Nhân dự đại hội Cựu học sinh Chu Văn An toàn cầu kỳ 8, nhớ lại một thời (Bác sĩ Trần Xuân Ninh)

 

Đã từ lâu lắm tôi không để ý hay tham dự các tiệc tùng đình đám hội ngộ vì bạn bè thân thuộc tản mạn hết, chẳng còn bao nhiêu. Nhưng tôi đã dự đại hội Cưu học sinh Chu Văn An toàn cầu kỳ 8, mà tôi được biết nhờ một anh bạn đồng nghiệp. Anh rủ tôi đi, cho vui. Vào phút chót, anh cáo lỗi vì …đại dịch Covid 19 chưa hoàn toàn kiểm soát được và nhà có 3 ba cháu nhỏ. Chẳng sao, tôi vẫn đi. Vì tôi đã chủng ngừa 3 lần. Và vì tôi biết điều kiện viết rõ ra là phải có bằng chứng chích ngừa đàng hoàng  khi vào dự hội.  Lập trường khoa học  và dứt khoát này trong cái không khí lùng tùng xòe chính trị hóa Covid 19 trộn lộn với những ý kiến tạp nham trên các trang mạng giang hồ đảo động, làm tôi đặc biệt có cảm tình với ban tổ chức mà tham dự.  Có lẽ nhiều cựu học sinh Chu văn An cũng có những suy nghĩ  tương tự như thế nên đại hội đã lôi kéo được trên 600 người tới dự chăng? Hay kết quả này là do những lời chúc tụng thành công của những người ở nhà? Xin nói ngay rằng tôi không thuộc thành phần tin ở cầu xin hay chúc tụng, vì đã thích thú  và thuộc lòng bài thơ trào phúng của Tú Xương “Lẳng lặng mà nghe chúng chúc nhau” từ khi mới vào đệ thất Chu Văn An.

Đối với tôi cái tên Chu Văn An làm dâng lên một lòng tôn kính và một sự hãnh diện.  Tôn kính vì cụ Chu Văn An là một nho gia khí phách, học giỏi đậu  Thái học sinh tức là tiến sĩ nhưng vui với dậy học, không tìm cách làm quan. Được mời dậy con vua, dâng thất trảm sớ xin vua giết 7 kẻ quyền thần làm bậy mà không  sợ tai họa. Vua không nghe, ông từ chức về nhà.  Hãnh diện vì Chu Văn An là tên trường trung học công độc nhất, danh tiếng của đất ngàn năm văn vật. Muốn vào học Chu Văn An lớp đệ thất, phải qua một kỳ thi tuyển khó khăn. Cá nhân tôi là một đứa bé nhà quê nghèo khó đất đồng chiêm Hà Nam, sống ở thành phố Vinh (Nghệ An) từ 6 tuổi, thời chiến tranh Mỹ Nhật chỉ lo việc chạy bom Mỹ, nên học ba chớp ba nháng , ngày đực ngày cái, chẳng được mấy chữ. Ra đến Hà nội cuối năm 1947 bố tôi xin cho vào học lớp nhì, trường tiểu học Nguyễn Du tức trường Hàng Vôi. Được là học trò cụ Trước, một vị thầy nổi tiếng, thường mặc áo dài trắng vào lớp dậy học, rất là nghiêm nghị giống như ông cậu em bà ngoại tôi đã làm lễ dậy tôi học vỡ lòng. Cho nên tôi cố sức lúc nào cũng chăm chú nghe giảng, ghi chép, và được là hạng xuất sắc trong lớp. Lên lớp nhất học trò mới xin vào đông nên chia làm hai. Tôi may mắn được vào lớp thầy Quỳnh toàn con trai trong khi lớp kia có trộn lộn con gái do thầy Chân dậy. Thầy Quỳnh đẹp trai và “hắc”nên lớp tôi lặng yên. Thầy Chân mặt đầy trứng cá và dễ dàng cho nên lớp thường ồn ào. 

Tuy là xuất sắc ở trường Nguyễn Du, nhưng khi thi nhập học Chu Văn An chỉ được vào lớp 7B5 trong tổng số 7 lớp đệ thất năm 1949. Tôi biết là bố tôi hài lòng, nhưng vẫn chê rằng sao không được vào mấy lớp trên như 7B1 và 7B2! Trong lòng tôi tự thấy thua một người bạn cùng lớp nhất trường Nguyễn Du là NMCường giỏi Toán đậu vào 7B2. Tôi nghĩ C.  giỏi vì là dân Hà nội, nhà khá giả chữ nghĩa; thân phụ từng xuất bản báo Phụ Nữ thời đàm thập niên 20.  Mà C. hơn tôi thật, vì đã chỉ cho tôi nhiều thứ ở Hà nội tôi chưa từng nghe biết. Như ăn cơm Tây ở nhà hàng Phú Gia trước Bờ Hồ. Mỗi người một “cu ve”, có rượu khai vị, có thịt bò bít tết, có bơ có phó mát có đét xe. Có “súp consommé” trong vắt “ngon ác” (mà tôi lúc đó không biết bít tết, bơ, phó mát, đét xe, súp là gì, - thêm chữ consommé càng khó hiểu). Cho đến lúc đó ở nhà tôi, cơm ăn xong bữa là xong, chưa từng bao giờ có “đét xe” tráng miệng… C đưa tôi vào “xem lễ” nhà thờ lớn Hà nội nên biết được rằng qua khỏi cửa nhà thờ là mọi người phải nhúng tay vào một bát nước Thánh, chấm lên trán lên ngực, lên vai rồi khụy chân xuống và lẩm bẩm điều gì tôi không nghe rõ. Vào đến trong thì thấy mấy ông linh mục mặc áo dài đứng trên bục cao làm lễ, tụng kinh i-a-i-ô vang vang nghe không hiểu gì. Mọi người đều kính cẩn thì tôi cũng kiên nhẫn lặng yên chờ đến khi tan lễ cùng bạn ra về.  Dầu rằng lúc còn ở nhà quê, tôi không thấy mấy ông cha có gì đáng nể, qua câu chuyện tiếu lâm bà nội tôi kể. Số là làng tôi nằm ở hai bên bờ đê sông Hồng, phần nhỏ ở phía ngoài, ngay sát bờ sông đa số là người đi đạo, có một cái nhà thờ mà tháp chuông nhô lên khỏi rặng tre quanh làng. Phần trong đê lớn hơn, chỉ toàn người đi lương. Bà tôi kể rằng có lần một ông linh mục  người Pháp  từ Nam định cách làng tôi chừng gần hai giờ xe tay về thăm nhà thờ. Đến chợ Cống đầu làng ông xuống xe để đi bộ vào xóm đạo. Lũ trẻ con thấy ông Tây to lớn mặc áo dài đen da trắng râu xồm thì chạy theo xem. Có đứa chợt kêu lên “Ông Tây không có mồm! Ông Tây không có mồm!”. Thì ông cố đạo đứng lại, vạch râu ra quát lớn “Không  có mồm thì là cái “đồ” mẹ chúng mày đây à?”. Không biết chuyện bà tôi kể là thật hay bịa, nhưng dù sao thì  cũng cho tôi thấy  rằng  bà nội tôi và người dân quê Việt Nam không thích Tây. Mở ngoặc nói ở đây rằng cố đạo nói được tiếng Việt mà không nói chẳng phải là điều lạ, không khác gì nhiều người Mỹ ngày nay sang Việt Nam.

Vào Chu Văn An khởi đầu là trong tâm trạng của một đứa bé nhà quê lên tỉnh như thế. Để rồi dần dần mới thấm thía hiểu rằng những năm học trung học phổ thông CVA  đã cho tôi những nhân tố nền quan trọng giúp phát triển con người tôi về sau này. Không những từ các thầy mà còn từ các bạn. Thực thế, vì chiến tranh loạn lạc mà tôi tuy  đi học từ lúc 6 tuổi nhưng đến 13 tuổi mới vào đệ thất Chu văn An. Ngay trong lớp đệ thất này lại còn có nhiều bạn khác lớn tuổi hơn tôi. Trong số những người này có một người bạn ngồi cạnh tôi là TKCần,  cháu vợ cụ Dương Quảng Hàm, nhà ở đường Hàng Bông.  Vào lớp trong một thời gian dài gần như ngày nào tôi cũng thấy ở trong ngăn bàn những truyền đơn viết tay in thạch, kêu gọi chống Pháp. Cần ít nói, viết truyện và khuyến  khích tôi viết văn, làm bích báo. Không lâu sau, TKC bị bắt giam ở Hỏa Lò. Một thời gian không còn nhớ lâu mau TKC được thả. Nhưng không  đi học nữa. Và thế là mất liên lạc luôn.  Nhưng cái  ý thức chống thực dân đã dần dà nẩy nở trong tôi. Với tôi, câu tục ngữ “học thầy không tầy học bạn” là như thế.  

Có lẽ ban tổ chức đại hội đã nghĩ đến các thầy và bạn mà ở phần mở đầu đã có một video dài phỏng vấn các thầy cũng như các nhân tài xuất thân Chu Văn An.  Ở Chu Văn An cái thời của tôi, phải may mắn mà nói là tôi học được rất nhiều ở các thầy và từ các thầy. Không những chỉ là những hiểu biết sách vở mà là từ tác phong cung xử. Tôi không thể kể ra đây hết, nhưng chỉ kể những thầy có ảnh hưởng  nhất lên con người tôi mà không thấy nhắc  đến trong video mở đầu đại hội.

Giáo sư toán Nguyễn đình Quỹ thì có tài giảng một bài toán khó khăn thành đơn giản hấp dẫn. Cứ hết một đoạn chứng minh hay giảng lý thuyết thì lại ra ngoài lớp hít một hơi thuốc lá dài, dường như là để lấy hứng. Nhờ giáo sư Quỹ mà tôi vốn dốt toán nghĩ rằng có thể học Toán được để khi lên đệ tam thì xin vào ban toán tức là ban B. Vì trong lòng tôi lúc đó coi ban A sinh ngữ  là bọn lười học, vào đó cho qua ngày, đi thi chỉ cần viết lăng nhăng cho bài luận triết lý mơ hồ,  và bài ngoại ngữ cho chỉnh là đậu; ban C là bọn dốt, chỉ có cầy cuốc học gạo, ban Toán B mới là giỏi vì có đầu óc suy luận! Nói thêm ở đây rằng tôi biết rõ  là tôi dốt toán từ nhỏ. Khoảng  năm 1943- 44 ở Vinh, bố tôi mua cho một quyển sách nhan đề 300 bài tính đố để luyện toán, lúc lớn hơn nghĩ lại thì thấy là chỉ để tập làm mấy phép cộng trừ nhân chia. Mà tôi ngắc ngư làm mãi không xong. Hôm nào cũng bị bố tôi củng vào đầu khi đi làm về kiểm soát, làm nước mắt nước mũi tôi chảy ròng ròng.  Sau cùng bố tôi phải thua cái dốt của tôi mà không bắt tôi làm nữa, vì chẳng lẽ ngày nào cũng đánh thằng con ngu.

Giáo sư Bùi đình Tấn dạy địa lý, người gầy trắng trẻo ít nói, giảng bài tóm tắt vừa đủ hết giờ là hết bài. Sự ít nói làm cho cả lớp coi ông là giáo sư “hắc”. Lúc thi lục cá nguyệt dù học thuộc viết ra gần như nguyên văn mà tối đa chỉ được 10/20 điểm. Tức quá tôi về nhà tra cứu bổ túc trong đám sách báo của ông bố tôi, thì điểm mới lên 14/20 mà cả lớp không ai được. Vô hình chung giáo sư Tấn đã dậy cho tôi cái lối học ở đại học là phải tìm hiểu sưu tầm thêm chứ không học thuộc lòng. Điều này vô tình được nhấn mạnh thêm bởi giáo sư Lý Hóa Phan Thế Roanh.  Một hôm sau khi nghe giảng bài, tôi dơ tay xin giáo sư giảng thêm một chỗ không hiểu. Ông nói “Anh không hiểu à? Về đọc sách thêm thì hiểu”. Tôi bực lắm nghĩ thầm lúc đó là vì giáo sư muốn mình mua cuốn sách Vật lý của giáo sư! 

Môn Việt văn thì có  giáo sư Nguyễn Sỹ Tế,  da đen mai mái, rất ôn tồn, giọng nhà quê, không bao giờ lớn tiếng;  giáo sư Tô Đáng, người thấp, hoạt bát, quần tây dài che kín giầy, có vẻ như là để phòng lớn thêm;  giáo sư Nguyễn đình Phong đứng tuổi, chững chạc nhưng  có nét hóm hỉnh, hay kể chuyện những nhân vật danh tiếng từng là học sinh  trường Bưởi (là tên trước chiến tranh của trường Chu Văn An), như Ngụy Như KonTum, Hoàng Xuân Hãn vân vân. Ý hẳn là muốn khuyến khích chúng tôi  đi sau tiếp nối cố gắng như thế.

Sử thì có giáo sư Lê Ngọc Huỳnh, người cao, mặt vuông chữ điền, nói năng chậm rải rõ ràng, chi tiết đưa ra hấp dẫn lôi cuốn.  Khi nói về thời Hậu Lê, Tây sơn và Gia Long Nguyễn Ánh,  ông kể chuyện Bùi Thị Xuân Trần Quang Diệu, Ngô thời Nhiệm Đặng Trần Thường,  Ngọc Hân công chúa vân vân… Nghĩa là những điều ngoài lề tạo suy nghĩ. Tôi nhớ giáo sư Huỳnh có nói đến bảng “cấm người Tầu và chó”  có tính kỳ thị dân Tầu,  nghĩa là dân Á châu, ở những địa điểm người Tây phương lui tới nửa đầu thế kỷ trước. Ông cũng nói đến Hitler, với chủ trương Quốc gia Xã hội và đề cao dân tộc Đức siêu việt,  đã vận dụng được giới thanh niên làm lực lượng xung kích nòng cốt SS để nắm quyền.  Rồi chỉ trong vòng vài năm đưa nước Đức thoát ra khỏi vòng nghèo đói vì gánh nặng bồi thường chiến tranh sau khi thua trận thế chiến thứ nhất và vì bị lũng đoạn bởi bọn gian thương đầu cơ tích trữ, cũng như bởi những chính khách thời cơ tham vọng, mà trở thành một nước hùng mạnh. Ông cũng kể chuyện Minh Trị Thiên hoàng canh tân nước Nhật  mà làm cho nước Nhật trở thành môt cường quốc đáng nể ở Á đông. Nhờ ông mà tôi yêu môn Sử học và đã đọc hết cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Tôi đã vào tiệm bán và cho thuê sách cũ Văn Chương  góc đường Goussard và Phó Huế gần nhà tôi tìm đọc các sách về các anh hùng Nhật và Đức.  Cũng nhờ ông mà tôi có cái ước mong Việt Nam là một nước như Nhật, như Đức.

Tóm lại thì tôi chịu ảnh hưởng nhiều  bởi những môn học nhân văn như Sử địa Việt văn Pháp Văn Công dân Giáo dục. Môn này có một thời gian do hai giáo sư là Trần Văn Đĩnh, Trần Văn Kiện đẹp trai giảng bài hấp dẫn phụ trách. Tôi thầm coi họ là mẫu người lý tưởng.. Hai vị này về sau tôi biết là sinh viên luật và sau 1954 có giữ những chức vụ quan trong như bộ trưởng  gì đó một thời gian không lâu rồi không nghe tiếng nữa. Giáo sư Vũ Quốc Thúc dậy môn kinh tế học phổ thông, chủ trương một tập san luật khoa  có câu viết ở trang đầu  tôi nhớ mãi là “Thà đốt một ngọn nến nhỏ  còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.  Giáo sư Nguyễn Văn Sách dạy Việt Văn khi ngẫu nhiên đề cập đến vấn đề chính trị trong một thoáng, nói rằng cuộc đấu tranh giữa Pháp với Việt Minh là một cuộc đọ sức giữa tiền bạc và vũ khí tức là vật chất một bên , và cán bộ tức là tinh thần bên kia… Tiền bạc vũ khí là điều kiện cần để tiêu diệt địch thủ nhưng không đủ để thắng lòng dân.  Nhận định này cho tới bây giờ trải qua không biết bao nhiêu là biến đổi, tôi thấy vẫn rất đúng. Cũng trong những giờ Việt văn tôi được nghe những trích  giảng   Truyện Thúy Kiều, Cung oán Ngâm khúc, Chinh phụ Ngâm, Tì Bà Hành…Nhờ thế biết được vô số danh ngôn và điển cố khiến cho đầu óc mở mang, tính tình phóng dật.

Giáo sư Pháp văn Nguyễn Trọng  Sơn vào lớp mặt không bao giờ cười, học sinh nào cũng sợ. Nhất là vào những giờ dịch tại chỗ. Bài dịch thường là lấy trong  Cổ học tinh hoa  ông mở ra chỉ mặt từng học trò tùy hứng, bắt dịch tại chỗ. Cả lớp sợ muốn chết, vì khó, ngồi im thin thít.  Những lúc đó ông hay ngả người lên lưng ghế gác hai chân lên bàn, lấy đầu nhỏ viên phấn ngoáy ngoáy vào lỗ mũi, dường như muốn trêu chọc bọn học trò. Tôi còn nhớ một bài là “Hà chính mãnh ư hổ”. Giáo sư Sơn đọc tỉnh queo “Đức Khổng tử một hôm dẫn học trò đi chơi ở ngoài đồng. Thấy một người đàn bà ngồi bên bờ ruộng  sát chân núi khóc nỏn ni…”, nhưng không ai dám cười hai chữ nỉ non ông nói lái thành nỏn ni. Những buổi như thế tôi luôn luôn nhìn ông lắng nghe để tìm hiểu ý nghĩa bài dịch, tim đập thình thịch. Nhưng ông không bao giờ chỉ mặt tôi bắt dịch. Thường là ông hay bắt một bạn đồng học, rất chăm, đeo kính cận thị nặng, là người giỏi hạng nhất lớp. Anh này là con một nhà nho nổi tiếng lúc đó ở Hà nội. Tôi thích cái ngang ngang của ông. Cho nên sau giờ học cuối năm đệ tứ với ông, chờ lúc ông ra ngoài lớp, trên đường lên phòng giáo sư thì chạy theo, nói được hai tiếng “thưa thầy”. Ông dừng lại. Tôi nói mấy lời cám ơn (mà nay không còn nhớ nguyên văn ra sao). Tôi cám  ơn vì sau lớp đệ tứ dù có đậu trung học phổ thông để được tiếp tục lên lớp đệ tam chuyên khoa  trong trường thì cũng không còn gặp các thầy dậy đệ nhất cấp nữa. Ông đáp lại bằng mấy câu ngắn ngủi tôi cũng không nhớ là gì. Chi nhớ tới bây giờ là có một câu rằng “Anh không có cái dáng điệu buồn cười của một thằng học gạo”, mà tôi cho là một lời khen, mang chất ngông nghênh của ông.

Jardin. du Luxembourg (Paris)

Ngoài những giờ dịch tại chỗ là những bài giảng văn trích ra từ những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Jean Jacques Rousseau, Anatole France, Guy de Maupasant vân vân… Một trong những bài bình giảng Pháp văn mà ông bắt học thuộc lòng tôi còn nhớ tới bây giờ là một đoạn trích của Anatole France. Tả cảnh một đứa bé con đi học ngày khai giảng mùa thu. Đại khái là “Je vais vous dire ce que rappelle tous les ans sous le ciel agité de l’automne et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent.  Je que j’ai vu alors c’est un petit bonhomme les mains dans ses poches et la gibecière au dos s’en va au collège en sautillant comme un moineau…”,. ( tạm dịch là Tôi sẽ nói cho các bạn nghe những điều tôi nhớ lại hàng năm dưới bầu trời xao động mùa thu và những lá vàng dần trong những cây run rẩy. Đó là một cậu bé con hai tay đút quần , cặp sách đeo trên lưng đi đến trường nhẩy nhót như môt con chim sẻ).  Bài này nhắc lại cho tôi một bài học thuộc lòng tiếng Việt khác khi bắt đầu vào lớp đệ thất. Đó là đoản văn “Tôi đi học“ của Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc là lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”…

Những đoạn văn này đã đọng sâu trong đầu thằng bé nhà quê chân đất đồng chiêm là tôi, cách đây hơn 70 năm, ở đất nước Việt Nam chiến tranh và lạc hậu. Cũng vì những chuyện nhà quê này mà vào giữa thập niên 1980’s sang Pháp tôi gặp và quen được một nữ lưu  con một nhà gia thế ở Hà Nội, trong một buổi trà đàm với các thân hào nhân sĩ ở Paris. Người này học trường Pháp ở Việt Nam nói tiếng Pháp giọng đầm, tiếng Việt giọng đất ngàn năm văn vật. Bà ngạc nhiên vì tôi nhớ được như vậy trong khi bà dĩ nhiên đã đọc qua nhưng không nhớ. Cho nên đã có hảo cảm lái xe hơi cho tôi đi xem những nơi danh thắng Paris. Và đặc biệt là cho tôi đi dạo vườn Lục xâm bảo, để xem tôi có nhìn ra được hình ảnh trong  đoạn văn tôi thuộc lòng hay không. Thoáng ngay lúc đó, tôi chợt nhớ đến  chàng thư sinh trong truyện ngắn LIêu Trai Thư Si (tức là Mê sách) của Bồ Tùng Linh, với câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (Trong sách có người đẹp, mặt như ngọc).

Bác sĩ Trần Xuân Ninh

(viết sau ngày Đại hội toàn cầu Cựu học sinh Chu văn An kỳ 8, 30 tháng 10/2021, ở San Jose CA USA)

Rue des Rosiers (Paris)