2021-10-26
Ngày 24 tháng 10 vừa qua, Quốc hội Việt Nam có buổi thảo luận trực tuyến về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021. Tại buổi thảo luận, Ủy ban Tư pháp nêu hạn chế của việc xử lý tham nhũng là “kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp”. Tổng số tiền phải thu lại trong các vụ án tham nhũng là trên 72 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ thu được khoảng bốn nghìn tỷ đồng.
Để giải quyết tình trạng này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí một lần nữa đề xuất xây dựng luật Đăng ký tài sản. Theo ông Trí, hiện Việt Nam chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, kiểm soát tài sản xã hội vẫn còn là khoảng trống. Nếu không có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng nhờ người khác đứng tên không ai đụng vào được. Mặc dù biết là tài sản bất minh nhưng cũng không thu hồi được.
Một luật gia giấu tên ở TP.HCM nói với RFA sáng 26 tháng 10:
“Theo tôi, với Luật Đăng ký tài sản thì tài sản chính được đăng ký là bất động sản. Còn với tiền hay vàng bạc thì rất khó, thực tế là không thể kiểm soát được. Chưa nói đến chuyện bất động sản sang tên đổi chủ.
Cái gốc là phải ngăn chặn cái gây ra tham nhũng. Đó là cơ chế độc đảng, cơ chế quyền lực không được kiểm soát. Diệt một thằng tham nhũng thì lòi ra 10 thằng khác. Phải diệt cho được cơ chế sinh ra tham nhũng. Bắt tham nhũng là bắt cái ngọn. Thu hồi tài sản tham nhũng là thu hồi ngọn của cái ngọn. Phải làm sao để người tham nhũng bị bắt phải trả một giá rất đắt thì người ta mới không tham nhũng.
Dù có nhiều kẽ hở nhưng luật ở Việt Nam nhiều đủ để chống tham nhũng, đủ để thu hồi tài sản tham nhũng nhưng họ không làm. Ra thêm luật mới cũng thế thôi.
Tôi nói thật, nếu tuân thủ đúng quy định pháp luật chỉ một tháng thì chế độ này sụp. Đơn giản nhất là vụ COVID vừa rồi, họ áp dụng tình trạng khẩn cấp nhưng không tuyên bố. Nếu có tòa bảo hiến độc lập thì những cán bộ này bị truy tố ra tòa và đi tù hết vì họ đã vi phạm pháp luật. Họ đã cố tình lừa dối dân và lừa dối thế giới. Tham nhũng cũng thế thôi.”
Đây không phải lần đầu Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản để làm căn cứ xử lý tài sản bất minh. Tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào đầu năm nay, ông Trí đã đưa ra ý kiến rằng, để ngăn chặn việc tẩu tán, ẩn giấu tài sản tham nhũng thì cần phải có Luật Đăng ký tài sản.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lúc bấy giờ cho rằng, phát sinh thêm các quy định về đăng ký tài sản cần được cân nhắc, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để không gây phiền hà, tăng thêm thủ tục với người dân.
Báo Nhà nước dẫn lời đại biểu Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội rằng: “Điều này nảy sinh ra vấn đề, nếu tài sản đó hình thành từ việc làm không hợp pháp (rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, ma túy…) được các đối tượng “đổ” vào bất động sản, trang sức thì lại trở thành hợp pháp. Đây là kẽ hở để cho nhiều kẻ tìm cách “lách”, khiến cho cơ quan chức năng rất khó xử lý những tài sản bất minh”.
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA sáng 26 tháng 10:
“Nếu có luật thì việc thu hồi tài sản tham nhũng tương đối dễ dàng. Cách đây khoảng một năm cũng có ý kiến đưa ra trước Quốc hội về việc này nhưng đa số đại biểu Quốc hội không tán thành. Có nghĩa họ không tán thành việc thu hồi những tài sản bị coi là bất minh và không giải trình được về mặt thuế và về mặt nguồn gốc.
Với suy nghĩ của tôi, đa số đều có tham nhũng ở mức độ nọ mức độ kia nên họ không dại gì ra những điều luật để có thể được sử dụng để chống lại chính họ kiểu ‘gậy ông đập lưng ông’.
Kê khai mới chỉ thể hiện bước một, tức đứng tên tài sản. Tiếp theo đó phải là giải trình. Không có gì khó cả. Về mặt pháp luật liên quan đến tài sản, Việt Nam đi sau các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ hay Tây Âu cả trăm năm. Cứ bắt chước họ mà làm thì sẽ rất đơn giản.
Nêu lý do nọ lý do kia chỉ thể hiện một điều là không thật sự muốn làm, bởi làm sẽ động chạm đến chính quyền lợi của mình.”
Theo Trung tá Vũ Minh Trí, ai cũng biết nhiều quan chức gian dối, có tài sản bất minh nhưng cơ quan chức năng lại không có cơ sở pháp lý để truy đến tận cùng hoặc không muốn quyết tâm truy đến tận cùng.
Có thể nêu một ví dụ xảy ra vào tháng 10 năm 2020, tức cách đây đúng một năm, ông Lương Công Nhớ - nguyên Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam cùng vợ và con đứng tên trên sổ tiết kiệm số tiền gần 100 tỷ đồng và gần hai triệu đô la Mỹ. Ông Nhớ cho biết đó là số tiền vợ ông đứng tên hộ cho cả họ. Hay trường hợp ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái lý giải, để có tiền xây biệt phủ, ông phải chạy xe ôm, buôn chổi đót tích lũy… Dư luận cho rằng, việc phân trần như thế là đỉnh cao của sự vô liêm sỉ, trơ trẽn.
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo này căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018.
Trước đó, vào ngày 6 tháng 4 năm 2020, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cũng đã cho biết đang giao Bộ Tư pháp nghiên cứu “cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội”. Mục đích để nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Cho đến nay, những biện pháp mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra chỉ mang tính cách chữa cháy, tức giải quyết phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc. Theo nhiều chuyên gia về pháp lý, để không còn tham nhũng, Nhà nước Việt Nam cần xây dựng một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả mà người dân có thể kiểm tra, giám sát được.