1/ Nhiều người, khi nghe nói đến hai chữ Niết bàn thì nghĩ ngay rằng đó là một cõi, chỉ đạt tới sau một quá trình tu hành lâu dài. Cõi đó con người chỉ tới được, trải nghiệm được sau khi chết. Niết bàn đạt tới sau khi chết này sách vở nhà Phật gọi là vô dư niết bàn. Vô dư niết bàn thì không thể nghĩ bàn được. Bởi lẽ không có mấy ai chết được vào niết bàn rồi sống trở lại mà mô tả niết bàn. Và cho dù có người chết đi sống lại mà kể chi tiết vào niết bàn thấy gì thì cũng không hẳn mọi người tin. Rành mạch tới đâu cũng không mấy ai cảm thấu, và dễ dàng coi là hoang tưởng. Tương tự như con cá chỉ sống dưới nước nghe con rùa là loài lưỡng thê vừa sống trong nước vừa sống trên đất, tả đời sống trên mặt đất thì biết vậy nhưng không mường tượng nổi. Chưa kể rằng còn có thể bắt bẻ, một cách dung tục. Nhưng mà nói chung người ta nghĩ rằng tại niết bàn là huy hoàng vĩnh cửu hạnh phúc tuyệt đối. Nói khác đi, vô dư niết bàn tương tự như thiên đường, nước Trời, nước Chúa, hiện hữu là do lòng tin. Còn hỏi hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt đối như thế nào thì không ai nói được.
Xét về mặt ngôn ngữ thì Niết bàn, phiên âm theo tiếng nam Phạn, là nibbana, theo tiếng bắc Phạn là nirvana. Ni nghĩa là không, vana là tham dục. Hiểu như thế, thì Niết bàn không phải là một cõi, một nơi chốn, mà là một tâm thái do chấm dứt tham dục mà có. Khi chấm dứt tham dục, tức là không bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi cảm quan, bởi giáo dục, bởi bị điều kiện hóa do hoàn cảnh sống, thì niết bàn có ngay tại thế gian, trong cuộc sống này. Có tác giả bút danh Nhi Bất Nhược đã viết “Niết bàn đạt tới ngay tại thế gian khi không sở cầu, không so chiếu, chẳng vơ vào, chẳng chấp trước, không nuối tiếc quá khứ, không ngưỡng vọng tương lai, không hận thù ghen ghét, đố kỵ, không si mê, không nghĩ thiện không nghĩ ác, không nghĩ rủi may thành bại. Không để cho ký ức, kinh nghiệm khống chế”. Mô tả như vậy thoáng nghe thì cũng thuận tai nhiều người nhưng không phải thuận tai mọi người, bởi lẽ không phải ai cũng cùng có một quan niệm thế nào là hạnh phúc. Nói chung thì người thường ai cũng cho rằng kiếm được nhiều tiền là hạnh phúc, còn người tu thì có được chùa to tượng lớn đệ tử đông đầy là vui vân vân.
Niết bàn tại thế gian này trong sách vở Phật giáo gọi là hữu dư niết bàn. Khác với Niết bàn sau khi chết, tức là vô dư niết bàn. Hữu dư niết bàn được nói đến trong mấy câu kệ sau:
Phật pháp tại thế gian (Phật pháp ở ngay tại thế gian)
Bất ly thế gian giác (Không phải rời thế gian mà hiểu)
Ly thế nhập niết bàn (Rời thế gian để mà nhập Niết bàn)
Tức như tầm thố giác (Cũng như đi tìm sừng con thỏ)
Ý của mấy câu kệ trên cũng đã được viết ra bởi giáo sư thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki và dịch bởi Trúc Thiên ở trang 91 Thiền luận tập thượng rằng: “Nội dung của sự giác ngộ, Phật giảng là Pháp (dharma), cần phải trực nhận, tự mình thể nghiệm lấy (ehipassika), và trí giả phải tự ngộ lấy cho chính mình”. Vì nệ theo sách vở cho nên tác giả đã viết “nội dung của sự giác ngộ là Pháp” thực là khó hiểu. Giải thích dễ hiểu hơn thì chỉ cần nói đơn giản là “giác ngộ tức là thấy ra và hiểu được Pháp (dharma) ngay tại cuộc đời này”. Như thế người nghe chỉ cần hiểu nghĩa chữ Pháp là gì? Để nếu muốn, thì sẽ không mấy khó khăn truy cứu ra được rằng “Pháp là các sự kiện và/hay là các quy luật/nguyên lý vận hành của vũ trụ và con người.” Thí dụ về sự kiện là như: con vịt cổ ngắn, con ngỗng cổ dài. Chim chích bay loanh quanh dưới đất, chim hồng chim hộc bay cao trên trời. Con cá sống dưới nước vân vân… Thí dụ về quy luật/ nguyên lý vận hành của vũ trụ và con người thì như: một năm có 4 mùa xuân hạ thu đông. Giống đực thì tìm giống cái. Có sinh thì có tử. Trái soài mọc lên cây soài. Tất cả những sự kiện cũng như nguyên lý vận hành này tự thân không có gì là xấu tốt hay phải trái, mà Bát nhã ba la mật đa tâm kinh đã nói rõ là “thị chư Pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh”. Nhưng con người đã tùy tiện cho các sự kiện và nguyên lý vận hành xã hội tính cách xấu tốt, phải trái. Thí dụ con khỉ là xấu (xấu như khỉ), con bò, con lợn là ngu… ( ngu như bò, ngu như lợn). Thí dụ chuyện giống đực tìm giống cái là một cái gì đặc biệt, là một vấn đề nhậy cảm (!) với tất cả những hệ quả khác nhau, bi hài. Như chữ trinh đáng giá ngàn vàng bên Tầu thời cổ và còn đáng giá bằng cả mạng người trong nhiều cộng đồng Hồi giáo bây giờ. Nhưng chẳng là gì ở một sắc tộc người Na sống ở Tứ Xuyên và Vân Nam gần Tây Tạng mà người con gái đến tuổi dậy thì có thể ngồi trên lầu tha hồ chọn một hay nhiều người nam qua đường trèo lên lầu ăn nằm, rồi con cái đẻ ra thì giữ lấy nuôi dưỡng, không cần biết đến người đối tác nam nào là cha và người cha không có trách nhiệm gì nuôi nấng những con cái đó. Người cha chỉ có trách nhiệm trong gia đình mình đã được sinh ra, phụng dưỡng bà hay mẹ hay chị của mình. Hoặc là trong xã hội theo văn minh Do Thái Thiên Chúa giáo Hollywood tư bản hiện tại, mà tính giá một cuộc nam nữ gần gạnh thì có thể là tùy hứng không mất gì, hay đổi thay từ vài ly rượu với bữa cơm dưới ánh đèn mờ hoặc một số đô la có thể trả giá cò kè từ vài chục vài trăm cho đến vài trăm ngàn như mới thấy đây trên báo chi thời đại Donald Trump. Thí dụ như các tài tử Hollywood hay là Diana vợ thái tử Charles Anh quốc, hoang đàng đĩ điếm nhưng vẫn được nhiều người hâm mộ, ca tụng.
Tất cả chỉ vì cái ý thức không giống nhau nơi con người lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau. Mà ý thức thì theo kinh sách nhà Phật được được hình thành theo một tiến trình tổng quát 4 bước. Tiến trình này không chính xác chi tiết như trong thần kinh học hay y học hiện đại nhưng kể là khá tương đồng. Bốn bước này là thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là chỉ sự kích động từ ngoài nhận được qua ngũ quan nhìn, nghe, nếm, sờ (thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác), mà sinh ra những luồng thần kinh đi lên óc. Trong óc, những luồng thần kinh được nhận định phân tích đánh giá xếp loại qua những giai đoạn mà trong nhà Phật gọi là tưởng- hành- thức. Tạm lấy một ví dụ thô sơ dễ hiểu là trường hợp quả mít. Hình dạng quả mít hay quả sầu riêng, mầu sắc, gai, nhựa, mùi, vị… vân vân của chúng nhận được từ ngũ quan, truyền lên óc và so chiếu với những ấn tượng đã có và xếp loại sẽ làm cho một đứa bé ở vùng nhiệt đới có mít, biết đó là mít (hay sầu riêng) và tưởng đến vị ngọt mùi thơm và muốn ăn. Ngược lại ở vùng ôn đới hay hàn đới không có mít thì từ bé đến lớn không thấy, cho nên người Tây phương ngửi mùi mít hay mùi sầu riêng thì ghê sợ muốn tránh. Những ví dụ tương tự có thể thấy trong trường hợp fromage Roquefort của Pháp, blue cheese của Mỹ, mắm nêm, mắm thái miền Nam, mắm tôm miền Bắc.
Tóm tắt thì cái thức (hay ý thức) này không giống nhau đối với cùng một sự kiện hay một nguyên lý vận hành vũ trụ và con người, qua những ví dụ đã nêu ra ở trên về quả mít, quả sầu riêng, về con người, con thú… Thành ra mọi đánh giá xấu tốt (về một đối tượng hay sự kiện) đều có tính chủ quan, tùy tiện, theo những tiêu chuẩn tùy thuộc từng giống người, từng cá nhân, từng không gian, thời gian mà thay đổi. Hiện tượng so sánh, đánh giá chủ quan này là rất phổ quát trong đời ai cũng biết. Như trong câu tục ngữ “Lươn ngắn mà chê trạch dài, Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”.
2/ Tóm lại, vài thí dụ thô sơ kể trên đủ cho thấy rằng dưới góc nhìn nhà Phật, Pháp là không xấu không tốt. Nhưng mà vì vô minh nên con người đã nhìn nó một cách quyết liệt xấu tốt. Tại sao lại nói là vô minh. Tại vì con người ta đã đươc giáo dục, được điều kiện hóa để thấy như thế từ khi chào đời. Đứa bé lọt lòng mẹ phản ứng theo bản chất di truyền của nó (genotype) do các nhân di truyền quyết định. Thí dụ như nhanh nhậy, hay chậm chạp, tóc đen hay tóc vàng hay tóc đỏ vân vân với những đòi hỏi sinh học đơn sơ: đói thì khóc đòi ăn, mệt thì nằm yên để ngủ. Đứa bé có thể bú sữa mẹ hay sữa bò. Mới sinh ra, đứa bé chưa biết bố, mẹ. Chỉ nhận ra bố mẹ sau khi được bố mẹ trông nom săn sóc một thời gian. Một đứa bé sơ sinh bất kể chủng tộc nào mà cha mẹ là người Mỹ sẽ nói tiếng Mỹ, Cha mẹ người Việt sẽ nói tiếng Việt. Tức là được điều kiện hóa để ăn uống, phản ứng như thế. Con người được điều kiện hóa như vậy là con người hiện thực (phenotype) là cái mà người ta cho là cái Ngã, cái Tôi. Con người hiện thực này thay đổi với thời gian và không gian. Thực vậy, một người nhập cư ở Mỹ sau một thời gian dài ở Mỹ hành xử khác lúc mới tới Mỹ. Trong cùng một mạch suy nghĩ như thế thì hiểu rằng cũng một người mà lúc trẻ suy nghĩ khác, về già suy nghĩ khác.
Nhìn toàn diện và triệt để như vậy thì thấy được rằng những giá trị xấu tốt do con người định là thay đổi dù biết hay không, dù muốn hay không. Không hiểu như thế mà cứ bám chặt vào một số những đặc điểm ở một giai đoạn, ở một hoàn cảnh, của con người hiện thực để mà hành xử thì sẽ khiến tạo nên những va chạm, mâu thuẫn nội tâm cũng như ngoại giới, sinh ra khổ não miên viễn. Hiểu Pháp như thế, thì tức là giác ngộ. Và giác ngộ như thể thì thân được yên, tâm được vui (thân tâm an lạc), Là đạt Niết bàn. Và không cần phải có lời khuyên kiểu như “chấm dứt tham dục” mà tiếng nhà Phật gọi là giới.
Những dữ kiện trên đã được trình bầy một cách thuần lý. Với tinh thần rằng nhìn vấn đề như vậy thì có thể quyết định, chọn lựa đơn giản. Nhưng không dễ dàng, vì ngoài cái ý thức như vậy, con người còn bị ràng buộc bởi ngũ uẩn do năm giác quan đem tới (nhìn nghe nếm ngửi sờ/thị giác, khứu giác, tỵ giác, vị giác, xúc giác). Thi hành được hiểu biết này, đối với tuyệt đại đa số con người, chỉ là từng thời khoảng, dài ngắn khác nhau. Niết bàn – tức là cái tâm thái an lạc – chỉ đến với con người trong những khoảnh khắc này, ngay trong cuộc đời đang sống. Thực tế thi hành tối hảo chỉ là: “Suy nghĩ triệt để, hành động dung dị”.
Đến đây thì có thể hiểu tại sao trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo (Sống ở đời vui với đạo), sáng tổ giòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam là vua Trần Nhân Tông viết: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc san hề khốn tắc miên”, nghĩa là “Sống ở đời tùy hoàn cảnh mà vui với đạo, Đói thì ăn, mệt thì ngủ”. Câu viết vắn tắt, nhưng vô cùng thâm thúy. Tất cả là tùy hoàn cảnh, và tất cả tùy cái tâm, như đã có thể thoáng thấy qua những dữ kiện dẫn chứng ở trên.
Trần Thiên Ân
(Ngày 15 tháng 9/2020)