngạc nhiên trước sự so sánh của Yến:
- Em để ý chi ly nhỉ. Anh không dám so sánh như thế, nhưng chỉ biết là ở sư Tâm Tín, anh có thể tìm thấy ở ông một biển học mênh mông, một chân tình khó gặp trong đời sống này. Vì thế, hồi ông ấy còn ở chùa Linh Sơn thì tuần nào anh cũng lên chùa nói chuyện đạo, chuyện chiến tranh, ăn với ông ấy bữa cơm canh su su với tương chao – Tâm cười: Còn em bảo anh với ông ấy nói một câu chuyện dở dang là sao?
- Thì cả buổi hai người nói về tập truyện “Tiếng Vọng Đỗ Quyên”, nhưng em có thấy đi đến kết luận gì đâu. Ông ấy ngừng nửa chừng mà anh cũng thế. Em không nhận ra ý hai người khác nhau thế nào?
Tâm trầm ngâm một lúc lâu:
- Thực sự khó có thể nhận định dứt khoát đối với tác phẩm phản chiến như Tiếng Vọng Đỗ Quyên. Khi nội dung của nó phản ảnh tâm tư khát vọng của con người trước những thảm kịch đang phải sống, nhưng lại tai hại đối với cuộc chiến, vì tiếng nói đó chỉ được nói lên ở miền Nam, cũng như nhạc của Trịnh Công Sơn chỉ có thể hát ở miền Nam. Điểm khác nhau giữa hai người là ông Tâm Tín nhìn về giá trị văn học của tác phẩm, còn anh thì nhìn vào tác dụng đối với lòng người giữa cuộc chiến.
Nghe Tâm phân tích, Yến nói lên một nhận xét:
- Đọc 2 câu ‘Sóng sô dằn lịch sử - sóng cuốn anh về đâu’ ở trang đầu tập truyện, em cảm thấy bi quan quá.
Tâm gật đầu:
- Đó là mấy câu thơ của Nguyễn Nhật Duật, trước đây anh ấy cùng học sư phạm triết với thầy Tâm Tín ở Viện Đại Học Đà Lạt. Tác giả Tiếng Vọng Đỗ Quyên là bạn thân của Duật và đã lấy hai câu đó để nói lên tâm trạng của nhân vật trong chiến tranh và đồng thời cũng là số phận của đất nước theo cách nhìn của tác giả - Tâm ngừng lại một lát, rồi tiếp: Mấy bạn sinh viên anh gặp ở chỗ ông Tâm Tín, đa số mang tâm trạng bi quan, tuyệt vọng khi nhìn vào cuộc chiến. Chỉ có ông Tâm Tín, có lẽ do đời sống tu hành, nên lúc nào cũng an nhiên tự tại.
- Còn anh thì sao?
- Anh ư? Anh không có tâm trạng bi quan, lạc quan gì hết, vì biết rõ cuộc chiến này là do Cộng Sản miền Bắc gây ra. Họ lập ra Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, rồi đưa quân miền Bắc vào xâm lăng miền Nam. Miền Nam phải tự vệ, chống lại để giữ những giá trị của chế độ tự do, tư hữu và dân chủ. Chúng ta đang được sống với chế độ tự do tư hữu, và anh sắp sửa đi vào cuộc chiến đấu để bảo vệ những giá trị đó.
Nghe Tâm nói với ánh mắt xa vắng, rồi nhìn phi đạo và nhìn con đường phía trước mờ mịt trong sương, Yến bỗng cảm thấy sợ ngày đi tiễn Tâm ở đây, sợ đường về, nên nắm tay Tâm:
- Ngày anh đi, anh cho em ở nhà, em không dám tới đây.
- Thì em cứ ở nhà. Cảnh đưa tiễn anh cũng sợ. Mới đây anh gặp một bài thơ đưa tiễn ở phi trường có tên là Khúc Ly Đình của Cao Thị Vạn Giả, trong đó có hai câu nói giúp tâm trạng của chúng ta:
Mù sương phi cảng não nề,
Thôi anh, ở lại buồn về em mang.
Không biết tác giả đưa tiễn ở phi trường nào, nhưng đọc thì hình dung đó như là Liên Khương, ở đâu có sương mù, ở đâu có khung cảnh não nề như không gian chúng ta đang ngồi đây. Bài thơ như vận vào mình, vì mấy hôm nữa anh sẽ bước lên máy bay trong trời mù sương với đồi núi chập chùng của Liên Khương.
- Anh chỉ nhớ 2 câu thôi ư?
- Bài thơ hay, anh có ghi lại và nhớ được hai đoạn:
Tiễn chân anh tận phi trường,
Lỗi đi, lỗi ở, mười phương lỗi về.
Mù sương phi cảng não nề,
Thôi anh, ở lại buồn về em mang.
Tiễn anh một chén rượu tàn,
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau.
Cuộc cờ thế sự binh đao,
Phút giây tái ngộ ngày sau biết còn.
- Hàng ngày trên khắp nước biết bao nhiêu người phải sống với tâm trạng: Cuộc cờ thế sự binh đao. Phút giây tái ngộ ngày sau biết còn – Tâm nói, rồi cầm tay Yến đứng dậy đi xuống.
2
Chiếc thuyền máy nhấp nhô đi ngược chiều gió, bỏ lại phía sau những dải cánh đồng lẫn thôn làng trong bầu trời xám đục. Khi nhìn thấy giải đất với những hàng thùy dương xanh như chắn ngang phía trước dòng sông, Tâm biết thuyền sắp đi vào phá. Chính dải đất chạy dài hun hút kia đã ngăn biển để đầm nước rộng dài biến thành phá và đây là cuối nguồn sông Hương. Chàng cảm thấy náo nức rộn ràng, cảm giác của người được tới một địa danh mà từ lâu chỉ hình dung qua thơ truyện.
Thuyền đã ra giữa phá và rẽ trái lên hướng bắc. Gió lộng hơn. Những con sóng dâng cao xô đập vào mạn thuyền làm nước tung tóe văng lên hành khách ngồi phía trước. Bỗng chiếc thuyền rung mạnh, quay ngang như vòng trở lại. Người cầm lái tái mặt, hốt hoảng kéo mạnh cần lái trong khi thuyền nghiêng về một bên cùng với tiếng kêu răng rắc của bánh lái và tiếng kêu của hành khách. Cô gái phụ đò ngồi gần cửa khoang, đứng bật dậy nhào tới, dùng cả hai tay vừa đẩy cần lái ngược chiều với người cầm lái vừa nói:
- Anh nới tay ra.
Cô gái cúi xuống ghì chặt cần lái nhìn luồng nước chảy xiết, cho thuyền chạy chênh chếch theo sóng về phía bên trái trong khoảng mươi phút, đưa con thuyền vượt qua khoảng nước xoáy. Lái thuyền quay trở lại hướng bắc, cô buông cần lái nói với người thanh niên:
- Anh kéo gấp như rứa, có ngày gẫy bánh lái.
Một bà lên tiếng:
- Mô Phật! Lái đò mấy năm mà răng không biết tránh mấy chỗ nớ, Biên?
Người thanh niên tên Biên như chưa qua cơn hốt hoảng:
- Tôi đã đi chếch nhiều về bên trái mà vẫn đụng nó. Thật không biết mô mà tránh. Những ngày mưa gió lớn, đôi lần cũng gặp, nhưng mô có dữ như hôm ni.
Một bà khác nói:
- Con nhỏ trông mảnh mai mà giỏi. Mi có lái đò thường mô mà rành như rứa Khuê?
Cô gái tên Khuê nghe lời khen có vẻ thẹn, nhìn Biên nói:
- Con cũng thường lái thế anh Biên. Rành thì không rành, nhưng gặp lúc cấp thì liều.
Nhìn mặt nước nhấp nhô những đợt sóng dâng cao, mênh mông trước mặt, Tâm đoán khu vực nước xoáy là chỗ những dòng nước sông biển gặp nhau trước khi chảy ra biển. Có lẽ hiện tượng dòng nước xoáy với sóng dâng cao này gọi là sóng thần thường làm đắm thuyền trên phá Tam Giang mà xưa kia, thời nhà Nguyễn, Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã tìm cách trị thủy bằng cách đào thêm lòng phá cho sâu đều và mở rộng cửa phá chảy ra biển để giảm bớt luồng nước chảy xiết và sóng lớn.
Càng đi lên phá càng rộng, bờ bên trái chỉ còn là một đường viền lẩn vào mây xám. Bờ bên phải xóm làng lẩn giữa những rừng thùy dương xanh thẳm. Thỉnh thoảng những giải đồi cát phía sau làng vượt cao khỏi những ngọn dương, thấp thoáng màu cát trắng chạy dài lên phía bắc.
Thấy có người chạy xe Honda sau hàng dương, Tâm hỏi Phúc, viên hạ sĩ quan quân số đại đội, đi với chàng ra đơn vị:
- Dải làng bên phải là quận chi?
Phúc đáp:
- Dạ, quận Hương Điền.
- Còn bên trái?
- Bên nớ là quận Quảng Điền, lên xa hơn ở phía bắc là quận Phong Điền. Vì xa quá không nhìn thấy, chớ đi gần bờ phía bên trái, chuẩn úy sẽ thấy đồng ruộng chạy dài dọc theo phá vào sâu những làng bên trong.
Tâm gật gù:
- Vậy là phá ở giữa 3 quận. Tôi biết cái tên phá Tam Giang là phá do 3 con sông hợp lại, nhưng ngoài sông Hương, thì 2 con sông kia là sông gì?
Phúc ngẩn ra một lúc mới nói:
- Ở cực bắc là sông Ô Lâu, chảy giữa Phong Điền và quận Hải Lăng , Quảng Trị. Còn sông thứ ba tôi không nhớ là sông chi.
Một ông lão ngồi ở mạn thuyền hút thuốc rê, lên tiếng:
- Sông nớ là sông Bồ, chảy qua Quảng Điền và Hương Trà.
Phúc đập vào đầu gối reo lên:
- Như rứa cháu nhớ rồi. Sông chảy qua cầu An Lỗ, nên cháu quen gọi là sông An Lỗ.
Ông lão gật đầu:
- Đúng rứa.
- Cháu ở Huế, nhưng gần như mù tịt về địa danh và thổ sản ở mấy quận bên ngoài. Từ ngày nhập ngũ cháu thường tới nhiều nơi theo đơn vị nên biết thêm một ít – Phúc nói với ông lão, rồi quay lại Tâm: Sông Bồ và Ô Lâu nhỏ hơn sông Hương, nhưng không hiền. Ra đây thì chuẩn úy sẽ có dịp sống với nó. Năm ngoái đại đội mình đã ở căn cứ Vinh An, bên bờ Ô Lâu gần một năm.
Tâm chỉ dải đồi cát hỏi:
- Bên kia đồi cát cách biển bao xa?
Phúc đáp:
- Ở gần cửa Thuận An thì gần, chỉ cách chừng vài trăm mét, nhưng càng đi lên thì bãi cát càng rộng. Ở đoạn ni tôi không rõ, còn gần khu vực quận lỵ thì khoảng cách rộng tới trên 2 cây số. Chẳng hạn từ chợ quận Hương Điền, sát quận lỵ, ra mấy xã Hải Nhuận, Thế Mỹ, phải đi bộ cả tiếng qua những đụn cát cao như đồi.
Tâm nói:
- Dân ở mấy xã đó phải đi qua bãi cát xa như thế thì mệt quá, vì cát khô lún khác gì bùn.
Ông lão hút thuốc rê nhìn Tâm lắc đầu:
- Không lội cát mô. Mấy làng nớ có đường đá đi vô trong ni.
Tâm hỏi:
- Thế cát di chuyển theo gió không lấp đường sao bác?
Ông lão nói:
- Đường đá xếp bằng những tảng đá hoặc xi măng khá lớn và có những đám dương ở gần để cản gió và cát. Đôi khi cũng có chỗ bị lấp, nhưng vài ngày sau gió lại thổi bay lớp cát mỏng. Thỉnh thoảng tôi ra Hải Nhuận, thấy có nhiều chỗ bị lấp, nhưng không có những đụn cát cao trên đường như những đụn cát nằm dọc theo bên ngoài những hàng dương.
- Nhiều đêm gió lớn cũng chuyển cả đụn cát vô đường, nhưng mỗi lần như rứa, dân làng lại ra san đụn cát sang hai bên đường - Người lính trẻ ngồi cạnh ông lão góp thêm sự hiểu biết, rồi nói với Tâm: Đường có nhiều đoạn bị lấp, tuy lớp cát không dày lắm, nhưng đi xa cũng mỏi, lại thêm cát nóng nữa. Dân làm biển đi chân đất thiệt tài, vì bọn em đi giày bố mà nóng gần bỏng chân. Rứa mà khi trung đội nằm ở ngoài nớ, ngày mô bọn em cũng băng cát nóng vô chợ.
Tâm cười:
- Tại các cậu muốn la cà quán xá, nên tự làm khổ thân, chứ làng chài lưới thì thiếu gì cá mà phải vào chợ.
Người lính cười hồn nhiên:
- Cá thì có thể ăn thay cơm, nhưng nhớ chợ. Cả ngày nắng chói chang đến mù mắt, quanh làng chỉ có dương, cát và mùi biển mặn. Khi mô chuẩn úy ra ngoài nớ thì cũng như bọn em thôi. Chỉ ít ngày là nhớ chợ, nhớ đường làng, nhớ vườn cây bóng mát.
Tâm cười:
- Sao cậu không nói thêm cho đủ là nhớ mấy cô ở chợ, nhớ mấy o bán cà phê.
- Dạ, cũng có một phần - Người lính cười hồn nhiên, rồi chỉ vào Khuê: Mỗi lần ra chợ, bọn em thường uống cà phê ở quán o ni.
Tâm ngạc nhiên:
- Cô Khuê vừa là chủ đò vừa là chủ quán cà phê, vậy khi nào ở quán, khi nào đi đò?
Có tiếng cười đáp ở trong khoang:
- Thỉnh thoảng mới theo đò thôi.
Tâm bắt gặp cái nhìn của Khuê và cô chớp mắt cúi xuống. Chàng chợt mỉm cười khi thấy sự bẻn lẽn cúi xuống này tương phản với dáng mặt bình tĩnh điều khiển cần lái cho thuyền vượt qua khu nước xoáy. Lúc ấy cả người cô toát ra một sức mạnh, còn bây giờ lại trở về nét duyên thầm con gái với chiếc áo cánh đen và mái tóc dài cặp gọn để lộ khuôn cổ trắng cao. Nhìn nhưng sợi tóc mai dài bay ngược lòa xòa trên tai cô theo gió lộng và những lớp sóng cuồn cuộn đi qua mạn thuyền, Tâm vỗ vai ông trung sĩ quân số:
- Anh Phúc này, khi hết chiến tranh hoặc được giải ngũ mà có một chiếc đò chở khách, chồng lái vợ phụ, xuôi ngược dọc phá Tam Giang thì cuộc đời sẽ đầy hương vị ngọt, chứ không tẻ nhạt như mây nước u ám này.
Phúc cười nói với anh thanh niên cầm lái:
- Anh Biên à, ông chuẩn úy tôi đây mới ở trong Nam ra ngoài ni, lạ nước lạ cái, trăm sự chắc phải nhờ anh.
Biên nhìn Tâm cười:
- Chuyện nớ không khó chi. Chuẩn úy cứ về làm rể Hương Điền, khắc có đò.
Nghe Biên nói, mấy bà ngồi trong khoang nhìn Khuê cười. Một bà lên tiếng:
- Muốn làm chủ đò dọc thì phải biết hò. Về Hương Điền, chuẩn úy nên tìm thầy học hò mái đẩy, mái nhị.
Một bà khác nói:
- Mô cần tìm ai. Cứ tới nhờ o Khuê dạy cũng đủ làm điên đảo khách đi đò. Cả Kế Môn, ai hò lại con bé ni.
Theo những tiếng cười, một bà cất giọng:
- Hò ơi... một mình em đây ngồi giữa lòng thuyền...í...a
Dưới nước trên trăng, biết ai mà trao duyên gửi phận...í...a
Biết ai mà trao duyên gửi phận cho đẹp lòng thế gian ..í...a...
Tiếng ngân láy í... a vừa dứt thì một giọng trẻ hơn lại nổi lên:
- A...í a...chim xa bầy thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi...í...a...
Thà rằng không gặp thì thôi,
Gặp rồi mỗi đứa một nơi sao đành...í...a...
Tiếng ngân í a... như trải dài trên sóng nước đang chảy cuồn cuộn về phía sau. Tâm chú ý nhìn vào trong khoang, nhưng không nhận ra ai là cô gái vừa hò. Giọng cô cao mà ấm, biến câu hò thành một lời nức nở, nên tiếng hò đã dứt từ lâu mà cả đò vẫn lặng ngắt.
Bỗng ông lão hút thuốc rê lên tiếng:
- Nghe mấy câu hò, tôi như sống lại thời trai trẻ. Ngày xưa, đò dọc chưa có máy, phải chèo cả đêm cả ngày, nên cứ tới đêm là người ta bày ra hò và do chuyện hò đối nhau mà có người thành vợ thành chồng sau những chuyến đò – Ông lão ngừng lại, nhìn vào khoang như muốn nói với cô mới hò: Mới ngày mô mà biết bao nhiêu chuyện đã đổi thay. Đò vẫn còn, nhưng nhiều bến ngày xưa đã biến mất cùng với những tiếng hò đêm trên phá, trên sông.
Nghe giọng bùi ngùi, Tâm đoán ông lão cũng là một tay kiệt liệt của thời xưa vang bóng, nên hỏi:
- Thưa bác, hò mà thành vợ thành chồng thì chắc nhiều người biết hò?
Ông lão gật đầu:
- Nhiều người biết, nhưng hò cho hay thì gay, vì không phải chỉ nhờ giọng trời cho mà còn phải khổ công tập luyện.
Tâm nói:
- Như thế ngày xưa chắc bác cũng là một tay hò hàng đầu.
Ông lão cười, hai con mắt như linh hoạt hẳn lên dưới lớp da nhăn nheo:
- Hàng đầu thì không dám nói, nhưng thời 20 tuổi, chính tôi đã kiếm được vợ trên một chuyến đò đi Mỹ Chánh – Có những tiếng cười rộ lên trong khoang. Ông đợi cho những tiếng cười dứt, rồi nói: Tiếng hò kỳ lắm, nó như một thứ ma quyến rũ, đã gặp được thì dứt ra không nổi.
Tâm nói:
- Vậy nếu bác cho phép, cháu xin tới để nhờ bác dạy cho ít điệu.
Ông lão nhìn Tâm một lát:
- Chừ thì quên nhiều mà giọng cũng hư rồi. Chuẩn úy muốn học thật thì nên tới o Khuê. Mấy bà nói đúng đấy. Ở Kế Môn, không ai hơn nó mô.
Tâm thấy Khuê quay nhìn ra ngoài phá mỉm cười, đuôi mắt lay động từng chặp.
Phúc nhìn Tâm cười, rồi quay sang Khuê:
- O Khuê đã nghe mấy bà rồi cả ôn nói đó, rứa có sẵn lòng dạy ông thầy tôi không?
Khuê cúi đầu đáp:
- Em không dám.
Tâm cười:
- Cô Khuê ạ, tôi sẽ là khách thường trực của quán cô và mỗi ngày nhờ cô dạy cho một câu. Chẳng lẽ cô lại nhẫn tâm từ chối lời cầu của khách. Như thế, nếu tôi được ở Hương Điền nửa năm thì cũng học được trên trăm câu. Không biết cái vốn đó đã đủ làm vừa lòng khách đi đò hay chưa?
Có tiếng cười và tiếng nói trong khoang vọng ra:
- Không đủ thì thầy lại dạy, khó chi mô.
Tâm định hỏi thêm thì người lính, khách cà phê của Khuê lên tiếng:
- Phải chi trên đò có cà phê, rồi nghe mấy bà, mấy o hò thì còn hơn nghe Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hà Thanh hát trong quán.
Bỗng chợt nhớ ra, Tâm nói:
- Tôi có cà phê, cà phê Mỹ, nhưng làm sao có ly, có nước sôi?
Khuê nhìn Tâm mau mắn:
- Dạ có, không đủ ly thì uống bằng chén.
Tâm nói:
- Vậy thì tốt quá. Nhờ cô giúp cho. Tôi xin đãi chủ đò và khách đò, gọi là lễ ra mắt của người muốn làm dân Hương Điền.
Khuê vừa cười vừa lật mấy tấm ván lấy nước trong một chiếc lu sành, rồi đặt siêu lên chiếc rề sô để trong một góc khuất gió gần lái. Trong khi cô loay hoay xếp ly, chén trên một cái mâm gỗ thì Tâm tháo ba lô, lấy ra một thẫu cà phê lớn, một thẫu sữa bột và một hộp đường miếng Hiệp Hòa.
Nhìn lu nước, Tâm hỏi:
- Nước này cô lấy ở phá?
Khuê lắc đầu:
Dạ không, đó là nước giếng đem từ nhà.
Tâm chỉ ra phá:
- Thế nước chỗ này uống được chưa cô?
- Dạ chưa, khoảng ni vẫn còn lợ, nửa sông nửa biển, phải lên xa nữa mới hết lợ.
Thuyền đang đi qua một khu nhà cửa san sát, có nhiều mái ngói đỏ và mái tôn. Dọc theo bờ phá là những dải ruộng lúa xanh và ngoài phá hàng chục thuyền đang thả lưới. Tâm chỉ vào bờ hỏi:
- Từ đây lên quán cà phê của cô còn bao xa?
- Dạ, khoảng chục cây số nữa.
- Còn xa nhỉ. Vậy từ Thuận An lên tới quán cô cũng gần hai chục cây số. Có điều tôi không hiểu là thôn làng ở trên một giải đất cát hẹp ven biển như thế, nước giếng có bị ảnh hưởng nước mặn không?
Khuê ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:
- Từ Cửa Thuận lên tới đây em không rõ, nhưng từ Kế Môn lên phía bắc thì nước giếng rất ngọt. Ngoài giếng, lại có những con suối nước ngọt chảy quanh năm từ trong cát ra. Lên xa nữa trên tê, ở xã Đại Lộc hay Thanh Hương, còn có những hồ nước cạnh rừng dương giữa những đụn cát. Trước kia, học sinh chúng em thường đi cắm trại quanh mấy cái hồ nớ.
Thấy nước đã sôi, Tâm nói với người lính:
- Chuyện cà phê là do cậu. Vậy nhờ cậu giúp cô Khuê một tay.
Người lính cười tươi, lê tới sát chiếc rề sô, nói với Khuê:
- O xúc cà phê vô ly, để tôi chế nước cho.
Tâm quay vào khoang nói lớn:
- Có cà phê đen và cà phê sữa. Bà con nào chỉ uống đen thì cho biết.
Có tiếng nói vọng ra:
- Chuẩn úy cho cà phê sữa hết đi.
Khuê thoắn thoắt xúc cà phê và sữa bột vào ly và chén để trong mâm, nhưng khi cầm miếng đường thì cô lưỡng lự.
Thấy thế, Tâm nói:
- Chắc 2 miếng là vừa.
Khuê cho đường, khuấy một ly nếm thử, rồi đưa cho Tâm, nhưng chàng cười đỡ tay Khuê:
- Cô mời mấy bác, tôi là con cháu uống trước sao được.
Khi cà phê đã chuyền đi gần khắp đò, Tâm lấy ra 2 bao thuốc Ruby, đưa một bao cho Phúc:
- Nhờ anh mời các vị ở trong khoang, còn ở đây phần tôi.
Biên phà khói thuốc, uống một hớp cà phê, rồi cười nói với Tâm:
- Tôi đi đò cả mấy năm mà chưa ngày mô vui như hôm ni. Sáng mai xin mời chuẩn úy ra quán ăn sáng, uống cà phê với chúng tôi.
Tâm cười:
- Vâng cám ơn anh, Ngày mai tôi sẽ ra làm lễ nhập môn cô thầy tôi.
Người lính trẻ nhìn Khuê cười, rồi hướng vào trong khoang:
- Xin cô bác cho nghe ít câu hò để dẫn vị cà phê.
Có những tiếng cười nói rộn lên trong khoang, rồi một bà cất giọng:
- Ơ..ớ..ơ.. thương nhau chẳng quản chi thân,
Phá Tam Giang cũng lội, đèo Hoành Sơn cũng...
Nhưng câu hò chưa hết thì từng loạt những tiếng chác..chác chác... với tiếng đạn chíu... chíu... vụt qua phía trước và sau thuyền. Cả đò nhớn nhác. Có người theo phản ứng tự nhiên nằm xuống sàn.
Khuê bám vào cần lái nói nhanh:
- Lái về bên ni anh.
Con thuyền tăng tốc lực rẽ sóng chạy chếch về bờ bên phải trong tiếng đạn thưa dần.
Phúc đập vào chân Tâm:
- Bọn du kích bắn đó. Chỗ có mấy cây cao là bến đò, đường vô chợ Sịa, gần quận lỵ Quảng Điền. Trước kia, Sịa qua Hương Điền dễ dàng bằng bến nớ, nhưng gần 2 năm nay, con đường từ Sịa ra bến đò mất an ninh hoàn toàn.
Tâm hỏi:
- Từ bến đò vào chợ Sịa bao xa?
- Khoảng hơn 2 cây số, nhưng địa thế phức tạp khó kiểm soát. Khi mô cần đi thì phải có đại đội mở đường.
- Thế từ đây lên có căn cứ nào không?
- Gần phá thì không, nhưng vô sâu bên trong thì có căn cứ Lương Mai và những đơn vị lưu động.
Tâm ngạc nhiên và cảm thấy sợ hãi về điều Phúc cho biết, vì nếu một con đường nối hai quận, chỉ dài mấy cây số, lại sát quận lỵ mà không giữ được thì những thôn làng, ruộng đồng mênh mông trước mặt, nơi nào của mình, nơi nào của địch, và như thế thì một căn cứ hay một vài đại đội lưu động sẽ giữ được gì trong thứ chiến tranh ẩn hiện không trận tuyến này. Nhìn lên phía bắc vắng ngắt, chỉ thấy trời nước, chàng nghĩ đến một lúc phá Tam Giang sẽ không còn yên ổn cho những chuyến đò, nên nói với Phúc:
- Vậy dọc theo bờ phá bên Quảng Điền đâu có an ninh. Nếu chúng ra đây chận đò như kiểu chận xe hàng thì cũng chịu.
Phúc nói:
- Ban đêm, mình có hải thuyền tuần tiễu, còn ban ngày thì vụ chận đò chưa xảy ra.
Thuyền đã đi sát vào phía bờ bên phải, và tiếng súng cũng đã ngừng, nhưng mọi người im lặng. Bỗng Phúc đập vào tay Tâm, chỉ về phía bắc. Tâm nhìn theo, thấy 3 chiếc phản lực đang lao xuống, rồi vụt lên với những tiếng bom ầm ì vọng từ xa và cột khói đen cuồn cuộn tỏa rộng. Khi ba chiếc phản lực bỏ vùng khói đen bay về hướng tây, Phúc nói:
- Tới ba chiếc bỏ bom thì đụng lớn rồi. Ở Quảng Điền hay Phong Điền thì gặp cảnh này hoài.
Tâm hỏi:
- Thế còn Hương Điền?
- Quận ni thì đỡ hơn. Thỉnh thoảng lên phía bắc, gần mấy cái hồ o Khuê đi cắm trại, có đụng nhưng nhỏ thôi. Chưa trận mô phải kêu tới mấy con chim nớ. Dù răng thì Hương Điền vẫn còn là miền đất yên ổn, chuẩn úy muốn ở lại đây nửa năm để học hò thì chắc được, vì đại đội mới ra đây được mấy tháng.
Nghe Phúc nói, Tâm mỉm cười nghĩ đến cái vui qua mau.
Trên đò trở lại sự lặng lẽ như những đám mây bay thấp lững lờ trên phá. Khuê đang cúi đầu loay hoay rửa ly chén bên mạn thuyền, dáng cô thanh trong cánh áo lụa đen với những sợi tóc bay vờn theo gió làm nổi lên nét mong manh trên sóng nước. Bỗng Khuê ngước lên và bắt gặp cái nhìn của Tâm, nhưng cô không quay đi mà nhìn chàng một lúc, rồi mới cúi xuống đổ chậu nước xuống phá.
3
Tâm đang nhổ những cộng cỏ dài mọc đầy lỗ châu mai thì trung úy Chỉnh, đại đội trưởng bước vào:
- Ồ, anh cận thận hỉ, mới tới mà đã đèn đuốc như ri.
Tâm nói:
- Buổi chiều ở dưới đò lên, đi qua chợ, thấy hàng tạp hóa bày đèn nên chợt nhớ là phải có một cái – chàng vừa nói vừa đẩy chiếc mùng vào phía trong cái sạp ghép bằng những mảnh ván thùng đạn, mời Chỉnh ngồi, rồi chỉ vào lỗ châu mai:
- Lỗ châu mai làm thấp và hẹp quá, nhìn ra ngoài chỉ thấy như một khe hở.
Chỉnh nói:
- Ở nhiều hầm khác cũng rứa. Bao cát lâu ngày bị lún đó. Tôi tính cho dỡ ra làm lại, nhưng thấy mất nhiều công quá mà cũng không cần lắm. Vì khi đụng chuyện thì ra giao thông hào, chớ ở trong mấy cái hầm thì mô thấy chi. Với hệ thống giao thông hào làm bằng bao cát dày cả thước nối vô các hầm như ở đây thì có pháo cả ngàn trái 82 ly cũng vô ích.
Châm xong điếu thuốc Tâm mời, Chỉnh hỏi:
- Mới ra trường, lại phải tới chỗ heo hút ni, anh thấy răng?
Tâm đáp:
- Chỗ này mà anh nói là heo hút thì đỡ quá. Khi ra đơn vị, tôi nghĩ mình sẽ phải tới một nơi xa thôn làng, vắng vẻ hơn nhiều.
Chỉnh cười:
- Rứa thì hay, tôi thấy mấy ông chuẩn úy mới ra đơn vị thường có tâm trạng buồn chán. Phải qua một thời gian kha khá mới quen với cảnh đồn lũy, thôn làng hẻo lánh. Còn tôi nói heo hút, vì quận ni là một dải đất hẹp ở giữa phá và biển như một hải đảo, đi lại khó khăn.
Tâm nói:
- Địa thế hải đảo trong chiến tranh này có khi lại tốt chứ. Tôi nghe trung sĩ Phúc nói là tình hình quận này yên ổn hơn mấy quận khác. Biết đâu đó chẳng do địa thế hải đảo.
Chỉnh trầm ngâm một lúc:
- Có thể đúng một phần, nhưng chỉ được hơn nửa lãnh thổ. Để hình dung cho dễ, cứ lấy chi khu làm ranh giới thì từ đây xuống Thuận An là đất yên ổn, mình kiểm soát hoàn toàn. Còn từ đây trở lên phía bắc, tiếp giáp lãnh thổ Phong Điền và Hải Lăng gồm 3 xã Vĩnh Xươnng, Đại Lộc và Thanh Hương, khoảng 8, 9 cây số là vùng do VC kiểm soát. Dân vẫn xuống đây đi chợ, nhưng mình thì không thể thung dung đi lại. Mỗi sáng trung đội lên Vĩnh Xương hoạt động, cứ ra khỏi chi khu chừng 400 mét là nó bắn báo động.
Tâm hỏi:
- Nhưng nói chung, quận này so với các quận khác thì sao?
- Có thể nói tình hình vẫn yên hơn nhiều so với một số quận ở đất liền như Phú Thứ, Phú Lộc, Quảng Điền và Phong Điền. Vì thế cả quận chỉ có một đại đội với một số trung đội nghĩa quân thuộc mấy xã. Đi hoạt động phía trên ni, thỉnh thoảng có đụng, nhưng chỉ ở cấp trung đội, còn khi đi cả đại đội thì chúng lẩn, hoặc chỉ bắn lẻ tẻ để quấy rối.
- Thế còn mấy xã chài lưới ven biển?
Chỉnh nói:
- Tôi thấy có điều đặc biệt là đường phân ranh vùng cũng rứa. Từ đây đi thẳng ra biển là xã Hải Nhuận. Từ Hải Nhuận xuống phía nam thì yên, còn lên mấy xã phía bắc thì tình hình cũng y hệt trong ni. Có làng gần như hoang phế. Năm ngoái Hải Nhuận chỉ có một trung đội nghĩa quân, nhưng từ ngày đại đội về đây, mình phải biệt phái một trung đội tăng cường cho họ.
Chỉnh ngừng lại châm điếu thuốc khác, rồi tiếp:
- Ngày mai anh ra nhận trung đội 2 hiện ở Hải Nhuận.Trung đội trưởng trung 2 là trung sĩ nhất Bảo, một hạ sĩ quan gan dạ, nhiều kinh nghiệm chiến trường mà tính tình lại rất dễ thương. Mới về đơn vị mà anh gặp được một người phó như rứa là quý lắm, vì có khi mình phải lăn lộn cả năm mới quen chiến trường.
Tâm hỏi:
- Thường thì bao lâu cả đại đội lên hoạt động ở phía bắc một lần?
- Không nhất định, tùy theo lệnh của chi khu. Có khi đi một mình, có khi hành quân phối hợp nhiều cánh với Quảng Điền và Phong Điền. Đôi khi mình cần đi để tạo sự hiện diện bất ổn cho địch mà cũng để lấy củi, vì trên Đại Lộc, Thanh Hương có nhiều rừng thùy dương ở ngoài đụn cát ven làng với hồ nước đầy quanh năm. Sau khi lục soát xong, cho anh em chặt một ít dương đem về.
Tâm hỏi:
- Ai là chủ rừng dương đó?
Chỉnh nói:
- Thùy dương ở Hương Điền là một thứ cây quý, vừa để cản gió cát, vừa để làm củi, nên làng nào cũng trồng nhiều. Những bãi dương rộng như rứa thì chắc trước kia do xã cai quản, nhưng chừ thì vô chủ, vì dân đã bỏ đi gần hết, ruộng vườn bỏ hoang, nhà cửa đổ nát, nhiều chỗ cỏ cây như rừng. Cũng còn một số gia đình, nhưng đời sống của họ âm thầm tối tăm. Có trời mới hiểu được họ nghĩ chi trong cảnh sống nớ.
Chỉnh trầm ngâm một lúc, rồi nói với với ánh mắt buồn:
- Nhiều lần ngồi nghe thùy dương reo bên cạnh hồ nước trong xanh bên những đụn cát trắng mênh mông chạy ra biển, mình thấy thật tiếc khi nghĩ đến cảnh sống của những người dân ở dưới làng.
Tâm nói:
- Biết đâu họ chẳng là du kích hay gia đình của đám VC địa phương.
Chỉnh gật đầu:
- Chắc là như rứa. Nhưng điều khó hiểu là những người dân sống gần như biệt lập ni không tỏ lộ một thái độ chi có vẻ thù địch với mình mà còn thân tình nữa. Tôi đã thấy như rứa trong cuộc hành quân phối hợp với một tiểu đoàn Mỹ kéo dài hơn 2 tuần cách đây mấy tháng ở Đại Lộc, Thanh Hương và mấy làng ven biển, phía Thanh Hương đi ra. Vì trong thời gian hành quân, Mỹ bao vòng ngoài, còn mình hoạt động sát dân cả ngày lẫn đêm, nên đã xảy ra một chuyện là mấy mụ sồn sồn và mấy o gái đã để cho lính mình ăn nằm với họ dễ dàng. Sau hành quân, nghe đám lính kháo với nhau, tôi mới hiểu họ đã làm như rứa vì cần có con.
Tâm ngạc nhiên:
- Mấy vùng đó thiếu đàn ông đến độ đó sao! Thế đám du kích và đám cơ sở nằm vùng đâu?
- Hẳn là thiếu, vì trong làng chỉ còn mấy ông già. Còn đám du kích có được bao nhiêu thì mình chỉ phỏng đoán, khoảng trung đội là nhiều.
- Kết quả ra sao, anh có theo dõi không?
Chỉnh lắc đầu:
- Làm răng theo dõi. Phải có cuộc hành quân như rứa mới thấy được. Tôi vẫn còn nhớ những o gái phong phanh chiếc áo cánh đen hay nâu với ánh mắt vui đem khoai mì, khoai lang đến ăn chung với đám lính. Trong thời gian hành quân, mình được Mỹ cung cấp đồ hộp loại C Ration, nên mỗi sáng mấy nhà dân cũng như quán cà phê khi mấy o gái giúp đám lính nấu món cà phê thập cẩm gồm cà phe, xô cô la, sữa bột và đường trộn lẫn. Nhìn mấy người già nhấm nháp cà phê với điếu thuốc lá Mỹ, tôi nghĩ có lẽ đó là lần đầu tiên họ biết đến loại đồ uống nớ. Những bữa ăn cũng rứa, mấy o lấy rau cải và bầu trong vườn nấu với thịt hộp - Chỉnh cười: cũng hầm bà làng các loại thịt ba lát, thịt heo xay và thịt bò trộn lẫn trong một xoong lớn và họ quây quần ăn chung như người nhà. Ngày từ giã, tôi thấy rõ sự quyến luyến trong ánh mắt buồn của họ. Chẳng biết chừ họ nghĩ chi và nhớ chi trong cảnh sống với lính, còn đám lính đi là hết - Ngừng một lát, Chỉnh chậc lưỡi: Thật tội nghiệp!
- Ngày mai mấy giờ anh đưa tôi ra Hải Nhuận?
- Khoảng gần trưa. Sáng mai anh cũng nên đi một vòng cho biết chợ Hương Điền. Ở chợ có mấy quán cà phê khá đậm đà, trong đó đông nhất và ngon nhất là quán o Khuê - Chỉnh cười: Đông và ngon, vì chủ quán rất dễ thương, được cả người lẫn nết. Mỗi lần thấy lính và trai làng quần áo tươm tất, ra vô tấp nập để được nhìn ánh mắt, nụ cười của mấy o bán cà phê, tôi lại nhớ đến mấy o gái ở Thanh Hương, Đại Lộc. Mấy o nớ chân tay làm nông có thô hơn, nhưng những nét quyến rũ khác thì còn hơn. Chỉ cách nhau mươi cây số, liền ruộng liền đường mà cảnh sống khác nhau như rứa.
Chỉnh đứng dậy, vừa bước ra vừa nói: Biết làm răng. Thôi, chừ đi ngủ.
Tâm đứng lại trước cửa hầm, nhìn bóng Chỉnh khuất sau bờ giao thông hào. Dưới ánh sáng sao, tòa nhà chi khu nổi lên như một khối trắng trơ trụi giữa một vòng thành bao cát đen. Theo từng cơn gió, chàng nghe thấy những đợt âm thanh rào rào vi vút từ phía đụn cát vẳng lại. Đó là tiếng reo của thùy dương hay tiếng sóng đêm biển động? Chàng không nhận ra, nhưng lúc này mới cảm được lời của ông đại đội trưởng khi đối diện với đồn lũy trong bóng đêm. Nghĩ đến lời giới thiệu của Chỉnh về cô chủ quán được cả người lẫn nết, chàng mỉm cười về việc mình đã lấy cà phê, món quà Yến tiễn chàng ra đơn vị để kết thân với chủ đò. Dáng Yến trong tà áo xanh bay vờn về phía sau, hớt hải đi như chạy vào phòng đợi ở phi trường với những lời nói như một luồng sóng ập đến:
- Nhìn đồng hồ, rồi nhìn taxi lao xuống đèo như gió mà em vẫn thấy chậm. Em nghĩ là trễ mất rồi!
- Máy bay cất cánh chậm nửa giờ, nên thời gian đã giúp em. Mà sao lại cứ rắc rối. Bảo đi thì nói là sợ đưa tiễn ở phi trường. Rồi cuối cùng lại hớt hải lao vào phòng đợi như chỗ không người.
- Em không biết!
Chàng mỉm cười nhớ lại đôi môi phụng phịu như muốn ăn vạ theo câu nói, rồi bước vào hầm. Tâm mở ba lô lấy bức thư Yến đưa khi chàng sắp lên máy bay. Bức thư Tâm đã đọc nhiều lần, nhưng lúc này bỗng chàng muốn thấy Yến bằng những dòng chữ của nàng. Chàng hình dung lúc Yến viết thư với mái tóc xõa và bàn tay thon chạy trên giấy ở chiếc bàn bên cửa sổ có mấy cây mimosa lá bạc trắng. Tâm ngồi xuống cạnh chiếc đèn dầu phủ đầy thiêu thân, ánh sáng chập chờn theo gió lùa qua cửa.
Đà Lạt đêm....
Anh thương yêu,
Em đã đi nằm và cố tìm sự yên tĩnh dỗ giấc ngủ. Nhưng mỗi lần tìm yên đó chỉ được vài phút, rồi trí tưởng lại lan man bay nhẩy dẫn em tới với anh lúc nào không hay... Cứ thế, trí em quay vòng theo thời gian với những chuyện cũ, mới. Em nghĩ là nếu cứ nằm nghĩ thì sẽ hết đêm, nên em đã dậy viết thư cho anh, vì nghĩ rằng viết thư xong thì sẽ ngủ yên. Nhưng khi ngồi vào bàn, cầm bút mới thấy sự hồi tưởng miên man thật khó ghi lại thành lời cho đầy đủ, mạch lạc. Trong khi em đang tìm cách viết thì bỗng nghĩ tới cuốn nhật ký em đã viết hơn một năm qua và chợt nhận ra là những điều hồi tưởng lúc này cũng gồm những điều đã ghi trong nhật ký. Thế là em giở tập nhật ký đọc lại và chép những đoạn ghi từ tết đến giờ gửi cho anh.
Ngày................
Em đã nói chuyện với anh qua những đoạn nhật ký. Đêm nay em chỉ cách anh mấy đoạn đường, nhưng từ ngày mai thì biết bao nhiêu khoảng đất trời như bài thơ Khúc Ly Đình của Cao Thị Vạn Giả. Em sẽ nghe anh học đêm, học ngày và đọc sách. Nhưng học gì, đọc gì thì cũng không làm cho em bớt được nỗi sợ không gian và thời gian. Hàng ngày đi học, em phải đi qua chùa Linh Sơn, và chiều chiều em nghe tiếng chuông chùa Linh Quang. Trước kia, tiếng chuông đã giúp anh nhẹ người, bay cao, còn bây giờ với em, tiếng chuông ngân sẽ đưa em đi đâu? Đến bao giờ em mới thoát khỏi nỗi sợ hãi không gian và thời gian như em đang sợ trong đêm nay?
Cuộc cờ thế sự binh đao,
Phút giây tái ngộ ngày sau biết còn?
Tại sao hai câu này lại quấn lấy em?
.......
Tâm gấp bức thư để trên đầu sạp, với bao thuốc lấy một điếu, nhưng vừa châm xong thì bỗng những tiếng nổ oàng.. oàng... rung chuyển hầm làm chiếc đèn nghiêng đổ, lăn xuống đất. Cùng với những tia lửa lửa đỏ của đạn pháo giải trên sân, tiếng đạn nổ bùng lên ào ạt khắp nơi. Người Tâm run lên từng chập. Chàng ngồi xuống đất, cố trấn tĩnh một lúc lâu, rồi quơ tay lấy giây băng đạn quàng vào cổ, chụp chiếc nón sắt lên đầu, rồi xách khẩu carbine M2 chạy ra khỏi hầm. Chàng cúi khom người dưới những âm thanh chíu.. chíu... bao quanh mình, lần tới một chỗ có lỗ châu mai lộ thiên, ở gần đấy mấy binh sĩ cúi đầu sát bờ bao cát đang nhả đạn. Theo đường đạn đại liên rải quạt trên hàng kẽm gai và ánh hỏa châu, Tâm nhìn thấy lố nhố những lớp người lao vào hàng thép gai với những tấm ván, rồi bật lên, ngã xuống, hết lớp này đến lớp khác. Chi khu thành môt thảm lửa dưới những nháng lửa bùng lên của đạn pháo. Tâm nhắm bắn từng loạt vào những bóng người trườn dưới hàng rào và tay run lên khi thay băng đạn. Những lớp đất, cát tung lên như mưa văng vào người và chàng nghẹt thở trong khói và mùi thuốc đạn. Nhưng hình như mùi thuốc đạn với những tiếng nổ ù tai đã như một thứ thuốc kích thích khiến chàng trườn hẳn lên bờ bao cát bóp cò nhanh hơn.
Tâm đang nhắm bắn những bóng người nhô lên, hụp xuống trong mấy hàng rào ở giữa thì những tia lửa dài cùng với tiếng nổ như sét đánh của đạn đại bác bùng lên ở phía đụn cát sau chi khu và bên trái sát bờ làng. Cùng lúc ấy phía hầm đại liên bùng lên những tia lửa xanh với những tiếng nổ hất chàng lên, và tiếng đại liên vụt tắt. Đại liên bị diệt rồi – Tâm nghĩ nhanh, nhưng liền sau đó, chàng thấy xạ thủ đại liên ôm súng với băng đạn vắt ngang cổ, nhào đến ụ đại liên lộ thiên, chỉ cách chàng mươi bước, rồi đại liên lại nháng lửa nổ rền.
Hàng loạt tiếng đại bác bùng lên với những tia chớp chuyển gần vào hàng rào thép gai. Tai ù như điếc trong khói bụi mù mịt, nhưng Tâm vẫn thấy những bóng đen nhô lên, hụp xuống ở mấy hàng rào trong ánh ánh lửa đang bốc cháy từ căn nhà ở ven làng và loáng thoáng đã có bóng người trườn vào đến gần mấy hàng rào cuối cùng..... Đất cát vẫn từng đợt như mưa đổ xuống... người chàng ướt đẫm, Tâm vừa bóp cò vừa nghĩ: Chúng sắp vào đến nơi...
4
Trung úy Chỉnh nhìn những người lính mặt hốc hác bơ phờ một lúc, rồi nói:
- Đêm qua, địch đã dồn lực để mong dứt điểm một chi khu còn nhiều yên ổn, nhưng chúng đã thất bại, vì đụng phải hai điều: Thứ nhất là mặc dù quân số ít, nhưng do phản ứng nhanh với công sự vững chắc, nên chúng ta đã giữ vững được vị trí và diệt được những đợt xung phong đầu tiên. Thứ nhì là ông chi khu trưởng, nguyên là sĩ quan pháo binh, nên đã có thể và dám điều chỉnh pháo binh bắn vô tận mấy hàng dây thép gai phía ngoài. Cứ nhìn ra ngoài hàng rào, anh em sẽ thấy sự tập trung lực lượng và sự thí mạng người theo chiến thuật biển người, tiền pháo hậu xung, thứ chiến thuật coi mạng người như kiến của địch trong nỗ lực hủy diệt những căn cứ và đồn bót của ta.
Ở đây, tôi muốn nói lên một điều là sự bình tĩnh và dũng cảm của anh em đã cứu chúng ta, đã giữ vững được chi khu. Chúng ta đã quen với chiến trận và chết chóc, nhưng từ sáng tới chừ, tôi không muốn nhìn ra phía hàng rào quanh chi khu. Vì cái chết của ai thì cũng đau thương với tiếng khóc của những người mẹ, người vợ và những đứa con.
Chỉnh ngừng lại, nhìn cảnh tượng đổ nát với gạch vụn, mảnh đạn và những miếng tôn quằn ngổn ngang đầy sân – Cúi đầu một lúc, rồi ngước lên:
- Chúng ta cũng phải chịu tổn thất. Nhưng con số 9 im lặng và 6 rách áo vẫn là nhẹ so với cường độ pháo và tấn công của địch. Riêng tổ đại liên của anh Tường bị quá nặng, vì địch đã tập trung B40 để cố diệt khẩu đại liên cản mũi tấn công chính của chúng, nên anh em ở gần đó đều bị hại. Trong số 9 người hy sinh thì 6 người quê quán ở Hương Điền, nên hôm nay chúng ta sẽ đưa anh em về tận nhà. Còn 3 người cùng với số anh em bị thương sẽ được trực thăng chuyển về Huế. Anh Phúc theo trực thăng đưa anh em về quân y viện Nguyễn Tri Phương và làm ngay những việc phải làm của quân số.
Chúng ta đều thấm mệt, nhưng xin anh em rán sức thu dọn lại hầm hố. Thôi, anh em tan hàng.
Nhìn đám lính thất thểu đi vô giao thông hào đổ nát, Chỉnh nói với Phúc:
- Anh sẵn sàng, trực thăng sắp tới đấy. Chừ tôi lên chi khu họp.
Phúc đi ra bãi đất trống trước chi khu. Những người lính bị thương, người nằm trên cáng, trên cỏ, người ngồi bệt trên bờ ruộng. Cạnh đó là 3 gói poncho cuộn xác 3 người tử trận. Trong hàng rào thép gai, ngổn ngang những cái xác mặc quần đùi bên cạnh những tấm ván ngắn, có xác vắt ngang trên dây kẽm, có xác còn ngồi gục tựa vào hàng rào...
Phía trước chi khu, từ đường xuống đến khu đất trống, dân chúng tụ tập đông nghẹt. Phúc thấy Khuê đang nhìn về phía mình, nên bước nhanh tới nói:
- O Khuê, hôm ni thì hết tới quán o. Tôi phải đưa ông chuẩn úy về Huế. Ông ấy chết rồi!
Khuê mở mắt lớn, mặt tái đi, môi mấp máy nhìn Phúc, rồi nhìn về phía mấy bọc poncho trên bờ ruộng. Cùng lúc ấy chiếc trực thăng xuất hiện ở phá, bay một vòng quanh chi khu, rồi quay lại đáp xuống bãi đất trống theo dấu trái khói. Chỉ trong khoảng 20 phút, chiếc trực thăng lại cất cánh bay ra phá.
Đứng nhìn theo chiếc trực thăng bay lên cao, xuôi phá về phía nam và biến mất trong đám mây, Khuê cúi xuống lấy tay áo chùi nước mắt, thẫn thờ bước ra đường./.