-Cô hỏi ai?...tìm người quen hả?
-Dạ không. ….
-Cô đi tới đi lui, hổng chừng công an phường để ý …mất công lắm đó.
-Dạ, hồi trước tôi ở đây mà bây giờ nhìn không ra
-Cô ở đây năm nào? chớ tui ở đây từ hồi trước khi mấy ổng về lận. Mà cô ở căn số mấy.
-Dạ, số 44.
-Số 44 hả? Nó nằm tuốt phía trong á. Cô đi tới chút xíu nữa, có khúc cua, nó nằm bên tay trái.
-Tôi cũng nhớ như vậy, nhưng lại không nghĩ con hẻm sâu như thế.
-Đường xá bi giờ người ta làm lại hết rồi cô ơi, hồi đó cái ngõ này ngắn hủn, bi giờ nó đẩy ra tới ngoài đường cái. Mà cô ở đây hồi nào, trước giải phóng hay sau giải phóng?
-Trước 75 và sau 75 nữa.
-Vậy là cô ở đây trước giải phóng, ủa rồi cô đi khỏi đây hồi nào?
-Đây là nhà cha mẹ tôi, còn tôi ở chỗ khác.
-Đâu để tui coi, căn 44… trước giải phóng… phải ông là Bác Năm thày thuốc đó không?
-Đúng rồi, ba tôi đó.
-Mèn ơi, tui nhớ rồi, vậy cô là cô Hai Thủy phải hôn?
- Đúng rồi, chị là…
-Em là con bà Bảy đậu hũ nè cô Hai. Em bi giờ già rồi, nên cô hổng nhận ra, chớ em coi gương mặt cô em ngờ ngợ từ hồi sớm rồi, thấy cô đi tới đi lui, em sanh nghi liền.
-Bà Bảy khoẻ không? Xin lỗi, tôi gìa rồi, nên quên nhiều, chị là…
-Trời ơi, em là Mén nè, con nhỏ đi xà nẹo theo gánh đậu hũ của má đặng lau chén nè.
-Úi trời ơi, Mén đây hả? Thiệt tình tôi nhận không ra.
Làm sao Thủy có thể nhận ra được người phụ nữ đen đủi, đôi mắt sưng mọng, hai đường cắt hằn sâu nơi khoé miệng, và mái tóc muối tiêu thưa thớt rối bời, là con bé 11, 12 tuổi, bị tật ở chân, hàng ngày chạy theo gánh đậu hũ của mẹ để phụ rửa chén, lau chén của năm 1972, khi gia đình nàng mới dọn vào ở con hẻm này? Thủy hay bàn về thời gian. Nàng nghĩ thời gian có lúc nhanh, lúc chậm, mặc dù thời gian chỉ có một vận tốc. Nàng biết thời gian thường để lại dấu vết ở những chướng ngại trên đường nó đi qua, và con người là chướng ngại yếu đuối, dễ bị tàn phá nhất. Nhưng những gì Thủy gặp ở Mén, không phải chỉ đến từ sự vô tình tàn nhẫn của thời gian. Cái dáng lam lũ của người phụ nữ đã tố cáo cả một cuộc đời vô vị nhọc nhằn. Nó cũng tố cáo cả những cuộc đời chung quanh có cùng chung số phận. Thủy cố trấn tĩnh và hỏi:
-Bà Bảy cũng còn khoẻ chứ hả?
Mén thân mật nắm tay Thủy kéo vào nhà:
-Cô Hai vô nhà chơi, .rồi em nói chuyện cho nghe. Thiệt tình đâu dè bữa nay gặp cô Hai
Thủy háo hức, hấp tấp theo chân Mén. Căn nhà hẹp và sâu, có gác lửng ở phía sau. Buổi trưa nắng chang chang, thế mà chỉ có căn phòng bên ngoài hơi sáng, giữa nhà tối om, cuối nhà mới có chút ánh sáng mờ mờ, hắt xuống từ khoảng trời nào đó qua căn gác. Ký ức hiện về, Thủy nhớ đã sang nhà bà Bảy, đã lên xuống chiếc cầu thang xoắn ốc của căn gác lửng nhiều lần. Ngày ấy không gian rộng mở, thảnh thơi. Thế mà sao bây giờ nó nhỏ bé như căn nhà của những người lùn trong truyện cổ tích. Căn phòng được gọi là phòng khách kê hai ghế salon, nệm rách bươm, không có bàn. Trên tường, treo xô lệch bức ảnh một cụ già tóc bạc phơ, móm mém cười. Thủy nhìn kỹ thoáng thấy có nét thân quen. Thủy chỉ bức ảnh và hỏi:
-Phải bà Bảy đây không?
-Hình má em hồi mười mấy năm trước đó. Khi đó bả mới 60 tuổi, còn mạnh.
Thủy không thể ngờ ảnh của cụ già treo trên tường lại là bà Bảy bán đậu hũ ở tuổi 60. Thủy không thể hiểu tại sao sự già nua lại rõ nét và hằn sâu đối với gia đình bà Bảy đến như vậy. Mén nói:
-Cô Hai ngồi chơi, em châm miếng nước, rồi em kể chuyện má em. Má em bả chết cũng 10 năm rồi cô Hai. Bả bịnh, nhà hổng có tiền cho bả vô bịnh viện, bả chịu hổng nổi nên đi luôn.
Thủy ngậm ngùi: -Bà Bảy bịnh gì vậy? -Má em bị trúng nước. Cô Hai nhớ hôn? Hồi đó cũng mưa, cũng sấm sét rầm trời, mà con hẻm mình khô rang. Dzậy mà sau này chỉ có một cơn mưa một, hổng biết nước ở đâu mà nó tràn lan, làng trên xóm dưới như con sông dzậy. Nhà em ngập tới nửa. Bộ ngựa má em nằm coi như chìm trong nước. Tới hồi nước rút, bộ ngựa thấm nước, ướt mem dễ gì khô liền. Nhưng má em nói ngủ chỗ khác bả hổng ngủ được. Bả đòi ngủ trên bô ngựa của bả. Con cái hổng có ai cản bả được hết á. Đó rồi, đâu tháng sau, má em bị ho, bị lạnh, bị sốt cao, tụi em chở má vô bịnh viện, bác sĩ nói má em bị phổi có nước, có nhiễm trùng gì đó, nặng lắm. Bác sĩ cho toa mua thuốc, biểu nhập viện. Nhưng cô biết hông, tiền hổng có, mấy chục ngàn kiếm đâu ra? Má em nói: “Thôi để má dzìa nhà tĩnh dưỡng ít bữa hết bịnh chớ gì, nằm bịnh viện tốn tiền, bây cũng phải tới lui cơm nước mất công.” Tụi em đưa má dzìa nhà, được ít bữa, bà già ngủ rồi đi luôn.
-Tội nghiệp bà Bảy quá.
-Cô Hai ở bển mới dzìa, nghe hoàn cảnh thì thương mà nói dzị, chớ ở đây người ta chết hà rầm, có hồi hổng kịp chôn, thành chi cũng hổng kịp buồn.
-Mén nói vậy nghĩa là sao?
-Muốn vô bịnh viện gặp bác sĩ trong túi phải có bạc triệu cô Hai ơi. Dân cỡ tụi em, hổng dám nghĩ tới đâu. Ông Trời ổng kiu thì dạ cho rồi! Sanh Lão Bệnh Tử mà cô Hai, tránh sao khỏi. Uống nước đi cô Hai. Ừa, cô Hai còn nhớ chị Ba Liêng hôn? Thủy reo vui:
-Nhớ chứ, Ba Liêng. Chị ấy bây giờ ở đâu? làm gì?
-Cô Hai nhớ hôn? hồi đó chị Ba có ông bồ làm lính quốc gia mình đó.
-Đúng rồi, tôi còn nhớ mỗi lần anh ấy về phép thường ghé thăm bà Bảy.
Mén cười thành tiếng:
-Thăm chị Ba chớ thăm chi má em. Ông Thành đó.
-Hình như hai người không lấy nhau?
-Không, chị Ba em nói ông Thành người miền ngoải, gia đình giòng họ vua chúa khó khăn lắm. Mà hễ lấy ổng thì chị Ba phải ra ngoải, xa má, chỉ hổng muốn.
-Vậy hả, tôi không biết chuyện này, lúc đó tôi đã lấy chồng, không còn ở đây.
-Đúng rồi, em còn nhớ đám cưới cô Hai có cái xe Huê Kỳ thiệt bự đậu trước cửa nhà, cô Hai bận áo dài màu hường, kết bông trên đầu, coi như công chúa dzị.
-Mén nhớ nhiều ghê. Bây giờ chị Liêng ở đâu? Khoảng năm 78, 79, thỉnh thoảng tôi gặp chị ấy bán thuốc Tây ở chợ Tân Định.
Mén nhìn mông lung:
-Hồi đó chỉ có mối thuốc Tây lớn lắm, em có phụ chỉ đi giao thuốc cho các mối mà. Làm ăn cũng được lắm, nhưng khi không chỉ nói chỉ muốn đổi đời. Đâu chừng mấy tháng sau, chỉ nói với em:“Mén, mày ở lại coi chừng má, chị Ba đi vượt biên. Qua tới bển, chị Ba gởi tiền về nuôi mày với má. Hễ mày với má muốn qua bển, tao làm giấy bảo lãnh luôn.” Hồi nào tới giờ, em chỉ biết cái xóm của mình, nghe chị Ba nói đi qua bển, em hổng biết bển là đâu, đi bao xa, nhưng em tin chị Ba, em gật đầu đại. Ai dè chị Ba có đi mà hổng có tới. Tàu còn chập chờn rẽ sóng thì bị công an bắn chìm, hổng tìm thấy xác. Tim Thủy nhói đau. Hình ảnh cô bạn hàng xóm của tuổi thanh xuân, với nụ cười có lúm đồng tiền, mái tóc dài cột cao trên đỉnh đầu thành cái “đuôi ngựa” ngúng nguẩy theo bước đi, bất giác lung linh trước mặt. Tiếng Mén đều đều bình thản:
-Hổng hiểu sao cái thời gì mà kỳ cục. Có nhà, có nước, hổng muốn ở, cứ muốn nhào ra biển, rồi chết cũng cam. Mạng người mà như lục bình dzị. Người hổng đi, cái mạng cũng không mắc hơn. Nhiều khi còn bị nhục. Cái nhục nó thảm tới ngàn lần. Mén chợt yên lặng, một chút lại nói tiếp:
-Cô Hai ở chơi lâu không?
-Sáng sớm mai tôi đi rồi.
-Vậy hả, vậy em dắt cô Hai đi qua ngó căn nhà cũ của bác Năm cho biết, rồi về lại nhà em, mình ăn cơm chiều. Vừa nói, Mén vừa ra sân, Thủy đứng dậy đi theo. Mén lấy sợi giây kẽm rỉ sét cột cánh cổng gỗ xiêu vẹo, và đi sâu vào con hẻm. Mén nói:
-Cô nhớ căn phía trước nhà cô, hồi đó cho Mỹ thuê không?
-Nhớ.
-Rồi sau giải phóng, công an nhốt tù ở trỏng. Giữa khuya có một tù vượt ngục, nó chạy lính quính sao mà lọt vô nhà ông tổ trưởng tổ dân phố. Ổng hên ghê, ngồi không mà hưởng thành quả cách mạng.
-Tôi nhớ rồi, sau khi bị bắt lại, người tù bị đánh, anh ta la hét đau đớn suốt đêm, thiệt tội.
-Hồi đó tổ trưởng dân phố nói công an uýnh cho chừa tội ăn cắp, nhưng em thấy ai phạm tội, tội lớn, tội nhỏ gì cũng vậy đều phải được xử theo pháp luật, chớ công an nhơn danh cái gì mà đánh người? Công ăn đánh người là chuyện dài Liên Xô đó cô Hai ơi. Đến trước ngôi nhà số 44, Mén ngừng lại nói:
-Đó, nó đó. Thủy không còn nhận ra được căn nhà cũ của cha mẹ nàng. Căn nhà lầu 2 tầng song lập xinh xắn ngày ấy với giàn hoa giấy quanh năm có hoa màu đỏ tím. bây giờ đã biến thành cửa hàng hợp tác xã xô bồ, nhơ nhếch. Ở đây không có gì thuộc về nàng, cả không gian và thời gian. Những gì của nàng, thuộc về nàng, chúng đang nằm yên trong tim nàng. Thốt nhiên Thủy thấy nhẹ nhàng yên tâm, nàng nói với Mén:
-Xong, mình đi về.
-Cô Hai không muốn vô trong coi hả?
-Không, tôi vẫn còn nguyên căn nhà cũ trong tim mà không biết. Căn nhà này không phải.
-Đúng vậy đó. Em thấy cái gì mình muốn nhớ là mình nhớ, muốn quên là mình quên. Tất cả ở trong bụng mình. Tìm ở bên ngoài, làm sao thấy được.
Thủy nắm tay Mén đi ngược trở ra về lại nhà Mén. Vào đến nhà, nàng nói:
-Mén à, lúc đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi chỉ mong mau mau tìm lại ngôi nhà xưa của cha mẹ. Tôi nghĩ, căn nhà là một phần trong cuộc đời chị em tôi. Tôi cần tìm lại. Tôi nghĩ sẽ xin người chủ mới vào thăm từng phòng để ngửi lại mùi kỷ niệm. Sẽ lên sân thượng thăm những cây sứ Thái Lan nở hoa đỏ chót vào mùa Xuân. Sẽ gởi lời chào cây Gấc, cây Lan Hoàng hậu và giàn bông giấy. Nhưng bây giờ thì không cần nữa, vì khi tôi đi khỏi nơi này, cũng là lúc tôi đem nó theo tôi. Hôm nay tôi về nước có chút công việc, may là gặp được Mén, biết được chuyện bà Bảy và Ba Liêng, tôi buồn lắm. Mai tôi đi rồi, Mén ở lại ráng giữ gìn sức khoẻ, tôi sẽ thay thế Ba Liêng chăm sóc Mén.
Thủy nhìn sang bên cạnh, Mén ngồi im ru, một chốc, Mén thì thầm: “Thà không gặp cô Hai, chớ gặp rồi, phải chia tay, buồn lắm. Hổng biết bao giờ cô Hai dzìa lần nữa, thôi lần này mình vĩnh biệt luôn. Em đang bị ung thư thời kỳ cuối. Bác sĩ nói ung thư tử cung, vì hổng có tiền, nên hổng nằm viện được. Thủy lắc mạnh tay Mén:
-Hả, tôi sẽ đóng tiền bệnh viện cho Mén.
Giọng Mén bỗng sũng nước:
-Không cần đâu cô Hai ơi. Ông Trời kiu tránh sao được. Có bề gì, em nhờ người nhắn tin cho cô Hai nghe.
Tim Thủy chùng xuống, nàng vòng tay ôm Mén, mà ngỡ như đang ôm thân hình gầy gò của con bé Mén ngày nào.
(PDH 11/12) **