Khi quân Taliban vào tới dinh tổng thống của chính phủ Afghanistan được Mỹ và đồng minh xây dựng yểm trợ suốt 20 năm, sau một cuộc hành quân 11 ngày, nhiều ngàn người dân Afghanistan đã kinh hoàng bỏ chạy. Qua hình ảnh chiếc vận tải cơ khổng lồ C17 của không lực Mỹ chở đầy người Afghanistan di tản ngồi như nêm cối đi từ từ ra đường băng phi trường quốc tế Kabul với hàng ngàn người khác chạy theo tìm đủ cách bám vào chiếc máy bay để được chở đi, rồi tuột tay rơi xuống chết trên phi đạo. Khủng khiếp nhất là một video cho thấy có người tươi cười sung sướng ngồi được vào hộc chứa bánh xe máy bay, đã chỉ ít phút sau khi phi cơ cất cánh rút bánh xe vào hộc, bị kẹp chết hai chân lủng lẳng dưới bụng máy bay khi đáp xuống phi trường Doha cách chừng hơn 5 giờ bay. Những chính trị gia đảng Cộng hòa trong đó có nguyên tổng thống Trump, đã khai thác sự bi thương hỗn độn này cùng với vài cuộc tấn kích gây chết chóc vào những giờ phút cuối của những cảm tử quân Hồi giáo, để mắng rằng tổng thống Biden bất tài: Đến độ chỉ có mỗi một chuyện rút quân mà không nên thân. Các lãnh đạo cao cấp chính phủ Biden đã đổ lỗi cho sự tan rã mau chóng không ngờ của quân đội Afghanistan do Mỹ dựng nên và huấn luyện. Nói không ngờ chỉ là một cách đổ lỗi dễ của kẻ ở vị trí “miệng nhà quan có gang có thép”. Nó cũng đúng như câu tiếp theo là “đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm”, nghĩa là không có giá trị giải thích gì cả. Mà nói thẳng ra là sự bất tài vô dụng của chính người có trách nhiệm đỡ đầu, là Mỹ. Trong chiến tranh, túi khôn thời trước đã chi ra rằng “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong trường hợp này, Mỹ không biết ngay cả tay chân mình nhanh chóng bỏ cuộc, tức là không biết chính mình, thì làm sao giải thích cho xong.
Ngoài ra, sự tham nhũng thối nát cũng lại được nêu ra bởi chính giới cũng như truyền thông Âu Mỹ, như trong mọi sụp đổ của các chính phủ Á, Phi và Mỹ châu được Hoa kỳ dựng ra từ trước tới nay. Có những bài viết của một số tác giả Việt Nam nhắc lại hoàn cảnh VNCH năm 1975 để trách cứ đồng minh Mỹ phản bội. Nhưng không ai nói lên được bài học lớn trong chính trị cũng như trong cuộc đời là quyền lợi, mà quy luật thi hành là cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được, ít ra là trong bang giao thế giới hiện đại.
Cũng không ai giải thích được tại sao quân Taliban lại có thể nhanh chóng chiếm được nước Afghanistan 38 triệu dân và diện tích chừng 500 ngàn cây số vuông với một hệ thống giao thông không lấy gì làm phát triển. Đáng chú ý hơn cả là Taliban đã không có sự tiếp tay hỗ trợ của một đại cường nào. Thí dụ như Nga hay Trung quốc. Thực thế, Trung quốc thì e ngại Afghanistan có một biên giới chừng 50 cây số có thể được Taliban xử dụng như một đường tiếp tay cho lực lượng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chống Trung quốc ở Tân cương. Còn Nga thì đã và đang coi Taliban là một lực lượng khủng bố, thù địch với Nga, ít ra là từ cuộc xâm lăng của Nga kéo dài gần 10 năm, từ 1980 đến 1989, tương tự như các lực lượng Hồi giáo khác từng chống đối Nga ở các nước Trung Á, sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt.
Không giải thích được vì không biết Taliban đã lớn mạnh vào năm 1994, vượt lên các lực lượng Hồi giáo khác được Mỹ và các nước Ả Rập thân Mỹ dựng lên để phá hoại cuộc xâm lăng Nga mở ra vào năm 1980 nhằm hỗ trợ chính phủ Cộng sản Afghanistan thân Nga. Nhân sự nòng cốt của Taliban là những thanh niên Hồi giáo trẻ, thuộc sắc tộc Pashtun ở vùng Kandahar ở miền đông và nam Afghanistan, chủ trương triệt để theo luật Hồi giáo Sharia để chỉnh đốn con người, duy trì trật tự, bành trướng ra gần như khắp nước Afghanistan. Nói cách khác lực lượng Taliban gồm những người trẻ và có lý tưởng. Những đặc điểm này đã bị coi là cực đoan độc tài dưới con mắt Tây phương. Nhưng cũng là những yếu tố khiến họ dẹp được các nhóm Hồi giáo tạp nhạp khác dựa vào các thế lực bên ngoài, để nắm được quyền lãnh đạo một nước Afghanistan rối bời loạn lạc, bằng cơ chế Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (Islamic Emirates of Afghanistan) từ năm 1996 cho tới khi bị tổng thống Bush con tấn công lật đổ vào cuối thu 2001. Ông Bush con viện cớ rằng là chính phủ Taliban này không chịu giao nộp Osama bin Laden sáng lập viên ra tổ chức Al Qaeda thủ phạm vụ tấn công 911 vào thành trì chính trị và kinh tế Mỹ ở New York và Washington DC, chống liên minh chặt chẽ Mỹ và Do Thái, lẩn trốn trong vùng rừng núi hang động Tora Bora của Afghanistan tiếp giáp với Pakistan.
Từ đó, nhiều chính phủ Afghanistan đã được dựng nên bởi Hoa kỳ, tiếp tay truy lùng bin Laden. Nhưng Osama bin Laden vẫn sống cho đến đêm ngày 1 rạng ngày 2 tháng 5/2011 mới bị giết cùng với vợ con ở căn nhà ẩn náu trong thị trấn nhỏ Abbottabad thuộc Pakistan ngay sát biên giới Afghanistan. Bởi một cuộc hành quân trực thăng chớp nhoáng do một toán lực lượng người nhái thực hiện, được báo cáo từng giây cho tổng thống Obama cùng hội đồng An ninh quốc gia và các giới chức lãnh đạo liên quân Hoa kỳ nóng ruột chờ trong Bạch cung. Thi thể Osama bin Laden đã được đem lên một hàng không mẫu hạm Mỹ để chôn ở một nơi bí mật, nghe đâu như trong Ấn độ dương, nhằm tránh có một mộ phần làm thánh địa thu hút những người sùng kính đến thăm viếng miên viễn. Chính sách này là cải thiện mô thức Do Thái đối xử với vị trí căn hầm ở Berlin mà Hitler đã tự sát chết cùng với người yêu khi thất trận. Nơi này ngày nay đã chỉ còn là một ô đất nhỏ ghi dấu tích nằm giữa một vùng cư dân xoàng xĩnh cho những du khách để ý đến lịch sử muốn biết, nhưng không ai được phép chụp hình để nhắc nhở đến Hitler.
Các giới chức lãnh đạo Mỹ Cộng hòa cũng như Dân chủ thẩy đều không đồng ý với chuyện có một chính quyền Taliban ở Afghanistan. Các định chế tài chánh quốc tế thân Tây phương và Do Thái như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới World Bank cũng không hài lòng và bất hợp tác. Vài nước Ả Rập giầu có nhờ dầu hỏa như United Arab Emirates, Ả rập Saudi, Qatar vân vân thì chầm chơ trong cái hoàn cảnh chịu áp lực của cả hai thế lực lớn. Một bên là tài chính kỹ thuật Mỹ Do Thái và bên kia là Hồi giáo với các nhánh ít nhiều mâu thuẫn, tản mạn khắp Trung đông và Bắc Phi.
Phát ngôn viên chính phủ Taliban tuyên bố muốn có bang giao tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới và mong đừng sợ gì lực lượng Taliban. Dù có thực lòng mong muốn như thế, sự việc không chắc sẽ diễn tiến trôi chảy.
Thứ nhất, vì chính sách bành trướng Do Thái ở Trung đông và Bắc Phi, được thấy trong việc liên tục mở các vùng định cư mới trong hầu hết vùng Tây ngạn thuộc Palestine, và được Mỹ hỗ trợ. Sự hỗ trợ này còn thấy trong việc Obama mở ra chiến tranh Syria với sự cộng tác âm thầm của các nhóm gọi là khủng bố ISIS từ các nước Ả Rập thân Mỹ. Tổng thống Syrian Bashar al Assad đã mất 4/5 lãnh thổ và kể như đã bị lật đổ nếu không có Putin đáp lời kêu cứu mà yểm trợ bằng không lực tháng 9/2015 tiêu diệt hết các thành phần này.
Thứ hai, một chính phủ Taliban Hồi giáo không từng có thái độ thân thiện với Do Thái, nếu không muốn nói là chống Do Thái, vì không hợp tác với tổng thống Bush- con giao nộp Osama bin Laden, thủ phạm vụ tấn công 911 vào thành trì kinh tế chính trị Mỹ Do Thái, khó thể được Do Thái chấp nhận. Cho nên nếu trong thời chiến tranh Syria đã có những nhóm ISIS được các nước Ả Rập thân Mỹ và Do Thái, giầu tiền nhờ dầu hỏa, dựng ra để gọi là quậy phá lung tung nhưng chủ yếu là nhắm vào hệ thống cai trị Syria, thì ngày nay chuyện này chẳng phải là sẽ không có. Thực tế là những tấn công đã xẩy ra rồi, của nhóm gọi là ISIS-K ngày 30 tháng 8/2021 nhân cuộc di tản những người Afghanistan từng cộng tác với Mỹ, và sau khi Taliban đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, vào một số các địa điểm trong đó có các nhà thờ Hồi giáo, tạo thương vong khá.
Bao giờ sẽ chấm dứt các cuộc khủng bố này? Mỹ và đồng minh đã rút hết khỏi Afghanistan rồi. Các cuộc tấn công “từ bên kia chân trời“ (nghĩa là bằng các máy bay không người lái -drone-) mà tổng thống Biden nói không hẳn dễ dàng, và cũng không chính xác nếu không có các yếu tố tình báo khả tín tại chỗ, như người ta đã thấy: Cuộc tấn công đầu tiên thay vì giết được một đối tượng khủng bố quan trọng như dự tính thì đã giết cả gia đình một người hợp tác với Mỹ.
Với tình hình mâu thuẫn phức tạp như vậy, có lẽ là phải chờ đến khi trữ lượng dầu ở các nước Ả Rập cạn láng, nghĩa là hết tiền, thì mới có hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 16 tháng 10/2021