15 tháng 12 2021
Với hai phiên xử sơ thẩm liên tiếp, 14-15/12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội kết án nặng với các nhà hoạt động: 9 năm tù cho bà Phạm Đoan Trang, 10 năm tù ông Trịnh Bá Phương và 6 năm tù bà Nguyễn Thị Tâm.
Bà Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động dân chủ, từng được giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).
Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm vốn là nông dân, nhưng được biết đến là những nhà hoạt động xã hội.
Các bản án nêu trên, đặc biệt là với bà Phạm Đoan Trang được quốc tế biết nhiều hơn, đã gây ra nhiều phản ứng trong giới ngoại giao nước ngoài cũng như trên mạng xã hội Việt Nam.
Bày tỏ sự ngưỡng mộ
Viết trên trang Facebook cá nhân, nhà phê bình văn học sống ở Úc Nguyễn Hưng Quốc viết: "Có thể nói Phạm Đoan Trang là một trong những người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ nhất. Chị vừa có trí thức vừa có tâm, rất thông minh và cũng rất dũng cảm."
Nhà báo Huy Đức nhận định: "Nếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội."
Danh khoản Danh Nguyen nói: "Vô cùng kính trọng Đoan Trang. Cô có đủ tố chất: hỏi Bi-Trí-Dũng của một hành giả đấu tranh cho sự an vui của đồng bào mình. May mắn cho dân tộc Việt còn có những người trẻ như cô. Lành thay! Lành thay!"
Danh khoản Khang Phan nhận định: "Khí phách cháu kiên cường! Bao giờ đất nước này có một chính quyền biết trân quý những lời phản biện nghịch nhĩ, khi đó đất nước mới có cơ sánh năm châu!"
Còn nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết: "Người mẹ nông dân không biết đọc vỏ chữ của tôi, người mẹ giáo viên người mẹ công nhân người mẹ thôn quê người mẹ đô thành của bạn cũng sẽ kiên cường như mẹ của Trang.
Nhưng chúng ta, chúng ta lại hèn."
Bày tỏ sự bất bình
Nhà văn Tạ Duy Anh viết trên Facebook: "Dù bị tuyên bởi một bản án khắc nghiệt thì Phạm Đoan Trang cũng chỉ là tù nhân trong 9 năm, trong khi những người kết án cô thì chắc chắn là tù nhân vĩnh viễn của lịch sử."
Một người dùng Facebook, Thế Đại Đặng, cho rằng: "Người ủng hộ hay người phản đối đa nguyên thì cứ ủng hộ hay cứ phản đối bằng... ngôn luận, sách báo thì có sao?"
"Tôi chưa đọc những sách cô Phạm Đoan Trang viết, nhưng nếu cô ấy chỉ viết thôi, không dùng đến súng đạn, gươm giáo, cuốc thuổng, gậy gộc để trình bày và bảo vệ quan điểm của mình thì sao lại bắt cô ấy đi tù?"
Trong ngày 15/12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.
Cáo trạng nói hai người phát tán nhiều video, chia sẻ bài viết "có nội dung xuyên tạc về tình hình trật tự" ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Nhận định về phiên xử ông Phương và bà Tâm, người dùng Facebook, Đặng Bích Phượng, bình luận: "Nhìn ảnh vợ và hai con của Trịnh Bá Phương - rất buồn."
"Một người bán cua ngoài chợ, nhỏ bé và khiêm nhường như Trịnh Bá Phương, là con của vợ chồng người nông dân mất đất như ông Trịnh Bá Khiêm, bà Cấn Thị Thêu, có thể làm gì để gây nguy hại cho nhân dân, cho đất nước?"
Vẫn theo ý kiến của Đặng Bích Phượng: "Trịnh Bá Phương không có 10 tỷ để bảo lãnh như các quan chức cộng sản khi sa lưới pháp luật. Trịnh Bá Phương cũng không có cơ hội để tham nhũng, lợi dụng chức quyền để gây thất thoát tài sản quốc gia. Anh ta chỉ nói lên những điều anh ta nhìn thấy, nghe thấy, và suy nghĩ của anh ta. Vậy thì anh ta có tội gì?"
Từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân viết về các vụ xử 14-15/12:
"Khi lượng hình theo điều 117, các thẩm phán thường dựa vào hậu quả của hành vi là "gây hoang mang dư luận". Trên thực tế những bản án nặng nề và bất công dành cho các nhà bất đồng chính kiến mới là những thứ thực sự "nguy hiểm và "gây hoang mang dư luận" nhất.
Chắc chắn nó tích tụ và đến lúc nó "xâm phạm" đến sự vững mạnh của chính quyền vì khát vọng tự do là không thể bị dập tắt bằng chuyên chế.
Vì vậy, thay vì những bản án nặng nề, hãy trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến. Đó chính là cách thực hành dân chủ và nhân quyền cụ thể và rõ ràng nhất, nó cũng góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do và khai phóng."
Tuy vậy, vẫn còn những biểu hiện khác. Viết trên Facebook BBC News Tiếng Việt, độc giả Sen Hương viết: "Phản đối tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử tên phản quốc chống đảng với mức án quá nhẹ."
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm được thông báo là diễn ra công khai, nhưng người nhà của hai nhà hoạt động không được tham dự.
Vợ Trịnh Bá Phương cùng người nhà bà Tâm bị đưa vào công an phường Dương Nội, trong khi ông Trịnh Bá Khiêm - bố Trịnh Bá Phương - bị công an đưa lên xe chở về quê ở Hòa Bình.