Ba Sinh là một người mê sách. Suốt mười năm ròng-ră sống độc-thân làm nghề giáo-viên tiểu học, tiền dành dụm được, Ba Sinh chỉ dùng để mua sách. Tất nhiên không không thể nào mua đủ được các loại sách, nhưng mỗi tuần đổ đồng cả sách cũ lẫn sách mới chàng cũng đã mua được trên dưới hai chục cuốn sách. Con số đó thật nhỏ nhoi so với cả một rừng sách tràn-ngập ở các tiệm sách lớn, các gian hàng trong chợ sách và cả ở như’ng vỉa hè, nơi có người mua bán sách cũ. Những ngàycuối tuần, Ba Sinh thường tiêu hết thì giờ vào việc đi la-cà ở những tiệm sách. Và chỉ cần như vậy, chàng cũng đã nắm rất vững tình-hình sinh-hoạt sách trong tuần.Tác-giả nào có sách mới ra, tác-giả nào có sách tái bản. Một nhà xuất-bản nào mới ra lò. Nhóm văn nghệ nào chính-thức gia-nhập sinh-hoạt văn-học nghệ-thuật bằng một tuyển-tập. Tuy không phải là người viết sách, nhưng Ba Sinh đã cảm-nhận được rất nhiều ý nghĩ xao-xuyến, rung động tuỳ theo tình-hình xuất-bản của thê’giới viết sách và in sách. Chàng sung-sướng một cách say mê trước một bìa sách mới. Chàng quan-sát kỹ-lưỡng từng cách trình-bày. Chàng so-sánh từ kiểu chữ nãy vối kiểu chữ khác, mẫu bìa này với mẫu bìa khác. Chàng cũng thấy lòng rào-rạt sung-sướng khi mở từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mực, như chàng đã nhìnin thấy tấm lòng của từng tác-giả dàn trải lên những dòng chữ cả tâm-tư, tinh cảm Của mình trong suốt thời gian thai nghén và hình thành tác phẩm.
Tuy nhiên Ba Sinh không phải là một kẻ chơi sách. Chàng không mua sách chỉ để đóng bìa da, gáy vàng và trưng mốc trong tủ sách. Chàng mua sách để đọc. Vì thế chàng đã đọc được rất nhiều tác phẩm. Gặp được những cuốn hay, chàng muộn chia sẻ sự thích thú của mình cho người khác bằng cách khuyến khích bạn bè tìm mua, hoặc cho bạn mượn ngay chính cuốn sách của mình. Chàng vẫn thường lý luận rằng yêu sách là phải biết để cho cuốn sách làm đúng vai trò của nó. Nghĩa là truyền đi những nội dung tư tưởng mà tác giả đã gởi gấm trong sách. Còn chỉ mua sách vê, đóng bìa da cho đẹp rồi đem nhốt vào tủ khóa kỷ lưỡng, không cho ai sờ mó tới thì cung cách đó chĩ là giết sách chớ không còn lã yêu sách nữa.
Cho nên tủ sách của Ba Sinh không câù kỳ kiểu cách. Nó chỉ là nhưng mảnh ván thùng được đóng lên thành kệ và sơn phết lại cho hòa hợp với mầu tường. Nhưng trên những hàng kệ kín mít từ phòng trong ra phòng ngoài đó, Ba Sinh đã tích tụ được không biết bao nhiêu là sách. Đủ loại tác phẩm chọn lọc, đủ loại tên tác giả của nhiêu thế hệ, của nhiều khuynh hướng, nhiều bộ môn. Ba Sinh vẫn thường tự hào về cái vốn đọc sách sâu rộng của mình. Có lẽ trong cuộc đời, cái thú đọc sách đối với chàng là cái thú duy nhất. Ấy vậy mà sau biến cố 30 tháng tư đau thương chừng vài tháng, gia tài sản nghiệp quý giá nhất đời của Ba Sinh bắt đầu bị xâm-phạm. Trước hết là bản thông cáo của Ủy ban Tuyên-huấn Thành ủy truyền đi lải nhải suốt cả tuân lễ liền trên đãi phát thanh. Nhà nước cấm tàng trữ tất cả mọi loại sách ấn hành dưới chế độ cũ. Nhiều địa-điểm được chỉ định để mọi người đem giao nạp sách. Hàng ngày lái xe đạp đi ngang qua cầu Trương-Minh-Giảng, Ba Sinh thấy thiên hạ ùn ùn chở những chiếc xe ba gác chất đầy sách cũ đổ vào sân trường Đại-học Vạn Hạnh. Chàng có cảm giác như bị ngộp thở trong một cơn biến động hết sức kinh-hoãng. Nhin những cuốn sách chồng chất tả tơi trên những chiếc xe nặng nề leo dốc, nhìn những trang sách bị xé rách rã rời bay tung tóe, rơi rải rác trên đường phố , bị những bánh xe vô tình cán qua nhem nhuốc, nhầu nát, Ba Sinh thấy tâm hồn của mình cũng tan nát, tơi tả như thế. Mỗi lần đi ngang qua khu đầu ngõ để trở về nhà, chàng lại phải nghe lời nhắc nhở của ông Tổ trưởng Dân phố “Anh Ba có giữ loại sách nào của Ngụy thì nhớ đem nộp hết đi nghe. Sắp hết hạn rồi đó”.
Suốt ngày Ba Sinh lúc nào cũng như người lên cơn sốt. Chàng đóng kín mít các cửa lại và ngồi thừ hằng giờ trước những kệ sách. Ba Sinh cảm thấy những nhân vật với từng cuộc đời riêng tư gói ghém trong mỗi cuốn sách bỗng trở nên biết xao động, biết bối rối, nhớn nhác như những linh hồn có thật đang nhốn nháo trước biến cố kinh hoàng sắp tới. Chàng hình dung ra được từng nhân vật của Duyên Anh, cảm thông sâu xa với những con người sống động trong tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ. Trong một biến cố phũ phàng đảo lộn mọi sinh hoạt trong đời sống, tất cả những nhân vật đó tưởng sẽ tồn tại mãi mãi như những con người bất tử thì đột nhiên đồng loạt bị lên án tử hình. Những trang sách bị xé nát. Những cuộc đời bi cắt vụn tả tơi, trang sách của cuốn này nằm cạnh trang sách của cuốn khác. Và cả thế giới riêng của sách sẽ bị xáo trộn lên, đánh lộn ngầu như một nồi cháo lú, tan nát, rã rời. Rõ ràng là đã có một cuộc sụp đổ toàn diện của thế giới sách, cũng như ở bên ngoài, mọi cơ cấu của xã hội cũng theo nhau mà sụp đổ. Trong cái tâm trạng đau thương đó, Ba Sinh không thể nào có can đảm dỡ các kệ xuống để liệng các cuốn sách vào những bao tải mang đi nộp. Chàng đã bị tê liệt hoàn toàn khi chỉ cần nghĩ rằng mình sắp sửa phải làm công việc đó.
Ông Tổ trưởng dân phố thì mỗi lúc mỗi thôi thúc sát sạt hơn theo kỳ hạn nộp sách sắp gần kề. Một buổi trưa trước ngày mãn hạn, ông ta chận cái xe của Ba Sinh ở ngay đầu ngõ và nói bằng giọng nửa như ân cần thân mật, nửa dọa nạt:
– Sao tôi chưa thấy anh Ba đi giao nộp sách? Tiếc nó làm chi anh Ba! Cách mạng về rồi, nay mai thiếu gì sách hay để mà đọc. Còn lưu luyến những thứ đó, tôi thấy sẽ mệt lắm đó anh Ba à! Đi họp với “trên”về, tôi biết không phải chuyện giỡn chơi đâu.
Ba Sinh không trả lời, chỉ lẳng lặng quành tay lái sang một bên tránh ông ta, rồi đi thẳng. Chàng biết rõ rằng mình sẽ rất mệt như ông ta nói,nhưng chàng vẫn chưa lấy được đủ can đảm để dỡ từng các kệ sách xuống. Lúc buổi sáng, một người bạn của chàng đã góp ý:
– Giao đại cho chúng nó một mớ đi! Còn thì lựa những sách hay đem giấu vào một nơi nào đó.
Ba Sinh hỏi:
– Cậu giấu được bao nhiêu?
– Thì ít lắm cũng được vài chục cuốn.
– Tổng số sách của tôi lên tới gần ba ngàn. Giấu vài chục cuốn thì chẳng thà bỏ hết đi cho rồi.
– Được cuốn nào hay cuốn đó chứ!
Ba Sinh mỉm cười cay đắng:
– Cậu không hiểu được tâm trạng của tôi. Bỗng dưng tôi mất tiêu một tủ sách dành dụm hằng chục năm nay. Giữ lại vài ba chục cuốn chỉ thêm bẽ bàng. Sau chuyến này tôi sẽ không bao giờ còn mua sách, sẽ coi như trên đời không còn có cái gọi là cuốn sách nửa. Cả nước đã thua rồi. Tiếc làm chi tới sách.
Chỉ thiếu chút nữa là Ba Sinh bưng mặt khóc. Chàng cố nén cơn xúc động bằng cách đứng dậy, lại bàn nước rót ra một ly. Nhưng đứng ở đó, Ba Sinh lại có thể thấy những kệ sách trống trơn trên vách tường nhà bạn, nó làm cho chàng nhớ đến những chiếc kệ san sát đầy ắp những sách trên vách nhà mình. Tới lúc đó thì chàng không còn tự chủ được mình nữa. Bỗng nhiên Ba Sinh òa lên khóc. Trong cơn xúc động, Sinh thấy rõ không phải mình chỉ thương có sách, mà thương cho cả mình, đồng bào mình, bạn bè mình trong một sớm một chiều bỗng sụp đổ, tan vỡ, chia lìa.
Đúng ngày hôm quá hạn nộp sách, Ba Sinh vẫn chưa giải quyết những kệ sách của mình. Chàng nằm lì ở nhà với tâm trạng bất cần đời. Kệ ! Cái gì tới nó sẽ tới. Và tới bằng cách nào cũng được miễn không phải là chàng tự tay ném những cuốn sách thân yêu lên xe ba gác để đem đổ từng đống vào sân trường Vạn Hạnh, ở nơi đó, số phận của các cuốn sách sẽ bị xé nát, tả tơi và bị đưa về những xí nghiệp làm bột giấy. Rồi ngày hôm đó qua đi. Ngày hôm sau nữa. Ba Sinh cũng không thấy ai đả động đến mình. Cho đến khi sau hơn một tuần lễ trôi qua trong yên tĩnh, lòng chàng bắt đầu nhen nhúm một nỗi mừng khấp khởi, thì vào một buổi tối, cánh cửa nhà chàng có nhiều tiếng gõ gấp rút. Ba Sinh mở rộng cánh cửa để đón tiếp ba người. Sau màn giới thiệu, Ba Sinh biết rằng có một anh làm công an Phường, một anh làm Thông tin Văn hóa, và một anh nhân danh Bí thư chi đoàn Thanh niên. Họ cho Ba Sinh coi một tờ giấy có nhấn dấu son đỏ chói: Lệnh tịch thu sách!
Ba Sinh đón nhận tờ giấy với một tâm hồn lạnh băng. Chàng bình tĩnh lạ lùng đến độ chính chàng cũng phải tự ngạc nhiên. Như một kẻ bị lên án tử hình với bản án hoãn đi hoãn lại nhiều lần đã làm tội nhân căng thẳng đến độ chỉ mong được lên đoạn đầu đài sớm chừng nào hay chừng đó, Ba Sinh tiếc rằng nó đã không tới sớm hơn để chàng khỏi phải trải qua những đêm không ngủ, những ngày cực kỳ đen tối. Chàng ném trả tờ giấy Lệnh tịch thu lên mặt bàn rồi rút vào ngồi yên trong một góc tối. Trước mặt chàng, bây giờ tràn ngập những bóng người lố nhố. Thì ra phái đoàn kiểm tra không chỉ có ba người mà còn kéo theo một đám đông thanh niên nam nữ trên cánh tay mỗi người có đeo một giải băng đỏ. Họ chia nhau đi lục soát từ nhà trong đến nhà ngoài. Những ngăn sách bị dỡ xuống. Những hộc tủ, những nệm giường, gậm bàn, các xó kẹt bị bới tung lên. Và các sách vở bị quăng ném bừa bãi trên khắp các mặt bàn, chồng chất lên cả lối đi. Ba Sinh cố nhắm mắt lại để khỏi phải chứng kiến cái cảnh tượng đau lòng đó. Chàng hình dung đến những bộ đồ dù, những túi dết, những đôi giày lính vứt rải rác trên dọc con đường từ Tân Sơn Nhất về cầu Trương Minh Giảng. Chàng nhớ đến vụ tự sát tập thể bằng lựu đạn của đám chiến sĩ Biệt Động Quân tại công trường giữa Ngã Bẩy, chàng gợi lại hình ảnh của những khuôn mặt đầm đìa nước mắt của những người vợ trước phút chia tay tiễn chồng đi trình diện học tập. Muôn ngàn mất mát đổ vỡ. Thế thì sự sụp đổ của cái tủ sách mà chàng chắt chiu hằng chục năm ròng âu cũng chỉ là nỗi đau thương trong muôn một. Cuộc lục soát kéo dài trong gần ba tiếng đồng hồ mới chấm dứt. Trước đó, những chuyến xe ba gác đã ùn ùn chở từng chuyến di chuyển từ căn nhà của chàng tới trụ sở của Chi đoàn Thanh niên. Dưới mặt đất, bây giờ tơi tả những trang sách, những mẫu bìa, những tấm thẻ mà Ba Sinh vẫn thường kẹp vào từng cuốn sách sau mỗi lần đọc xong và ghi chép những cảm nghĩ của mình. Đến gần khuya, lúc tất cả mọi người đã rút ra hết, anh bí thư Chi đoàn đã tiến lại gần Ba Sinh và lên tiếng:
– Sách của anh nhiều quá chúng tôi không làm thống kê kịp. Tôi chỉ ghi nhận tịch thu của anh một tủ sách. Anh có khiếu nại gì không?
Ba Sinh không ngẩng lên nhìn hắn. Chàng chỉ khẽ lắc đầu Hắn ta nói tiếp giọng vỗ về an ủi:
– Thật ra thì không phải tất cả các loại sách thu được ở đây đều có nội dung chống phá cách mạng. Cũng có nhiều cuốn nội dung tốt, như các loại sách tự điển ngoại ngữ, các sách kỹ thuật mặc dầu nếu cứ lý mà xét thì loại nào cũng có tính chất tiêu cực của nó. Ba Sinh bực bội trửng mắt lên nhìn:
– Tự điển ngoại ngữ thì tính chất tiêu cực nó từ chỗ nào?
– Hừ. Anh chưa giác ngộ, chưa thấy rõ. Trong tất cả các tự điển in dưới thời ngụy, có đầy rẫy những thí dụ sặc mùi phản động.
Ba Sinh chán mứa cái bản mặt trơ trẽn, bội bạc của hắn. Ở trong xóm này không ai lạ gì mấy tên thanh niên nhẩy ra hoạt động cho chi đoàn. Họ thuộc thành phần sinh viên học sinh ở chế độ cũ, được hưởng một nền giáo dục căn bản từ những thầy, những cô giáo, và ở những sách vở đã in. Vậy mà một sớm một chiều, họ quay ra lên án tất cả, phủ nhận tất cả, tố khổ đến ngay cả cái mớ kiến thức trong đầu do chính họ đã được xây dựng trong những năm trước đây. Ba Sinh muốn tống khứ hắn ta đi khỏi căn buồng này càng sớm càng tốt, nên chàng hỏi sẵng lại:
– Xong chưa?
Gã bí thư Chi đoàn mỉm cười, rõ ra nụ cười của một kẻ tiểu nhân đang đắc thế:
– Kể là xong, nếu anh không còn cất giấu thêm sách ở những nơi khác.
Ba Sinh muốn phun một miếng nước bọt. Chàng đứng phắt dậy và đẩy tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của hắn đi ra phía cửa. Sau đó chàng đóng kỹ cửa lại và nằm vật xuống chiếc ghế sofa kê sát tường. Căn buồng hoàn toàn chìm trong yên lặng. Bao nhiêu năm rồi, ánh đèn vẫn chỉ in bóng lủi thủi của chàng trên nếp tường vôi. Nhưng khác hẳn mọi lần, hôm nay Ba Sinh cảm thấy căn buồng trở nên rộng mênh mông và trống trải lạ thường. Như một căn nhà tan hoang sau một cơn bão tố, ở đây gần ba ngàn cuốn sách đã bị đánh văng ra khỏi vị trí êm ả thường ngày. Một vài cuốn bị xé bìa, nằm tơi tả lây lất trên lối đi. Tất cả những cuốn sách còn lại đã bị “giải” đi. Chúng nó như những linh hồn sinh động, có tiếng nói riêng, có cuộc đời riêng, và hiển nhiên đã có cùng chung với nhau một số phận. Trong mấy giờ ngắn ngủi, cuộc gắn bó giữa chàng và những cuốn sách với linh hồn sinh động ấy đã hoàn toàn chấm dứt. Căn nhà kể từ nay chỉ còn đúng nghĩa có mỗi một mình chàng. Sinh có cảm giác như vừa bị một nhát kéo cắt lìa mối dây liên lạc giữa chàng với muôn ngàn kỷ niệm trong dĩ vãng. Cho đến giờ phút này chàng mới thấm thía cuộc đời lủi thủi cô độc của mình. Ngày xưa chàng vẫn thường tự hào nói với bạn bè: “Sách là người bạn duy nhất trung thành với mình mà không bao giờ biết phản bội”. Điều đó có nghĩa là chàng tin tưởng ở sách sẽ bầu bạn với mình suốt cả cuộc đời. Sự thật tưởng là sẽ đương nhiên, nhưng có ai ngờ đến hai chữ đổi đời. Bây giờ, giống như gã mù thổi kèn dạo bị cấm đoán tất cả những bài nhạc quen thuộc, Ba Sinh cũng bị tước đoạt đến cả cái thú đọc sách và chăm sóc tủ sách cố hữu của chàng. Ngay đến cả những hiểu biết, những rung động, những nhận thức của chàng được nuôi dưỡng từ bao năm nay trong thế giới của sách bây giờ cũng bị những nỗ lực mới muốn bứng cho bật rễ lên, tiêu hủy đi để gieo trồng bằng những hạt nhân của những nhận thức mới. Trong một buổi học tập đường lối văn nghệ mới cho các giáo viên, Ba Sinh đã được nghe một cán bộ thuyết trình mạt sát các nhà văn dưới chế độ cũ đại để như: “Trong các tác phẩm của Duyên Anh, truyện “Con sáo của em tôi” là một truyện cực kỳ phản động. Hành động hai anh em đứa trẻ làm thịt con sáo nhân ngày giỗ mẹ đã đánh giá quá thấp tâm tư tình cảm của những người vô sản, bôi nhọ giai cấp vô sản một cách tinh vi và ác độc. Đó là một tác phẩm phản động nhất trong các tác phẩm của Duyên Anh”. Nhóm nhà giáo như Ba Sinh ngồi ở dưới như muốn chết lặng đi vì cung cách nhận thức và đánh giá vấn đề theo cảm quan của những người thuộc chế độ mới. Không ai còn lạ gì tác phẩm “Con sáo của em tôi”. Nó đã được tuyển chọn để giảng dạy trong các sách giáo khoa và đã được trích giảng trong hầu hết các trường trung học thuộc chế độ trước. Như thế, cứ với cung cách này thì sẽ không còn điều gì mà sẽ không bị lên án, bị kết tội phản động, và chẳng còn điều gì dính líu với chế độ cũ lại còn có lý do để tồn tại. Bài giảng về “Con sáo của em tôi” hiển nhiên đã báo hiệu trước những cơn dao động lớn lao, khốc liệt tróc gốc, tróc rễ, liên hệ tới toàn bộ cơ cấu sinh hoạt ớ miền Nam. Nó đã được phát biểu lên rất rõ ràng, đượm thêm vẻ huênh hoang, lộ liễu, chẳng cần giấu giếm quanh co. Điều đó khiến cho không ai có thể lầm lẫn hay mơ ngủ được nữa. Những ý nghĩ đó đã làm cho Ba Sinh vơi bớt được nỗi tiếc xót khi trong một sớm một chiều, cả một tủ sách quý bị xâm phạm, tiêu tan. Nhưng thay vào đó lòng chàng bỗng dâng lên một niềm đau thương khôn tả, niềm đau của kẻ mất đời sống bình dị hàng ngày, mất bạn bè, mất dĩ vãng, mất cả đất đứng của mình ngay trên phần đất của quê hương. Lưu đầy trên xứ lạ hẳn sẽ dầy rẫy những tủi nhục nhưng bị lưu đầy ngay trên tổ quốc của mình hẵn còn tủi nhục hơn. Đã bao ngày, tháng, chàng đi trong thành phố thân yêu quen thuộc này mà thấy như đi trong lòng một sa mạc hoang vu. Những ngọn cờ, những khẩu hiệu sắt máu, những bóng dáng cán bộ đồng phục tràn ngập phố phường, những khuôn mặt, những lời nói, những âm thanh của những bài nhạc chát chúa và muôn ngàn hình thức khác, tất cả đè nặng lên tâm tư người dân Sài gòn cái cảm giác của người dân trong một thành phố bị chiếm đóng, hơn thế nữa, một thành phố bị xóa lên, xóa thói quen, xóa nền nếp, xóa cảm nghĩ, xóa dĩ vãng, xóa tất cả, để chỉ thay vào đó là những mặc cảm phạm tội, những nỗi run sợ về tai họa có thể úp chụp lên gia đình mình bất cứ lúc nào trong bóng đêm khuya khoắt, và những cơn mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng, khi phải chứng kiến những cảnh tố giác, bôi nhọ, xâu xé lẫn nhau của những con người muốn tranh giành một chút đất sống trong hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó là một đám đông thầm lặng, câm nín, nhẫn nhục. Mọi người rút vào cái vỏ cá nhân yếu ớt của mình để mong được yên thân, được quên đi mặc dù chỉ là kéo dài thêm một cuộc sống đầy rẫy đắng cay và khổ nhục.
***
Rồi cũng cái đời sống đắng cay và khổ nhục ấy đã đánh văng Ba Sinh ra khỏi ngôi trường tiểu học thân thuộc mà chàng đã gắn bó ở đó từ bao năm nay. Từ một nhà giáo mẫu mực hiền hòa, nhỏ nhẹ, Ba Sinh đã biến thành một con người dầm mưa dãi nắng suốt ngày ở ngoài đường phố! Đạp xích lô, bán thuốc lá lẻ, bỏ mối bánh ngọt cho các tiệm ăn, vá ruột xe đạp ở các gốc cây đầu đường. Cho đến một hôm, tình cờ Ba Sinh ghé ngang qua cửa hàng bán sách cũ ở một khu phố gần nhà. Căn nhà trước đây là một tiệm buôn đồ điện lạnh, chủ nhà chắc đã di tản từ ngày 30 tháng 4, nên bị tiếp thu và có một gia đình khác tới cư ngụ. Mọi dấu vết cũ đã bị thay đổi, ngoại trừ cái biển hiệu treo ở trên cao thì còn giữ nguyên vị trí cũ mặc dù nó cũng bị bôi xóa bằng vài nét chổi sơn nguệch ngoạc. Bây giờ, cánh cửa sắt đã được kéo lại gần sát, chỉ vừa một lối đi. Mé bên ngoài hàng hiên được bầy biện thêm hai cái kệ gỗ lớn trên chất đầy những cuốn sách, mặt bìa quay ra ngoài để ai đi ngang qua đều nhìn thấy rõ. Chỉ cần liếc thoáng qua, Ba Sinh cũng đã nhận ra ngay những cuốn sách của các tác giả quen thuộc. Chàng xà vào như một kẻ có máu mê đỏ đen vừa nhìn thấy quân bài. Cả một dĩ vãng êm đềm cũ như chợt hiện về quây quần, chen chúc nhau trên những kệ hàng chật chội. Tên tuổi của các nhà văn xuất hiện cả ở đây, nhưng chính họ thì đã mỗi người một ngả, kẻ đã ra đi, người bị cầm tù, một số khác lang thang vất vưởng ở các vỉa hè thành phố để làm những nghề không phải là nghề, y như hoàn cảnh của chàng hiện nay. Ba Sinh nhấc lên tay một tác phẩm quen thuộc. Chàng chợt sững sờ khi nhìn thấy những dấu vết cũ. Chàng đổi nhanh qua những cuốn khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả một tủ sách của chàng, tưởng đã tiêu tan ra thành bột giấy, nào ngờ vẫn còn nguyên vẹn ở đây. Ba Sinh mừng rỡ tưởng đến ngất xỉu đi, cái cảm giác choáng ngợp y hệt như một người vừa tìm lại được người thân sau bao tháng ngày được tin kẻ đó đã mất. Bây giờ thì Ba Sinh mới chú ý đến người bán sách. Đó chỉ là một cô bé trạc tuổi mười lăm, nhìn cung cách ăn mặc, chàng đoán chắc cô ta thuộc thành phần gia đình dưới chế độ cũ. Nhưng có điều khác hơn, gia đình này phải là gia đình “cách mạng”, bởi vì nếu không, họ đã chẳng được điều vào cư ngụ trong một căn nhà đã bị tiếp thu, và nhất là lại khơi khơi bầy bán một tủ sách cũ toàn những sách được liệt kê là đồi trụy hay phản động. Thật ra hiện tượng bầy bán sách cũ ngoài hè phố đã không hiếm xẩy ra ở Sài Gòn. Trên đường Bonard, dưới mắt các thanh niên mang băng đỏ và các cán bộ công an mặc đồng phục mầu lòng tôm, dân chợ trời Sài gòn vẫn bầy sách la liệt trên các lấm ny-lon nhỏ. Đủ loại sách chống phá cách mạng. Từ cuốn “Về R” của Kim Nhật cho đến cuốn “Nước đã đến chân”, bản dịch tác phẩm chống Cộng mãnh liệt của Suzanne-Labin cũng vẫn còn bầy khơi khơi trước mắt mọi người qua lại. Tất nhiên là bất hợp pháp. Nhưng nhiệm vụ kiểm tra các loại sản phẩm văn hóa bị cấm đoán là của các toán Thông tin Văn hóa phường. Phường nào kiểm tra trong phạm vi phường đó. Những cuốn sách có nội dung ghê gớm đó, sau những màn ruồng xét gắt gao, nếu có xuất hiện trở lại trên thị trường đen thì còn ai có thể làm được điều đó ngoài chính những kẻ đã đi tịch thu!
Là nạn nhân của một cuộc ruồng xét dẫn tới sự mất mát toàn bộ tủ sách đã vun trồng từ bao nhiêu năm nay, đột nhiên nhìn lại những cuốn sách thân yêu, Ba Sinh ngạc nhiên thấy mình chỉ có một nỗi vui mừng mà không hề thấy tiếc xót. Có lẽ chàng đã coi sự mất mát là lẽ đương nhiên trong toàn thể sự mất mát chung của mọi người. Hơn thế nữa, chàng đã tưởng toàn bộ tủ sách đã tả tơi trong một xưởng làm bột giấy nào đó thì trái lại, chúng vẫn còn dược nguyên vẹn hình hài, được o bế, được bầy biện bởi một bàn tay chăm sóc gọn gàng, và hiển nhiên chúng vẫn được đóng nguyên vẹn vai trò cố hữu của mình, đó là: “Sách in ra là để được đọc”. Càng được nhiều người đọc, sách càng làm đúng chức năng của mình. Từ những ý nghĩ đó, Ba Sinh không thấy giận, không thấy hiềm thù, mà chỉ nhìn cô bé bán hàng, mỉm miệng với cô ta một nụ cười thật tươi. Cô bé hỏi:
– Chú muốn mua sách gì?
Ba Sinh lắc đầu:
-Tất cả các sách này tôi đọc hết rồi. Tôi chỉ đứng xem lại thôi.
Câu trả lời của Ba Sinh làm một người đàn ông đứng cạnh đang lúi húi chọn sách, bỗng ngẩng đầu lên. Chàng nhận ngay ra ông ta là một cán bộ miền Bắc, do ở nước da, ở khuôn mặt, ở kiểu cắt tóc, ở bộ quần áo trên người và ở cả cái túi mang ngang hông đeo quàng qua vai bằng một sợi dây da nhỏ. Đột nhiên Ba Sinh cất lời trước:
- Mua mà đọc đi anh, toàn nhưng sách hay, mai mốt sẽ không bao giờ còn nữa.
Người cán bộ nhìn Ba Sinh một giây như thăm dò, đánh giá. Rồi như yên tâm về con người hãy còn đầy chất “Ngụy” của Ba Sinh, ông ta mỉm cười:
- Tôi mới vào Nam. Nhiều thứ sách quá, không biết đâu mà chọn cả.
Sinh hăng hái:
- Tôi chọn giùm cho. Tôi bảo đảm những cuốn này tôi đã đọc qua. Cuốn nào hay, cuốn nào dở tôi biết rất rõ.
Rồi Ba Sinh nhấc ra khỏi kệ một cuốn sách của Duyên Anh: Đây là cuốn Hoa Thiên Lý, toàn truyện ngắn tình cảm quê hương, gia đình rất có giá trị. Trong cuốn sách này tôi thích nhất truyện “Con sáo của em tôi”. Truyện “Con sáo của em tôi” đã được tuyển chọn giảng dạy trong các trường của toàn miền Nam. Văn điêu luyện. Trong sáng. Mẫu mực. Tình cảm gia đình, mẹ con, anh em cực kỳ cảm động. Một truyện tiêu biểu của một nhà văn tiêu biểu ở miền Nam.
Ba Sinh nói một thôi một hồi và quả nhiên có tác dụng mạnh mẽ đến sự chọn lựa của người cán bộ. Ông ta cầm cuốn sách lên ngắm nghía, mở từng trang, tần ngần rồi cuối cùng trả giá với cô bé bán sách. Lúc ông ta đi khỏi, nghiễm nhiên Ba Sinh trở thành người quen với cô hàng sách. Cô ta nói:
– Có chú đỡ quá. Hồi trước cháu cũng đọc sách, nhưng chỉ xem toàn loại sách Tuổi Hoa thôi. Còn những loại này, có nhiều cán bộ hỏi cháu nội dung, cháu mù tịt.
Sinh hỏi:
– Cháu bán thế này, cán bộ thông tin văn hóa phường cũng để yên cho cháu hả?
Cô bé khẽ nheo một bên mắt rồi khẽ mỉm cười:
– Cán bộ phường là ai? Những sách này cũng một đường dây đó mà ra cả. Họ tịch thu mười thì chỉ cho vào giấy vụn độ hai, ba thôi chú. Những sách quý thế này sức mấy mà đốt.
Cô bé như không cần giữ lời. Câu nói của cô lọt vào tai một anh cán bộ khác lúc đó cũng đang lúi húi giở từng trang trong bộ sách biên khảo của Nguyễn Hiến Lê. Anh ta khẽ ngừng tay ngẩng lên nhìn hai người. Ba Sinh nói:
– Sách học làm người của học giả Nguyễn Hiến Lê, rất nổi tiếng đấy.
Anh cán bộ trề môi:
– Miền Bắc đã là người từ bao nhiêu năm nay rồi, dâu cần phải học làm người như dân trong chế độ cũ.
Ba Sinh thấy người giận sôi lên, chàng rất muốn chín bỏ làm mười, nhưng cũng không thể nào bỏ qua câu nói đó dược. Chàng cười khẩy:
– Người cũng năm bẩy loại người anh ơi… nói cho biết, học được thành người như chúng tôi cũng còn mệt lắm đó.
Anh cán bộ nhìn sững vào Ba Sinh. Đôi mắt của anh ta ngầu lên những tia giận dữ. Cô bé bán hàng thấy bầu không khí có vẻ gay go, vội vàng dàn hòa:
– Chú không thấy thích loại sách đó thì thôi. Còn nhiều loại khác. Có bộ kiếm hiệp của Kim Dung đây này. Nhiều người hỏi mua lắm đó chú.
Anh cán bộ nhún vai:
– Đọc làm gì những thứ kiếm hiệp nhảm nhí. Cô có sách của Lệ Hằng không? Nghe nói Lệ Hằng đọc được.
Chỉ một suýt nữa thì Ba Sinh phá lên cười. Sự thích thú chợt đến làm chàng quên ngay cơn giận dữ vừa rồi. Chàng lựa ngay trên kệ sách độ ba, bốn tác phẩm của Lệ Hằng. Rồi chàng bắt đầu thao thao giới thiệu về nhà văn nữ này, như một đợt sóng mới ở miền Nam, mặc dù trong thâm tâm, một số sách của Lệ Hằng đối với chàng chỉ là những tác phầm làng nhàng. Cuối cùng thì Ba Sinh cũng bán giùm cho cô bé được cuốn “Bản Tango cuối cùng”. Cho đến lúc đó Ba Sinh mới chợt phát hiện ra rằng mình vừa bắn đi hai phát đạn văn hóa vào hàng ngũ bên kia một cách dễ dàng. Những cuốn sách sẽ được lén lút mang về miền Bắc. Chúng nó sẽ được chuyền tay từ người này sang người khác… chúng nó sẽ có cơ hội đóng trọn thiên chức của mình. Sách hay phải có người đọc. Sách hay, nằm mốc trong một tủ sách là sách chết. Những cuốn sách của Ba Sinh, sau một cơn tàn phá, không những chúng không chết mà lại còn hồi sinh một cách mạnh mẽ. Mỗi cuốn có một sứ mạng. Mỗi cuốn có một môi trường riêng. Ở trường học, ở nông trường, ở xí nghiệp, ở các công xưởng. Rõ ràng một mặt trận văn hóa đã hình thành với những viên đạn bất tử đang được bắn ra. Dù nằm trong lao tù hay các trại cải tạo thì Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Phan Nhật Nam và hằng chục cây bút khác vẫn còn tiếp tục sứ mạng của mình. Cuộc chiến đấu tuy thầm lặng nhưng hữu hiệu hơn nhiều so với những trận đánh bằng xe tăng hay bom đạn trước đây. Những trận đánh mà mục tiêu là những trái tim, những tâm hồn. Ba Sinh không phải là người cầm bút, nhưng chàng vẫn có thể tham dự trận đánh cuối cùng này bằng vốn liếng đọc sách của mình. Trong bầu không khí sinh hoạt ngột ngạt, đầy dẫy những nỗi tủi nhục, chán chường, bỗng Ba Sinh chợt tìm thấy ý nghĩa của một hành động, điều đó khiến cho chàng vui vẻ hẳn lên, như một cây khô vừa được tưới một gáo nước mát. Chàng bật lên cười thích thú và nhìn cô bé mỉm cười. Cô bé cũng đang tràn ngập niềm vui vì vừa bán được hai cuốn sách với giá hời. Cô ta nói:
– Chú “thuyết trình” hay quá. Chú có rảnh không? Thỉnh thoảng chú tới đây giúp cháu với nhé.
Ba Sinh trả lời:
– Chú sẽ tới, chú sẽ giúp cháu bán hết tất cả kệ sách này.
Cô bé reo lên:
– Cháu cám ơn chú rất nhiều.
Trong cái âm thanh trong trẻo của giọng nói cô bé mười lăm. Ba Sinh cũng tìm thấy một niềm vui cho chính mình. Chàng tự nhủ: “ Chính chú phải cám ơn cháu, vì cháu đã cho chú cơ hội tham dự trận đánh cuối cùng, ngay trong lòng đất của bên thắng cuộc”.
Santa Ana, tháng 8, 1981.
Nhật Tiến
Nguồn: Website Nhà Văn Nhật Tiến