2021-10-21
‘Cơ quan nhân quyền quốc gia’ theo Liên Hợp Quốc có tên tiếng Anh là National Human Rights Institution - NHRI, là một cơ quan được giao những chức năng cụ thể trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Có chức năng thực hiện quy trình tư vấn, hỗ trợ nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Còn theo Cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, ‘Cơ quan nhân quyền quốc gia’ là cơ quan do Nhà nước thành lập và được trao thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp để thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong phạm vi của quốc gia. Vì vậy tổ chức Đảng này kêu gọi thành lập ‘Cơ quan nhân quyền quốc gia’ để bảo vệ quyền của người dân tốt hơn.
Liệu một nước luôn bị cáo buộc có thành tích vi phạm nhân quyền như Việt Nam mà lại thành lập ‘Cơ quan nhân quyền quốc gia’ do Nhà nước quản lý, có thể giúp cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này? Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 21/10, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhận định:
“Theo tôi việc thành lập đấy tùy theo cơ chế, nếu cơ quan nhân quyền quốc gia do người dân thành lập, hoạt động độc lập với cơ quan chính quyền và chế độ... thì sẽ đảm bảo khách quan. Còn nếu cơ quan nhân quyền quốc gia do chính phủ thành lập, do các nhân viên chính phủ cử sang làm việc ở đó và chính phủ trả lương tài trợ... , thì cơ quan này không phải là cơ quan bảo vệ nhân quyền, mà là cơ quan để che giấu các vi phạm nhân quyền, cũng như là cơ quan để biện minh cho hành động vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.”
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết, ngoài việc bắt bớ nhiều tiếng nói phản biện, vi phạm nhân quyền lớn nhất của Chính phủ Việt Nam vừa qua xảy ra trong lúc chống dịch COVID-19:
“Theo nguyên tắc, các nước khi xảy ra thiên tai dịch bệnh thì có Luật Tình trạng khẩn cấp. Và khi ban bố thì nhà nước phải chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của người dân. Nhưng Việt Nam đã cố tình không xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, mà chỉ có pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Mà theo quy định, các quyền tự do đi lại, cư trú... chỉ bị hạn chế bằng văn bản luật, khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Nhưng họ không thể đem pháp lệnh ra để cấm, nên họ đem các chỉ thị 15, 16 ra để tước quyền tự do cư trú, đi lại của dân. Như vậy là vi phạm rất nghiêm trọng quyền con người.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế vào ngày 13/9/2021 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền khi dùng quân đội tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ân xá Quốc tế nêu rõ, cơ quan chức năng Việt Nam phải có những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về nhân đạo và quyền con người khi mà những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ngày càng gây hại cho những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Không chỉ vi phạm nhân quyền khi phòng chống dịch COVID-19 thời gian gần đây. Chính quyền Việt Nam trong những năm qua đã liên tục đàn áp các tiếng nói đối lập với nhiều án tù hết sức khắc nghiệt.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời RFA hôm 21/10 từ Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam hiện nay những vấn đề thuộc nhân văn như Nhân quyền, Dân chủ, Đạo đức nhân bản, Giáo dục... thì có hai thế lực tác động. A là người làm thì không biết, B là người biết thì không được làm. Đó là một mâu thuẫn lớn do chế độ tạo ra. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói tiếp:
“Ý tưởng thành lập "Cơ quan nhân quyền quốc gia tại Việt Nam" bắt đầu bằng một vài người B nào đó. Họ thấy được mục đích, yêu cầu, điều kiện, những lợi ích do việc đó đem lại. Đó là lợi ích chủ yếu cho dân tộc, cho đất nước, nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của Đảng lãnh đạo. Những người B chỉ có thể vận động, đấu tranh để buộc A thành lập “Cơ quan nhân quyền”. Còn nếu B tự động thành lập ra tổ chức tương tự thì ngay lập tức họ và tổ chức ấy bị nhốt vào tù hoặc bị ám hại.
Khi mà A do áp lực mà lập ra Cơ quan nhân quyền quốc gia thì chủ yếu là trá hình, là ‘hữu danh vô thực’, chỉ để xoa dịu sự đấu tranh hợp pháp của B, để tuyên truyền mà thôi. Không khéo sẽ xảy ra tình trạng oái oăm là sau khi công khai thành lập Cơ quan nhân quyền thì sự vi phạm nhân quyền sẽ tăng lên. Những người có trí tuệ, sống nhiều năm dưới chế độ cộng sản không lạ gì điều này.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, trong năm 2020, chính quyền Việt Nam đã gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân, đặc biệt quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp...
Cũng trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp trừng phạt những người lên tiếng chỉ trích Chính phủ hoặc những người tham gia các nhóm cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền. Cơ quan chức năng Việt Nam tùy tiện bắt giam hoặc truy tố ít nhất 28 người với cáo buộc vi phạm những tội an ninh quốc gia mơ hồ và thái quá như ‘tiến hành tuyên truyền chống Nhà nước’ hay ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước’…
Ông John Sifton, Giám đốc Hỗ trợ khu vực Châu Á của HRW, nhận định, năm 2020 là một năm khủng khiếp khác nữa đối với tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Suốt năm qua, Công an Việt Nam đã tiến hành bắt một số tiếng nói đối lập mạnh mẽ và giam giữ những người bày tỏ quan điểm cũng như thực hành quyền căn bản tự do biểu đạt của họ.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 21/10 cho rằng, sự nắm quyền của Đảng Cộng sản đối với Việt Nam có được nhờ ở sự tước đoạt nhân quyền của người dân Việt Nam mà cụ thể là tước quyền tự do tranh cử, tự do bầu cử. Nếu mà giới cầm quyền của Đảng Cộng sản tôn trọng nhân quyền, để người dân tự do tranh cử, tự do bầu cử, thì ai cũng thấy được là Đảng Cộng sản không thể nào giành được quyền lãnh đạo Việt Nam. Cho nên theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, sẽ không bao giờ có chuyện giới lãnh đạo Đảng Cộng sản tự nguyện lập ra một cơ quan với mục đích thật sự là bảo đảm nhân quyền, vì đơn giản là nó đi ngược lại lợi ích của chính giới lãnh đạo Đảng Cộng sản. Vậy phải hiểu câu chuyện này như thế nào? Ông Vũ giải thích:
“Thứ nhất đó là xu hướng văn minh của thế giới ngày càng xa lánh các thể chế độc tài, thiếu chính danh. Một sự kiện đáng để ý trong khu vực là Hội nghị Thượng đỉnh của giới lãnh đạo của Đông Nam Á đã không mời người đứng đầu quân đội Miến Điện hiện đang nắm quyền cai quản đất nước. Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á trong suốt một thời gian dài đã từng là hội của các nhà độc tài. Nhưng kể từ khi Philippines và Indonesia trở thành hai nền dân chủ, cùng với Malaysia và Singapore, xu hướng dân chủ và tôn trọng nhân quyền, mặc dù vẫn còn ít nhiều hạn chế, đã trở thành một xu hướng phổ biến trong cộng đồng các nước Đông Nam Á.”
Thứ hai theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, đó là chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ hiện nay là chủ trương liên kết các thể chế dân chủ lại với nhau để chống lại các thế lực độc đoán mà đại diện là Trung Quốc và Nga. Việt Nam muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây tất phải có những chính sách nhất định để thuyết phục họ rằng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cải cách để trở thành một thể chế dân chủ và việc kêu gọi thành lập một viện để bảo vệ nhân quyền là một điều như vậy. Ông Vũ nói tiếp:
“Thứ ba là nhu cầu bảo đảm nhân quyền là có thật trong các viên chức của chế độ. Dù muốn hay không, các viên chức cũng là một nạn nhân của chế độ. Cùng với việc mở cửa đất nước, các viên chức có dịp đi sang các nước khác nhau, biết được việc quyền con người được tôn trọng ở các nước văn minh như thế nào, người dân được sống tự do, hạnh phúc ra sao, và họ nhìn lại đất nước mình, họ muốn thay đổi, họ muốn đất nước mình cũng phải có một cơ chế đảm bảo quyền con người, trước hết là vì lợi ích chung của xã hội và sau đó là cho họ. Cho nên các giới chức mới dự định thành lập một tổ chức nhân quyền nhằm mục đích thay đổi từ từ.”
Và cuối cùng Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc một tờ báo của Đảng Cộng sản chính thức đưa ra một ý kiến về việc thành lập một tổ chức nhân quyền nó đánh dấu nhận thức của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận, cách cai trị. Không thể cai trị theo phong cách độc đoán nữa mà phải hướng tới một thể chế tôn trọng quyền con người. Điều này nó cũng đánh dấu nhận thức, dù không nói ra của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản, rằng họ muốn tách ra khỏi mối quan hệ liên minh với thế giới độc đoán mà Trung Quốc và Nga hiện là hai trụ cột, và họ muốn xích lại gần hơn với phương Tây. Đó là một tín hiệu tốt.
Trong một diễn biến khác, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, việc Việt Nam cố vận động để vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là một thủ đoạn, nhằm che đậy những vi phạm nhân quyền trong nước. Văn kiện của Đảng Cộng sản có đề cập đến nhân quyền, nhưng đó chỉ là do tình thế bắt buộc, không thể không viết, phải viết ra cho có mà không thực hiện. Một số lãnh đạo cộng sản thù ghét nhân quyền, họ nghĩ rằng nó chống lại đảng quyền, chống lại sự độc tài toàn trị.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, nếu lãnh đạo Việt Nam có ý thức tôn trọng nhân quyền thì trước hết hãy ban bố những điều luật về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội. Khi những quyền tự do ấy của dân không được bảo hộ thì việc lập ra “Cơ quan nhân quyền quốc gia” chỉ là trò lừa dối.