2021-02-22
Mua vàng ngày vía Thần tài
Theo quan niệm dân gian, ngày 10 tháng giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài. Thần Tài là vị thần chuyên quản tài - phúc - phú - quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn cho mọi người. Người ta tin rằng mua vàng vào ngày này sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho cả năm. Từ đó, người dân thường đổ xô đi mua vàng, dẫn đến tình trạng giá vàng bị đẩy lên cao, rồi lại hạ đột ngột vào cuối ngày.
Thống kê từ tạp chí Tài chính Việt Nam đã ghi nhận mức kỷ lục vào hôm 17 tháng hai, tức mùng sáu Tết Tân Sửu, khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân giá vàng tăng sớm như vậy được nói là do tâm lý e ngại chen lấn đông đúc trong bối cảnh dịch COVID- 19, nên người dân đã bắt đầu đi mua vàng sớm hơn thường lệ.
Vì sao người dân sẵn sàng bỏ tiền ra mua vàng giá cao hơn bình thường như vậy? Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định:
“Tôi nghĩ cái câu chuyện Thần Tài nó mới được dựng lên cách đây khoảng một chục năm thôi, chứ không có thần nào mà phù hộ cho mình nếu mình mua vàng vào ngày của ổng. Hình như mấy ông kinh doanh vàng dựng lên câu chuyện mua vàng ngày Thần Tài để bán vàng. Rõ ràng giá vàng lên cao vào ngày Thần Tài và sau đó nó xuống lại.
Người mua chỉ nghĩ đến phúc lợi ông Thần Tài mang lại chứ không nghĩ đến cái thua thiệt về vấn đề tài chính. Người Việt Nam mê tín dị đoan lắm. Ngày lễ tết, nhiều người mua những loại tiền giấy mệnh giá thấp rồi thả vào những chỗ miếu, đền linh thiêng. Họ tin rằng họ thả tiền như vậy thì Trời Phật sẽ phù hộ cho họ.”
Tính trong dịp vía Thần Tài từ khoảng mùng tám Tết đến nay, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 850.000 đồng/lượng. Như vậy, chỉ sau một ngày, người mua vàng may mắn ngày vía Thần Tài đã phải chịu lỗ khoảng 850.000 - 900.000 đồng/lượng nếu cần tiền phải bán vàng.
Theo lãnh đạo các công ty kinh doanh vàng, khách hàng có tâm lý mua vàng để đón lộc cho cả năm nên không để ý đến giá.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương cho rằng, nhiều người Việt Nam tin vào những giải thích mơ hồ, không có cơ sở. Nhưng vì cuộc sống thực tại không ổn định về tài chính nên họ đành cầu may, kiểu ‘có kiêng có lành’. Họ thấy người ta chen nhau đi mua vàng thì họ cũng mua, và cứ thế lan truyền theo hiệu ứng đám đông từ lúc nào họ cũng không biết. Bà nói:
“Tôi nghĩ đây một phần là tâm lý đám đông thích kiếm tiền theo hình thức mạo hiểm. Đây là một hình thức bỏ tiền ra cầu may nên lỗ, lãi họ không quan tâm.
Trong một xã hội mà cuộc sống bấp bênh, người ta lo lắng nên họ chấp nhận đầu tư rủi ro. Đó là một khía cạnh. Một khía cạnh nữa là họ ham làm giàu nhanh chóng. Thêm vào đó là những người muốn có một số vốn kinh doanh thì họ theo những gì đám đông đang làm. Ai làm sao thì họ làm vậy.”
Truyền thông trong nước dẫn lại con số của một vài cửa hàng kinh doanh vàng trong ngày Thần Tài như sau:
Tại công ty cổ phần Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (PNJ), sức mua dịp ngày Thần Tài tăng khoảng 20% do khách đã bắt đầu mua từ mùng 7 Tết; 2.500 bộ 3 miếng vàng Xuân Phú Quý tung ra thị trường dịp ngày Thần Tài đã bán gần hết trước ngày mùng 10. Tại công ty TNHH Một thành viên vàng bạc Đá quí ngân hàng Sacombank (SBJ), lượng khách đặt sản phẩm vàng qua các kênh online với doanh số cao, tính đến hết buổi sáng, doanh thu trong dịp ngày Thần Tài đã tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Tại các trung tâm của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hàng trăm nghìn sản phẩm đã được bán ra thị trường.
Anh Minh từ Sài Gòn cho biết, anh không tin vào những may mắn từ các vị thần vì nó không có cơ sở khoa học. Do đó anh không mua một phân vàng nào vào ngày Thần Tài cả. Anh nói:
“Vụ mua vàng đầu năm thì nói thật là mấy chục năm trước người dân còn nghèo nên những lễ nghĩa cũng bị chìm lắng. Sau này cuộc sống thay đổi, làm ăn khấm khá hơn, có tiền hơn thì người Việt Nam có tâm lý ‘phú quý sinh lễ nghĩa’. Do đó những người tin vào tâm linh, nhưng lại rơi vào tâm trạng khác là ồ ạt đi mua vàng trong một ngày thì rõ ràng vàng phải tăng giá thôi.
Có nghĩa là họ chấp nhận giá mắc rất nhiều lần để mong đạt ước nguyện, hoài bão là sẽ khấm khá hơn. Mặc dù nó rất mơ hồ nhưng nó lại phản ảnh cái tâm lý của họ là mong ước một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn. Đó cũng là mong ước chính đáng, không trách họ được.”
Phong trào đào tiền ảo Pi
Thời gian gần đây, phong trào đào tiền ảo Pi rộ lên ở Việt Nam. Không khó để thấy người Việt Nam quan tâm đến đồng Pi đang lớn mạnh như thế nào. Trên mạng xã hội Facebook có nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích kêu gọi mọi người tham gia Pi Network cũng như chia sẻ kiến thức và cách đào loại tiền này trên điện thoại.
Ngoài phạm vi hội nhóm, nhiều tài khoản Facebook cũng giới thiệu Pi Network đến với bạn bè, người thân kèm theo mã mời (Invitation Code) của mình. Họ có chung niềm hy vọng làm giàu bằng hình thức khai thác tiền mã hóa.
Song song đó cũng có nhiều bài viết trên báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội cảnh báo những được và mất khi tham gia đào những đồng tiền này.
Với ưu thế dễ khai thác bằng smartphone mà không cần kết nối mạng, tiền mã hóa Pi đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng đào tiền điện tử trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Anh Minh cho rằng, chuyện đào tiền ảo ít nhiều mang tâm lý đám đông, bởi đi đâu cũng nghe người ta nói với nhau về việc đào tiền miễn phí, chỉ có được chứ chẳng mất gì. Bản thân anh thận trọng hơn. Theo anh, không biết rõ về nó thì tốt nhất là không chơi. Anh nói thêm:
“Quan điểm của tôi là không theo tâm lý đám đông. Thứ hai nữa, tiền ảo là những gì rất mơ hồ mà mình không nhìn thấy cụ thể nên mình không dính vào.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói về những đồng tiền kỹ thuật số:
“Không những tiền Bitcoin, nhiều người vẫn chạy theo đồng tiền kỹ thuật số, cryptocurrencies, mà trong chứng khoán cũng vậy. Cái hiện tượng chạy theo người khác, thấy người ta mua mình cũng vào hùa mua, như mua vàng ngày Thần Tài cũng thế. Họ theo đám đông. Cái tâm lý mua theo đám đông, tâm lý gọi là ‘bầy đàn’ nó còn rất nặng nề ở Việt Nam.
Cho đến giờ này thì những đồng tiền cryptocurrencies nó ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ nó không ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ nhiều, vì hiện tại Việt Nam vẫn cấm dùng những đồng tiền kỹ thuật số để mua bán. Tức không được dùng như phương tiện thanh toán (means of payment). Thế nhưng không ai cấm việc mua những đồng tiền đó từ người này người kia, hoặc chuyển nhượng, trao đổi.”
Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản chất ý kiến đó như thế nào.